04/06/2021 11:50 View: 1712

Truyện ma: Một cõi Âm Dương (Tập 8)

Sinh ra và lớn lên ở một nơi đầy rẫy huyền thoại như cái xóm Chuồng Trâu, người ta không tin ma, không sợ ma mới là chuyện lạ. Trước nhà tôi có trồng một cây dừa bị. Cây dừa không ngọt nước bằng dừa xiêm nhưng trái to, có quanh năm. Ngọn dừa cao quá nóc nhà.

mot coi am duong 8

Lũ nhóc trong xóm thường kháo nhau cây dừa có ma.

Chúng nó kể bà Tư quán ở xóm trong có việc đi về khuya, ngang qua cây dừa, bà thấy có một quả cầu lửa cháy nhờ nhờ như lửa ma trơi. Cầu lửa bay qua bay lại như múa, đáp từ tàu dừa này qua tàu dừa khác rồI sau đó vót qua đậu trên ngọn tre của nhà chú Năm Bừa đối diện. Sợ đến ríu chân, bà ngồi thụp xuống mà niệm Phật. Giây lâu mở mắt nhìn lên, không thấy gì nữa bà mới bươn bả về nhà…

Không biết câu chuyện có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng gia đình tôi ở đó lâu rồi không hề thấy có con ma nào hết trơn. Cho đến năm 1979, ba tôi bán nhà cho bà Hai Nhà in và dọn nhà đi chỗ khác ở mớI có sự lạ xảy ra.

Một buổI trưa tháng Hai, bầu trời đang nắng gắt. Mây đen bỗng kéo tớI đầy trời. Ai nấy còn đương ngạc nhiên vì cơn mưa trái mùa thì … RẦM… một tiếng nổ long trời lở đất, cây dừa bị trời đánh tét ngọn ra thành ba miếng, khói bốc mù mịt. Cả xóm thất kinh hồn vía, bà Hai Hụi ở sát nhà tôi lật đật lấy nhang ra đốt, sì sụp vái lạy.

Nghe mọi ngườI kể, tôi cũng tức tốc trở về nhà cũ để xem, cây dừa cháy đen cả ngọn. Phần trên bị tét loe ra trông thê thảm làm tôi bần thần cả người. Hổng lẽ cây dừa này có quỷ thật. Nếu không thì làm sao bị trời đánh chứ… cho đến giờ câu hỏi của tôi vẫn chưa có lời giải đáp thích đáng.

Ba tháng sau sự việc sét đánh, bà Hai nhà in đột ngột phát bệnh.

Căn bệnh kéo dài hai năm rồi bà Hai qua đời. Bác sĩ nói bà bị bệnh ung thư, bà con trong xóm lại đồn đãi vì mua nhà tôi nên bị xui xẻo…

Trở lại chuyện tôi, càng nghe kể nhiều chuyện ma thì tôi lại càng … sợ ma kinh khủng. Đã vậy, tôi còn mê đọc truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” nên óc tưởng tượng của tôi lại càng phong phú hơn.

Mỗi tối, sau khi cắp rỗ bánh qui, bánh ít đi bán dạo về, tôi thường ngồi lì ngoài đầu hẻm. Nhìn vô con hẻm tối thui sâu hun hút hai bên tre mọc uốn oằn xuống như hang động, tôi sợ teo cả người. Khi nào có một người lớn đi vào, tôi mới thừa cơ hội đi theo. Những hôm xui xẻo chờ cả tiếng đồng hồ không có ai vô, tôi đành liều vô đại.

Cắp chặt rỗ bánh trong tay, lần từng bước chậm chạp vào hẻm, tôi có cảm giác con hẻm giống như cái miệng của con quỷ truyền kiếp khổng lồ đang há to nuốt tôi vào dần. Vừa khuất chỗ đèn sáng, tôi cắm đầu chạy một mạch bất kể trời đất, vừa chạy vừa niệm Phật vang trời. Vô được trong nhà rồi, tôi thở ào ào như trâu, tưởng chừng như mới vượt qua thử thách gì ghê gớm lắm.

Sau này lớn lên, tôi phải thật lòng cảm ơn cái xóm Chuồng Trâu cùng mấy con ma trong những câu chuyện phiếm của bà con. Nhờ sợ ma mà tôi tin Phật, tin vào đạo thuật - một niềm tin chắc chắn và dai dẳng không có gì lay chuyển được.

Tôi nhớ, có dạo bà dì của tôi đi núi mang về ba bức tượng Phật dùng để đeo. Tôi nằng nặc xin cho bằng được một bức rồi dùng chỉ đỏ xỏ qua đeo vào. Pho tượng nhỏ xíu bằng nhựa đem lại cho tôi sự tự tin ghê gớm. Tôi đi ra đi vào con hẻm không phải chạy ào ào nữa. Từng bước vững vàng, tay nắm chặt lấy tượng Phật, miệng không ngừng niệm Phật. Sau này, coi tuồng Na Tra đại náo Thuỷ Cung, thấy mấy ông tiên cầm cây phất trần “Hô biến, Hô thâu”, thích quá tôi liền kiếm dây nilon tước ra cột vào đầu đũa làm thành cây phất trần mini làm pháp bảo hộ mạng.

Từ đó, cây phất trần và bức tượng nhỏ trở thành vật bất ly thân của tôi, lúc đi học, đi bán, đi ngủ cho đến cả lúc đi… nhà xí (!).

CHIẾC TÀU KÌ LẠ

Ở dưới quê thường có tục tống ôn tống quái. Năm nào trong vùng xảy ra dịch bệnh hoặc có nhiều hiện tượng bất thường xảy ra thì y như rằng năm đó có thầy pháp về chạy đàn làm lễ tống ôn tống quái. Đàn tống ôn thường tổ chức ở một khoảng đất rộng cạnh bờ sông. Thầy pháp cùng các đệ tử bố đàn, trấn tứ phương rồi bắt đầu gõ trống khua chiêng thỉnh âm binh thần tướng . Trong vùng cử ra mấy ông chức sắc lo chuyện thù tiếp lễ lộc cho mấy thầy làm phép.

Sau khi cúng xong, “cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng”, đồ cúng riêng cho ôn thần được dọn hết để lên một chiếc tàu hoặc bè kết bằng bẹ chuối. Thầy đi trước dẫn đường, bốn ngườI đàn ông khoẻ mạnh khiêng bè theo sau bà con nối đuôi nhau tống tiễn ra đến tận bờ sông. Trên bè chuốI chất đầy đủ nhang đèn bánh trái, giấy vàng bạc, có cả con heo quay đỏ hoét, cờ xí cắt hình tam giác đủ màu sắc làm bằng giấy cắm um tùm xung quanh. Sau khi thắp tuần hương cuốI cùng, thầy cho bè hạ thuỷ. Theo con nước, chiếc bè chuối cứ thế mà xuôi dòng cho đến khi tan rã.

Bà con ở quê thấy bè tống ôn họ sợ như thấy ôn dịch vậy. Bè tắp vào nơi nào, họ báo động cho nhau rồi chạy ra khấn khứa, lấy sào dài đẩy ra giữa dòng cho trôi đi tiếp.

Chỉ có mấy đứa chăn trâu là không biết sợ là gì.

Tôi nghe ngườI lớn kể lại, mục đồng nào chăn trâu trên mười hai năm, chẳng có ôn dịch nào dám vật cả. Thậm chí, bè chuốI đang trôi, chúng lấy tay ngoắc bảo vô là chiếc bè như có người lái phảI tắp vào ngay. Sau khi lựa hết mấy món có thể nhấm nháp được, chúng lại đẩy bè cho trôi tiếp. Không biết có phải vậy không, nhưng rõ ràng trong thờI gian ở quê tôi thấy chỉ có ngườI lớn sợ ôn dịch thôi, chứ bọn chăn trâu thì … chỉ sợ cây roi vóc của ông chủ ruộng.

Hôm nào thấy bè tống ôn trôi ngang là chúng mừng như mở hội. Lập tức trong nhóm có thằng lội ra kéo bè vào. Thức ăn dành cho ôn binh thần tướng bị trẻ chăn trâu ăn mất cả. Và có đứa nào bị bịnh hoạn gì đâu, vẫn mạnh cùi cụi giống như mấy con trâu mà hằng ngày bọn chúng phảI chăn…

Một buổi chiều tháng Năm. Lúc đó tôi đã được mười hai tuổi. Sau khi xay xong mớ bột cho ngoạI làm bánh, tôi lững thững lội bộ ra bờ sông chơi. Từ nhà ngoại, muốn ra sông phải vượt qua một cái vườn mía và hai đám ruộng nhà ông Năm Giàu.

Mặt trời đang xế bóng, hắt lên mặt sông vô số tia sáng lấp loáng. Tôi lại gốc bần ghẻ cạnh bờ sông ngồi ngắm cảnh. Cây bần chắc cũng bằng tuổI tôi, trên mình của nó đầy những vết sẹo ngang dọc, dấu tích của chiến tranh, làm vỏ cây sần sùi như bị ghẻ. Mỗi lúc rảnh rỗI tôi thường có thói quen ngắm cảnh như thế. Không hiểu sao, mỗi lần ngồI bên một dòng sông trôi êm đềm, tôi thường cảm thấy rất dễ chịu. Có khi ngồi ba bốn tiếng mà vẫn không thấy chán.

Lần này cũng thế, dựa lưng vào gốc bần, mắt ngó ra khoảng không gian lấp loáng nắng chiều, tôi nghêu ngao một vài câu vọng cổ học lóm từ ông Sáu đờn cò trước ngõ.

- “Nhị ca ơi, chén rượu đoan thề hơi men còn phảng phất đầu môi, trên bước hoạn đồ muôn nẻo ngược xuôi, anh mang chí cả mong đạp thành phá luỹ. Nhưng trời không lựa lòng ngườI dũng sĩ nên giữa trận tiền anh mớI chịu sa cơ…” tiếng hát bập bõm câu được câu mất ngân nga dài bên dòng nước…

Mặt trời đã khuất hẳn sau đám mây.

Những tia sáng bạc trên mặt sông biến mất. Chỉ còn lại màu sáng dìu dịu của buổI hoàng hôn.

Tôi vẫn còn đang nghêu ngao thì… một chiếc tàu lớn bỗng từ từ chạy tới. Nó chạy êm như ru, không một tiếng động, mà hình như cũng chẳng tạo nên một gợn sóng nào.

Chiếc tàu làm tôi chú ý, hình dáng của nó khá lạ, không giống những chiếc ghe hàng chở muối hầm thường hay đậu ngoài Bến Cỏ. Thân tàu làm bằng gỗ sơn xanh đọt chuối, mũi tàu bằng phẳng không nhọn đầu và có hai mắt như các tàu khác. Trên tàu, hai cột buồm giương cao với chục cánh buồm lớn nhỏ đầy màu sắc. Há hốc mồm vì kinh ngạc, tôi đứng dậy từ lúc nào không biết. Thấy trên tàu thấp thoáng bóng ngườI qua lại. Tiếng ồn ào la hét văng vẳng như xa như gần, hình như có cả tiếng dây xích khua vang…

Tôi đứng nhìn theo đến khi con tàu trôi đi thật xa…

Tiếng gọi của thằng Cu Tửng con cậu Năm vang lên đằng ruộng mía làm tôi giật mình:

- Anh Dũng ơi, dìa ăn cơm!

Bần thần trong giây lát, tôi lóc cóc đi về. Trong đầu vẫn ngơ ngẩn về hình ảnh con tàu kì dị ấy. Trong bữa cơm, tôi kể lại cho mọI người những điều mới thấy. Chẳng có ai tin tôi cả. Mợ Năm cười tủm tỉm nói:

- Ở đoạn sông này, chỉ có ghe chở muối vớI mấy chiếc đò ngang qua Bình Dương thôi, làm gì có chiếc tàu kì cục như vậy.

- Thiệt mà mợ - Tôi chống chế - con thấy rõ ràng mà, chiếc tàu bự lắm, mấy người trên đó mặc đồ giống như hát bội vậy…

Mợ tôi phì cườI:

- Ừ, lúc nào thấy nữa nhớ kêu tao ra coi nhe. Để họ hát mà không ai coi cũng uổng.

Mấy thằng em tôi thừa dịp đó cũng xúm vào chọc ghẹo nói cười ầm ĩ. Ngoại phải gõ đũa bếp xuống bàn tụi nó mới chịu im. Sau bữa cơm, ngoại chỉ nói với tôi một câu gọn lỏn:

- Lần sau, con nhớ đừng có ra sông một mình nữa.

Khi viết những dòng chữ này, trong đầu tôi vẫn hiện rõ mồn một hình ảnh của con tàu xanh kì dị đó. Phải chăng tôi bị ảo giác, bị gặp ma? Hay đó là những linh ảnh trong quá khứ? Ngoại tôi có biết điều gì không mà dặn tôi như vậy? … câu trả lời này xin dành lại cho các bạn đang đọc câu chuyện của tôi.

VẦNG SÁNG TRONG ĐÊM:

Từ năm lên hai tuổi, khi má sinh đứa em kế thì tôi đã được cho ngủ riêng. Bà nội thương tình đưa qua ngủ chung với nội để có hơi người, tôi dễ ngủ hơn. Ngặt một điều nết ngủ của tôi không giống ai. Đầu hôm nằm ở góc giường này, nửa đêm đã sang qua góc giường khác rồi. Có khi lăn dữ quá, tôi té bịch xuống đất, giật mình tỉnh dậy rồi lồm cồm ôm gối bò lên giường… ngủ tiếp ( sau này, nết ngủ đứa con gái đầu của tôi cũng giống y như thế. Thiệt đúng là “cha nào, con nấy”).

Nội tôi chịu đựng hết xiết nên thường sau khi tôi ngủ say, bà rón rén dọn …giường qua chỗ khác. Đôi khi nửa đêm thức dậy, sờ xung quanh trống trơn, tôi sợ muốn phát khóc. Nhưng rồi nhìn không gian tối đen như mực, tôi quíu quá lăn sát vào vách tường, trùm mền lại mà ngủ. Cứ như thế cho đến năm tôi mười hai tuổi…

Lần ấy tôi từ Củ Chi trở về sau một tháng “tị nạn” ở nhà ngoại.

Lúc mớI về không ai nhận ra tôi cả. Tôi tròn như hột mít và đen như con cá trê. Nội tôi khen:

- “ Cái thằng này mà nuôi đàng hoàng, nó còn mau lớn nữa!”

Đêm đầu tiên về nhà, làm như lạ hơi nên khó ngủ. Hồi ở ngoại, mấy anh em thường nằm lăn lóc trên bộ ván ngựa nhà trước, ở quê gió lộng tứ bề mát rượi nên dễ ngủ. Bây giờ trở về nhà, mọI thứ chật chội, tôi có cảm giác không thoải mái cho lắm.

Trằn trọc mãi rồI tôi cũng thiếp đi…

… Tôi thấy mình đang đi trên một con đường dài thăm thẳm, tre mọc ngút ngàn hai bên tạo thành một khung cảnh âm u đáng sợ. Tôi còn đang ngơ ngác thì một thằng bé gầy nhom cao khẳng khiu từ đâu chạy tớI, vừa chạy nó vừa thở hồng hộc:

- Chạy… chạy… lẹ đi! Ma đó…

Câu nói chưa trọn vẹn thì nó đã vọt qua tôi.

Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, tôi đã cảm thấy hai chân nặng như đeo đá, lòng bàn tay bàn chân lạnh ngắt. Một cảm giác ngột ngạt khó thở tràn ngập xung quanh. Tôi tưởng chừng như không khí quanh mình đang sệt lạI dần, hả miệng thật to để thở mà dường như chẳng có chút oxy nào lọt vào. Cả ngườI dần dần cứng đờ, tôi không thể nhìn lại phía sau nhưng vẫn cảm giác có một cái gì đó thật đáng sợ đang đến gần và chuẩn bị áp sát vào tôi. Hai tai tôi ù đặc những tiếng ve. Ngột ngạt quá. Tôi muốn la lên mà sao miệng cứ ngáp ngáp không phát ra được một âm thanh nào cả.

Tôi bỏ chạy… nhưng dường như động tác của tôi giống vớI ngườI biểu diễn kịch câm hơn. Chậm chạp, nặng nề và … dẫm chân tại chỗ. Cả người tôi như đang lún dần, lún dần vào đầm lầy vớI những đám bùn đặc sệt. Tôi ngộp thở quá! Tay chân cử động hết nổi rồi . Tôi chìm, chìm dần… không còn sức lực vùng vẫy nữa …

Ngay trong lúc ấy, trong tai tôi bỗng vang lên tiếng thét như sấm: “NIỆM PHẬT...” tiếng thét làm tôi tỉnh người.

Như người chết đuối vớ được mảnh ván thuyền, tôi bắt đầu niệm “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật…” Nói là niệm vậy thôi chứ thật ra mọI thứ chỉ diễn ra trong óc. Tiếng niệm Phật lúc đầu rời rạc, tán loạn, càng về sau càng liền lạc hơn và rõ ràng hơn. Tôi thấy rất rõ không khí xung quanh tôi loãng dần, ngực nhẹ lại. Vừa niệm tôi vừa thở lấy thở để như kẻ sắp chết chìm được lôi đầu lên khỏi mặt nước. Mừng rỡ, tôi niệm to lên. Và… trờI đất ơi, tôi niệm thành tiếng được rồi.

Tôi nghe rõ mồn một từng câu niệm của mình cảm giác như tiếng niệm Phật đang phá vỡ bầu không gian ma quái đang bao trùm quanh tôi.
Vèo một cái, mọi thứ bỗng trở lại bình thường. Tay chân nhẹ tâng, hơi thở điều hoà. Cái cảm giác lạnh lẽo vào tiếng ve trong đầu tôi biến mất. Mừng rỡ, tôi co giò chạy một mạch về phía trước, tre hai bên đường vùn vụt lao ngược lại đàng sau…

Chạy mãi, chạy mãi… trước mắt tôi chợt sáng rỡ. Không còn con đường hun hút bóng tre, mở ra trước mắt tôi là bầu không gian bao la. Con đường tôi đang chạy dẫn đấn một bến đò. Trên đò đã có một số người ngồi . Cạnh chiếc đò, một ông già mặc chiếc áo nâu, đội nón lá đang cầm cây sào dài như đang chuẩn bị qua sông. Thấy tôi, ông khẽ mỉm cườI, chòm râu dài bạc trắng. Tôi chạy vội đến và …hụt chân té sấp…
Giật mình tỉnh dậy, tim tôi đập thình thịch, mồ hôi ướt đẫm chiếc chiếu đang nằm. Xung quanh tốI đen như mực. Đầu óc vẫn còn bàng hoàng về giấc mơ quái đản

Trong lúc còn chưa tỉnh hồn, một cảm giác kì lạ chợt dâng lên trong lòng tôi. Không phảI là cảm giác lúc đang mơ, nhưng tôi không lý giải được. Bất giác, đưa mắt nhìn ra ngoài, tôi chợt nhìn thấy… một quầng sáng màu vàng cam hình o-van, cao bằng đầu người đang đứng yên bất động ở ngay cạnh giường. Ánh sáng không rực rỡ lắm, nó nhàn nhạt như màu lửa và mờ mờ ảo ảo. Bàng hoàng, tôi lăn sát vào cạnh giường trong, lưng áp vào tường và lấy mền trùm đầu kín mít. Nhịp tim vừa mới ổn định bây giờ lại thúc liên hồi như trống giục. Cảm giác sợ lại ập đến, tôi nhắm tít hai mắt lại đến loé đom đóm…

Một lúc sau, len lén hé mền ra nhìn… tôi vẫn thấy vầng sáng ở đó không di chuyển. Lần này thì sợ thiệt rồi ! Tôi quay mặt úp vào trong vách, co quắp ngườI lại, phủ mền kín đầu và niệm bất kì câu niệm nào mà tôi nhớ ra lúc đó. Niệm mãi, niệm mãi đến khi mệt mỏi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Năm giờ sáng, đúng theo lệ, nội đánh thức tôi dậy cột bánh. Mở mắt ra, việc đầu tiên là tôi quan sát mọi thứ xung quanh. Vẫn bình thường, vầng sáng lạ không biết đã biến từ lúc nào…

Câu chuyện này tôi giữ kín cho đến khi nhập đạo. Các bạn có biết việc gì xảy ra trong ngày đầu tiên tôi bái sư không? Lúc sư phụ tôi giớI thiệu sư huynh, tôi “ớ” lên một tiếng thật lớn làm mọI người giật mình. Vì sao ư, vì sư huynh của tôi …chính là cái thằng nhỏ còm nhom mà tôi nhìn thấy trong mơ hơn năm năm về trước…

Còn cái vầng sáng lạ lùng là gì? Nghe tôi kể lại, sư huynh nói rằng đó không phải là ma đâu. Có thể là một vị thiện thần nào đó có duyên với tôi mà thôi…

-------------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)       (Tập 2)            (Tập 3)              (Tập 4)              (Tập 5)                       

(Tập 6)                    (Tập 7)                      (Tập 8)                      (Tập 9)                            (Tập 10)

(Tập 11)                (Tập 12)                   (Tập 13)                 (Tập 14)                 (Tập 15)

(Tập 16)             (Tập 17)                (Tập 18)                   (Tập 19)                     (Tập 20)

(Tập 21)                  (Tập 22)                   (Tập 23)                   (Tập 24)                     (Tập 25)              (Tập 26) 

Bản quyền thuộc về tác giả Hoàng Thông

Ma