Anh chồng lặng im suy nghĩ một hồi rồi trả lời :
-- Dạ thưa thầy, hình như là không có…..
Thầy Lương nói tiếp :
-- Để tôi cho cậu khoảng thời gian, tầm 1 tháng đến 1 tháng rưỡi trở lại đây trong làng có ai chết không..?
Cố gắng nhớ kỹ lại một lần nữa, một lúc sau, anh này ồ lên rồi vội vàng đáp :
-- Có….có thầy ạ...Nếu là hơn 1 tháng trước thì có. Ôi trời, thế mà con không nhớ ra. Có đám ma của cụ Kình, bố của ông Phương, cán bộ xã nhà ở trong làng này. Nhà cụ Kình đấy là giàu nhất ở đây đấy thầy ạ. Thế cho nên đám ma tổ chức lớn lắm, kèn trống suốt mấy ngày đêm. Mà cũng là cái đám ma lạ đời nhất con từng thấy từ trước đến nay.
Thầy Lương nheo mày :
-- Lạ ra sao... ? Cậu có thể nói rõ hơn được không..?
Mẹo ( tên anh chồng ) kéo thêm cái ghế ra ngồi xuống rồi tiếp tục nói :
-- Lạ là vì xưa nay đám ma ai người ta cũng khóc lóc thảm thiết, ấy vậy mà cái nhà ông Phương ấy lại làm khác thầy ạ. Con cũng nghe nói thôi, là hình như học đâu cái kiểu làm ma ở trỏng hay ở tây tàu gì ấy, ngoài kèn trống ra còn thuê cả người về hát hò, nhảy múa. Nom chừng vui vẻ lắm, chính vì thế mà nãy con không nghĩ ra đám ma của cụ Kình. Người ta nói, khóc lóc càng làm cho linh hồn của người đã khuất vương vấn trần gian, khó lòng buông bỏ mà đi được. Vậy nên họ mới nhảy múa, hát ca, cười đùa, tạo không khí vui vẻ, như vậy người chết mới an lòng mà về nơi chín suối. Lạ, lạ quá thầy nhỉ, đám ma mà hò reo, vui mừng cứ như là đám cưới ấy. Đúng là không thể hiểu được những người giàu người ta nghĩ gì. Ông Phương làm cán bộ xã, bao nhiêu đất tốt rơi vào tay ông ấy hết, mà nhà đó mấy đời làm cán bộ rồi, từ hồi mới giải phóng cơ.
Đang nói bon mồm thì Mẹo chợt dừng lại vì bản thân Mẹo cũng thấy câu chuyện mình kể đang đi lạc đề, Mẹo hỏi thầy Lương :
-- Nhưng sao thầy lại hỏi đến người chết làm gì ạ…?
Thầy Lương tiếp :
-- Vậy là hơn 1 tháng trước chỉ có đám ma của cụ Kình đó thôi phải không..?
Mẹo gật đầu :
-- Dạ đúng, bởi như thế này…..Chắc lúc chiều thầy cũng đi quanh quanh đây cũng nhìn thấy rồi. Bao quanh khu vực nhà của con là đồng không, mông quạnh, cũng có đất ruộng nhưng mùa màng đói kém nên xác xơ hết cả. Khu vực này còn là nơi chôn cất tạm thời của những người mới chết. Thế nên nhiều khi ở đồng lúa còn chừng hững mộ của người chết ấy chứ. Vậy nên trong làng, ai mới chết đều đưa ra đồng chôn tạm cả, mà ra đồng thì kiểu gì cũng phải qua nhà con nên con nhớ lắm.
Những gì Mẹo nói thầy Lương cũng đã biết, quả thực chiều nay khi đi quanh đây, đi sâu xuống dưới cánh đồng thêm 1 chút thì đúng là lác đác mỗi nơi có vài ngôi mộ. Đều là mộ đắp tạm bợ, nay Mẹo nói thì thầy Lương cũng chắc chắn suy nghĩ của mình là đúng. Khu vực cánh đồng này là nơi người ta chôn người chết trong mấy năm đầu tiên chưa bốc mồ, chưa sang cát. Do vậy số lượng mộ phần cũng không quá nhiều, và các mộ đều được đắp đất sơ sài mà thôi.
Thầy Lương gật gù :
-- Vậy cậu biết mộ ông ta được chôn ở đâu chứ..? Chiều nay tôi có đi dạo quanh đây một chút, nhưng xem ra mấy ngôi mộ gần nhà cậu được đắp cũng phải từ 2-3 năm nay rồi. Không phải mộ mới đắp.
Mẹo gãi đầu gãi tai cười xòa :
-- Hì hì, nếu muốn đến mộ của cụ Kình thì thầy phải đi xuống tận cuối con đường đất này cơ. Như nãy con có nói, nhà cụ Kình đấy giàu nứt đố, đổ vách, thế nên nơi chôn tạm của cụ cũng phải được xem xét cẩn thận. Này con cũng nghe dân làng người ta đồn thôi. Trước khi cụ Kình gần đất xa trời, nghe đâu ông Phương có mời một thầy phong thủy về hỏi xem liệu sau khi cụ Kình chết thì có đem chôn ra ngoài cánh đồng, như cách mà bao năm nay dân làng vẫn làm hay không…? Thì thầy phong thủy đó đi xem đất, thế rồi ông ta bảo đã chọn được một huyệt mộ tốt chôn cụ Kình. Vừa hợp với truyền thống của làng, lại vừa tiện cho việc bốc mả về sau, mà con còn nghe bảo thế đất đó sinh vượng khí gì mà chôn 3 năm, xương cốt sẽ hóa màu vàng. lúc đó ông ta sẽ đến để tiến hành chuyển cốt cụ Kình về lăng mộ của dòng họ. Mảnh đất đó nằm ở cuối con đường này, gò đất khá là cao, xung quanh không có ngôi mộ nào khác. Chỉ có mộ cụ Kình án ngữ ở đó thôi. Nếu thầy muốn đến đó, sáng ngày mai con sẽ dẫn thầy đi, giờ tối rồi, đi ra đó sợ lắm.
Thầy Lương mỉm cười đáp :
-- Không sao, ngày mai ta sẽ tự mình đến đó. Giờ cũng đã muộn rồi, ta đi rửa mặt một chút, vợ chồng nhà anh cứ cho con đi ngủ trước đi.
Mẹo vâng dạ rồi thu ghế đi vào trong nhà, bên trong nhà, vợ Mẹo vẫn đang thắp đèn dầu cạp lại mấy cái rổ tre cho chắc chắn. Cả ngày hôm nay cũng đã mệt nên sau khi thầy Lương vào nhà, vợ chồng Mẹo đóng cửa rồi lên giường đi ngủ.
Thầy Lương cũng thiếp đi lúc nào không hay. Cho đến khi thầy Lương giật mình tỉnh dậy bởi đâu đó trong nhà vang lên những âm thanh lạ lùng :
“ Rích….Rích….Rích “
“ Rít….rít….chít….chít…”
Là tiếng chuột kêu, nghe tiếng kêu thì dường như không phải chỉ có 1 con. Phía trên giường kia, vợ chồng Mẹo cùng cậu con trai dường như ngủ say không hay biết gì.
“ Chít...Chít…”
“ Rích...Rích “
Tiếng lạo xạo bắt đầu phát ra rõ rệt hơn, trong nhà tối om, nhưng thầy Lương có thể cảm nhận được lũ chuột đang kéo nhau chạy đến chân giường nơi gia đình Mẹo đang nằm ngủ.
Nửa đêm, chuột kéo đàn từ đâu đến, dự cảm sự chẳng lành, thầy Lương lập tức ngồi bật dậy, thấy động, lũ chuột cũng chạy tản ra, chúng chui vào những hốc hác, gầm giường, gầm tủ trong nhà để ẩn nấp. Nhưng đã có một vài con chuột leo được lên thành giường nhà Mẹo. Tuy nhiên chúng chưa lọt được vào trong bởi còn vướng một lớp vải màn.
“ Chít...Chít...Chít “
Tiếng chuột kêu ngay giường lúc này mới khiến cho vợ chồng Mẹo giật mình thức giấc, kèm theo đó là tiếng gọi của thầy Lương :
-- Dậy, dậy mau…..Dậy mau.
Thầy Lương châm lửa thắp sáng ngọn đèn dầu, không chỉ vậy, ông còn thắp luôn cả mấy cây đèn cầy để trong tay nải. Lúc này bên trong ngôi nhà mới sáng hơn được một chút. Tập trung hết ánh sáng về phía giường ngủ của gia đình Mẹo, thầy Lương với tay lấy cây gậy tre dựng sát vách tường rồi cứ thế đập vào mấy con chuột vẫn đang vùng vằng ngoài mép màn.
“ Chít….Chít “
Con chuột bị đánh trúng rít lên những tiếng nghe gai người rồi nhảy khỏi giường, cứ như vậy, thầy Lương cũng đuổi được hết lũ chuột quái ác đang cố gắng chui vào trong màn kia đi. Ánh sáng của đèn dầu, đèn cầy bao quanh chiếc giường, cộng thêm việc cả Mẹo bây giờ cũng đã sẵn sàng cầm gậy đánh đuổi chuột khiến cho lũ chuột không còn dám bén mảng đến gần giường nữa.
Trên giường, vợ Mẹo ôm con trai vào lòng run rẩy, lần đầu tiên trong đời, Mẹo thấy lũ chuột lại manh động đến vậy. Chúng dám bò lên tận giường ngủ để tấn công con người.
“ Rích….Rích….Rích “
Từ trong gầm tủ, hốc nhà, lũ chuột tiếp tục rít lên, nhưng ngay sau đó chúng đồng loạt bỏ chạy khi mà từ trên mái nhà, bỗng dưng có tiếng mèo kêu lên vang vọng :
“ MIAO…...MIAO…...MIAO “
“ MEO…..NGAO…...MEO “
Sau tiếng mèo kêu, trên mái nhà có tiếng lạo xạo, hình như con mèo đang di chuyển. Đó cũng là lúc lũ chuột trong nhà chạy mất, thầy Lương cau mày khi ông vừa hướng mắt về phía cửa chính, trong bóng tối, rõ ràng thầy Lương đã nhìn thấy một cặp mắt đỏ au như màu máu đang nhìn chằm chặp về hướng của mình.
Tiếng mèo kêu vừa dừng thì ánh nhìn ấy cũng biến mất, không gian im ắng trở lại, không còn tiếng chuột, cũng chẳng có tiếng mèo, chỉ còn tiếng thở gấp gáp, có phần hoảng sợ của vợ Mẹo đang ôm con trên giường.
Mẹo lúc này mới dám thở mạnh, Mẹo run run hỏi :
-- Lũ...chuột này...là thế nào….vậy thầy…?
Thầy Lương đặt cây gậy tre trở lại chỗ cũ, vẫn để mấy cây đèn cầy thắp sáng quanh giường, thầy Lương chỉ đem ngọn đèn dầu tiến về phía trước cửa chính, không có gì ở đó cả. Lúc này đã quá 12h đêm, đặt cây đèn dầu lên bàn, thầy Lương mở cửa rồi bước ra ngoài. Bầu trời đêm thanh vắng, hôm nay trời nghẹt, không có gió. Ngước mắt nhìn lên mái nhà, cũng không có con mèo nào ở đó nữa cả.
Quay trở vào trong, thầy Lương nói với vợ chồng Mẹo :
-- Tạm thời yên ổn, đúng như ta nghĩ, vết chuột cắn trên cổ tay con hai người quả thực có vấn đề. Chuyện này bắt đầu nghiêm trọng rồi đây….
Mẹo sợ hãi hỏi :
-- Lũ chuột đó là chuột độc phải không thầy..?
Thầy Lương lắc đầu:
-- Không phải, nhưng con chuột đó đã có mặt ở đây khi nãy…...Dường như nó đã bắt đầu thành tinh và có chủ ý rồi. Có vẻ như ta lại bị một phen bận rộn rồi…...Đi ngủ đi, sáng mai tính tiếp.
---------------------
Xem tiếp Phần 4: Mối Họa Tiềm Ẩn
Xem trọn bộ: QUỶ ẤN TRƯỜNG LÊ - TRỌN BỘ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê