04/06/2021 11:39 View: 3134

Truyện ma: Nghiệp chướng (Tập 37)

Một tuần sau khi mà ông Hải đang ngủ trưa thì đột nhiên ông giật mình bừng tỉnh. Mồ hôi chảy ra như tắm, gương mặt ông Hải không giấu nổi nỗi lo sợ.

nghiep chuong tap 37, truyen ma nghiep chuong truong le

Sau cái hôm xảy ra chuyện ở tiệm vải thì vợ chồng ông Hải cũng đóng tạm cửa tiệm mấy hôm. Phần vì không có người trông coi, phần vì ông Hải cũng muốn để mọi chuyện lắng xuống. Nhưng trưa nay trong giấc ngủ ông vừa mơ thấy một chuyện đáng sợ, đã một tuần trôi qua hai vợ chồng ông vẫn chưa thể làm hòa.

Ông Hải rất tức giận, nhưng vợ mới đẻ xong lại còn đang phải chăm con nhỏ nên ông im lặng không muốn gia đình bị xáo trộn thêm. Bà Hoài đi ra phòng khách thấy chồng định quay lại thì ông Hải nói:

- Bà ngồi xuống đây tôi nói chuyện, phải thẳng thắn với nhau một lần. Không thể để như thế này mãi được.

Bà Hoài cau mặt không mấy vui vẻ nhưng vẫn ngồi xuống ghế hỏi:

- Ông có gì thì cứ nói đi.

Ông Hải khẽ lắc đầu:

- Chúng ta nên đi tìm cô Điệp để nói lời xin lỗi.

Bà Hoài ngay lập tức nổi khùng:

- Xin lỗi, giờ ông bắt tôi phải đi xin lỗi cái con mà có ý định dụ dỗ ông phải không..? Hay là ông vẫn giữ cái ý định đó, được, ông giỏi lắm…. Vậy ông đi đi, ông đi mà rước nó về đây làm bà hai như ý định của ông đi. Tôi sẽ bế các con ra khỏi nhà ngay lập tức.

Ông Hải cúi mặt đáp:

- Đúng là lỗi này cũng là do tôi, nhưng tôi dám thề tôi với Điệp không có chuyện gì cả. Tôi cũng đã nói với bà rồi còn gì, tôi muốn Điệp về đây làm bà hai, nhưng Điệp không hề chấp nhận, bởi vì Điệp nghĩ đến bà. Điệp nói chị Hoài là người đã cưu mang cho em có ngày hôm nay, em biết tính chị Hoài sẽ không chấp nhận chuyện này. Chưa bao giờ Điệp đồng ý với tôi cả….

Bà Hoài gầm lên:

- Đúng, nó không đồng ý vì nó không muốn làm vợ hai, nó muốn thay tôi làm chủ cái nhà này. Còn ông nữa, tôi đã biết cái ý định của ông từ lâu rồi. Nhìn ánh mắt, cử chỉ của hai người là tôi thừa biết ông ham muốn nó như thế nào rồi. Bản chất ngụy quân tử, luôn tỏ ra đạo mạo, sống lương thiện của ông khiến ông không dám rước nó về đây, còn nếu không chắc các người đã làm đủ trò đồi bại rồi.

Ông Hải đấm mạnh xuống bàn quát lớn:

- Bà im đi, đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình. Tôi cũng không phủ nhận là tôi yêu Điệp, nhưng đúng như bà nói, chính vì tôi sống có tình nên khi Điệp phân tích cho tôi từng chút một tôi mới thấy yêu thương bà hơn. Nghĩ cảnh vợ chồng cưới nhau khi nhà còn dột nát, gạo bữa có bữa không..?

Chính vì vậy mà tôi không rước cô ấy về đây, bà có thể chửi tôi là loại đàn ông khốn nạn nhưng đừng nói Điệp như thế, bởi cô ấy lúc nào cũng nghĩ tốt cho bà, lo lắng cho bà từng chút một. Để rồi cuối cùng bà đánh đập, bà xua đuổi người ta như một con hủi. Bà nhìn bà xem, bà có còn là người vợ ngày xưa của tôi hay không..? Mấy năm nay ngoài chỉ biết đến tiền bạc bà có biết quan tâm đến chồng hay không..? Nhớ lại xem ngoài việc hỏi xem hàng hóa thế nào, tiền nong ra sao hai năm nay bà đã tự chọn vải để may cho tôi một bộ quần áo bao giờ chưa…? Hả..? Nói đi…!!?

Bà Hoài đứng lặng câm không nói được câu nào, bởi những lời ông Hải vừa nói hoàn toàn đúng. Dù rất giận chồng nhưng thời ấy đàn ông cưới hai ba vợ không phải chuyện hiếm. Hơn nữa lúc này ông Hải còn là người giàu có, biết vậy nhưng đàn bà mấy ai chấp nhận được chuyện chung chồng. Nhất lại là một người tính toán có phần ích kỷ như bà Hoài. Vậy nên mỗi lần nghe người ngoài đồn đại chồng bà chán vợ, tòm tem với cô Điệp là bà Hoài không thể giữ nổi bình tĩnh. Một tuần nay tuy vẫn còn giận dữ sau những lời nói của chồng nhưng bà Hoài cũng đã nhận ra một điều:

“ Vắng cô Điệp mọi chuyện đang bắt đầu không suôn sẻ.”

Là một người đàn bà có đầu óc, lại sống với chồng nhiều năm nay nên bà Hoài biết nếu như ông Hải mà vẫn còn lưu luyến cô Điệp thì kiểu gì ông Hải cũng đi tìm, già néo thì đứt dây. Đến lúc đó chưa biết chừng cái danh phận vợ cả cũng chẳng còn, hơn nữa mọi chuyện bà Hoài mới chỉ nghe được từ miệng mụ Tằm, chưa có gì chứng minh hai người có ngủ với nhau.

Chuyện đó cũng khiến cho bà Hoài mấy hôm nay ăn không ngon, ngủ không yên. Công việc thì đình trệ, mấy tiệm vải trên huyện, trên tỉnh mấy ngày qua báo về cũng không buôn bán gì được. Nay thấy chồng quá gay gắt nên bà Hoài đành chấp nhận chịu xuống nước, im lặng hồi lâu bà Hoài khẽ nói :

- Vậy….vậy giờ ông muốn tôi...phải làm sao..?

Ông Hải nghe vợ nói thế thì vội vàng đáp:

- Đi tìm cô ấy để xin lỗi, chúng ta đều là chỗ thân quen. Bà nghĩ lại xem, vợ chồng mình có ngày hôm nay cũng là nhờ có cô ấy lo toan. Lẽ ra bà phải là người hiểu cô ấy nhất, chị em hai người đã chẳng phải từng chia đôi cả củ khoai lúc đói hay sao. Bà nhớ lại xem, ngày mới mở sạp vải ngoài chợ, chúng nó mỉa mai bà chẳng phải chỉ có mỗi Điệp đứng lên bênh bà, nói lại bọn nó hay sao..? Rồi chính miệng bà cũng nói coi Điệp như em gái. Nói thật tôi đã từng nghĩ đón Điệp về đây sống chung bà sẽ đồng ý, ai ngờ….

Những lời ông Hải nói khiến cho bà Hoài tỉnh ngộ, bỗng dưng bà Hoài nhận thấy những việc mình làm là sai trái, đúng vậy, ngày mới mở sạp vải hai chị em phải đi bộ gánh hàng về, trên đường đi đói mà không có tiền ăn cơm, có củ khoai lang cũng bẻ đôi chia nhau ăn để đi đường. Rồi nữa, miệng đời chê bai bà Hoài biết gì mà buôn bán, cũng chính cô Điệp đã chứng minh cho bọn họ thấy bà Hoài làm được. Những ký ức cái ngày còn khó khăn cứ thế ùa về, chính cô Điệp đã dạy bà Hoài từng thứ, từng thứ một. Ngồi lặng im, nước mắt bà Hoài bỗng rơi xuống như một lời xin lỗi muộn màng. Bà Hoài nức nở:

- Tôi, tôi xin lỗi…. Tôi biết sai rồi, ông nói đúng….

Vậy...vậy….tôi với ông đi tìm cô ấy…... Tôi có địa chỉ của người thân cô ấy ngoài này, hình như là dì hay thím thì phải. Chắc là Điệp nó về đấy thôi, trong Nam đâu còn người thân nào nữa, bố mẹ chết cả rồi.

Ông Hải mừng rỡ khi thấy vợ hiểu ra, ông đáp:

- Đấy, đây mới là bà vợ của tôi ngày xưa chứ. Nhưng bà hiện giờ đi ra ngoài không tiện, rồi còn con cái nheo nhóc. Bà cứ ở nhà đi, đưa địa chỉ tôi sẽ đi tìm, có phải nhà người thân cô ấy chính là ở gần cái chợ đầu mối buôn vải phải không..? Để tôi đi, nửa ngày là đến. Tôi sẽ nói hết với Điệp, chắc chắn cô ấy cũng không giận bà đâu…. Rồi sau này nhà mình sẽ lại như xưa.

Bà Hoài lau nước mắt đứng dậy nói:

- Ông đưa cô ấy về đây, chính tay tôi sẽ rước Điệp về nhà. Như thế cũng là chiều theo ý ông, mà tôi cũng thấy thanh thản với những chuyện mình đã làm. Tôi nghĩ thông suốt rồi, cùng là phận đàn bà, cô Điệp lại hoàn cảnh khó khăn, cô ấy giúp nhà ta như thế thì âu cũng là duyên số.

Ông Hải ôm chầm lấy vợ:

- Phải chi bà suy nghĩ được như vậy sớm hơn, cảm ơn bà…. Bà yên tâm, từ trước tới nay tôi vẫn nhớ những ngày vợ chồng mình thuở cơ hàn, dù có thêm ai thì bà vẫn mãi là người vợ tuyệt vời nhất.

Hai vợ chồng bà Hoài cùng lau nước mắt, bà Hoài viết địa chỉ nhà người thân cô Điệp ra giấy rồi đưa cho ông Hải:

- Đây, ông đi luôn đi cho sớm…. Nhớ là phải đưa được Điệp nó về đây đấy nhé.

Cái Tươi đứng ở sát mép cửa nghe chuyện nãy giờ, Tươi cũng rất quý chị Điệp.

Cái hôm mà cả ông Hải lẫn bà Hoài đi về nhà trông khuôn mặt ai cũng tức giận. Hai ông bà chủ cãi chửi nhau cả ngày hôm đó. Tươi nghe cũng biết sự việc xảy ra như thế nào, mấy hôm nay đi chợ mọi người cũng đồn đại không ngớt về chuyện của chị Điệp với ông bà chủ. Hôm nay thấy bà Hoài tỉnh ngộ, nhận sai đồng ý chấp nhận chị Điệp khiến Tươi cũng vui lắm. Chưa cần ai bảo, Tươi đã chạy ra ngoài sân mở cổng sẵn đợi ông Hải đi ra để lên đường tìm chị Điệp. Ông Hải dắt xe ra Tươi còn lý nhí nói:

- Ông chủ, ông chủ nhớ đưa chị Điệp quay về đây nhé.

Ông Hải mỉm cười đáp lại:

- Ừ, yên tâm nhé, thôi đóng cửa lại rồi ở nhà nhớ trông mấy đứa nhỏ cẩn thận nhé.

Ông Hải lên xe đi khỏi nhà, buổi chiều hôm ấy bà Hoài cảm thấy nóng ruột mặc dù biết ông Hải đi đường vẫn chưa thể tới nơi. Nhưng nghĩ lại thì bà Hoài cảm thấy gần đây đầu óc mụ mị, ai nói gì cũng nghe, chính bởi vậy mà hôm đó mới nghe mụ Tằm nói mấy câu là bà Hoài đã cả giận mất khôn rồi. Gọi Tươi bà Hoài nói:

- Tươi trông nhà cho chị, chị đi sang bên này có chút việc.

Tươi đáp:

- Bà chủ đi đâu vậy ạ..?

Bà Hoài chỉ sang bên kia đường rồi tiếp:

- Chị sang bên nhà con mụ Tằm, hỏi xem có đúng là nó nhìn thấy không, hay là nó đơm chuyện bịa đặt.

Tươi vâng dạ rồi ở nhà trông coi bọn trẻ, cậu lớn thì đang chơi bóng ngoài phòng khách, còn hai đứa nhỏ hơn thì nằm ở trong buồng. Bà Hoài đi sang bên nhà mụ Tằm, thấy có hai cái xe đạp dựng ở sân, mà cổng thì không đóng. Nhìn hai cái xe đạp bà Hoài cũng biết là xe của mấy người hay tám chuyện với mình, tuần trước họ còn cùng bà Hoài đi đánh ghen.

Bước vào trong sân chưa kịp cất lời gọi thì bà Hoài nghe thấy cả đám ba người đang nói chuyện rồi cười ầm ỹ với nhau. Không biết họ nói chuyện gì, bà Hoài khẽ tiến lại gần bức vách nơi có cửa sổ rồi im lặng đứng đó nghe ngóng, giọng mụ Tằm phát ra:

- Đấy, tôi đã bảo rồi mà…. Cái loại đấy nó ghen lắm, chỉ cần mỗi người đế vào một câu là nó điên dại luôn. Giờ đóng cửa tiệm cả tuần nay rồi, có buôn bán được gì đâu.

Một người khác hỏi:

- Mà hôm đấy cô nhìn thấy chúng nó hủ hóa với nhau thật à..?

Mụ Tằm cười như nắc nẻ 

- Nhìn vào đâu mà thấy, tôi là tôi chỉ thấy con kia đi mua thức ăn về cho ông Hải này ăn, trưa nào chẳng ăn cơm với nhau ở tiệm vải. Mà gớm, cô nam quả nữ ở chung với nhau như thế kiểu gì chẳng có tí mắm tí mẻ. Tôi về tôi cứ nói thế, đúng thì đúng mà kiểu gì chẳng đúng. Thế mà không ngờ bà Hoài lồng lộn nên đòi đi đánh ghen, thế nên tôi mới chạy sang rủ hai bà đi cùng đó. Xem cho vui, có tí tiền kênh kiệu lắm, thế cho bõ ghét.

Người còn lại thở dài:

- Thôi chết, làm thế phải tội chết. Nghĩ lại tôi còn thấy mình sai, xé quần xé áo người ta trước bao nhiêu người. Nhưng khổ chị Hoài chị ấy cho mượn tiền nong lúc khó khăn, nghĩ bụng chị ấy bị cướp chồng như thế nên tôi mới làm vậy. Ai dè, cô ác quá đấy cô Tằm ạ.

Bà Tằm vừa nói vừa cười:

- Ơ kìa, hôm đấy cũng là hai chị đánh nó nhiều chứ tôi đánh mấy đâu. Cũng không phải tôi bực tức gì bà Hoài hay con đấy đâu. Thằng chồng tôi đây này, thằng khốn nạn ấy nó về nhà cứ lúc nào cũng cô Điệp ở tiệm vải nhà Hải đẹp thế, đúng là gái Nam ăn nói đã khéo lại còn dịu dàng. Xong nó cứ lôi tôi ra so sánh, một hôm tôi nhìn thấy nó vào tiệm vải mua thì không mua nhưng cứ tán tỉnh con kia nên tôi ghét. Mà chắc chẳng riêng chồng tôi đâu, đàn ông cái làng này có thằng nào mà không thèm nó đến chảy cả dãi, chẳng qua chúng nó sợ nhà ông Hải nên không dám bén mảng thôi. Nó đi khỏi cái đất này là đúng ý trời rồi, các chị phải cảm ơn tôi mới đúng chứ.

Hai người kia chép miệng, thở dài, có lẽ họ cũng đã nhận ra lỗi sai của mình. Bà Hoài đứng ngoài nghe hết câu chuyện, bà Hoài giận tím mặt, nhưng nếu bây giờ mà chửi bới ầm om lên thì càng nhục, cách duy nhất bây giờ là tìm cô Điệp về để cho chúng nó thấy tình cảm của gia đình bà Hoài vẫn rất tốt đẹp.

Bà Hoài nuốt cơn giận bỏ về nhà, về đến trước cổng thì bà Hoài lại thấy một người phụ nữ ăn mặc rách rưới, nhìn phía sau bà Hoài chỉ nghĩ đó là ăn xin, từ ngày ông Hải phát gạo đến nay, cứ thi thoảng lại có ăn xin đến xin gạo, xin tiền. Bà Hoài gọi từ đằng sau:

- Này, này…. Đứng xa xa ra không chó nó cắn đấy, cổng nhà tôi chưa có đóng đâu.

Người phụ nữ kia quay mặt lại nhưng cô ta không nói gì

Cô ta lùi ra khỏi cánh cổng, hai tay ôm bọc vải như đang ẵm con, không chỉ vậy lần này cô ta còn dắt theo một cậu nhóc nữa, nhìn cậu nhóc gầy gò, đen đủi chân tay lở loét đứng run rẩy, tay nó nắm lấy tay người phụ nữ rồi cả hai cứ thế đứng nhìn vào bên trong nhà. Bà Hoài khẽ mở cổng đi vào rồi đứng từ trong hỏi ra:

- Đến xin gạo phải không..? Đứng im đấy đợi tôi, để tôi gọi con sen ra nó đưa cho.

Lúc này đứng đối diện bà Hoài mới nhận ra đây chính là người phụ nữ lần trước ẵm con đến đây nhưng cho gạo không lấy. Chính là người phụ nữ mà cậu con trai của bà nói người này đang ẵm cái Thanh ( con gái nhỏ của bà Hoài ). Bà Hoài ngờ ngợ nhưng nhìn mấy mẹ con ghê quá nên cũng chỉ muốn đuổi đi cho nhanh. Bà Hoài đi vội vào trong nhà gọi Tươi:

- Tươi ơi, Tươi đong mấy ống gạo cho vào túi rồi đem ra cổng cho ăn xin đi kìa. Để em đấy chị trông cho.

Tươi vâng dạ rồi chạy ra ngoài xem, chạy ra đến cổng Tươi nói vổng vào bên trong:

- Ngoài này làm gì có ai đâu hả bà chủ..?

Bà Hoài đang bực nên gắt:

- Tao vừa thấy ba mẹ con nhà ăn xin, mẹ nó một tay ẵm con, một tay dắt thằng nhóc gầy gòm, ghẻ lở đứng ngay trước cổng mà lại. Vừa mới đi vào tao quay ra nhìn hãy còn đứng đó.

Tươi mở cổng nhìn ra bên ngoài, lúc này mới chỉ là 5h chiều, trời hãy còn sáng… Ngó nghiêng một lúc Tươi không thấy ai cả, mà khi bà chủ gọi Tươi chạy ra cổng ngay, nếu có người thì Tươi phải nhìn thấy chứ.

Thây kệ, Tươi cũng không dám cãi, đóng cổng Tươi đi ra sân sau nhà chuẩn bị cơm nước. Nhưng Tươi vừa đi khỏi thì phía trước cổng ba mẹ con nhà kia lại đang đứng đó thù lù từ bao giờ.

“ Đúng nhà này không con…?”

“ Dạ đúng…. đúng nhà này rồi...mẹ ơi…”

--------------------------------

Đọc tiếp phần 38: Chị ơi, em đã chết rồi

Đọc trọn bộ: NGHIỆP CHƯỚNG - TRƯỜNG LÊ

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê

Ma