04/06/2021 11:50 View: 1987

Truyện ma: Một cõi Âm Dương (Tập 5)

Đây là phần ngoại truyện, kể về xóm của tôi. 

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một quận vùng ven thành phố Sài Gòn. Căn nhà của gia đình tôi nằm sâu trong một con hẻm lớn. Muốn vào hẻm, người ta phải đi qua một con đường dài hơn trăm mét, hai bên tre mọc san sát.

mot coi am duong 5, truyen ma

Ban ngày đi dưới bóng tre mát rượi , còn ban đêm… từ ngoài nhìn vào hẻm tối đen như mực, trông con đường như một cái hang khổng lồ ẩn chứa bên trong biết bao điều huyền bí.

Bà con trong xóm đều là lao động nghèo, họ làm đủ nghề khác nhau để sống.

Vợ chồng chú Sáu Lễ làm nghề xe nhang, chú đi lính biệt động quân bị đạp trúng mìn cóc tiêu hết một chân nên giải ngũ sớm, ở nhà cà nhắc nhồi bột cho vợ con xe nhang bán; bà Hai Hụi chuyên đi gom hụi mở các dây hụi khác nhau, nếu bà không đến nhà ai thì người ta cũng ra vào nhà bà nườm nượp.

Vợ chồng chú Năm Bừa đi làm phu lục lộ, vợ chồng chú Út Thoại ra đường bán xăng lậu, ông Tư Cầu chạy xe ngựa … chỉ có gia đình ông Hai Cẩu là tương đối thảnh thơi. Con cái lớn rồi đi làm ăn xa, hai ông bà có một mảnh đất sau nhà gần đồng mã để lên vài ba liếp cải, mấy giàn bầu mướp, khổ qua…lai rai mỗi ngày cũng có chút đỉnh xài. Lúc trước ông chạy xe lam nhưng từ khi khá giả, ông bán chiếc xe ở nhà trồng trọt vớI bà Hai. Nhà ông bà cũng tương đối rộng rãi, lại có cái Tivi Nationnal 17inch nên luôn luôn là trung tâm điểm cho cả xóm.

Lúc nhỏ, nhà tôi nghèo quá không có tiền mua Tivi coi nên thỉnh thoảng cũng ghé nhà ông bà coi ké. Những lúc Tivi không có chương trình hay, mọi người cứ theo thói quen tập trung lại ngồi nói dóc chuyện thế sự. Ôi thôi hằm bà lằng đủ mọi chuyện trên đời…từ chuyện mùa pháp nạn năm 1963 Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu cho đến chuyện Tết Mậu Thân hai bên bắn nhau dữ dội, từ chuyện bà Ngô Đình Nhu với đạo Cao Đài cho đến chuyện vợ chồng ông Thiệu với cái Long Đỉnh ở Thất Sơn… nhưng những chuyện mà lũ trẻ chúng tôi mê nhất vẫn là những câu chuyện ma không có hồi kết thúc…

Thiệt tình, bà con thích kể chuyện ma cũng có lí do.

Khu vực chúng tôi ở giáp ranh với ngoại thành, nơi đó có một cây đa cổ thụ hơn trăm tuổi, nhánh cây um tùm sà xuống le te sát đầu người. Từ lâu, chẳng có ai dám chặt phá nhánh cây. Nghe nói trước đây ban quản lý hội đình có mướn người mé nhánh cho quang đãng, nhưng thợ thầy mới chặt được một nhánh thì… ông thợ chính bỗng buông cưa ôm bụng oằn oại, rồI co giật như mắc kinh phong.

Mọi người hoảng hốt chạy đến cứu chữa thì bỗng ông ngồi bật dậy, mắt trợn dọc đập đầu vào gốc cây bôm bốp. Ông từ giữ đình phải thắp hương cầu khấn mãi mớI êm. Thấy vậy, mấy ngườI thợ khác rủ nhau trốn biệt, không dám làm. Cây da ngày càng um tùm rậm rạp.

Bao quanh khu vực cây da là những ao sen, ao rau muống liên tiếp. Năm Mậu Thân, nghe nói rất nhiều người đã chết ở tại chỗ này. Con đường ở đây nằm trên trục lộ chính trong những mũi tiến công vào Sài Gòn của quân giải phóng. Quân Cộng hoà cũng đóng chốt dày đặc. Vô hình chung, khu vực xóm tôi trở thành bãi chiến trường ác liệt. Xác của binh lính hai bên và của những người dân chết oan chất đầy con đường, có xác chìm sâu trong những ao hồ quanh đó… Bình yên trở lại, một cái miễu cô hồn được dựng ngay gốc cây da, ban ngày khói hương nghi ngút cháy, ban đêm leo lét ánh đèn dầu.

Con đường tre vào xóm tôi cũng có nhiều người chết.

Phía sau nhà ông Hai Cẩu lại là cánh đồng mã mênh mông. Mã lớn, mã nhỏ, mã người già, mã trẻ sơ sinh đủ loại. Mã nhà giàu thì có kim tỉnh bằng đá ong, đá mài. Mã ông Bá Hộ Huy thì chạm đá đá hoa cương, lại xây nguyên căn nhà mồ tuyệt đẹp; mã người nghèo thì sơ sài tấm bia và gò đất; mã trẻ con chết non thì vun lên một nấm đất như cái thúng úp chẳng có mộ bia gì…

Tối tối, có chuyện đi ngang đồng mã, thấy vài đốm lửa ma trơi lập loè trên mấy ngôi mã mới, không ai có đủ can đảm mà bước đi thong thả. Vì vậy, những câu chuyện ly kì rùng rợn về các loài ma trở thành đề tài hấp dẫn cho biết bao người trong xóm của tôi, kể cả người có đạo hay không có đạo, kể cả người tin lẫn kẻ không tin, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Dĩ nhiên, trong đó có… tôi.

NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG CÓ HỒI KẾT

CHUYỆN CỦA BÀ HAI CẨU

Tối thứ Tư, chương trình Tivi thường có cải lương Hồ Quảng do đoàn Huỳnh Long hoặc Minh Tơ biểu diễn. Mấy người lớn tuổi trong xóm lục tục kéo đến từ hồi chạng vạng. Hôm nay đoàn Minh Tơ biểu diễn vở Thập Tam Thái Bảo, ai nấy náo nức chờ đợi.

Vậy mà ông nhà đèn lại nỡ phụ lòng người dân xóm nghèo. Đúng 6g45, chương trình Tivi mới bắt đầu thì … phụp- đèn tắt tối thui. Lũ nhỏ tụi tôi rên rỉ, người lớn thở dài, càu nhàu. Bà Hai Cẩu tức mình chửi bâng quơ:

- Bà nội cha nó, tiền điện hàng tháng mình đóng đủ. Vậy mà nó cũng không cho mình coi ti-qui nữa!

Ông Hai kêu mấy đứa con thắp đèn dầu. Một vài người trong xóm bỏ về. Còn lại hơn phân nửa nấn ná xem ông nhà đèn có đổi ý hay chăng. Tôi ngồi trong góc bộ ván, nép mình thu lu. Phần vì bắt chước những người ở lại nuôi chút hy vọng mong manh, phần vì cúp điện tối thui về nhà hay ở lạI cũng vậy thôi, …

Bà Hai Nhà in lên tiếng trước ( xóm tôi có thói quen gọI tên người kèm theo nghề nghiệp của họ hoặc của chồng hay vợ):

- Cúp điện trời này sao tôi thấy giống năm Mậu Thân quá!

Thím Ba Cam tiếp lời:

- Trời cũng tối đen như mực thế này. Súng nổ ầm ầm, tui chỉ biết ẳm con Hà chui đại xuống gầm ván mà trốn.

Tôi nghĩ bâng quơ “ Thì ra con Hà cũng nằm dưới gầm ván giống mình. Hèn chi nó học ngu quá xá…”

Tiếng bà Hai Cẩu cắt ngang suy nghĩ của tôi:

- Lúc đó vừa nghe tiếng súng, ông Hai ẳm thằng Út Mười, tui ôm con Út Chín, mấy đứa lớn chạy lúp xúp theo sau. Đạn bắn đùng đùng trên đầu, may không chết hết rồi.

Bà Tư Cầu hiền lành ít nói nhất, bây giờ cũng góp lời:

- Mô Phật, dạo đó chỗ mình chết nhiều quá!

- Ừ, chết nhiều thiệt – Bà Hai Cẩu trả lời ngay – Tui nghe nói bên xóm thịt ngựa họ bị pháo dập chết gần chục người. Có người bị nhà sập đè chết, có người bị mảnh pháo mà chết…Thiệt là tội nghiệp. Ở trong nhà mà cũng bị mảnh pháo xẻ thịt, đúng là số.

Bà Tư nhỏ nhẻ:

- Bao lâu nay họ chuyên xả thịt ngựa, bây giờ họ lại bị xả thịt. Nghĩ lại bắt rùng mình. Sau dạo đó tôi không dám đi buổi tối đến cả năm trời. Cứ mỗi lần có công việc gì đi với ổng về, trời chạng vạng ngang qua cây da là tôi sởn cả da gà.

- Chị sợ là do tâm lí thôi, chứ có bao giờ chị bị ma nhát đâu – Cô Tư Gôm giờ này mới lên tiếng – ma nhát coi mặt người ta. Chỉ có mấy người yếu bóng vía mới thấy ma thôi, còn nặng bóng vía, muốn thấy cũng không làm sao mà thấy được. Trong xóm mình, có mấy người thấy ma đâu?

- Từ Mậu Thân đến giờ thì tui không thấy ma, chứ hồi mới dìa đây ở tôi gặp một chuyện kinh khủng mà đến giờ nhắc lại tui còn nổi gai ốc – Bà Hai Cẩu nói.

MọI người nhao nhao: “ Kể đi chị Hai, kể đi…”

Hớp một ngụm nước trà thông giọng, bà Hai cất giọng nhừa nhựa:

“ Lúc đó tui nhớ là năm Thìn. Thằng Nhiệm Lớn được một tuổi là tui vớI ổng dọn nhà từ ấp chiến lược về đây ở. Ngày đó ở đây có vợ chồng anh Bảy Nhà Báo với vợ chồng Bảy Tình Liên gia trưởng. Tui vớI ổng che tạm cái chòi lá ở ngay nền nhà này sống bằng nghề gói bánh tét đi bán dạo. Công việc cực thì có cực đó, nhưng sống cũng đắp đổi.

Bữa đó tui đi giao bánh sớm, đi ngang qua chỗ miếu Ngũ hành bây giờ, tui thấy một ông già ngồi dựa gốc cây, cầm cái quạt phe phẩy. Tui vừa ngạc nhiên vừa tức cườI, trờI khuya sương xuống lạnh ngắt như vầy mà ngồi quạt, ông già này chắc bị tâm thần; vừa nghĩ vừa đi, ai dè ngang qua chỗ ngồi của ổng, ổng chợt kêu giật giọng:

- “ Có bánh tét nóng bán cho mấy đòn” .

Không biết tính sao, tui hạ gánh xuống cắt cho ổng hai đòn bánh mỡ. Loáng cái ổng làm sạch bách, lại còn đòi thêm, cắt cho hai đòn nữa ổng cũng làm cái ào hết trơn. Trong chốc lát, ổng ăn sạch nửa chục bánh tét. Ăn xong, ổng hỏi tiền, tui nói giá xong, ổng biểu tui đi bán xong rồi quay lại lấy sau. Thấy trời còn tốI, đường lại vắng, đôi co với ông này nghĩ không có lợi, tui tự nhủ thầm phen này mất toi hết nửa chục bánh. Thế là tui đứng dậy gánh giỏ bánh đi luôn. Đi khoảng chục bước, tui quay lại dòm… Trời đất ơi! mấy bà biết gì không?

Bà Hai Nhà in nhổ cổ trầu ra đất cái toẹt, vừa quẹt mép vừa nói:

- Thì chị cứ kể luôn đi, có ái biết gì mà trả lờI!

- Tui thấy… tui thấy ông già cứ bự dần lên như cái bong bóng thổi to, mới đầu ổng bằng cái bao gạo, sau đó bằng cái miễu nhỏ, rồi bằng mái nhà, cuối cùng ổng cao bằng ngọn tre đầu hẻm luôn. Tui nói…tui quăng gánh chạy bò càng, vừa chạy vừa la bài hãi, bỏ luôn buổI chợ…

Ông Hai Cẩu phụ hoạ:

- Bữa đó tui mới đánh xe ra, tính qua xóm bên chở mối đi chợ, thấy bả chạy xấc bấc xang bang về nhà, mặt mày thì hớt hơ hớt hải, cắt hổng còn chút máu, miệng thì cứ ngáp ngáp chỉ ra ngoài hướng chợ. Tui chẳng hiểu ất giáp gì hết trọi…

- Rồi sau đó làm sao? – Cô Tư Gôm nóng ruột nói chen vào.

- Thì … tui một mình quay ra chỗ bả chỉ, thấy quang gánh bả quăng bên đường, hai trạc bánh tét ngã bù lăn bù lóc… xung quanh đâu có ai đâu. Đành phải bỏ mối quen ở xóm trên mà chở bả ra chợ giao bánh cho kịp.

Bà Tư Cầu trầm ngâm:

- Theo tui thì đây hổng phải ma đâu. Chắc là chư vị nào đó muốn đùa cợt chút thôi mà.

- Tui cũng nghĩ vậy. Hổng hiểu sao từ ngày xảy ra chuyện đó về sau, ở nhà làm ăn xuôi chèo mát mái. Bán buôn cũng khấm khá hơn. Có được chút vốn, vợ chồng tui sang lại miếng đất của ông Năm Trước trồng tỉa chút đỉnh cho đến bây giờ. Lâu lâu nhớ ổng, tui cũng cúng cho ổng mâm cơm với nửa chục bánh tét - Bà Hai kết thúc câu chuyện. Mọi người trầm ngâm suy nghĩ. Có lẽ mọi người đang ước mơ một ngày nào đó được gặp ông già quái dị này chăng?

Sau này, khi lớn lên, được học đạo với sư công, tôi có kể lại câu chuyện này. Nghe xong, sư công tôi mỉm cườI nói:

- “Đó là ông chủ thổ. Ai gặp được ông ấy là có duyên lắm. Trừ phi mình bỏ vùng đất này mà đi, chứ ở lại nơi đó sẽ được phù hộ quanh năm”

-------------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)       (Tập 2)            (Tập 3)              (Tập 4)              (Tập 5)                       

(Tập 6)                    (Tập 7)                      (Tập 8)                      (Tập 9)                            (Tập 10)

(Tập 11)                (Tập 12)                   (Tập 13)                 (Tập 14)                 (Tập 15)

(Tập 16)             (Tập 17)                (Tập 18)                   (Tập 19)                     (Tập 20)

(Tập 21)                  (Tập 22)                   (Tập 23)                   (Tập 24)                     (Tập 25)              (Tập 26) 

Bản quyền thuộc về tác giả Hoàng Thông

Ma