Nhà tôi cũng làm nghề gói bánh tét. Tính đến tôi tổng cộng là bốn đời. Cái gánh bánh tét ấy đã đưa gia đình tôi qua những chặng đường gian khổ nhất, nuôi ba tôi vào trường Petrus Ký rồi đi du học nước ngoài (xin nói thêm, ngày xưa được du học là hoàn toàn miễn phí, lạI còn được cấp học bổng nữa).
Cũng nhờ cái gánh bánh tét này mà chúng tôi được trưởng thành.
Nhiệm vụ của mấy anh em tôi là mỗi sáng thức dậy lúc 5 giờ để phụ cột bánh, xâu bánh lại theo chục và chất bánh vào nồi để nấu. Trẻ con thức dậy sớm thường hay buồn ngủ. Thằng em tôi ngồi cột bánh mà nó mổ như gà. Còn tôi, bà nội kêu châm nước thêm vào thùng nấu bánh, tôi bưng luôn nguyên thùng trấu đổ vô nồi… báo hại bữa đó bị mấy roi cháy đít..
Những lúc biết tụi tôi quá buồn ngủ, nội tôi thường kể chuyện đời xưa. Có những câu chuyện nghe đi nghe lại mãi mà không biết chán: chuyện Thạch Sanh chém Chằn, chuyện Chàng nhái Kiểng Tiên, chuyện Đứa con trời đánh… Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ in những câu thơ nội đọc:
“Đờn kêu trách bấy Lý Thông
Nỡ quên hiền đệ đem lòng bạc phai
Đờn kêu ai bắn chim bay
ĐạI bàng gãy cánh chạy dài xuống hang
Đờn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa lên thang mà về…”
Có khi nội mệt, tôi xung phong kể chuyện cho nội nghe. Quẩn quanh vẫn là các chuyện tiếu lâm, chuyện xe cán chó … mà tôi nhặt nhạnh được trong những lúc lê la trong xóm. Đặc biệt, mấy câu chuyện ma tôi kể tạo cảm hứng cho mọi người. Chỉ có cô Ba tôi bị lãng tai không nghe, còn lại đều im lặng một cách tôn trọng làm tôi rất cao hứng. Các câu chuyện ma tôi kể làm má tôi nhớ về những năm tháng còn ở với ngoại.
Và đây, hồi ức và những câu chuyện ma của má tôi…
Quê ngoại của tôi ở Củ Chi, quê hương của địa đạo, nơi từng được khen tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”. Suốt hai trào Pháp Mỹ, gần phân nửa số dân ở đây đã về với đất. Từ những ngườI dân thường vô tội cho đến những người cầm súng… đạn bom không chừa một ai.
Hồi chín năm (bà con có thói quen gọi thời kì chống Pháp giai đoạn 1945 – 1954 như thế), vùng quê ngoại tôi nằm giữa hai chiến tuyến - một bên là quân đội giáo phái Cao Đài thân Pháp và một bên là Việt Minh. NgườI dân vì không nỡ rời bỏ mảnh đất tổ tiên, nên trở thành nạn nhân của cả hai phía.
Ban ngày, lính Cao Đài vào nhà yêu cầu gia đình phải dán cờ đạo để được bảo hộ.
Ban đêm, Việt Minh đến gõ cửa những căn nhà có dán cờ, đưa chủ nhà đi biệt tích. Người dân luôn sống trong cảm giác thấp thỏm lo âu, sợ hãi không biết khi nào sẽ tới mình…. Vậy là, bà con phải sống theo “con nước”. Lính đến, cờ dán lên. Lính đi, cờ hạ xuống… Chỉ một giai đoạn chín năm, không biết bao nhiêu người đã trở thành cô hồn dã quỉ theo cách như thế.
Má tôi kể, Ở phía trên làng, gần bìa rừng có một mội nước rất ngọt (mội: hố nước tự nhiên, sâu chỉ khoảng tới ngực người lớn, nơi mạch nước ngầm chảy vào, rất trong, không bao giờ cạn), bà con trong xóm thường lấy nước này về xài. Những năm gần giải phóng, không hiểu vì sao đất lở lấp mội nước gần hết, bà con liền ra tay nạo vét và xây ximăng bao quanh. Trong quá trình làm, ngườI ta phát hiện ngay cạnh mội nước là một cái hố chôn gần 300 cái đầu lâu đủ cỡ, không biết ở đó tự bao giờ. Bà con đào lên rửa sạch từng cái rồI làm lễ an táng chung trong một cái mã lớn gọi là mã đầu lâu.
Từ đó không ai dám uống nước ở mội nước này nữa.
Thời kỳ lính Mỹ tấn công Củ Chi mớI là giai đoạn ác liệt nhất. Bà con bị gom hết vô ấp chiến lược. Chú SAM mở các trận càn vào khu địa đạo, trong đó qui mô nhất là trận càn mang tên “ Bóc vỏ trái đất”. Bom , pháo, đạn, chó Bẹc-giê, lính Sài Gòn, lính Mỹ…đổ xuống dày đặc bắn nhau suốt mấy tháng liền… Chiến sự đi qua, để lại trên vùng quê của ngoại bao tang tóc. Những xác chết không còn hình dạng, những khúc xương, mảnh thịt tung toé hoà lẫn vào trong đất, trở thành phân bón cho cây. Có những căn hầm trú ẩn bị bom dội trúng chỉ còn lại một hố sâu thẳm thẳm nghi ngút khói…
Thể xác hoà trong đất, anh linh của những ngườI đã chết vẫn còn phảng phất trong sương khói…
Bên cạnh đám ruộng của ngoại tôi là ruộng của ông Năm Giàu. Ngày đầu sau giải phóng, về nhận lại đất ruộng để cấy cày, ngườI nhà ông Năm cày lên từng khúc xương đầu, xương ống, có cả những mảnh bi- đông nước, vải dù… Lẽ ra họ phảI gom lại và an táng để an ủi vong linh, đằng này nhặt được khúc xương nào họ lại quăng chài lên bờ khúc đó, lại còn chửi rủa lầm bầm.
Hôm ra ruộng ngoại tôi nhìn thấy bất nhẫn có lời nhắc nhở, thằng Hai Đực con ông Năm còn lớn tiếng:
- Chết là hết rồi! Mắc nợ gì mà tụi tôi phải chôn cất cúng bái chứ. Nếu bà dị đoan quá thì cứ rước về mà cúng.
Ngoại tôi chỉ biết thở dài, kêu cậu Năm tôi ra thu nhặt đem chôn cất cẩn thận. Ba tháng sau, ruộng các nơi bị sâu rầy phá hại, thiệt hại không nhỏ. Ruộng nhà ngoại cũng bị rầy cắn phá đôi chút. Chỉ có ruộng nhà ông Năm Giàu là vẫn xanh mượt mà, không có bóng dáng một con rầy nào. Ai cũng cho là lạ. Ngoại tôi lén thở dài:
- “Ông trời không có mắt…”.
Mấy tháng sau nữa, lúa chín vàng, mọi người bắt đầu thu hoạch. Kì lạ làm sao! ruộng lúa nhà ông Năm vẫn cứ một màu xanh ấy từ lúc lúa người ta trổ đòng đòng, ngậm sữa rồi chắc hạt, vàng hạt. Đến khi ai nấy thu hoạch xong xả rồi, xung quanh chỉ còn trơ gốc rạ, đám ruộng ấy vẫn cứ xanh mượt như cỏ non, không có một bông lúa… Ngoại tôi lạI nói:
- “ Trời cao có mắt. Tại mình không chịu tin đó thôi”…
Trong cái xóm nhỏ dướI chân dốc Bến Mương, ngoại tôi được bà con yêu thương vì biết sống tốt với mọi người. Ngoại hiền và đức độ, vậy mà bà thường xuyên gặp ma mới là chuyện lạ. Hồi đó, thỉnh thoảng má tôi lại thấy ngoại đứng trước sân nói chuyện bâng quơ với ai đó. Khi ngoại vào nhà, má hỏi thì ngoại trả lờI ậm ừ :
- “ Thì… mấy chú lính đó mà!”.
Những lúc như vậy thì ngay hôm sau, thế nào má cũng thấy ngoại nấu một nồi cơm gạo thơm, đánh ra, vò thành nắm như trứng vịt rồi bày ra cái sàng tre có lót lá chuối, kèm theo dĩa muối tiêu, mấy lát hột vịt, có khi là vài miếng khô cá trèn xé nhỏ. Ngoại bưng ra ngoài đầu ngõ, đặt dước gốc cây to nhất và lặng lẽ thắp nhang, nói chuyện một mình.
Về sau, ngoại mới kể lại cho má nghe rằng anh linh của các chiến sĩ trận vong không tan đi, họ vẫn tìm về thăm ngoại như những ngày ngoại còn nấu cơm nuôi quân. Những lúc nghe tay chân phát lạnh, ở trong nhà mà gió cuộn dưới chân liên tục, bụng bồn chồn là biết các anh các chú đang về ở ngoài vườn. Ngoại lập tức chạy ra ngay, y như rằng trước mặt ngoại là vô số bóng hình đứng ngồi lố nhố ẩn ẩn hiện hiện sau mấy tán cây.
Người thì tay chân mất hết, người thì dập nát nửa đầu, người thì bị pháo cắt ngang nửa ngườI chỉ còn một phần thịt dính lủng lẳng… có một điều là họ luôn tỏ vẻ mừng rỡ khi gặp ngoại.
“ Lúc đầu thì sợ thiệt - Ngoại nói – nhưng riết rồi cũng quen, thấy thương nhiều hơn sợ”.
Ước mong của ngoại là tìm một vị cao tăng về lập đàn tràng siêu độ cho các vong linh ấy. Ngoại nói:
- “ Bây giờ tao còn đây, còn cúng cho mấy chú đó. Ngày nào tao chết, biết ai lo cho họ…”.
Ngoại tôi là một người bình thường không đi chùa, không tụng kinh niệm Phật. Nhưng ngoạI sống bằng cả tấm lòng, cho dù ngườI đó còn sống hay đã chết…
… Tôi nhớ những năm đầu sau giải phóng, Sài Gòn bị một trận đói tàn khốc, phải ăn độn khoai sắn, bột mì, lúa mì viện trợ. Má tôi lập tức di tản tôi về ngoại. Cuộc sống ở quê lam lũ mà vui. Mỗi sáng 4 giờ, ngoại thức dậy gánh hai giỏ bánh bò và bánh da lợn lên chợ bỏ mối. Có hôm, tôi nằng nặc đòi theo, ngoại lắc đầu mãi rồI cũng đồng ý.
Con đường ra chợ chỉ có 5 cây số nhưng tối đen như mực, phải đi qua một con dốc và hai cánh rừng mới đến nơi. Con đường này ban ngày đạp xe đạp đi chở mía tôi đâu thấy sao đâu. vậy mà lần đầu đi đêm vớI ngoạI mới cảm thấy đáng sợ. Ngoại gánh gồng đi trước, tôi xách cái giỏ lót tót đi sau. Một tiếng chim ăn khuya đột ngột cất lên cũng đủ làm tôi giật thót mình. Vừa đi, vừa niệm “Án ma ni bát di hồng” liên hồi kì tận.
Bất chợt ngoạI dừng gánh làm tôi suýt đâm sầm vào giỏ sau.
- Chuyện gì vậy ngoại.
- Ờ, con chờ chút.
Vừa nói ngoạI vừa lấy ở giỏ trước ra một cái bánh bò và cái bánh da lợn gói sẵn trong lá chuối. Ngoại tiến đến gò mối lớn cạnh bìa rừng, để xuống chân gò và xoè diêm châm đỏ mấy cây nhang đã chuẩn bị sẵn. Mùi khói nhang phảng phất trong không gian buổi sớm làm tôi tỉnh hẳn người… Xong việc, bà cháu lạI lên đường. Thắc mắc mãi, cuối cùng ra đến chợ tôi cũng đánh bạo hỏi đại:
- Sao ngoại cúng ở đó vậy ngoại, chỗ đó thờ ông địa hả?
Ngoại khoát tay tỏ ý ngăn tôi lạI:
- Để lúc rảnh ngoại kể cho nghe.
Và ngoại đã thực hiện lời hứa. Lúc ấy, tụi tôi đã xay bột làm bánh xong. Trong khi chờ mợ Năm tôi làm cơm, ngoại bắt đầu kể…
…Hồi mới giải phóng, con đường chưa tráng nhựa. Ngoại vẫn như lệ thường gánh bánh ra chợ bán. Con đường đất sáng ánh trăng nên ngoại đi khá dễ dàng. Bất chợt, trước mắt ngoạI tối mịt mù như có ai đó lấy vải đen che kín tất cả. Quờ quạng trong màn đêm đen kịt, lúc đầu ngoại cũng hơi hoảng hốt. Ngoại chợt nhớ đến câu chuyện của ông Năm Bảng… Ở đây có một thứ ma gọi là ma giăng hàng. Nó thường nắm tay giăng hàng quanh người tạo thành ảo giác khiến cho người bị nhát tốI tăm mặt mũi không thấy đường sá gì cả. Ông Năm đã từng bị trêu ghẹo như thế nhiều lần, nhưng ông có cách giảI quyết hiệu quả vô cùng… Ông lột trái quần ra, tròng lên đầu, rồi tháo hai chiếc guốc dông cầm tay, vừa đi vừa gõ… cứ thế mà về được đến nhà.
Nhưng ngoại không làm như ông Năm được. Đứng thần người trong khi trước mắt đen kịt một màu, lẳng lặng một lúc lâu ngoại mớI cất lời:
- Mấy ông mấy bà ơi! Toàn là dân nghèo mình với nhau không hà. Sao nỡ lòng nào đi phá khuấy như thế. Cũng còn để cho bà con kiếm sống với chứ. Nếu các vị có buồn phiền gì cũng xin hỷ xả cho nhẹ lòng, còn nếu có đói thì tui sẽ làm mâm cơm cúng. Để cho tui ra chợ buôn bán với…
Thở than trong giây lát, trước mặt ngoại sáng dần lên. Ngoại thấy mình đang đứng trước bìa rừng, cạnh một gò mối lớn. Đó chính là gò mối mà tôi đã kể. Lúc ấy, bên cạnh gò mối là một người đang đứng. Trong ánh sáng mờ mờ của bầu trời, ngoại thấy người đó mặc chiếc áo bà ba đen, cột cái khăn rằn ở bụng – cách ăn mặc của những cán bộ hồi chín năm.
Có một điều đáng sợ hơn là … bóng ngườI đó không có đầu.
Cái bóng cụt đầu sừng sững trong đêm làm ai thấy cũng phảI thất kinh hồn vía. Ngoại tôi cũng sợ điếng hồn, nhưng rồi ngoạI nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Những hình ảnh này đối với ngoại không quá xa lạ, chỉ có điều hơi cảm thấy bất ngờ…
- Chú ơi! - ngoạI lên tiếng – Chú sống khôn thác thiêng, anh linh của chú ở lạI đây hưởng khói hương phù hộ bà con. Đừng nhát ngườI ta tội nghiệp.
Cái bóng cụt đầu khẽ lay động như muốn nói điều gì. Nhưng rồi sau đó cái bóng mờ dần và biến mất hẳn. Lúc bấy giờ ngoạI cũng không hiểu nguyện vọng của bóng ma. Nhưng đúng lời hứa, mỗi ngày đi chợ ngoại đều ghé ngang gò mối thắp cây nhang, cúng hai cái bánh.
- Từ đó đến giờ còn thấy nữa hôn ngoạI? – Tôi sốt ruột ngắt lời.
- Không. Kể từ dạo đó đến giờ không chỉ ngoại mà những ngườI khác cũng không còn thấy nữa. Chắc là họ đi rồi…
Sau này nhớ lại, tôi không tin những anh linh đó đã đi mất, chỉ có điều không hiện hình đấy thôi. Họ vẫn còn ở đó bên những cánh rừng, nơi chôn vùi thân xác họ. Thể xác không nguyên vẹn thì linh hồn làm sao an được. Giá mà có ai tìm được hài cốt của họ qui tập trở về hoặc có ngườI lập trai đàn chẩn tế thì tốt biết bao…
-------------------
Đọc trọn bộ: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5)
(Tập 6) (Tập 7) (Tập 8) (Tập 9) (Tập 10)
(Tập 11) (Tập 12) (Tập 13) (Tập 14) (Tập 15)
(Tập 16) (Tập 17) (Tập 18) (Tập 19) (Tập 20)
(Tập 21) (Tập 22) (Tập 23) (Tập 24) (Tập 25) (Tập 26)
Bản quyền thuộc về tác giả Hoàng Thông