Mấy ngày hôm sau, dạo ấy bố em và chú Tèo hay ra lò gạch của nhà anh T để phụ giúp anh ấy. Ông B mất đi, mọi việc đổ dồn lên vai anh T nên là vất vả lắm. Mấy anh em cùng xóm vì chơi với nhau khá thân cho nên bố với chú Tèo cũng chẳng nề hà gì... Đang lúc 3 người mải mê làm việc, chợt từ phía xa, có cái dáng người khá quen đang từ từ đi tới....
Là thầy N. Anh T nhìn thấy thầy N, anh vội vã chạy ra đón. Đã mấy ngày nay, thầy N không trở lại làng, có lẽ thầy bận chuẩn bị một số thứ để sắp tới sẽ giải quyết vấn đề ở ven sông... Thầy N thấy ba anh em lấm lem, thầy ngồi xuống bắt chuyện một hồi rồi nói...
“T ... cậu có còn là đồng nam không..?”
“Đồng nam..?”
Anh T ái ngại, anh nói tiếp...
“Ơ... sao thầy hỏi vậy ạ?? À ... vâng.. cháu vẫn là đồng nam.. cháu chưa có người yêu bao giờ...”
Thầy N khẽ gật đầu, thầy nhìn qua bố em và chú Tèo nói tiếp
“Tốt... hai anh bạn nhỏ này chắc cũng là đồng nam chứ nhỉ...?”
Bố em và chú Tèo nhìn nhau phá lên cười, hồi đấy bố em còn chưa cả biết thế nào là yêu. Tất nhiên là đồng nam rồi chứ chẳng lẽ đã là người lớn...? Bố và chú Tèo bảo mình vẫn chưa có người yêu thì thầy N gật đầu cười lớn
“Ha ha ha... được... đúng lúc ta cũng đang cần 2 đồng nam để đứng trụ đàn. Hai cậu này lớn bằng nhau, sẽ thích hợp hơn là cậu T. Cậu T giúp tôi chuẩn bị vài việc là được rồi...”
Nói rồi thầy bắt đầu bảo rằng đêm nay thầy sẽ lập đàn ở trên núi để thỉnh thánh về, cần sự giúp đỡ của bố em, anh T và chú Tèo. Thầy phổ biến nhiệm vụ một lúc lâu về kế hoạch buổi tối, cả ba nghe xong thì hứng khởi gật đầu đồng ý giúp đỡ thầy ngay. Bố em và chú Tèo chạy một mạch về nhà xin phép ông bà rồi mau chóng quay trở lại. Thế rồi cả bốn người bắt đầu thẳng hướng ngọn núi Y mà đi...
Đêm hôm ấy, ở trên đỉnh ngọn Y sơn, ngọn núi này có tên cũ là Yên sơn , tuy nhiên thì vì một số lý do nào đó mà dân quanh vùng vẫn thường gọi đó là núi Y sơn hay núi IA cũng đều như vậy ..... Thầy N chuẩn bị một đàn lễ cực lớn ở trước cửa miếu , đêm nay thầy sẽ thỉnh đức Thánh Hùng Linh Công về để nhận lễ đàn. Đây cũng chính là vị Thành Hoàng ngự trong đình của Làng Thịnh Hoà em bấy lâu nay. Thầy sẽ xin ngài ban thánh ân và sức mạnh để ra tay siêu độ cho rất nhiều vong linh lẩn khuất ở dưới lòng sông cầu, cứu giúp cho làng Thịnh Hoà thoát khỏi kiếp nạn. Thật ra thì không phải thầy không có khả năng, tuy nhiên thì từ trước đến nay người chết ở trên sông nhiều vô số. Oán khí của họ tích tụ cũng cực kì mạnh. Bởi vì ông Chèo đã hoá đi cho nên lòng sông không không còn có ai cai quản. Lũ ma da, ma nước nổi loạn lên, chúng sẽ điên cuồng bắt người khác xuống thay thể để đi đầu thai ngay khi có cơ hội... Việc này cần đến rất nhiều pháp lực cho nên nếu chỉ một mình thầy ra tay thì chắc chắn sẽ không thể. Nếu không cẩn thận thì không biết chừng còn tự chuốc hoạ vào thân nếu như bị chúng đánh ngược trở lại... Thầy N và anh T đêm nay bầy biện ra đủ thứ hương hoa, trà quả, xôi gà , đèn nhang .. trên một cái bàn lớn. Đặc biệt còn có thêm cả một dải lụa trắng rất to được thầy N gập gọn gàng cẩn thận trên bàn không biết để làm gì.... Bày ra xong thì cũng đã độ 12 giờ khuya.. Thầy đưa cho bố em và chú T hai bộ quần áo gì đó loè loẹt như là diễn tuồng vậy. Mỗi người được phân công đứng ở một bên đàn lễ để thủ đàn. Thầy N dặn kĩ lưỡng, khi nào lễ thỉnh chưa kết thúc xong thì tuyệt đối 2 người không được lên tiếng và không được rời khỏi vị trí kẻo hỏng hết việc. Chuẩn bị xong xuôi, lễ thỉnh thánh bắt đầu....
Thầy N thắp lên 5 nén hương, thầy tiến vào trong ngôi miếu cắm lên ban thờ thánh rồi lui ra ngoài bắt đầu lầm rầm khấn vái... Thầy ngồi khoanh chân , nhắm mắt lại gõ lên ba tiếng mõ đồng ngân vang. Tiếng mõ của thầy như vang vọng lên khắp cả ngọn núi làm cho từng cơn gió ở đâu bất chợt nổi lên ù ù. Thầy N khấn một hồi rất lâu bằng những bài tế cổ , tiếng đọc sớ của thầy cứ nhứ vậy mà vang vọng lên trong đêm liền mạch không dứt, không ngắt quãng. Chú Tèo đứng xem rất hứng khởi, thế nhưng mà chú thấy trên người ngứa ngáy lắm. Chẳng biết thầy lôi hai cái bộ quần áo này ở đâu ra mà mặc như là có rận cắn vậy ,chú cựa nhăn nhó chịu đựng. Bố em nhìn chú như vậy cũng tí nữa thì phì ra cười... Thầy N khấn được thêm một lát sau, bỗng thầy mở mắt ra trừng trừng hô lớn
“Con xin thỉnh đức thánh Hùng Linh Công - Y Sơn Linh Tích Đại Vương - Đời vua hùng vương thứ 6 , cai quản xứ Kinh Bắc giáng ngự về đây nhận lễ đàn.... Cẩn cáo.....!!!!!”
Anh Tăng đứng ở phía sau thầy lặng im, bố em và chú Tèo đang cựa quậy, nghe thầy hô thì giật mình đứng đơ ra như khúc gỗ... Ở phía xa xa, có tiếng sấm rền vang lên ì ùng... Đêm mùa đông tăm tối, làm gì có mưa dông đâu mà lại có tiếng sấm vọng. Thế rồi gió rít bắt đầu nổi lên càng lúc càng nhiều hơn, thầy Nam gõ vào cái mõ đồng không dứt. Tiếng mõ đồng ngân vang lên “coong. Coong” như là đang đón tiếp, thúc dục một cái điều gì đó vậy... Được một lúc sau, sấm dứt, gió cũng lặng dần đi, chú Tèo đang hào hứng chờ đợi, thấy gió lặng thì chợt chưng hửng... Chú đang định cất tiếng hỏi thầy N thì bỗng...
“Grừ ... Grừ.... Grừ.... Grừ...”
Có tiếng con gì đó gầm gừ ở phía sau lưng bố em và chú Tèo chợt phát ra. Bố nhớ lời thầy N dặn lúc nãy nên không dám quay đầu lại nhìn. Bố đưa mắt lên nhìn vào anh T thì thấy anh đang đứng ngây ra như phỗng, cái mồm anh lúc này mở tròn, há hốc ra chắc phải cho cả quả trứng vào cũng chui lọt.... Liếc mắt sang bên thì thấy chú Tèo đang run lên lẩy bẩy. Có lẽ chú cũng đang nghe thấy những tiếng gầm gừ sát bên tai kì lạ đó.... Cả hai người sợ đến vã cả mồ hôi nhưng chẳng ai dám quay đầu lại nhìn... Thầy N tiếp tục ngồi khoanh chân gõ vào cái mõ đồng vang lên lanh lảnh. Được một lúc sau, thầy nhìn ra sau lưng bố em rồi đứng lên cúi lạy thật sâu ba vái đầy thành kính. Tiếng gầm gừ sau lưng bố bỗng dưng im bặt, biến mất.... Thầy N lên tiếng
“Đã xong... hai cậu có thể lại đây được rồi...”
Bố em và chú Tèo nãy giờ đứng lặng yên, thật sự cả hai đều khó chịu và cũng sợ lắm, chẳng biết chuyện gì vừa xảy ra cả. Bố em chạy lại hỏi thầy thì thầy N chỉ gật đầu cười không đáp. Anh T thì cứ đứng ở phía sau mặt nghệt ra, khuôn mặt anh đơ như tượng sáp, chẳng hiểu anh đã nhìn thấy cái gì mà kinh ngạc đến thế nữa. Bố em và chú Tèo lôi anh ra một góc bảo anh kể lại tình huống phía sau lưng một hồi thì anh mới lắp bắp nói...
Lúc mà gió lặng đi, anh cũng đang không hiểu có chuyện gì xảy ra thì chẳng biết từ đâu, bóng một con hổ đen xì nhảy phắt lên trên nóc miếu. Anh T sợ như muốn hét lên tuy nhiên lúc đó thì như bị cấm khẩu vậy... Con hổ cõng trên lưng một người đàn ông cao lớn, nhìn không rõ mặt. Ông ta mặc một bộ giáp phục, đầu đội nón sắt, trên tay cầm một thanh kim đao lẳng lặng nhìn xuống đàn lễ và mọi người. Ông ta ngồi trên lưng hổ lặng lẽ nhưng đầy uy nghiêm, con hổ phát ra những âm thanh gừ gừ , đôi mắt nó đỏ lòm nhưng lại giống như không có ý muốn làm hại ai cả. Thế rồi được một lát sau thì người đàn ông kia khẽ gật đầu rồi từ từ cưỡi con hổ đen ấy bay lên trời biến mất..... Bố em và chú Tèo nghe anh T kể xong thì ngồi ngây ra, chú Tèo bảo anh T nói điêu. Làm gì có cái chuyện vô lí đến như thế?? Bố em suy nghĩ rồi gõ vào đầu chú Tèo nói
“Thế tiếng gầm gừ vừa nãy mày nghĩ là cái gì..??”
Chú Tèo nghe vậy lại ngồi đực mặt ra chẳng nói thêm được một lời nào nữa. Ba anh em cứ như vậy mà chìm vào trong suy nghĩ của mỗi người không ai nói được với ai câu nào. Đêm hôm ấy lúc làm lễ xong, thầy N bảo cả ba ở lại thụ lộc rồi ngủ lại qua đêm kẻo cũng muộn rồi. Trưa mai thầy sẽ qua làng làm lễ cầu siêu, giải quyết dứt điểm cái vấn đề làng em đang gặp phải. Nói rồi thầy thu dọn đồ nghề, cất cả cái miếng vải trắng ở trên đàn lễ rồi đi xuống căn nhà ở lưng chừng núi. Bố em , chú Tèo, anh T đêm đó được một bữa no say, đã lâu lắm rồi, chẳng nhớ từ bao giờ mà bố em không còn biết đến mùi vị của xôi gà nữa. Ba anh em ăn đến no căng cả bụng, hết sạch cả đống hoa quả trên bàn mà vẫn còn thòm thèm lắm. Đêm hôm đó ngủ lại nhà thầy N ai nấy đều ngủ thật ngon. Chẳng biết có phải vì mệt không hay là căng cơ bụng trùng cơ mắt mà bố em với chú Tèo ngủ một mạch không còn biết trời đất là gì....
----------------
Đọc trọn bộ: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5)
(Tập 6) (Tập 7) (Tập 8) (Tập 9) (Tập 10)
(Tập 11) (Tập 12) (Tập 13) (Tập 14) (Tập 15)
Bản quyền thuộc về tác giả Trung Kiên