Buổi trưa cùng ngày…..Tại nhà lão Xèng.
Tận dụng tối đa thời gian, sau khi ăn xong, mọi người tiếp tục ngồi lại để bàn chuyện về “ Làng Sương Mù “. Trước đó Bảo đã chuẩn bị tất cả những gì mình tìm hiểu được về khu rừng nơi chân đỉnh núi U Bò.
Từ những bức ảnh, những nghiên cứu, những ghi chép, các sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ tại vùng đất kỳ bí này. Bảo trưng ra những bức ảnh khá cũ kỹ, cùng với đó là một vài tấm bản đồ cũng cũ không kém, tất cả đều là ảnh chụp từ trên cao. Nơi được chụp lại không đâu khác chính là khung cảnh của núi rừng thuộc địa phận Xím Bạc, phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn nơi núi U Bò hiên ngang, sừng sững chìm trong mây mù quanh năm, suốt tháng.
Bảo nói :
-- Đây là toàn bộ những hình ảnh mà tôi thu thập được về khu vực núi U Bò. Những bức ảnh được chụp lại vào những năm 1956, 1960, và bức mới nhất này được chụp vào năm 1985. Chúng được chụp lại sau các vụ máy bay rơi tại núi U Bò. Trước đó vào thời kỳ Pháp thuộc, cũng đã có những chiếc máy bay chiến đấu của quân Pháp khi bay ngang qua nơi này đã bị rơi và mất tích một cách đầy bí ẩn. Nhưng lúc đó người ta không thực sự để ý bởi chiến sự nổ ra liên miên, việc máy bay bị hạ không phải điều gì quá kỳ lạ. Chỉ tới khi Mỹ đưa quân đến Việt Nam, trong một lần do thám địa hình trên không, một chiếc máy bay quân sự của Mỹ đã bất ngờ biến mất trong màn sương của núi U Bò. Tín hiệu cuối cùng mà phi công báo về chỉ là những âm thanh rè rè, mặc dù trước đó, không hề có một cuộc tấn công hay tập kích nào xảy ra. Sự việc này khiến giới chức Mỹ lập tức mở một cuộc tìm kiếm, cũng như điều tra nguyên nhân khiến chiếc máy bay quân sự mất tích một cách khó giải thích. Bức ảnh chụp lại toàn bộ khung cảnh rừng núi từ độ cao hơn 3000m này là vào năm 1956, sau sự việc máy bay Mỹ rơi 2 tháng. Tuy nhiên, lạ một điều, mọi nỗ lực tìm kiếm đều không đem lại kết quả. Chiếc máy bay quân sự ấy cứ như thể bốc hơi không để lại dấu vết, cho dù chỉ là một mẩu kim loại. Ghi chép sự việc có đề cập đến việc lần theo tín hiệu từ tọa độ trước khi máy bay biến mất, nhưng qua tìm kiếm sơ bộ, không phát hiện ra điều gì cả. Chiếc máy bay như thể chưa từng xuất hiện tại vùng trời đó.
Thước hỏi :
-- Nếu vậy thì nó biến đi đâu….?
Bảo tiếp tục :
-- Chuyện chưa dừng lại, đáng sợ hơn ở chỗ, sau khi quân đội Mỹ cử một đội gồm 18 người đi vào rừng để tìm kiếm cũng như tổ chức cứu nạn phi công, cùng lính Mỹ trong vụ máy bay mất tích kia, thì cả 18 người đó không có 1 ai trở ra. Các thiết bị liên lạc, điện đàm của họ toàn bộ đều mất sóng. Vụ việc được cho rằng do quân Bắc Việt, với lối đánh du kích, ẩn nấp trong rừng sâu, họ kết luận chiếc máy bay cũng như 18 lính Mỹ kia đều bị lính Bắc Việt giết chết. Tất nhiên quân Mỹ không chấp nhận điều này, chúng đã dùng mọi cách như dùng khói độc, rải bom, thậm chí là đốt rừng. Nhưng bằng một cách nào đó, tất cả đều vô dụng, kỳ lạ một điều, quân Mỹ không thấy một cái xác nào của quân Bắc Việt cả. Những sự việc kể trên được giấu kín, chúng chỉ được ghi chép lại trong một tài liệu mật mang tên “ Ghost Forest “ có nghĩa là “ Khu Rừng Ma “. Cũng vừa may mắn và trùng hợp cho nhóm địa chất chúng tôi khi đưa ra đề xuất tìm hiểu về việc có hay không, địa hình nơi này xuất hiện mỏ Uranium. Nhờ vậy những tài liệu như thế này chúng tôi mới được cung cấp. Chỉ tiếc rằng, hiện tại dự án đã bị bác bỏ bởi các tầng cấu trúc, cũng như sự kỳ bí bên trong khu rừng khiến cho những người khác cảm thấy nguy hiểm, một người trong nhóm trong lần đầu tiên đặt chân vào khu rừng đã suýt mất mạng, do vậy mọi thứ không còn được tiếp tục.
Thầy Lương hỏi :
-- Vậy hai chiếc máy bay rơi vào năm 1960, và 1985 cũng đều biến mất như chiếc năm 1956 phải không..?
Về điểm này thì Bảo tiếp tục đưa ra những bức ảnh khác, lần này là những bức ảnh chụp cận cảnh xác máy bay. Bảo trả lời câu hỏi của thầy Lương :
-- Không, hai vụ sau thì khu vực rơi có thể nói không nằm trong địa phận của đỉnh U Bò mà nằm ở ngoài bìa rừng. Năm 1960 tiếp tục là một chiếc trực thăng của Mỹ, còn năm 1985 là một chiếc máy bay quân sự chở các chuyên gia Nga từ Bắc Lào về Việt Nam đã mất liên lạc và mất tích. Theo sơ đồ đường bay, cục hàng không dân dụng Việt Nam khi ấy thông báo rằng máy bay biến mất ở khu vực Bắc Yên. Ngay lập tức, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã diễn ra với hàng trăm người làm công tác cứu trợ.
Lão Xèng tiếp lời Bảo :
-- Chiếc máy bay ấy rơi ở rìa khu rừng, năm đó chính tôi và dân làng ở đây đã dẫn đường cho các cán bộ, bộ đội lần theo dấu vết của máy bay. Nhưng cũng phải mất 3 ngày mới tìm thấy, khi đến nơi, những người có mặt trên chiếc máy bay đều đã bị chết cháy đen thui. Không một ai còn sống cả.
Bảo mở tài liệu, tìm những dòng ghi chép lại từ năm 1985, Bảo nói :
-- Thực ra trên chuyến bay đó có tổng cộng 7 người, nhưng khi tìm được thì chỉ còn 6 cái xác đã bị thiêu cháy. Cái xác còn lại người ta cho rằng đã bị thú rừng lôi đi, bên cạnh đó, các vật dụng, dụng cụ, đồ đạc của những chuyên gia xấu số ấy cũng đều biến mất. Kết luận chúng đều đã bị cháy hoặc người dân đã lấy đi. Mặc dù hai vụ máy bay rơi sau này không bí hiểm như vụ năm 1956, nhưng một lần nữa, khu vực tiệm cận núi U Bò, cũng như khu rừng luôn ngập trong sương mù trở thành sự việc được bàn tán, dẫu vậy, chẳng ai giải thích nổi nguyên nhân. Cho tới những năm 1990, người ta mới kết luận rằng khu vực núi U Bò tồn tại một từ trường lạ, chính dao động từ trường đã khiến cho máy bay, cũng như các thiết bị liên lạc bị nhiễu sóng, cộng thêm làn sương mù che phủ đỉnh núi, tất cả những điều đó dẫn đến việc máy bay bị rơi và mất phương hướng. Từ đó về sau, đường bay qua khu vực này đều đã bị cấm.
Trong lúc Bảo vẫn đang nói về những hiểu biết, phân tích mang tính khoa học thì thầy Lương lại chỉ chăm chăm nhìn vào những bức ảnh được chụp toàn cảnh địa hình khu rừng, cũng như núi U Bò từ trên cao. Từ năm 1956 cho tới 1985, trải qua gần 30 năm, địa hình căn bản không có gì thay đổi quá nhiều. Trừ việc càng về sau, rừng càng rậm và phát triển mạnh hơn. Cũng bởi trước đó là những năm chiến tranh, thêm vào đó có chi tiết Bảo nói, quân Mỹ từng dùng lửa đốt rừng, bởi vậy bức ảnh chụp năm 1956 tuy là ảnh đen trắng nhưng nhìn kỹ thì có những chi tiết bất thường để nhận ra hơn.
Bảo hỏi :
-- Bức ảnh đó có gì mà khiến ông nhìn chăm chú đến như vậy…?
Thầy Lương đáp :
-- Đây là bức ảnh được chụp sau khi khu rừng bị quân Mỹ đốt cháy có phải không..?
Bảo trả lời :
-- Đúng vậy, lũ khốn ấy đã đốt rừng, nhưng may mắn lửa chỉ cháy bên ngoài bìa rừng, nhìn trên cao thì thấy nhỏ, nhưng thực sự khu vực bị cháy lan không hề nhỏ chút nào. Trong tài liệu có ghi lại, khi lửa đang cháy lớn thì trời đổ mưa như trút nước, nhờ vậy mà toàn bộ những nơi lửa chưa cháy đến được cứu. Dù khu rừng có bị chúng gọi là “ Rừng Ma “ đi chăng nữa thì việc hủy hoại tài nguyên môi trường vẫn không thể nào chấp nhận được.
Thầy Lương nói :
-- Trong bức ảnh này, nhờ vào việc một phần khu rừng bị đốt cháy, ta đã nhìn thấy một vài điểm đáng lưu ý. Căn cứ vào những bức ảnh chụp sau này thì có thể nhận ra địa hình không hề thay đổi. Như vậy có nghĩa, chỗ này chính là một con suối, cả đây cũng có một con suối. Lửa cháy đã lộ ra hình ảnh hai con suối khi được chụp lại từ trên cao. Và điều đặc biệt đó chính là, đám cháy lan đều dừng lại khi chạm tới hai con suối này. Mọi người tập trung nhìn vào đây, nếu để ý thật kỹ ta sẽ thấy, tuy nằm ở hai hướng khác nhau, nhưng nếu bỏ đi những nhánh nhỏ, thì có vẻ như hai con suối có điều gì đó liên kết chặt chẽ với địa phận khu rừng nơi đỉnh U Bò.
Thầy Lương nói nhưng cả Bảo, Thước, cũng như lão Xèng không hiểu gì, ai cũng nhăn mặt khi nhìn vào bức ảnh đen trắng, cũ kỹ, với hình ảnh khu rừng bị thiêu cháy nham nhở.
Thầy Lương nói Bảo cho mình xin một tờ giấy cùng một cây bút, nhưng nét bút của bảo quá nhỏ, nên tiện tay thầy Lương lấy luôn một mẩu than củi trong bếp rồi tiếp tục lý giải suy nghĩ của mình.
Thầy Lương nói :
-- Để ta vẽ ra giấy cho mọi người dễ hình dung. Dựa vào mấy bức ảnh chụp toàn cảnh khu vực núi U Bò, chúng ta sẽ chấm một điểm tròn chính giữa tờ giấy này, điểm này chính là đỉnh U Bò. Tiếp theo chính là khu rừng bao quanh núi U Bò. Trong những bức ảnh chụp sau này, rừng rậm khiến cho chúng ta không thể nhìn thấy những gì bên trong. Tuy nhiên, ở bức ảnh năm 1956, khi khu rừng bị đốt cháy, đã lộ ra hai con suối, căn cứ vào tấm ảnh, thì dòng chảy của hai con suối sẽ như thế này.
Vừa nói, vừa chỉ, tay thầy Lương vừa vẽ hai đường cong nằm ở hai hướng Nam và hướng Đông. Có điều chúng nằm hơi so le nhau, dòng suối ở hướng Nam nằm cao hơn dòng suối hướng Bắc tính từ điểm trung tâm. Nhìn trên giấy thì có vẻ như hai dòng suối đều đang bao quanh lấy điểm trung tâm, chính là núi U Bò.
Thầy Lương tiếp tục nói :
-- Vì khu rừng bị đốt cháy ở mạn Nam, và một phần chếch Đông, nhưng nếu đúng như ta dự đoán, thì ở hướng Bắc cũng sẽ có một dòng suối bao quanh núi U Bò như thế này, và nó sẽ nằm cao hơn dòng suối ở hướng Đông, tương tự như vậy, hướng Tây cũng có một dòng suối và nó cũng sẽ nằm cao hơn so với hướng Bắc và hướng Nam. Như vậy, chúng ta có một sơ đồ như thế này. 4 dòng nước bao quanh đỉnh núi nằm ở 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, nhưng lại có vị trí không đồng nhất, từ đó sẽ tạo thành trận “ Tứ Thủy “. Khi bước vào “ Tứ Thủy “ sẽ luẩn quẩn đi lòng vòng rất khó để tìm được đường ra. Bởi sự sắp xếp ở mỗi dòng suối tại mỗi hướng, ta tạm gọi là “ Cửa “ đã được bày thêm trận ngũ hành. Đó là lý do vì sao, những người từng đặt chân vào khu rừng đều nói địa hình luôn có sự thay đổi. Thực ra chúng không thay đổi, mà là toàn bộ khu rừng đã bị trấn bởi “ Tứ Thủy Trận “. Càng đi vào sâu sẽ càng khó trở ra, thậm chí không thể tìm được đường quay lại.
Bảo sửng sốt, nhìn vào những gì thầy Lương vẽ ra trên giấy, thực sự đó như một mê cung, nhìn thì rất đơn giản, nhưng đó là khi không có rừng cây, không có đá núi. Giờ thì Bảo đã hiểu, tại sao suốt 1 năm qua Bảo chỉ đi lòng vòng, không thể định hình được địa hình.
Bảo ấp úng :
-- Nói như vậy….chẳng lẽ điều này là do...con người tạo ra….?
Thầy Lương đáp :
-- Kẻ bày ra “ Tứ Thủy Trận “ với một phạm vi lớn như vậy, chắc chắn không phải là con người bình thường. Nếu ta phán đoán đúng, thì ngôi làng mà cậu đang tìm kiếm sẽ nằm đâu đó quanh chân núi U Bò. Tuy nhiên, để tìm thấy nó không phải chuyện dễ dàng. Việc chiếc máy bay quân sự biến mất không một dấu vết vào năm 1956, cũng như cho tới nay, không ai xác định được vị trí của ngôi làng, cho dù có là người từng đặt chân đến đó đủ để hiểu, lão thầy mo, không phải gọi lão ta là thầy phù thủy mới đúng, lão phù thủy ấy đã tạo ra một kết giới không thể xâm phạm từ bên ngoài. Lão ta làm tất cả những chuyện này rốt cuộc là để che giấu thứ gì đây….?
Bảo run giọng hỏi tiếp :
-- Thầy...thầy phù thủy…...Sao lại có phù thủy ở đây…?
Thầy Lương nói :
-- Kẻ mà ta vừa nói đến là mo Chốc, chính hắn đã gây ra những cơn ác mộng, những vụ mất tích tại khu vực núi U Bò trong suốt gần 40 năm qua. Không, sự tồn tại của hắn chắc chắn còn lâu hơn thế rất nhiều. Không giấu gì cậu, ta lặn lội đến đây chính là muốn tìm và diệt trừ hắn. Một tên phù thủy đáng ghê tởm…...vô cùng đáng sợ.
--------------------------
Xem trọn bộ: QUỶ ẤN TRƯỜNG LÊ - TRỌN BỘ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê