Bước đầu biết đến Phật pháp chúng ta thường được khuyên là nên đọc/tụng kinh. Vậy mục đích của việc đọc Kinh là gì? Khi chúng ta đọc kinh thì các vị Phật, Bồ tát, thần linh có nghe không? Đọc Kinh có phải là tu không? Đọc Kinh đúng như thế nào?
Người biết đọc kinh Phật
“Chuyển độc” mấu chốt là ở chữ “Chuyển”. Chúng ta ngày này biết đọc mà không biết chuyển. Chuyển là gì vậy? Là chuyển cảnh giới của mình. Trước khi chưa có đọc kinh thì rất nhiều cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của chúng ta thảy đều sai cả. Bây giờ mở bộ kinh này ra, sau khi đọc rồi mới hoát nhiên đại ngộ, sáng tỏ rồi, bèn đem tất cả sai lầm chuyển trở lại, giống như Phật Bồ Tát vậy, vậy gọi là chuyển.
Chữ chuyển này nói một cách đơn giản là chuyển biến. Bình thường chúng ta thường nói chuyển phàm thành thánh. Đọc kinh này nếu bạn biết chuyển thì công đức sẽ rất lớn. Cái chuyển này của bạn không thể coi thường, bạn không phải là vị thánh nhỏ, không phải A La Hán, không phải Phật Bích Chi, không phải vị Bồ Tát phổ thông, mà là Bồ Tát Địa Tạng. Có tưởng tượng nổi không?
Cho nên phải thường đọc kinh, đọc mỗi ngày, chuyển mỗi ngày. Bạn không đọc thì bạn làm sao biết chuyển? Câu “Đọc tụng đại thừa” ở trong tịnh nghiệp tam phước này là rất quan trọng, phải đọc mỗi ngày, phải đọc cho thật thuộc, thì lúc khởi tâm động niệm bạn mới có thể chuyển trở lại được, đạo lý này là ở chỗ này.
Đọc kinh mà không chuyển cảnh giới được là uổng công rồi. Cho nên mở kinh điển ra có người biết đọc, có người không biết đọc.
Người không biết đọc KINH là đọc cho Phật Bồ Tát nghe, chứ không có liên quan gì đến mình. Người biết đọc là đọc cho mình nghe, chứ không liên quan gì đến người khác, nhất định phải chuyển đổi cảnh giới của mình.
Ở trong “Đàn Kinh” thiền sư Pháp Đạt tụng "Kinh Pháp Hoa", tụng ba nghìn biến mà không khai ngộ. Sau khi ngộ rồi, Ngài rất cảm khái thưa với Lục Tổ đại sư: Tuy trước đây mỗi ngày đọc "Kinh Pháp Hoa", đã đọc ba nghìn biến là bị “Pháp Hoa” chuyển. Nay khai ngộ rồi thì chuyển “Pháp Hoa”. Đây gọi là chuyển đọc. Ngài Pháp Đạt đã làm nên một tấm gương tốt rõ ràng cho chúng ta thấy.
Đến khi nào bạn có thể chuyển được kinh mà không bị kinh chuyển? Bị kinh chuyển là bạn kẹt ở trong câu kinh, bạn đọc KINH sách cứng nhắc, bạn không khai ngộ. Bạn chuyển được kinh là bạn khai ngộ từ trong kinh. Sau khi ngộ rồi thì từng câu từng chữ đều là sống động, từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Bạn giải thích cho chúng sanh, nói dài nói ngắn, nói sâu nói cạn, không có gì là không tự tại.
Cho nên đọc kinh có phải là tu hành hay không? Là tu hành. Người biết đọc là tu hành,người không biết đọc thì không phải tu hành. Cổ đức dạy chúng ta “Tùy văn nhập quán”đó là tu hành. Theo những gì đức Phật dạy, thấy quan niệm của chúng ta tương ưng, khế nhập, đây là chân tu, viên tu viên chứng.
Phật không ban cho ai sự giác ngộ
Ai là người đầu tiên trong Thập phương thế giới nghe được những lời giảng thuyết về Giác Ngộ của Đức Thế Tôn?
- - Không phải Phật,
- - Không phải Thần,
- - Không phải Trời,
- - Không phải Người,
- - Không phải Súc Sanh,
Mà kẻ đó chính là Thiên Ma (Ma Vương Ba Tuần).
Khi Thế Tôn đang trong giai đoạn chuyển hóa tâm thức tiến vào cảnh giới Niết Bàn thì Ma Vương đã đến, và chính hắn là kẻ đầu tiên được nghe Đức Phật nói về sự giác ngộ của mình!
Nhưng rồi hắn có được lợi lạc gì chăng?
Hoàn toàn không có, thậm chí Đức Phật còn làm cho hắn suy yếu, cuồng nộ!
Và ... Một ngày rất lâu nữa trong nhiều đại kiếp, khi tất cả chúng sanh đã giác ngộ, hắn chính là kẻ sau cùng ngộ được chánh pháp Thế Tôn!
Lại nhắc đến người đệ tử sau cùng của Đức Phật - chính là ông Tu-Bạt-Đà-La, ông hữu duyên với Thế Tôn chỉ được quy y với Ngài trong một thời khắc ngắn ngủi (chưa được một ngày) và khi ấy đã 120 tuổi, nhưng đã chứng đắc Thánh Quả, giác ngộ chân chánh!
Nhắc lại việc xưa, soi rõ việc nay: Trong đời hẳn có người tu trước, kẻ tu sau, người tu lúc còn trẻ, kẻ tu khi về già, tụ chung lại thì thời gian tu lâu mau hoàn toàn khác biệt, nhưng cái thời gian đó, nó không bao hàm một ý nghĩa đính kèm rằng: người tu lâu hơn sẽ có đạo hạnh nhiều hơn!
Giác ngộ là điểm đến, Tu - là con đường, mỗi người tự kiến lập riêng cho mình một con đường, và cũng tự mỗi người phải dọn dẹp những chướng ngại của chính mình trên con đường đó!
Với mỗi người là chướng ngại khác nhau, căn tánh khác nhau, đừng so sánh với người khác, mà hãy tự so sánh mình của ngày hôm nay so với mình của ngày hôm qua đã có những tiến bộ gì!
Phật - như là một chiếc gương cho ta soi rọi chính mình trong đó chứ Phật không phải như là một Đấng Sáng Tạo có thể ban phát cho bất kỳ ai mọi ước nguyện, mong cầu! Cho nên Phật không ban được cho ai sự giác ngộ ngoài chính bản thân người đó!
(Trích từ: Kinh Địa Tạng giảng ký Tập 83)