04/06/2021 11:43 View: 4011

Huyền học: Tôi là Thầy Tướng Số (Tập 10)

TÂM SỰ CỦA TỔ GIA

Tôi luôn nghĩ rằng, Trương Tự Triêm được sinh ra nhầm thời, nếu vào thời bình, chắc chắn đã đỗ đạt làm quan. Bởi không gặp thời, lại thêm biến cố gia đình, anh ta mới trượt chân vào con đường trở thành A Bảo. Từ đây, số mạng, vận mệnh, tình yêu, mọi thứ thuộc về anh ta đều gói gọn trong thế giới của A Bảo.

toi la thay tuong so tap 10, truyen ma, tu vi, xem boi, phong thuy

Trương Tự Triêm là người duy nhất trong số các Bá đầu kết hôn hai lần.

Chế độ hôn nhân ở Trung Quốc rất thú vị: độ tuổi được kết hôn theo luật định vào thời Đường – Tống là trai 15 tuổi, gái 13 tuổi; thời Minh Thanh là trai 16 tuổi, gái 14 tuổi; thời Dân Quốc, nhà lập pháp đã quy định độ tuổi kết hôn là: trai 18 tuổi, gái 16 tuổi. Mặc dù quy định rõ như vậy nhưng không ai tuân theo cả, đặc biệt là con cái của những gia đình nghèo khó. Người đàn ông nào đến 18 tuổi mà vẫn chưa kết hôn coi như tuyệt duyên với phụ nữ.

Các A Bảo không thiếu tiền bạc, nhưng vì thân phận quá đặc biệt, nên thường kết hôn rất muộn.

Tổ Gia không kết hôn, bởi ông có cách nghĩ của riêng mình; Đại Bá đầu đã kết hôn, nhưng về sau vợ ông ta bị lợn cắn chết, từ đó ông không có ý định tìm vợ nữa; Nhị Bá đầu chưa từng có ý định kết hôn, ông ta sùng bái Tổ Gia, nói rằng khi nào Tổ Gia lấy vợ thì ông ta mới lấy vợ, còn giờ cứ ghé chốn kỹ viện đã; Tam Bá đầu kết hôn với một nữ A Bảo, nhưng ngày nào hắn cũng chạy tới lầu xanh, vợ hắn cũng chẳng thể giữ nổi.

Năm thứ hai sau khi vào nghề, Trương Tự Triêm bước vào tuổi 17. Một hôm, sau buổi họp Đường khẩu, Tổ Gia dặn Nhị Bá đầu gọi Trương Tự Triêm đến, lúc đó anh ta chưa ngồi lên chiếc ghế của lão Tứ, vẫn chỉ là tay chân của Nhị Bá đầu.

Ngày thường, mỗi khi đi chơi gái, Nhị Bá đầu đều muốn kéo Trương Tự Triêm đi cùng, muốn biến anh ta từ một chàng thanh niên trở thành một người đàn ông thực thụ, nhưng Tổ Gia không cho phép. Ông nói: “Tự Triêm là đứa trẻ trong sáng, nó không giống với chúng ta, đừng làm hư nó, nếu không, ta thấy rất có lỗi với nó.”

Trương Tự Triêm đến phủ của Tổ Gia, không biết ông định nói với mình chuyện gì.

Tổ Gia bảo anh ta ngồi xuống, mỉm cười nói: “Tự Triêm, nay cậu đã 17 tuổi, cũng nên lấy vợ thôi.”

Trương Tự Triêm hơi căng thẳng, cúi đầu im lặng không nói gì.

Tổ Gia nói tiếp: “Cậu đọc bao nhiêu sách rồi, cũng đọc nhiều thể loại nói về tình yêu trai gái, chuyện nam nữ cậu biết chẳng kém mọi người…”

Trương Tự Triêm đỏ mặt: “Tổ Gia, con vẫn còn nhỏ…”

Tổ Gia cười, nói: “Không còn nhỏ nữa, nếu cậu không đi theo ta, ngần này tuổi thì đã sớm có người đến nói chuyện kết thông gia rồi.”

Trương Tự Triêm mặt mũi đỏ bừng lên.

Tổ Gia cười khà khà: “Cậu là chàng trai tài mạo song toàn, tuy chúng ta là người của phái Giang Tướng, nhưng tuyệt đối không có chuyện tùy tiện qua lại với người khác. Tổ Gia muốn tìm cho cậu một chỗ môn đăng hộ đối, loại con gái bình thường, Tổ Gia ta không chấp thuận.”

Trương Tự Triêm cúi đầu mỉm cười.

Năm 1948, khi tôi bước chân vào Đường khẩu, Nhị Bá đầu đã kể cho tôi nghe rằng, mới đầu Tổ Gia định đào tạo Trương Tự Triêm làm người kế nhiệm của mình. Trương Tự Triêm mặt mày góc cạnh, nước da trắng trẻo, được trời phú cho khí chất của một quân nhân, thông hiểu Đông - Tây kim cổ, văn chương xuất chúng. Tổ Gia che chở, thương yêu, dạy bảo anh ta như con. Nhưng người tính không bằng trời tính. Mấy năm sau, chính vào lúc tương lai đang rộng mở thênh thang, một biến cố bất ngờ xảy đến, quật ngã Trương Tự Triêm hoàn toàn và cũng làm tan nát cả cõi lòng Tổ Gia.

Trương Tự Triêm bị điên.

Bệnh điên của Trương Tự Triêm không giống như thông thường, không phải kiểu ngớ nga ngớ ngẩn, mà là bệnh điên do chứng trầm cảm hành hạ, một hội chứng trầm uất nặng. Ngày đó, người ta vẫn chưa phân biệt được người mắc hội chứng trầm cảm với những người thần kinh không ổn định, nên đều gọi chung là bị “điên”.

Có lẽ, những người thông minh tuyệt đỉnh đều có nguy cơ mắc chứng trầm cảm, như: Darwin, Hải Minh Uy, Vincent Willem van Gogh, Churchill,... có người còn tự kết liễu đời mình. Thiên tài thường là những kẻ yếu đuối nhất, xét về phương diện tư duy, có thể nói không ai bì kịp, nhưng lại không thể chịu đựng được bất kỳ một sự tổn thương nhỏ nào từ bên ngoài tác động đến. Một khi bị tổn thương, họ sẽ suy sụp rất nhanh. Thiên tài, họ chỉ giỏi vượt bậc về một lĩnh vực nào đó chứ không phải tất cả mọi khía cạnh nhân sinh.

Trương Tự Triêm chính là kiểu người này. Tuy hàng ngày vẫn nói cười vui vẻ, nhưng chỉ cần bản thân phạm lỗi lầm, Tổ Gia còn chưa nói gì, anh ta đã tự thấy hổ thẹn vô cùng. Anh ta luôn đòi hỏi bản thân rất cao, không cho phép mình mắc phải bất cứ một sai lầm dù là nhỏ nhất. Tổ Gia dù muốn phê bình anh ta cũng phải lựa cách, giảng giải từng tí, rủ rỉ từng lời, cho đến khi anh ta cảm thấy tâm phục khẩu phục mới yên tâm.

Tổ Gia tốt với Trương Tự Triêm như vậy, ngoài việc có ý muốn trau dồi năng lực, phần nhiều còn bởi cảm thấy hổ thẹn trong lòng. Tổ Gia cứu Trương Tự Triêm vì ông có mục đích riêng, vốn dĩ có thể cứu được cả cha của anh ta, nhưng ông đã không cứu, khiến hai cha con họ phải âm dương chia lìa, có như vậy mới sử dụng triệt để bản lĩnh của Trương Tự Triêm. Bởi vậy mới nói, một khi Tổ Gia trở nên tàn độc, lòng dạ còn cứng hơn cả sắt đá.

Lại nói đến chuyện làm mối kết thông gia, hai tháng sau, Tổ Gia dẫn Trương Tự Triêm đến Nam Việt.

TRƯƠNG TỰ TRIÊM ĐI DẠM HỎI

Các A Bảo ở Việt Hải Đường đều là nữ. Môn đăng hộ đối mà Tổ Gia đã nói có hai ý: Một, phải là truyền nhân của phái Giang Tướng, nếu không sẽ rất dễ gây ra chuyện rắc rối; hai, người con gái đó cũng phải tài mạo song toàn, một cô gái xấu xí, đầu óc ngu đần thì không thể được. Nghĩ đi nghĩ lại, Tổ Gia vẫn cảm thấy chỉ có thể tìm được một người như vậy trong Việt Hải Đường.

Khi đó, Giang Phi Yến vẫn chưa đặt ra quy định “nữ A Bảo suốt đời không được phép lấy chồng” trong Đường khẩu của bà. Nghe tin Tổ Gia đến, Giang Phi Yến mừng vui ra mặt. Việc Tổ Gia đấu trí với Tây Điền Mỹ Tử giúp giải nguy cho Việt Hải Đường lần trước, bà vẫn chưa kịp cảm tạ.

Tổ Gia cai quản Mộc Tử Liên đã nhiều năm, cũng từng mấy lần đến Việt Hải Đường, nhưng những lần đó Giang Phi Yến đều không có mặt ở Đường khẩu. Mỗi khi Tứ đại Đường khẩu tụ họp, người ở lại trông nhà cửa thường là các Đại Bá đầu, cho nên hai người cũng chưa từng gặp mặt. Giang Phi Yến chỉ nghe nói Đông phái mới xuất hiện một bậc anh tài mà chưa có duyên gặp gỡ. Cuối cùng, sau khi sư phụ Kiều Ngũ Muội qua đời, Giang Phi Yến cũng được gặp mặt con người nổi tiếng là khó nắm bắt này.

Giang Phi Yến tươi cười: “Tổ Gia lặn lội đường xa hạ cố đến thăm, có gì chỉ giáo?”

Tổ Gia cười, đáp: “Yến tỷ khách sáo quá, lần này đệ đến xin kết làm thông gia.”

Giang Phi Yến hơi đỏ mặt: “Kết làm thông gia ư?”

Tổ Gia nói: “Trong Đường khẩu của đệ có một huynh đệ, tuổi mới mười tám đôi mươi, là trang anh tài, thông minh tuyệt đỉnh, đệ tính tìm cho nó một cô nương môn đăng hộ đối, nghĩ đi nghĩ lại, vẫn thấy thủ hạ chỗ Yến tỷ có thể tin cậy được. Cho nên, lần này đệ mới không mời mà đến, khà khà…”

Giang Phi Yến nghe thấy vậy cười nói: “Tổ Gia thật nhân nghĩa, ngay cả chuyện hôn sự của các huynh đệ cũng bận lòng đến như vậy.”

“Đâu có, đâu có, xin nhờ cậy Yến tỷ.” Nói dứt lời, Tổ Gia quay ra gọi Trương Tự Triêm. “Tự Triêm, tới chào Đại sư bá đi.”

Trương Tự Triêm liền đi đến trước mặt cúi chào Giang Phi Yến: “Đại sư bá, xin hãy nhận của con một lạy.”

Giang Phi Yến tươi cười, nói: “Mau đứng lên, mau đứng lên đi.”

Nhìn chàng thanh niên tuấn tú, Giang Phi Yến ngẫm nghĩ giây lát, bà nghĩ đến đệ tử Hoàng Pháp Dung trong Đường khẩu của mình, con bé ấy và thằng nhóc đang đứng trước mặt mình đây thật đúng là một cặp trời sinh.

Hoàng Pháp Dung cũng là một nhân vật truyền kỳ. Bà sinh vào năm Dân Quốc thứ 41, quê gốc ở Giao Châu (Sơn Đông), lớn hơn Trương Tự Triêm một tuổi. Bốn năm trước được Giang Phi Yến thu nạp ở Phúc Kiến. Về sau, gần như tất cả những vụ dàn cục Trát phi lớn đều do bà nhúng tay vào. Bà thách thức Mai Hoa Hội, trừng trị bang Thái Cực, dẹp Trung Nguyên Ngũ Hổ, diệt Giao Đông Trịnh Bán Tiên, tài năng đạt đến tuyệt đỉnh, có thể hô mưa gọi gió. Bà rất thông minh, giỏi lập kế hoạch, thậm chí năm lần bảy lượt thử thăm dò cả Tổ Gia. Nhưng từ ngàn xưa, nhiều bài học trong lịch sử đã cho thấy, phàm là người càng thông minh, kết cục càng thê thảm, hết khôn sẽ dồn đến dại, gậy ông lại đập lưng ông.

Trong Đường khẩu của Giang Phi Yến, Hoàng Pháp Dung được gọi là “Linh muội”. Kẻ khác người, tướng mạo tất khác thường, người phụ nữ này có cặp mắt to, sáng ngời, trong ánh nhìn sâu hun hút luôn lộ ra vẻ bí hiểm. Có người nói, bà có thể nhìn thấy ma quỷ, cũng có thể nhìn thấu lục phủ ngũ tạng của người khác, Việt Hải Đường vẫn kháo nhau: “Thiên cơ cứ hỏi Quỷ Muội, Diêm Vương hỏi chuyện cứ tìm Pháp Dung”, đủ thấy địa vị và năng lực của bà như thế nào. Có thể nói, Hoàng Pháp Dung là toản chính cống. Toản là một từ lóng, ngược với bạt. Trong các A Bảo, vài người có bản lĩnh thật sự, thông hiểu âm dương ngũ hành, có nền tảng Dịch học nhất định, được gọi là toản; những kẻ chỉ biết đi lừa gạt được gọi là bạt. Đương nhiên, phần lớn A Bảo chỉ là bạt.

Bản lĩnh toản của Hoàng Pháp Dung đều do ông nội truyền dạy. Ông nội bà chính là Hoàng Đạo Thành, một bậc thầy mệnh lý có tiếng ở Giao Châu. Khi Hoàng Pháp Dung ra đời, Hoàng Đạo Thành nói đầy tự hào: “Cháu gái ta chào đời đúng vào ngày đẹp, mệnh có Tam Kỳ, Hoa Cái bất không, Tướng Tinh lâm nguyệt2, Văn Xương nhập mệnh, sau này nhất định sẽ là bậc tài nữ!” Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, Hoàng Đạo Thành đã ra sức truyền thụ cho bà thuật Kỳ môn.

BÁT TỰ QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN

Các thầy mệnh lý đều cho rằng, trong Bát tự của một người vốn đã chứa đựng sẵn những thông tin đặc biệt cho biết người đó nên làm việc gì, thích hợp với chức vụ gì. Ai chẳng muốn những điều tốt đẹp, chẳng thích một công việc có thể làm cho mình được mở mày mở mặt, nhưng thầy tướng số bày Bát tự của anh ra xem thì sẽ biết anh có được toại nguyện hay không. Bát tự học cho rằng: Người làm quan thì Quan tinh vượng tướng, hơn nữa là Hỷ thần Dụng thần; người buôn bán kinh doanh, tất Tài tinh cường vượng, sáng rõ; người làm những công việc liên quan đến học vấn, Ấn tinh tất sinh vượng là Dụng thần…

Các sao Hoa Cái, Tướng Tinh, Văn Xương mà Hoàng Đạo Thành nhắc đến đều là những thuật ngữ chỉ các loại Thần sát trong Tứ trụ. Hoa Cái vốn chỉ cái ô che trên đỉnh đầu của Ngọc Đế, ý nói cái thế cao ngất không ai sánh bằng, tránh gặp phải thần Không vong, nếu gặp tất sẽ bị phá, trở thành sao Thiên sát. Một vài nhân vật giang hồ có mệnh phạm phải sao Thiên sát chính là bắt nguồn từ lý này. Lỗ Tấn tiên sinh cũng từng cảm thán: “Gặp vận Hoa Cái há mong cầu, Chửa dám quay lưng đã đụng đầu.” Tướng Tinh chủ về quyền uy của tướng soái, Tướng tinh nhập mệnh cho thấy người này có khả năng thống lĩnh, lãnh đạo. Sao Văn Xương – giống như Văn Khúc chủ về khoa cử, các trạng nguyên phần lớn đều có sao này nhập mệnh.

Mặc dù thứ lý luận mê tín này đã sớm bị bậc tiên hiền phê phán, nhưng Hoàng Đạo Thành với tư tưởng cổ hủ vẫn say mê nghiền ngẫm nó. Hoàng Pháp Dung tư chất thông minh, khả năng ghi nhớ vượt trội, nên nhanh chóng thuộc làu làu Ngũ hành bát quái, thiên can địa chi, sau đó lại tìm hiểu qua về Tứ trụ, Lục hào, Kỳ môn, Lục nhâm thần khóa, Tử vi đẩu số, mới hơn 10 tuổi đã biết dùng các kỹ thuật, phương pháp đơn giản để đoán mệnh cho người khác, lúc này bà ta cũng có chút tiếng tăm trong thôn xã.

Nhà có bốn chị em gái, Hoàng Pháp Dung lại là chị cả. Ở nông thôn, nếu nhà có đông anh chị em, đứa lớn thường phải chịu thiệt thòi nhất, việc gì cũng đến tay. Những việc như: nấu cơm, cho lợn ăn, trông các em thì khỏi phải kể, chỉ cần lơ là một chút sẽ khiến cha mẹ bực tức chửi bới, đánh đập. Hơn nữa, cha mẹ cũng không tán thành việc bà học những thứ đó, họ nói: “Một đứa nha đầu, chỉ cần học thêm chút may vá thêu thùa là được rồi, lớn lên thì đi lấy chồng! Học những thứ vớ vẩn này, ra khỏi nhà xem mày sẽ sống thế nào!”

Năm 14 tuổi, số phận Hoàng Pháp Dung rẽ sang một bước ngoặt. Mùa hè năm đó, cha của bà nhắc bà chuyện cưới xin. Ông nói, bà được đính ước với anh họ xa từ khi còn trong bụng mẹ, tức chuyện hôn nhân đã được định đoạt từ khi bà còn chưa chào đời.

Hoàng Pháp Dung vừa nghe đã nổi cáu. Bà biết người anh họ này đúng là rất thật thà, nhưng thật thà đến nỗi ngờ nghệch. Hoàng Pháp Dung tự cho mình thông minh tuyệt đỉnh, cao quý hơn người, người đàn ông trong mắt bà nhất định cũng phải tài trí hơn người, bụng đầy kinh luân mới được, nên nhất quyết không đồng ý.

Ngày cưới sắp đến, bà cô thường xuyên đến nhà chơi, nhận thấy có vẻ như cô cháu gái của mình không bằng lòng cuộc hôn nhân này, vì thế mỗi lần đều mang hậu lễ tới, đầu tiên còn hỉ hả nhắc tới chuyện kết làm thông gia, sau lại rơm rớm nước mắt ra điều ấm ức lắm.

Thời phong kiến, địa vị người phụ nữ rất thấp kém, hôn ước cũng giống như khế ước, nếu nhà gái hủy hôn sẽ bị phạt nặng. Cha của Hoàng Pháp Dung cương quyết: “Cho dù phải trói, cũng phải mang con a đầu này đến cho nhà người ta!”

Hoàng Pháp Dung chạy tới buồng ông nội, nước mắt lã chã: “Ông ơi, ông ơi, con phải làm sao đây?“

Ông nội thương cháu cũng rơi nước mắt, nói: “Dung Nhi, số mệnh con đã vậy, lần này ông nội cũng không giúp gì được con!”

Nếu là một đứa con gái bình thường, bà chắc đã vâng lời cha, nhưng bà ấy là Hoàng Pháp Dung, mới 14 tuổi đã dám bỏ trốn trước ngày cưới hỏi, khi bỏ đi chỉ mang theo một tay nải với vài chiếc bánh nướng. Bà chạy một mạch về phía Nam, nếu đói bụng thì cắn một miếng bánh, khát thì gõ cửa nhà người ta cúi lạy xin bát nước, sau đó lại trèo lên tàu hỏa, đi qua Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, đến tận Phúc Kiến.

Khi đến được Phúc Kiến, Hoàng Pháp Dung không chạy nữa, bà cảm thấy đã chạy xa đủ để người nhà không tìm được nữa. Bà thở phào nhẹ nhõm, mừng rỡ nghĩ rằng mình đã được tự do, con đường phía trước thênh thang, rộng mở đón chào. Nhưng nếu biết rằng, những ngày tháng về sau sẽ sa chân vào một tổ chức xã hội đen, phải trả một cái giá cực kỳ đau đớn, thê thảm thì lúc đó bà sẽ không mừng vui đến thế, thậm chí còn hối hận vì đã bỏ nhà ra đi.

Ở Phúc Kiến, việc đầu tiên Hoàng Pháp Dung phải đối mặt đó là vấn đề sinh tồn. Mặc dù đã hết sức dè sẻn, nhưng mấy cái bánh nướng ăn mãi cũng hết; bà biết xem bói, nhưng ai sẽ tin lời một con nhóc 14 tuổi? Khi ở nhà, còn có thể dựa vào tiếng của ông nội, có lúc còn được ông nội gợi ý trước. Nay một thân một mình ở bên ngoài, không thể dùng chút tài lẻ đó để xoay xở được.

Bà chỉ có thể đi ăn xin. Xin ăn thực đâu dễ dàng gì, bọn ăn mày cũng phân chia địa bàn riêng, người từ nơi khác đến sẽ bị chúng đánh đuổi. Có lần, bà vừa mới xin được hai đồng, ngay lập tức bị mấy đứa ăn mày khác chạy đến giật mất. Một đứa cô gái nhỏ bé yếu đuối, làm sao đánh lại đám con trai lang thang đầu đường xó chợ, cuối cùng bà đành phải đi nhặt đồ trong đống rác ăn cho đỡ đói.

Sau nhiều ngày chịu đói, chịu rét, cộng thêm cái dạ dày bị những thứ đồ ăn ôi thiu hành hạ, Hoàng Pháp Dung bị ốm, sốt mê man, nằm gục bên đường chờ chết.

Trong cơn mê, bà cảm thấy có người bế mình lên, gắng mở mắt nhưng không sao mở nổi, tiếp tục chìm vào cơn mê man. Đến khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong một căn phòng ấm áp, bà chớp chớp mắt nghĩ rằng mình đã chết, ngỡ đây chính là thiên đường, đang lơ mơ nghĩ, một khuôn mặt hiền từ ghé sát mặt mình.

“Con tỉnh rồi à?”

Người đó chính là Giang Phi Yến. Hôm đó, Giang Phi Yến dẫn theo mấy A Bảo đến Phúc Kiến bàn công chuyện với hội đạo môn của vùng đó, khi trở về quán trọ lúc xẩm tối, tới một con ngõ nhỏ đã trông thấy Hoàng Pháp Dung đang nằm thoi thóp. Phái Giang Tướng là đám người chuyên lấy của bọn nhà giàu chia cho người nghèo, Giang Phi Yến lại giàu lòng thương người, thấy tình cảnh như vậy, bà không chút do dự, liền ra lệnh cho đám thuộc hạ bế Hoàng Pháp Dung về nhà trọ.

Hoàng Pháp Dung ngơ ngác nhìn người phụ nữ hiền từ trước mặt, không biết phải nói gì. Vốn là đứa con gái nhà quê, ít gặp được người lạ, 14 tuổi vẫn làm bạn với đám bạn áo quần rách rưới, ở trong ngôi nhà tường đất dột nát, giờ lại được nằm trong một căn nhà sạch sẽ, ấm áp, trước mặt lại là người phụ nữ cao quý, Hoàng Pháp Dung cứ ngỡ mình đang ở chốn thiên đường.

Giang Phi Yến thấy cô bé không nói gì, nhỏ nhẹ nói: “Con ngoan, không sao rồi.”

Hoàng Pháp Dung vẫn ngơ ngác nhìn Giang Phi Yến, im thít, mím chặt môi.

Mãi lâu sau, cuối cùng, bà cũng hiểu được rằng mình vẫn còn sống, liền òa lên khóc nức nở.

Giang Phi Yến cúi người lau nước mắt cho bà.

“Con ngoan, đừng khóc, đừng khóc.”

“Mẹ…” Hoàng Pháp Dung khẽ gọi.

“Con ngoan… con…” Giang Phi Yến xúc động.

“Mẹ…” Hoàng Pháp Dung giơ đôi tay bé nhỏ, ôm chặt lấy Giang Phi Yến, nước mắt ướt nhòe trên khuôn mặt.

Hai tiếng gọi “mẹ” cất lên khiến Giang Phi Yến cảm thấy xót xa trong lòng, bà biết đứa trẻ trước mặt mình đây đã phải chịu tổn thương, cực khổ đến nhường nào mới gọi một người lạ là “mẹ”, hẳn nó khát khao tình thân và khát khao được mẹ yêu thương đã lâu lắm rồi.

Giang Phi Yến nhớ về quãng thời gian trong quá khứ của mình, bản thân bà cũng bị cha mẹ bỏ rơi. Những người phụ nữ trở thành A Bảo, nếu không bị cha mẹ bán vào lầu xanh làm kĩ nữ thì cũng là đứa bé ăn mày không cha không mẹ, có người vì không thể chịu đựng được cảnh bị chồng đánh đập, ngược đãi mà liều mạng mang tội giết người… Tóm lại, bọn họ đều mang trong mình những tổn thương.

Nhiều người chỉ biết tìm đến cái chết, một vài người gắng gượng đứng dậy, tiếp tục sống, trở thành một người mạnh mẽ.

“Con ngoan, đừng khóc!” Giang Phi Yến ôm chặt Hoàng Pháp Dung vào lòng.

Hoàng Pháp Dung càng òa khóc: “Mẹ, hãy cho con theo… Con làm trâu làm ngựa, hầu hạ mẹ suốt đời! Mẹ hãy nhận con làm con nuôi…”

“Con ngoan, đừng sợ, ta sẽ không bỏ rơi con.” Nhìn đứa bé đáng thương này, Giang Phi Yến thấy cay sống mũi, những giọt nước mắt lăn xuống.

Lúc đó, Hoàng Pháp Dung tỏ ra là một con nhóc thông minh vô cùng, khi phát hiện ra mình vẫn chưa chết, nó biết nó phải bám chặt lấy người phụ nữ đang đứng trước mặt mình để thoát khỏi những ngày tháng cơ cực. Thông minh làm vậy, nhưng cũng chính sự thông minh ấy đã àm hại bản thân bà.

BÍ MẬT CHUYỆN CẦU MƯA

Quyền cho một ai đó bước chân vào Đường khẩu nằm trong tay Đại sư bá. Giang Phi Yến mặc dù miệng đã nói đồng ý, nhưng bà hiểu, đứa trẻ này có thể ở lại Đường khẩu hay không còn phải đợi Kiều Ngũ Muội chấp thuận mới được. Mấy ngày sau, Giang Phi Yến đưa Hoàng Pháp Dung trở về Nam Việt.

Thế giới này quả thật kỳ lạ, có những người dù cách biệt một phương trời, nhưng mới gặp lần đầu mà như đã thân quen; có những người dù ở gần kề nhau nhưng ngày nào cũng chỉ đi lướt qua nhau. Hoàng Pháp Dung, Giang Phi Yến và Kiều Ngũ Muội chính là những người vừa gặp lần đầu mà như đã quen biết từ lâu. Con a đầu này trông rất láu cá, cặp mắt to, ngời sáng lanh lợi, mỗi tội hơi gày, còn những điểm khác đều không chê vào đâu được. Vừa mới gặp Kiều Ngũ Muội, nó đã biết quỳ xuống cúi lạy gọi “bà”, khiến Kiều Ngũ Muội thích thú cười phá lên.

Những ngày tháng về sau, Kiều Ngũ Muội và Giang Phi Yến dần dần nhận ra họ đã nhặt được một viên ngọc quý. Con bé thực là một kỳ tài về tướng số. Cứ như duyên phận trời định, nếu Hoàng Pháp Dung không bỏ trốn trước ngày cưới thì sẽ không tới Phúc Kiến; nếu Giang Phi Yến không đi qua con ngõ nhỏ kia cũng sẽ không cứu được cô bé.

Sau khi Hoàng Pháp Dung gia nhập Đường khẩu, theo thông lệ, Giang Phi Yến phải truyền dạy cho bà những kiến thức nền tảng về âm dương ngũ hành và nhiều thứ khác. Nhưng thực tế thì bà không cần phải học vì đã am hiểu hơn hẳn bất cứ người nào trong Đường khẩu, ngay cả Kiều Ngũ Muội cũng không thể kiểm tra hết được kiến thức của bà.

Khoảng thời gian đó, Kiều Ngũ Muội đã nhận lời mời đến Liễu Châu ở Quảng Tây làm lễ cầu mưa cho bà con vùng đó. Bà ngẫm nghĩ mãi, cuối cùng quyết định dẫn Hoàng Pháp Dung theo cùng.

Khi cầu mưa, Kiều Ngũ Muội làm rất phô trương: lập vân đài3, làm phép, vẩy nước sạch ra đường, sau đó đắp đất lên mặt đường, cây quấn vải trắng, trúc treo phan vàng, cả trăm người tiền hô hậu ủng, tựa trận thế thần tiên, chiếu khắp thiên hạ.

Vân đài cao ba trượng ba, Kiều Ngũ Muội bước từng bậc lên, tay cầm cây phất trần, khẽ rung chuông vàng, tiếng trống, tiếng khánh, tiếng chũm chọe đập vào nhau được hai hàng đạo sĩ gióng lên rộn ràng. Trên vân đài, có đủ hương án, giá nến, lư hương và vàng mã. Đầu tiên Kiều Ngũ Muội bái lạy Vương Mẫu nương nương, rồi bái lạy Lôi Công, Điện Mẫu4, rồi bà khấn rất to, bọn huyện lệnh, sư gia đứng dưới đài chăm chú thành kính, đám dân chúng cũng nghển cổ lên nhìn, cung kính vô cùng.

Sau khi việc làm phép kết thúc, Kiều Ngũ Muội quát to một tiếng: “Có Lôi Công phụ tá, Điện Mẫu gia trì, nội trong nửa tháng, tất sẽ có mưa!”

Kỳ thực, Kiều Ngũ Muội cầu được mưa xuống là nhờ vào khả năng quan sát thiên tượng của mình, cũng giống như Gia Cát Lượng mượn gió Đông lập đàn Thất tinh vậy. Những thứ vẽ vời ra chỉ nhằm mục đích che mắt người ta, còn thực tế, họ đều tinh thông thiên văn địa lý, giỏi quan sát trời đất, dựa vào thuật Kỳ môn khởi cục tính toán được ngày trời nổi gió hoặc đổ mưa.

Thời xưa chưa có dự báo thời tiết, người dân lao động trong cuộc đấu tranh dai dẳng với thiên nhiên khắc nghiệt đã đúc rút nên rất nhiều kinh nghiệm. Một vài thuật sĩ có tâm đã tìm hiểu các quy luật giữa các hiện tượng tự nhiên như nhật tượng, tinh tượng, nguyệt tượng, khí tượng và đúc kết thành một môn khoa học mang đậm bản sắc phương Đông.

Kiều Ngũ Muội đã nắm được kỹ pháp này, trong Việt Hải Đường phong tướng trát ký có đoạn ghi chép rất thú vị như sau:

Lôi Công hà sở? Điện Mẫu hà sở?

Giang Tướng nhất môn, A Bảo tự độ.

Nguyệt huân tam nhật phong, nhật huân tam canh vũ;

Tảo hà bất xuất môn, vãn hà hành thiên lý.

Vân thái vãng Đông, nhất trận đại phong;

Vân thái vãng Nam, đại vũ xung thuyền;

Vân thái vãng Bắc, thiên địa tất hắc;

Vân thái vãng Tây, ngư phệ soa y.

Sở táo hỷ tước khiếu, nguyệt nội can táo táo;

Tảo khiếu tài vận đáo, vãn khiếu tang sự báo.

Bốn câu đầu tiên nghĩa là: “Thần Sấm đang ở đâu? Thần Sét đang chốn nào? Môn sinh phái Giang Tướng đều có thể thỉnh mời.” Người xưa cho rằng, hiện tượng sấm, sét đều do Thần Sấm và Thần Sét trên trời tạo ra.

Phần sau ứng vào những quy luật cụ thể: nếu quanh mặt trăng xuất hiện quầng thì chỉ trong ba ngày trời sẽ nổi gió (Nguyệt huân tam nhật phong); nếu xuất hiện quầng mặt trời thì canh ba hôm đó chắc chắn sẽ có mưa (Nhật huân tam canh vũ).

Tảo hà bất xuất môn. Nghĩa là, buổi sáng, nếu thấy vầng mặt trời vừa mới ló ra đã có ráng mây thì tuyệt đối không được đi ra khỏi nhà, vì sẽ có mưa lớn; ngược lại, nếu vào lúc mặt trời lặn có ráng chiều rực rỡ, hào quang muôn trượng thì cứ yên tâm xuất hành, trong khoảng thời gian gần đó sẽ không thể có mưa, cho nên mới có câu “Vãn hà hành thiên lý”.

Bốn câu tiếp theo là bí kíp quan sát mây, cách này không chỉ được ghi chép trong Việt Hải Đường phong tướng trát ký mà còn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ có điều mỗi địa phương thì cách nói khác nhau một chút. Thực ra, cái tinh túy của bốn câu này nằm ở từ vân thái, nó không phải chỉ là áng mây bình thường lặng lẽ trôi trên bầu trời mà là áng mây đen, áng mây lớn.

Trung Quốc nằm ở Bắc bán cầu, địa hình Tây cao Đông thấp, khí hậu miền Nam nắng nóng, miền Bắc lạnh giá. Trong Trát ký đã viết: hiện tượng mây và mưa do hơi nước từ dưới mặt đất bốc lên gặp không khí lạnh tạo thành; mây nổi lên ở phía Tây di chuyển về phía Đông, trôi thuận chiều, hai trạng thái nóng lạnh đối lưu, làm nên trận cuồng phong (Vân thái vãng Đông, nhất trận đại phong); mây trôi từ phía Bắc về phía Nam, mây lạnh bên trên, hơi nóng bên dưới, nóng lạnh gặp nhau, mây dày thêm, cuối cùng trút xuống thành cơn mưa lớn (Vân thái vãng Nam, đại vũ xung thuyền); mây trôi từ phía Nam về phía Bắc, hơi nóng ở trên, khí lạnh ở dưới, Khảm hợp Khôn thu, đất trời tối đen (Vân thái vãng Bắc, thiên địa tất hắc); mây trôi từ phía Đông về phía Tây, theo thế mà lên, gió thổi không tán, sấm vang không động, tích tụ dày dần, cuối cùng sét đánh, mưa to như trút (Vân thái vãng Tây, ngư phệ soa y).

Đây là lời giải thích rất khoa học của lão tổ tông Việt Hải Đường đối với mấy câu khẩu quyết này. Nhưng, suy cho cùng, vạn pháp hơn nhau ở chỗ ứng biến linh hoạt, huống hồ mây cũng muôn hình vạn trạng, có mây đen, mây dày, mây đặc, mây mỏng, mây vỡ từng tảng, mây lưa thưa… Không bỏ công sức tìm hiểu đến dăm ba năm thì khả năng quan sát mây mà đoán mưa, đoán gió chỉ là trò hề.

Hai câu cuối cùng Sở táo hỷ tước khiếu, nguyệt nội can táo táo. Sở chỉ nền đất, sở táo tức mặt đất khô ráo, là biểu hiện cho thấy bầu trời quang đãng, thời tiết nắng ráo. Sở dĩ nói đến chim hỷ tước bởi, trời càng quang đãng trong lành, hỷ tước càng hót rộn rã, hỷ tước càng hót rộn ràng, dự báo tiết trời quang đãng kéo dài càng lâu.

Về loài hỷ tước, nó thường được nhắc đến và so sánh với loài quạ, tục ngữ có câu: “Hỷ tước báo hỷ, quạ đen báo tang”. Kỳ thực, không phải lúc nào hỷ tước cũng báo hỷ, có lúc nó cũng truyền tin xấu, nên mới có câu: “Sớm báo hỷ, tối báo tang”. Buổi sáng, nếu hỷ tước ríu rít đầu nhà thì chuyện vui sẽ đến, còn khi màn đêm buông xuống, nếu chúng đậu trên cành cây kêu liên hồi, tất có chuyện không hay, người xưa vì vậy mới đúc rút ra câu: Tảo khiếu tài vận đáo, vãn khiếu tang sự báo.

Kinh nghiệm này được rất nhiều A Bảo đúc rút ra trong suốt một khoảng thời gian dài và đã được truyền dạy mấy trăm năm nay trong Việt Hải Đường, ngày nay có những điều khoa học có thể giải thích, nhưng cũng có những điều không sao lý giải được.

Trong số các thuật dự đoán thời tiết ấy, Văn sở đắc thiên thời là tuyệt chiêu hay nhất. Thuật này căn cứ vào độ ẩm và mùi của đất để dự đoán chính xác thời gian có mưa, gió. Người phát hiện ra phương pháp này chính là đại sư phong thủy thời Đường tên Viên Thiên Cương. Ông có biệt tài phân biệt mùi vị và độ ẩm của đất, đây là tố chất cần có ở các thầy phong thủy, nhưng Viên Thiên Cương còn có thể nắm bắt được phản ứng của đất với thời tiết, chỉ cần bốc một nắm đất, đưa lên mũi ngửi là có thể đoán ra được thời tiết trong mấy ngày tới. Điều này người bình thường không thể làm được.

Hoàng Pháp Dung đã vô tình học được bản lĩnh này. Lúc bé, khi còn ở quê nhà, không được cha mẹ ẵm bồng, xóm giềng cũng mặc kệ, lúc chán không có gì chơi, bà hay ngồi ở góc tường trêu chọc lũ gián, vô tình phát hiện ra rằng, khí ẩm của đất bốc lên nặng hay nhẹ có liên quan đến việc trời mưa to hay nhỏ, lâu dần bà cũng lần ra được quy luật của nó.

Hôm đó, sau khi quan sát tinh tượng và mây ở Quảng Tây, Kiều Ngũ Muội thấy rằng nội trong 15 ngày chắc chắn sẽ có mưa, sau đó mới giả vờ lập đàn cầu mưa, rồi nói với Tri huyện vùng đó: “Nội trong nửa tháng, tất sẽ có mưa!”

Sau khi làm phép xong, Hoàng Pháp Dung kẽ kéo vạt áo Kiều Ngũ Muội, nói: “Bà ơi, con thấy không cần đến nửa tháng đâu, trong vòng mười ngày chắc chắn có mưa.”

Kiều Ngũ Muội thoáng giật mình: Lẽ nào con bé này còn lợi hại hơn cả mình?

Quả nhiên, vào buổi trưa ngày thứ mười, những đám mây đen kịt che kín cả bầu trời, ngay sau đó mưa như trút nước. Kiều Ngũ Muội sung sướng ôm Hoàng Pháp Dung vào lòng.

“Cháu gái của ta không vừa đâu.” Người đàn bà tuổi đã ngoài ngũ tuần này cuối cùng cũng tìm được niềm vui tình thân mà lâu lắm rồi mới có được từ con bé Hoàng Pháp Dung, sau nữa cũng coi như bù đắp khoảng trống thiếu thốn tình mẹ của con bé.

Cảm thấy thương xót cho con bé, Giang Phi Yến từng nói với Kiều Ngũ Muội: “Con bé Pháp Dung này, cho dù không làm A Bảo thì cuộc sống sau này cũng được sung túc, no ấm. Nhờ vào bản lĩnh thật sự này của mình, nó hoàn toàn có thể đi theo con đường chính đạo, nghiên cứu Chu Dịch chân chính, kiểu gì cũng trở thành một bậc Đại sư.”

Kiều Ngũ Muội nói: “Nó sa chân vào hàng ngũ A Bảo, đúng là đi chệch hướng, nhưng âu cũng là số mệnh của nó, sau này không thể rửa tay được nữa, mãi cho đến lúc chết, đây là luật.” Kiều Ngũ Muội sợ Giang Phi Yến động lòng trắc ẩn mà thả Hoàng Pháp Dung, nên không thể không nhắc lại tôn chỉ đã định rõ của môn phái.

Tổ Gia đến đề nghị kết làm thông gia, Giang Phi Yến dầu rất thương yêu đứa con gái này cũng phải nén lòng buông tay, phần vì tin tưởng Tổ Gia, phần vì muốn báo đáp ơn giải vây trong tang lễ Kiều Ngũ Muội năm ngoái. Vả lại, Hoàng Pháp Dung đã 18 tuổi, cũng đến lúc lấy chồng rồi.

Cuối cùng, Giang Phi Yến đồng ý để Hoàng Pháp Dung và Trương Tự Triêm gặp mặt nhau.

Trong chuyện tình yêu nam nữ, tư tưởng của phái Giang Tướng khá tiến bộ, họ không ép gả A Bảo, chỉ khi hai người gặp nhau, cùng ưng nhau thì chưởng môn mới tác thành cho hôn sự.

Nam nữ thời xưa yêu đương không giống bây giờ, lần đầu gặp mặt đã dám cùng nhau ăn uống, thậm chí ôm hôn thân mật. Thời xưa người ta coi trọng hai bước là gặp gián tiếp và gặp trực tiếp.

Gặp gián tiếp tức là nhìn nhau từ xa; hai người, một đứng ngoài cửa sổ, một trong nhà quan sát nhau xem có ưng lòng không. Nếu thấy không phải hình mẫu mình mong muốn thì không cần trực tiếp chuyện trò nữa.

Cũng may, Trương Tự Triêm và Hoàng Pháp Dung sau khi gặp gián tiếp đều thấy ưng lòng. Vì thế, Tổ Gia và Giang Phi Yến sắp xếp cho họ chính thức gặp nhau. Buổi gặp gỡ chỉ có hai người, không ai được phép quấy rầy, kể cả Tổ Gia và Giang Phi Yến.

Đôi trẻ đúng là vừa gặp đã yêu, như thể quen nhau từ kiếp trước, kiếp này lại tìm được nhau vậy. Thấy hai người họ chuyện trò vui vẻ trong nhà đến hai canh giờ mà vẫn chưa dứt ra được, Giang Phi Yến và Tổ Gia nhìn nhau cười, biết rằng việc kết thông gia đã thành.

Tối đó, Giang Phi Yến mở tiệc thết đãi, trong bữa tiệc, bà nửa đùa nửa thật nói: “Tổ Gia đã quá tuổi tam thập nhi lập rồi mà vẫn chưa nghĩ đến việc tìm một đám nào cho mình à?”

Tổ Gia gượng cười lắc đầu: “Đại nghiệp chưa thành, công danh chưa toại, mới có ba mươi, sao phải vội tính đến chuyện nam nữ riêng tư.”

Giang Phi Yến nghe xong, đôi mắt ánh lên một tia thất vọng.

Một tháng sau, Hoàng Pháp Dung của Việt Hải Đường được gả về Mộc Tử Liên. Dù không phải là con gái mình sinh ra, nhưng đã ở cùng nhau bốn năm trời, ngày Hoàng Pháp Dung xuất giá, Giang Phi Yến đã trốn trong phòng lén khóc.

Đông phái và Nam phái kết làm thông gia, người của Tây phái và Bắc phái đều đến chúc mừng, việc này cũng đã thành cái lệ tốt đẹp của phái Giang Tướng.

BÍ MẬT CHIM KHÔNG KÊU, CHÓ KHÔNG SỦA

Những năm 1930 của thế kỷ 20, mảnh đất Trung Hoa đại lục vẫn đang trong cuộc vật lộn quyết liệt giữa tư tưởng mê tín và tri thức mới mẻ. Khi đó, cả nước có đến hàng nghìn các hội đạo môn lớn nhỏ, trong đó cũng đến hàng trăm hội có tên có tuổi, bọn họ không ngừng thêu dệt rồi truyền bá các kiểu tà thuyết hòng mê hoặc lòng người, nhân cơ hội kiếm ăn.

Phái Giang Tướng chỉ là một nhánh trong số đó. Có lúc, trên một địa bàn, quần tụ rất nhiều hội đạo môn. Những hội đạo môn hàng xóm láng giềng nếu giẫm lên ranh giới của nhau sẽ sinh ra xích mích, có lúc mâu thuẫn kịch liệt, một mất một còn. Nếu bọn Hắc bang cũng nhảy vào “góp vui” thì sẽ càng thêm náo nhiệt.

Khi đó, vùng Giang Hoài nổi lên ba hội đạo môn có tiếng nhất là Mộc Tử Liên, Mai Hoa Hội và Thiên Thánh Đạo.

Mộc Tử Liên có nền móng vững chắc nhất, 300 năm gây dựng cơ nghiệp, gió thổi không nghiêng ngả, sấm giật chẳng chuyển rung, trải qua bao thăng trầm dâu bể vẫn sừng sững hiên ngang đứng đầu.

Mai Hoa Hội được thành lập muộn nhất, vào thời kỳ xảy ra cuộc đại chiến Trực – Phụng lần hai, do đạo sĩ Mai Huyền Tử xuất thân từ Mai Hoa đạo quán sáng lập ra. Bang hội này chỉ có vài trăm người, nhưng kẻ nào cũng là binh hùng tướng mạnh, một người địch cả trăm người.

Thiên Thánh Đạo được thành lập vào thời kỳ diễn ra phong trào Nghĩa Hoà Đoàn và phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng vài chục năm mà tín đồ đông đến hàng vạn, đệ tử rải khắp cả nước, đang ở thế muốn nhấn chìm phái Giang Tướng. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của hội này rất nghiêm ngặt, thậm chí còn tinh vi hơn cả phái Giang Tướng. Từ cao xuống thấp, Thiên Thánh Đạo bao gồm: Chưởng môn, trượng, quải, phiến, thanh y. Chưởng môn đứng đầu môn hội, dưới trưởng môn có mười trượng, dưới mỗi trượng lại có mười quải, dưới quải có mười hai phiến, dưới phiến đều là đám thanh y, thanh y tương đương với bọn tay chân của phái Giang Tướng.

Mặc dù đều chơi những trò lừa gạt, nhưng ba nhà, mỗi nhà một chiêu thức khác nhau. Mộc Tử Liên khoác áo thầy tướng số nho nhã, lịch thiệp, các A Bảo luôn ôn tồn, lễ độ, bộ dạng thư sinh, phong lưu; Thiên Thánh Đạo thích chơi những chiêu giật gân, động một cái là nói đến ngày tận thế, khiến người ta hoang mang lo sợ; Mai Hoa Hội thích đi theo con đường của bậc siêu nhân, trong bọn họ ai nấy đều dường như thần tiên, tưởng có thể lên trời ôm trăng, xuống biển tát cá.

Trát phi mật bản của Mộc Tử Liên, Thuần dương thành pháp của Thiên Thánh Đạo, Dịch số tam thức của Mai Hoa Hội đều là sách quý của hội đạo môn, kẻ trong nghề đã nghe rất quen tai. Nhiều năm nay, chưởng môn các đời của ba hội đều nắm rất rõ những bí quyết truyền đời của hội mình, vừa chống địch bên ngoài, vừa phòng giặc trong nhà.

Bình thường, giữa các hội, nước giếng không phạm nước sông, làm những việc gì, trong lòng tự biết rõ, nếu không phải mâu thuẫn đến cực điểm, thông thường sẽ tránh để xung đột xảy ra; hơn nữa, nhiều lúc, giống như một sự thoả thuận ngầm, không ai bảo ai mà cùng giúp đỡ, dìu dắt nhau, bên này bảo vệ cho bên kia, bởi bảo vệ đối phương cũng chính là bảo vệ mình; nếu vạch mặt nhau, cả hai bên sẽ cùng tiêu đời.

Năm thứ hai sau khi Trương Tự Triêm và Hoàng Pháp Dung cưới nhau, vùng Giang Hoài xảy ra một chuyện lớn: đường chủ của Mai Hoa Hội tự xướng lên là mình đã tu luyện thành tiên, có thể lên trời, xuống đất, có khả năng kêu gọi quỷ thần đến quần tụ, bảo chim không được kêu thì chim phải bặt tiếng, bảo chó câm mõm thì chó không dám sủa vang, còn thường xuyên tụ họp ăn ăn uống uống với các vị thần tiên trên trời và đám quỷ đói dưới địa phủ, rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến việc này. Đây rõ ràng là một quả bom nặng ký, chỉ trong một thời gian ngắn, Mai Hoa Hội đã nổi danh khắp chốn!

Ban đầu, Tổ Gia không quá bận tâm đến việc này, ông cho rằng, chắc Mai Hoa Hội đang giở thuật Trát phi, chỉ hoành hành một thời gian, kiếm được chút tiền sẽ ngừng tay. Nào ngờ, trò này càng diễn càng ghê gớm, rõ ràng đối phương muốn loại bỏ kẻ khác với ý đồ thống nhất giang hồ. Cùng một mảnh đất, nguồn tài nguyên có hạn, vậy mà lại bị hội này thâu tóm hết, hội kia ắt chỉ còn biết hớp không khí mà sống thôi. Tổ Gia không thể ngồi yên được nữa.

Bên phía Thiên Thánh Đạo cũng cảm thấy lần này Mai Hoa Hội đã làm quá đà, cả vùng Giang Hoài, thảy người dân dường như chỉ tin mình lão ta là thần tiên, vậy thì bọn này sống kiểu gì đây?

Tiết Thanh minh, chưởng môn Thiên Thánh Đạo – Trương Kế Nghiêu – đột nhiên đến thăm Tổ Gia.

“Tổ Gia, đã nghe tin gì chưa?” Trương Kế Nghiêu hỏi.

Tổ Gia gật gật đầu: “Ừm, đã nghe.”

Trương Kế Nghiêu nói: “Lần này, lửa càng cháy càng mạnh, xem ra chẳng dễ dập tắt đâu. Đệ tử của tôi đã dò hỏi, có vài chuyện quả thực khiến người ta khó mà lý giải đấy.”

Tổ Gia cười, nói: “Chỉ là trò Trát phi mà thôi.”

Trương Kế Nghiêu nói: “Trát phi thì đã chẳng đáng ngại, đáng ngại là ở chỗ nhìn không ra ấy.”

“Trương Gia muốn nói đến việc gà không kêu, chó không sủa?” Tổ Gia hỏi.

Trương Kế Nghiêu cười nhạt: “Tổ Gia xem thường ngu huynh rồi, trò đấy thì qua làm sao được mắt tôi, ý tôi là chuyện đại tiên tụ hội, thần tiên ăn mỳ mà chúng biểu diễn trên phố kìa.”

Tổ Gia cười, nhưng không nói gì, trong lòng quả cũng không hiểu rõ nội tình. Mấy ngày nay, ông cũng đã phải phái Nhị Bá đầu và Trương Tự Triêm trà trộn vào dân thường, đi xem đường chủ Mai Huyền Tử của Mai Hoa Hội biểu diễn phép thuật đến mấy lần liền. Kết quả, sau khi trở về, Trương Tự Triêm và Hoàng Pháp Dung chỉ phá được thuật khiến cho gà không kêu, chó không sủa, còn những chiêu thuật khác đã vò đầu bứt tai mà chưa phá giải được.

Thủ đoạn làm cho gà không kêu, chó không sủa đều được nhắc tới trong hai cuốn Trát phi mật bản và Việt Hải Đường phong tướng trát ký.

Về vụ gà không kêu: Người xưa thường coi gà là vị thần của đêm tối, trong số 12 con giáp, gà là Dậu, ngũ hành thuộc Kim. Kim chủ về phổi, phổi chủ về hô hấp, hệ hô hấp của loài gà rất nhạy cảm, một nhà quân sự Âu – Mỹ đã nói: “Trong cuộc chiến tranh sinh học được trang bị vũ khí hiện đại và kỹ thuật tân tiến, gà chính là anh lính canh giúp con người tránh bị vũ khí hoá học làm hại.” Trong thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ lùa cả nghìn con gà đi phía trước dẫn đường để tránh bị trúng độc từ đạn hơi độc của Saddam Hussein. Phía dưới hai bên cánh gà có hai đường gân lớn, đây chính là chỗ khí huyết trên khắp mình con gà đều phải đi qua; khi bắt gà, con gà sẽ ra sức giãy giụa đồng thời kêu rất to, lúc này chỉ cần dùng hai tay ấn một lực đủ mạnh vào đường gân lớn hai bên cánh và giữ thật chắc thì khi thả xuống, con gà sẽ chỉ biết trơ trơ đôi mắt mà không kêu lên được nữa.

Những kẻ thi triển chiêu thuật này, chỉ cần biểu diễn màn túm lấy con gà, vừa ấn mạnh, vừa lắc lư cái đầu đọc thần chú, thì người dân liền bị che mắt, không còn để ý thấy tay hắn đang làm điều gì kỳ quặc, khác lạ nữa. Chân tướng của trò gà không kêu là như vậy.

Đối với chó, thực ra đã bị chúng cho uống một loại thuốc làm mất tiếng, nếu cho quá liều, con chó đó còn có thể bị câm hẳn.

Loại thuốc làm tổn hại đến âm đức này do đám người trông rất mực nho nhã – gọi là Lê viên (vườn lê) trong gánh hát kịch thời xưa sử dụng. Ngày ấy, đám Lê viên thường ghen ghét nhau, để tranh được vị trí và vai diễn, có lúc đã dùng thủ đoạn hạ độc. Loại thuốc này tuy không lấy mạng người ta, nhưng một khi đã uống phải, thanh đới sẽ bị kích thích mạnh, chỉ vài ngày sau liền bị khản tiếng. Giọng hát đối với diễn viên trong gánh hát là chuyện sống còn, nếu họng bị hỏng thì kế sinh nhai trong chốn Lê viên cũng coi như chấm hết.

Nguyên liệu để làm ra thứ độc dược này rất đơn giản, chính là ráy tai người. Đương nhiên, cứ móc ráy tai ra rồi cho người ta ăn thì chẳng có tác dụng gì. Trong Trát phi mật bản đã ghi, ráy tai phải trộn lẫn với vài vị thuốc Đông y khác, sau đó pha vào nước ấm vừa phải mới được. Thứ độc này không dễ gì nắm bắt, chỉ những người tinh thông như Trương Tự Triêm mới có thể bắt chước mà chế ra được. Vậy nên, thủ đoạn mà Mai Hoa Hội dùng với con chó, ngoài người trong nghề ra, những người dân bình thường chẳng ai hiểu được cả.

Nhưng riêng vụ Mai Hoa Hội dàn cảnh các vị đại tiên tụ hội, thần tiên ăn mỳ kia thì Mộc Tử Liên và Thiên Thánh Đạo khó bề tỏ tường.

ĂN MỲ CÙNG “THẦN TIÊN”

Cảnh giới cao nhất khi tu tập thành tiên đó là có thể gọi các vị thần tiên ở các nơi cùng về tụ hội, cùng ngồi ăn trên một chiếc bàn. Làm được như vậy, thứ nhất cho thấy người đó có mối quan hệ tốt đẹp với các vị thần tiên; thứ hai chứng tỏ bản thân mình đạo hạnh cao thâm, được ngồi ngang hàng với các vị tiên. Sau khi nhà nước Trung Quốc mới được thành lập, nửa sau những năm 80 của thế kỷ 20, trong cả nước, sau thời gian Chu Dịch lại trở thành cơn sốt, một vị “cao nhân” nghiên cứu thuật Kỳ môn độn giáp nào đó ở Hà Bắc cũng tự xưng có thể gọi thần tiên tụ hội, thường xuyên ăn cơm cùng, có khi còn nói dưới gầm bàn có thứ gì đó, sau đó hai chân làm điệu bộ khua khoắng, như thể đang “đánh nhau” với lũ yêu ma quỷ quái vậy, thế mà quần chúng cũng tin là thật, người đến bái sư học nghệ nườm nượp. Về sau vị Đại sư có khả năng “gọi tiên đến” này đã gọi được cả cánh cảnh sát tề tựu, rồi được “ăn cơm tù” nửa tháng. Sau khi được thả ra, không thấy ông ta rêu rao chuyện mời tiên tụ hội nữa.

Khi đó, đường chủ Mai Huyền Tử của Mai Hoa Hội tự xướng lên là có thể dùng Thời gia Kỳ môn tụ tiên. Lão ta cho người xây một đạo tràng làm phép lớn trên phố, đài này cao ba thước, trên đài đặt một chiếc bàn Bát tiên, bốn góc đài có bốn đệ tử đứng giữ cành phan; trên bàn để một vòng các bài vị, gồm: Hồ Tiên (hồ ly), Bạch Tiên (nhím), Trường Tiên (rắn), Hoàng Tiên (chồn)…; ở giữa bày một lư hương, chân đèn, ba món ăn, vàng mã; phía trước mỗi tấm bài vị để một cái bát to, đều là bát không hết.

Mai Huyền Tử ngồi xếp bằng tại chính vị trên bàn Bát tiên, đầu tiên dán bùa đọc thần chú, lắc lư đầu, miệng lầm rầm khấn, lúc thì ngâm khẽ, lúc lại ngửa mặt lên nhìn trời xanh, cuối cùng hô rõ to: “Mời các vị đại tiên ngồi!”

Lúc này, đệ tử của lão nhấc một nồi mỳ đã được nấu chín lên, Mai Huyền Tử đích thân gắp mì, múc canh vào bát cho các vị đại tiên, sau đó cũng lấy cho mình một bát, rồi nói to: “Nay Huyền Tử tôi kính cẩn mời chư vị tiên gia ăn mỳ trường thọ, kính mong các vị phù hộ cho dân chúng khắp vùng của ta vạn sự hưng an!”

Lập đạo tràng cùng ngồi ăn với thần tiên kiểu này, mới chỉ có sư tổ Đạo gia thời Đông Hán là đại sư Trương Đạo Lăng từng làm được, nhưng cũng chỉ là truyền thuyết, nay Mai Huyền Tử lại dám bắt chước biểu diễn ngay trên phố.

Mai Huyền Tử nói xong, làm điệu bộ mời các vị tiên, sau đó từ tốn ăn bát mỳ của mình rất ngon lành, người dân đứng lặng xung quanh xem.

Chừng trong khoảng thời gian một khắc, Mai Huyền Tử ăn sạch bách chỗ mỳ trong bát của mình, sau đó đứng dậy chắp tay hành lễ trước các tấm bài vị trên bàn: “Đa tạ các vị tiên gia!”

Màn tiếp theo chính là lúc được chứng kiến kỳ tích, Mai Huyền Tử lần lượt giơ những chiếc bát ở phía trước các tấm bài vị lên, nói to: “Các vị thần tiên đã ăn mỳ, ban cho ta nước thánh, tưới nước thánh xuống mặt đất, ơn trạch bao phủ muôn nơi, che chở cho các con đời đời.” Sau đó, ông ta hắt mạnh, nước bắn ào ào khắp mặt đất, mọi người kinh ngạc khi thấy chẳng còn sót lại một sợi mỳ nào. Quả đúng là các vị thần tiên đã ăn hết rồi ư?!

Trăm nghe không bằng một thấy, Trương Tự Triêm rõ ràng đã tận mắt trông thấy mỳ được gắp vào bát, sao lại có thể biến đâu mất chỉ trong chốc lát vậy được? Trong khi đó, trên đài chỉ có một mình Mai Huyền Tử, những người khác chẳng thể động chân động tay vào đấy được.

Mai Huyền Tử cúi đầu lạy, rồi mỉm cười, nói: “Mệnh là do trời, trời là thần linh, thần linh chính là ta đây, ta có thể nói chuyện với thần tiên, các ngươi còn phải sợ cái gì nữa? Đừng đi xem tướng xem số làm gì, toàn những thứ nông cạn!”

Nhị Bá đầu tức giận nghiến răng kèn kẹt, rủa thầm: “Ông ngồi nghễu nghện trên đấy mà vênh váo đắc ý thế nào cũng được, lại còn bảo người ta đừng đi xem tướng số, chẳng phải muốn chặt đứt đường kiếm ăn của phái Giang Tướng chúng ta sao?”

Trên đường quay trở về, Trương Tự Triêm vắt óc suy nghĩ, cố lý giải cho kỳ được, còn Nhị Bá đầu luôn miệng chửi rủa: “Không biết lão ta giở thứ yêu thuật gì, khiến ông mày điên cả tiết lên rồi, đập bố nồi niêu, bát đũa, muôi gáo và cả mấy tấm bài vị kia đi, liệu lão ta còn hốc được nữa không!”

Nghe Nhị Bá đầu kể lại, Tổ Gia ngẫm nghĩ mãi không ra, Mai Huyền Tử đúng là uống nhầm thuốc rồi. Một bang hội mới chập chững tập đi, thường ngày vẫn phải khúm na khúm núm trước phái Giang Tướng, hôm nay lại dám nhả ra những lời hổ báo như thế. Thật không muốn sống nữa rồi!

Tên đệ tử mà Trương Kế Nghiêu sai đi cũng không bẻ được cục này, cho nên ông ta mới đến bàn bạc với Tổ Gia.

Tổ Gia nói: “Tôi nghe nói, người tinh thông thuật Kỳ môn độn giáp có thể gọi thần tiên trên trời về tụ hội, lẽ nào Mai Huyền Tử quả thật hiểu thấu thuật Kỳ môn?”

Trương Kế Nghiêu cười lớn: “Tổ Gia vẫn luôn minh mẫn là thế, nay lại nhất thời hồ đồ rồi, ngu huynh ta đây còn được cái tiếng thông hiểu Mai Hoa dịch số cơ đấy.”

Tổ Gia cũng cười: “Trương gia đừng quên, Mai Huyền Tử là truyền nhân của thầy Mai Phủ Tổ – trụ trì Mai Hoa đạo quán. Mặc dù đã qua đời, nhưng thầy Mai Phủ Tổ là người kế thừa phái Thượng Thanh trên Mao Sơn, thuật “Kỳ môn” của ông ta rất lợi hại, không thể coi thường phương thuật đạo pháp của ông ta được!”

Nụ cười tắt ngấm trên mép Trương Kế Nghiêu: “Tổ Gia, ngu huynh tôi đến đây không phải chuyện gẫu cho vui. Mai Huyền Tử làm như vậy có can hệ đến kế sinh nhai của hai nhà chúng ta, Tổ Gia còn đùa đùa cợt cợt thì ta xin cáo từ.”

Tổ Gia vội nói: “Mai Huyền Tử là người rất thận trọng, lần này bỗng nhiên lại gióng trống khua chiêng, Trương Gia không thấy kỳ lạ sao?”

Đầu lông mày Trương Kế Nghiêu giật lên.

Tổ Gia nói tiếp: “Kẻ theo cái nghề như chúng ta đây chưa bao giờ đánh trận mà không có sự chuẩn bị đâu vào đấy. Trước mỗi lần dàn cục, chẳng phải Trương Gia cũng phải đút trên lót dưới, sau đó mới dám hành động đấy à?”

Trương Kế Nghiêu nói: “Ý Tổ Gia là, sau lưng Mai Huyền Tử có cao nhân chỉ vẽ cho?”

Tổ Gia nói: “Mai Huyền Tử luôn thận trọng từng chút một, ngày trước cũng từng mạo nhận thần tiên, nhưng lần nào cũng đều biết điểm dừng, không hề làm lớn chuyện, đệ tử của lão nếu dám gióng trống khua chiêng, mượn vía lão rêu rao gạt người, ắt bị lão ta trị tội ngay.”

“Mai Huyền Tử cũng có người chỗ bọn quan nha, liệu có phải…” Trương Kế Nghiêu nghi hoặc.

Tổ Gia lắc đầu: “Không đâu, mấy tên phó quan không chống được cục lớn đến vậy.”

Trương Kế Nghiêu gật đầu: “Ý Tổ Gia là…”

Tổ Gia nhìn Trương Kế Nghiêu, chỉ một chữ “đợi” lách ra được khỏi kẽ răng ông.

LẦM TƯỞNG “KÊ HẦU BẤT ĐÁO ĐẦU”

Sở dĩ Tổ Gia không dám phân tích quá sâu vì phải đề phòng Trương Kế Nghiêu. Thời cuộc chưa rõ thế nào, Tổ Gia còn chưa biết Mai Huyền Tử bán thứ thuốc gì trong cái hồ lô của lão, càng không biết Trương Kế Nghiêu và Mai Huyền Tử có mặc chung nhau cái quần hay không, Giang Hoài chia ba thiên hạ, nếu chỉ một chút bất cẩn, việc hai nhà cùng bắt tay dàn cục để loại bỏ một nhà, cũng không phải không có khả năng xảy ra.

Việc gì Tổ Gia cũng luôn nghĩ đến tình huống xấu nhất, sau đó từ từ chuốt lại, tìm ra các đối sách hay nhất.

Cùng lúc này, Tổ Gia ra một mệnh lệnh thép cho Nhị Bá đầu và Trương Tự Triêm: Phải mau chóng phá được cục thần tiên tụ hội của đối phương.

Nhị Bá đầu và Trương Tự Triêm cùng lo sốt vó lên, nhưng Nhị Bá đầu tâm tính luôn nghĩ rất thoáng, nên chẳng đến nỗi bỏ cơm, còn Trương Tự Triêm thì không nuốt trôi cơm, không nhắm nổi mắt. Hoàng Pháp Dung trong lòng cũng vô cùng lo lắng, kỳ thực, từ sau hôm Trương Tự Triêm quay trở về kể lại tình hình đối phương dàn cục, bà đã luôn nghĩ cách để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra.

Đi theo Tổ Gia được hai năm, đây là lần đầu tiên Trương Tự Triêm đụng phải bài toán hóc búa. Mặc dù khi đó vẫn ở dưới trướng của Nhị Bá đầu, nhưng là một chân tay xuất sắc, luôn muốn tranh một chức Bá đầu, Tổ Gia cũng ngầm ám chỉ về việc đó. Đặc biệt sau khi lấy Hoàng Pháp Dung, bà càng nhọc tâm nhọc sức giúp chồng dàn cục, hòng tạo được tăm tiếng.

Khi đó, chiếc ghế thứ tư của Đường khẩu đang do một thủ hạ cũ của Trương Đan Thành – tên là Tề Xuân Phú – nắm giữ. Năm xưa, khi mấy tên Bá đầu của Trương Đan Thành tạo phản, ông ta đứng bên Trương Đan Thành trong chức vị một Cử nhân có thâm niên, sau khi dẹp yên bọn tạo phản, ông ta được đề bạt lên làm Tứ Bá đầu.

Sau khi chính thức ngồi lên ngôi vị cao nhất, để củng cố địa vị của mình, đầu tiên Tổ Gia loại bỏ Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu còn sót lại trước khi Trương Đan Thành chết, đổi thành Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu của mình, về sau thu nạp Tiết Gia Nhân, rồi dìu dắt hắn ta lên chiếc ghế thứ ba. Từ đó, trong số năm Bá đầu của Trương Đan Thành, chỉ còn lại lão tứ Tề Xuân Phú và lão ngũ Lương Văn Khâu.

Các vị Bá đầu thuộc hàng nguyên lão không hẳn không phục Tổ Gia. Nhưng xưa có câu: “Thiên tử triều nào quần thần triều ấy”, mấy vị cây cao bóng cả ấy đều rất có tiếng nói trong Đường khẩu, chẳng may một ngày nào đó bọn họ không vui mà nói vài câu, Tổ Gia sẽ không nuốt trôi được. Ông dùng thủ đoạn đoạt quyền rất nho nhã, gần như chỉ cần “chén rượu giải binh quyền”. Tổ Gia nói, các vị nguyên lão Mộc Tử Liên đã phải lao tâm quá nửa đời người, cũng nên nghỉ ngơi hưởng phúc, những việc của Đường khẩu giao lại cho lớp người sau làm là được rồi.

Có vài vị rất biết điều, cầm lấy bạc lui về tuyến hai dưỡng già, có vị lại không biết điều, như Tề Xuân Phú và Lương Văn Khâu, bọn họ đều thấy mình vẫn có thể làm được việc, vẫn có thể cùng Tổ Gia đánh lấy thiên hạ.

Điều mà Tổ Gia muốn là làm sao để các lực lượng đều nhau, Đường khẩu khi đó có tất cả năm Bá đầu, ba người mới, hai người cũ, tạo nên thế cầm chân nhau rất cân bằng, về cơ bản là được rồi.

Cơ chế để được thăng chức trong phái Giang Tướng từ xưa đến nay luôn dựa vào đánh giá năng lực, không phải cứ “sống lâu thì lên lão làng”, càng không có chuyện người này chết thì người kế sau lên thay. Bất kể người đó là ai, chỉ cần hội đủ điều kiện, năng lực tốt, kiếm được càng nhiều lợi ích về cho Đường khẩu thì thăng chức càng nhanh. Trước khi cơ chế chưa thay đổi, việc thăng chức có thể nhanh nhưng phải diễn ra tuần tự, có người trong vòng chưa đầy một năm, liên tiếp thăng từ vị trí của một tay chân tẹp nhẹp lên Cử nhân, Tiến sĩ, Hàn lâm, đến tận Thám hoa. Sau khi Tổ Gia cải tổ lại, việc thăng cấp còn nhanh chóng hơn, chỉ cần đủ năng lực, một tên chân tay có thể lên thẳng chức Bá đầu.

Lần này, hai vợ chồng Trương Tự Triêm và Hoàng Pháp Dùng đã phải rất đau đầu tìm tòi, nghiên cứu từng chi tiết nhỏ, mãi đến tận lúc gà gáy báo trời đã sáng mà vẫn chưa có kết quả.

Chính vào lúc quan trọng, Giả Tứ gia đến.

Giả Tứ gia buôn lậu thuốc phiện và vũ khí đạn dược, hắn hội đủ tố chất của một kẻ xấu xa, nhưng lại là một kẻ xấu xa có nghĩa khí. Phàm những người làm được việc, bất kể loại người nào, không thể để mất hai chữ nghĩa khí, nếu không sớm muộn cũng sẽ bị người ta trừ khử.

Theo luật ngầm trong giang hồ, có qua có lại mới toại lòng nhau. Tổ Gia đã giúp Giả Tứ gia lén lút vận chuyển thuốc phiện bằng cách “đuổi xác”, sau khi làm xong việc, Giả Tứ gia cứ theo thỏa thuận ban đầu, đưa một nửa số bạc cho Tổ Gia, nhưng Tổ Gia chỉ nhận hai phần, vì Nhị Bá đầu dám tự ý chặt lấy mỗi phần đầu của xác chết, khiến suýt chút nữa bị lộ cục.

Tổ Gia luôn biết chơi đẹp, Giả Tứ gia lại càng chơi đẹp hơn, ông ta nói với Tổ Gia: “Tổ Gia nhân nghĩa, ta môn lai nhật phương trường”. Ý ông ta nói, ân tình này của Tổ Gia ông ta xin nhận, mai này nhất định bù lại.

Lần này, Giả Tứ gia lại giới thiệu cho Tổ Gia một vụ béo bở. Song cũng là vụ hóc búa, nếu không ông ta đã không mời Tổ Gia ra mặt.

Ông chủ một công ty muối ở An Huy tên Hà Phàm, hai năm trước có cô con gái bị chết. Khi đó, cô con gái đang học một trường nữ sinh Dân quốc, một hôm trời mưa lớn, cô bị sét đánh trúng, toàn thân bốc khói đen, các bạn học ở xung quanh hoảng loạn, trong lúc ấy một cậu bạn trai đã ôm cô bé đưa vào bệnh viện của một giáo hội ở gần đó nhưng đã muộn, phần lưng đã bị sét đánh cháy.

Hai vợ chồng ông chủ Hà bỗng nhiên phải chịu đựng tai họa khủng khiếp này, khóc đến nỗi gần loà cả đôi mắt. Vì con gái còn chưa kết hôn, sau khi xảy ra chuyện, ông chủ Hà muốn làm lễ hợp âm hôn cho cô.

Nguyên tắc làm lễ hợp âm hôn (cưới ma) hay hợp dương hôn (cưới hỏi bình thường) giống nhau, đều phải xem Bát tự, đặc biệt phải xem có hợp tuổi hay không. Người xưa đã truyền lại một bài khẩu quyết nói về chuyện hợp hôn mà các thầy tướng số thường dùng như sau:

Tòng lai bạch mã phạ thanh ngưu,

Dương thử tương phùng nhất đán hưu.

Xà kiến mãnh hổ như đao đoạn,

Trư ngộ viên hầu bất đáo đầu.

Long phùng mão nhi vân đoan khứ,

Kim kê kiến khuyển lệ giao lưu.

Cho đến tận bây giờ, các bậc cha mẹ khi đi xem nhân duyên cho con cái, thầy tướng số vẫn thường nói tuổi nào không hợp với tuổi nào, kỳ thực đều xuất phát từ bài khẩu quyết này mà ra cả.

Nguyên lý của bài khẩu quyết này là thế nào?

Nó nằm ở mối quan hệ hình xung khắc hại của 12 địa chi. Phối hợp 12 con giáp với 12 địa chi, lại phối hợp 12 địa chi và ngũ hành với nhau. Trong đó, Tý–Hợi thuộc hành Thủy, Dần–Mão thuộc Mộc, Tỵ–Ngọ thuộc Hoả, Thân–Dậu thuộc Kim, Thìn–Tuất–Sửu–Mùi thuộc Thổ, 12 địa chi có sự tương sinh, tương khắc, tương hợp, tương xung, tương hại với nhau. Người xưa cho rằng, người có địa chi tương hợp thì báo hiệu họ sẽ hoà hợp trăm năm, còn tương xung đều rất xấu, cho thấy hai người sẽ ly tán, không thể sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long.

Sáu cặp tương hợp trong 12 địa chi là:

Thìn–Dậu hợp (rồng hợp với gà)

Tý–Sửu hợp (chuột hợp với trâu)

Hợi–Dần hợp (lợn hợp với hổ)

Mão–Tuất hợp (mèo hợp với chó)

Thân–Tỵ hợp (khỉ hợp với rắn)

Ngọ–Mùi hợp (ngựa hợp với dê)

Sáu cặp tương xung:

Thìn–Tuất xung (rồng xung với chó)

Tý–Ngọ xung (chuột xung với ngựa)

Sửu–Mùi xung (trâu xung với dê)

Thân–Dần xung (khỉ xung với hổ)

Mão–Dậu xung (mèo xung với gà)

Tỵ–Hợi xung (rắn xung với lợn)

Căn cứ vào quy luật lục hợp và lục xung, bài khẩu quyết hợp hôn đã được ra đời. Vì Tý–Sửu hợp, nhưng Tý–Ngọ xung, ngựa đuổi chuột chạy, chuột không thể sống đến bách niên giai lão với trâu, trâu chắc chắn sẽ thẹn quá hoá giận, muốn giết chết ngựa, cho nên mới có câu: Tùng lai bạch mã phạ thanh ngưu. Những câu khẩu quyết khác cũng giải thích tương tự.

Những bài khẩu quyết kiểu này trong quá trình biến đổi của lịch sử, được người dân truyền miệng cho nhau, khó tránh sai sót, ví như câu: Kim kê kiến khuyển lệ giao lưu, ý nói người tuổi Dậu và người tuổi Tuất không hợp nhau, họ thường xuyên cãi vã, cả ngày khóc lóc, cuối cùng sẽ chia tay nhau, bà con mới đùa rằng “kê cẩu bất đáo đầu”. Nhưng do sự khác biệt trong cách phát âm và phương ngữ từng vùng miền, cứ truyền đi truyền lại, cuối cùng thành “kê hầu bất đáo đầu”, hiểu sai thành: người tuổi gà và người tuổi khỉ không thể lấy nhau, đúng là một sai lầm tai hại. Trong ngũ hành, Thân và Dậu đều thuộc Kim, không xung không khắc, không hình không hại, thì sao có thể “bất đáo đầu”!

Huống hồ, cách hợp hôn này chỉ căn cứ vào tuổi cầm tinh, không tính gì đến can chi, rất nhiều bậc tiên hiền Dịch học đều hoài nghi về khẩu quyết này. Nhưng, người dân thì thà tin vào cái “sai”, chứ nhất định không tin là nó không tồn tại.

QUAN TÀI MỌC ĐẦY TÓC ĐEN

Khi đó, ông chủ Hà không thể tìm được một người hợp tuổi mới chết, cực chẳng đã, đành phải an táng cho con gái trước. Sau khi chôn cất xong, hai năm sau, cuối cùng cũng nghe nói ở thị trấn bên cạnh có một cậu con trai mới chết, gia cảnh và tuổi cũng tương đương, vội vàng phái người đến cầu hôn. Qua bọn môi giới âm hôn, thấy hai bên hợp Bát tự, coi như mối này đã xong.

Theo nguyên tắc hợp âm hôn, đầu tiên, ông chủ Hà phải cho đào hài cốt của con gái mình lên, chọn ngày lành giờ đẹp, khênh đến nhà trai, rồi đặt vào chung một chiếc quan tài với người con trai, sau khi làm lễ viên phòng thì chôn họ cùng nhau.

Ông chủ Hà mời một lão mù chọn được ngày rời mộ theo hoàng lịch thời xưa, sau đó thuê mấy người đào chiếc quan tài lên. Khi chôn cất hai năm trước, để tránh quan tài khỏi bị mục và tránh sâu bọ, côn trùng, người ta đã bôi một loại thuốc chống phân hủy dạng nước lên, tuy vậy giờ đây mặt gỗ chiếc quan tài cũng bị cũ đi nhiều.

Nhìn chiếc quan tài to tướng cũ kỹ, ông chủ Hà chần chừ một lúc, không biết có nên cho mở ra hay không, ông nửa muốn nhìn thấy con, nửa lại không đang tâm nhìn thi thể có khi đã phân hủy hết ấy. Ông cứ im lặng mãi như vậy, cầm tẩu thuốc, hút liên tục.

“Ông chủ, có mở quan tài không?” Một anh cu li hỏi.

Mãi lâu sau, ông chủ Hà nghiến răng nói: “Mở đi!”

Mấy người cầm búa, nêm sắt, gõ vào những chiếc đinh tán để cạy quan tài làm phát ra tiếng kêu lách cách. Một lúc sau, số đinh đã được gỡ hết. Mấy người cu li hò nhau kéo quan tài lên.

Khi nắp quan tài được kéo ra, một luồng âm khí xộc thẳng vào mặt, mùi tử khí cũng bay ra theo, đồng thời chính lúc ấy, mấy người cu li kia chẳng ai bảo ai cùng hét toáng lên: “Ối?” Tay họ run bắn, làm rơi cả nắp quan tài xuống đất.

Ông chủ Hà kinh hãi: “Sao thế?”

Đám cu li mặt mày tái mét, một người chỉ vào bên trong chiếc quan tài, lập cập nói: “Ông chủ… Ông nhìn xem…”

Ông chủ Hà chần chừ một lúc, rồi từ từ lại gần, cúi đầu nhìn, không thể kìm nén nổi một cơn thở dốc: Tóc đen, đen sì nhét đầy trong quan tài!

Người ta vẫn nói, sau khi chết, tóc vẫn có thể mọc tiếp được, nhưng cũng chỉ dài hơn trước lúc được chôn cất một chút. Đằng này, cả mớ tóc dày bịch nhét chật trong quan tài thì chưa từng thấy bao giờ!

Một cảnh tượng khiến người ta phải choáng váng bày ra trước mắt ông chủ Hà, nhưng dù gì cũng là con gái mình, ông cúi người xuống, từ từ vén mớ tóc tầng tầng lớp lớp kia ra mới nhìn thấy cái đầu lâu của con gái mình, khuôn mặt đã không còn lớp thịt nữa, bụng đã tọp xuống, một phần quanh rốn bị rữa ra, nhưng thi thể vẫn chưa phân hủy hết, từng sợi tóc trên đầu vẫn mọc, dường như mọi thứ năng lượng trong người đều dồn vào nuôi tóc.

Trong dân gian vẫn truyền tai nhau, người sau khi chết, nếu oan khí quá nặng sẽ bốc lên đỉnh đầu để tóc tiếp tục mọc. Ông chủ Hà không biết con mình rốt cuộc có điều gì oan ức mà tóc lại mọc đen cả quan tài như thế!?

Người bên nhà trai đi theo đến rời mộ trông thấy như vậy, liền chạy về báo với cha mẹ nhà bên đó, họ vừa nghe xong đã muốn nuốt lời, nói cô gái là quỷ dữ, không hợp với con trai mình.

Ông chủ Hà bị dồn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, người ta không đồng ý cho cưới, nhưng mình thì đã đào thi thể con gái lên rồi, làm sao có thể cứ thế vùi lại. Huống chi hai năm nay, tóc con gái ông mọc kín cả quan tài, xem ra oan khí quá nặng, cứ nhắm mắt chôn xuống cho xong, ông thực không nỡ lòng nào.

Nghĩ đi nghĩ lại, ông chủ Hà định mời một vị đại sư đạo pháp cao thâm về xem.

Giả Tứ gia với ông chủ Hà là chỗ qua lại cũ, hai người trở thành bạn bè bởi móc nối làm ăn, cùng nhau kiếm lợi.

Giả Tứ gia và Tổ Gia lại là chỗ cùng sống cùng chết, đã không biết bao lần hợp tác cùng làm những việc có thể khiến cả hai phải rơi đầu. Sau khi con gái ông chủ Hà chết, Giả Tứ gia liền ghi nhớ, định giới thiệu cho Tổ Gia con gà béo này, nhưng khi đó chiến sự liên miên, việc buôn thuốc phiện gặp khó khăn, tự lo cho mình còn chưa xong nên cũng chẳng sức đâu để tâm đến chuyện của ông chủ Hà.

Chẳng ngờ hai năm sau, ông chủ Hà lại muốn làm lễ hợp âm hôn, hơn nữa trước khi làm lễ còn xảy ra bao chuyện như vậy, Giả Tứ gia lập tức đem tin tức này nói với Tổ Gia. Và chuyện này cũng nhanh chóng bị đưa lên báo, mà lại là số báo đặc biệt hẳn hoi, khiến cả bến Thượng Hải đều biết vùng Giang Hoài xuất hiện quan tài mọc đầy đóc ten. Sau khi hay tin, Tổ Gia thấy đây không phải việc hay ho gì, trong Trát phi mật bản cũng đã có ghi chép, chuyện quan tài tóc đen này nếu là thật sẽ rất phiền toái.

Chuyện kể lại rằng, Năm Gia Khánh thứ 6, bà vợ lẽ của một ông nhà giàu chết. Nhiều năm sau, con cháu bốc mộ cho, phát hiện thấy trong quan tài tóc mọc rất nhiều. Cả nhà sợ hãi đi báo quan ngay lập tức, nhưng người của quan phủ đến cũng không điều tra được chuyện gì.

Về sau, bao nhiêu chuyện kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra trong nhà này. Đầu tiên là chuyện nửa đêm họ trông thấy một người phụ nữ mặc đồ trắng xách đèn lồng đi lại trong sân; tiếp đến, một hôm trời mưa, họ trông thấy một thằng bé ngồi trên cây ôm con cá chép cứ cười ha ha; sau đó, người trong nhà này đều lần lượt chết một cách kỳ lạ.

Người ta đều nói, bà vợ lẽ này trong khi mang thai đã bị bà vợ cả của ông chủ này đầu độc chết. Sau khi chết, oan khí không thể tiêu tan, hai mẹ con đều biến thành ác quỷ, trở về đòi mạng những người trong nhà.

CỤC KHÔNG THẦY TƯỚNG SỐ NÀO DÁM DÀN

Cho nên, tổ tiên phái Giang Tướng đã căn dặn lại một câu trong Trát phi mật bản: Ô phát già quan bất khả trát, oan khí lệ khí loạn như ma, đậu nga huyết tiễn tam xích bạch, A Bảo mạc dư quỷ tranh trát. Câu này nhắc nhở các A Bảo, khi gặp phải trường hợp quan tài mọc đầy tóc đen thì không được nhúng tay vào nữa, oan khí của người chết không tiêu tan được, ai động vào tất gặp xui xẻo.

Vì thế, đối với cục kiểu này, từ trước đến nay các A Bảo rất kỵ, thường không dám làm.

Sau khi Giả Tứ gia đi, Tổ Gia đã cho họp Đường khẩu để bàn về việc này, ông muốn nghe ý kiến của các Bá đầu, kết quả là ngoài Nhị Bá đầu, các vị Bá đầu khác đều nói không nên dàn cục này.

Tổ Gia nhìn khắp mọi người, không nói không rằng, xua tay: “Giải tán!” Các Bá đầu đưa mắt nhìn nhau, không biết Tổ Gia định thế nào.

Đêm đó, Tổ Gia ngồi uống trà trong thư phòng thì nghe thấy tiếng gõ cửa vang lên. Tổ Gia cười.

Một lúc sau, quản gia dẫn Trương Tự Triêm và Hoàng Pháp Dung vào. Tổ Gia biết bọn họ sẽ đến, bọn họ không phải là Bá đầu, không được tham gia vào chuyện cơ mật cấp cao của Đường khẩu, nhưng chắc chắn sau khi Nhị Bá đầu quay về sẽ tiết lộ chuyện này, Hoàng Pháp Dung nghe xong nhất định sẽ tìm đến!

“Tổ Gia, nên dàn vụ này.” Hoàng Pháp Dung nói.

Tổ Gia lim dim mắt, nói: “Nói ta nghe xem.”

Trương Tự Triêm lên tiếng: “Tổ Gia, Ô phát già quan bất khả trát, chỉ là cách nhìn nhận của tiên tổ, trên đời này làm gì có quỷ, Tổ Gia đừng nghe theo!”

Tổ Gia biết, những lời này đều do Hoàng Pháp Dung đã dạy, Trương Tự Triêm trước giờ luôn thận trọng từng ly, việc gì mà Đường khẩu không động đến, ông ta không bao giờ có ý kiến, từ sau khi cưới Hoàng Pháp Dung thì tình hình lại khác hẳn, làm việc gì cũng luôn có Hoàng Pháp Dung đứng sau trợ giúp.

Tổ Gia cười: “Vậy à?”

Trương Tự Triêm sững người, nhìn Hoàng Pháp Dung.

Hoàng Pháp Dung nói: “Tổ Gia, từ xưa đến nay, việc hợp hôn, dời mộ phái Giang Tướng đều nắm thành thục, dù là người ngoài hay bạn bè cùng đạo đều biết cả, nếu chỉ vì hiện tượng quan tài tóc đen mà chúng ta không làm, há chẳng phải để chúng cười cho hay sao?”

Tổ Gia mở mắt, nhấp một ngụm trà nói: “Ta có nói không làm không?”

Hoàng Pháp Dung nhìn Trương Tự Triêm, hai người cùng cười.

Tổ Gia nói tiếp: “Tự Triêm đọc sách nhiều, hãy phân tích ta nghe đã xảy ra chuyện gì với chiếc quan tài ấy!”

Trương Tự Triêm nói ngay: “Lúc vừa đến Thượng Hải, con đã đọc qua một vài cuốn sách sinh học của phương tây trong thư viện của giáo hội, sau khi người ta chết, tóc vẫn có thể mọc dài thêm trong một thời gian nữa nhờ có chất dinh dưỡng trong lớp da đầu, nhưng không thể có chuyện mọc đầy trong quan tài như vậy. Khả năng duy nhất là…”

Tổ Gia rơi vào trạng thái trầm ngâm suy ngẫm. Đây mới là điều mà ông lo lắng nhất. Dàn cục sợ nhất là “cục trong cục”, trong trường hợp phần mộ từng bị động đến, chứng tỏ đã có người chui vào trước làm chủ, vậy thì đối phương là kẻ như thế nào? Ý đồ của hắn là gì? Mình có nên thừa nước đục thả câu không?

Nghĩ đi nghĩ lại, Tổ Gia vẫn không tìm ra được manh mối. Giả Tứ gia đột nhiên đem đến một việc hay ho như vậy, liệu ông ta có phải “song tế5” hay không? Trong quá trình dàn cục, không sợ gì bằng sợ gặp phải kẻ hai mang, năm xưa Trương Đan Thành dàn cục một vị Bối lặc trong cung nhà Thanh, chính vì có “song tế” nên mới rơi vào tình cảnh thảm hại như vậy.

Nhưng Tổ Gia nhanh chóng gạt bỏ ý nghĩ này. Giả Tứ gia chẳng có lý do gì lại đi làm kẻ hai mang, mối quan hệ giữa hai người đã kéo dài bao nhiêu năm nay, hơn nữa mỗi lần dàn cục, lợi ích của hai bên đều thoả đáng, huống hồ đối phương chỉ là một ông chủ bán muối, không phải hạng quan chức gì trong chính phủ, dù cho bị lộ cũng không có gì đáng ngại, Giả Tứ gia cần gì phải nhọc công.

Tổ Gia bắt đầu xem xét có nên nhận vụ này hay không, thân là Đường chủ, an toàn vẫn là yếu tố đầu tiên cần phải cân nhắc đến.

Lúc này, Tổ Gia nghĩ đến câu mà Nhị Bá đầu nói khi họp đường hội: “Làm chứ, tại sao lại không làm? Chẳng qua chỉ là mọc ra mớ tóc dài xuề xòa thôi mà! Để con cắt tóc con bé đốt đi là xong!”

Tổ Gia thấy ông ta nói cũng có lý, nếu mình được tận mắt trông thấy chiếc quan tài, có lẽ mọi việc đã rõ ràng rồi. Nói đến đây, ông lại thấy nổi lên hai điều đáng lo ngại: nếu bộ tóc trong chiếc quan tài đó do người khác nhúng tay vào thì bước tiếp theo sẽ không phải đấu với quỷ, mà là đấu với người; nhưng nếu đó là mớ tóc mọc tự nhiên, vậy thì càng đáng sợ. Khoa học kỹ thuật thời đó chưa phát triển như bây giờ, cho dù là người hay chơi Trát phi, cũng vẫn kính sợ quỷ thần, ngộ nhỡ gây chuyện khiến trời nổi giận, người oán hận, thêm cả đám quỷ đói tới, thì bản thân ông khó mà thu dọn được bãi “chiến trường”.

Phàm người trong giang hồ, thân bất do kỷ. Sự việc này đã xảy ra trên đất Giang Hoài, phái Giang Tướng được coi là đệ nhất phái ở đây, cũng không thể không làm, lúc này mà như con rùa rụt đầu rụt cổ, e sẽ đánh mất danh tiếng đã dày công xây dựng bao lâu nay. Huống hồ, gần đây bên chỗ Mai Huyền Tử lại ra sức gây thanh thế, việc làm ăn của Mộc Tử Liên ngày một đi xuống, không kiếm được tiền, sinh kế của Đường khẩu tất sẽ gay go.

Cuối cùng, Tổ Gia quyết định, trước tiên cử Nhị Bá đầu và Trương Tự Triêm đi thăm dò đường đi nước bước.

Được sự giới thiệu của Giả Tứ gia, Nhị Bá đầu dán râu, dẫn theo Trương Tự Triêm cùng mấy tay chân đến nhà ông chủ Hà.

Giả Tứ gia giới thiệu: “Mấy người này đều là đồ đệ của Thiết Bản đạo nhân mà báo chí vẫn nhắc đến, vì Thiết Bản đạo nhân bận hội kiến nhân vật lớn trong chính phủ, không thể tới được, nên mới cử mấy đồ đệ đến trước xem xét tình hình.”

Ông chủ Hà vội vàng cảm ơn, sau đó đem đầu đuôi ngọn ngành sự việc kể lại hết cho họ nghe.

Nhị Bá đầu điềm đạm, đạo mạo, phong thái hệt như một bậc Đại sư. Ông ta giơ tay vuốt chòm râu, cao giọng phán: “Vô lượng thiên tôn! Chuyện như thế này, trước đây chúng tôi từng gặp qua, đây là do oan khí khi lệnh ái còn sống bốc lên, không biết cô bé phải chịu nỗi oán hờn gì vậy?”

Ông chủ Hà hoang mang, sau khi nghĩ lại thật kỹ, nói: “Không có, tiểu nữ luôn được hai vợ chồng tôi thương yêu, tính tình hoạt bát vui vẻ, ham học, không có chuyện gì oán hờn cả.”

Nhị Bá đầu nói: “Có lẽ cô bé không nói cho ông nghe. Thôi vậy, đợi tôi xem xem.”

Chiếc quan tài được đặt ở căn phòng phía đông, cửa phòng được khoá lại để tránh chó mèo gây tổn hại đến hài cốt con gái. Thi thể đôi chỗ đã được gió hong khô, giống như thịt hun khói nằm đấy trông rất đáng sợ, còn cả mớ tóc dày bình bịch nữa, ai nhìn cũng thấy hãi hùng

Thường ngày, Nhị Bá đầu dùng thuật Trát phi nhiều vô số, chẳng sợ gì người chết, vậy mà lần này ông ta cũng có chút sợ sệt. Bộ hài cốt chìm trong “giấc ngủ say” bị vùi bên dưới mớ tóc dày đen sì, tỏa ra một thứ mùi quái lạ, không khỏi khiến người ta rùng mình ớn lạnh.

Nhị Bá đầu vừa làm điệu bộ niệm chú, vừa cúi đầu xem xét. Trương Tự Triêm cũng đi theo phía sau, quan sát thật kỹ mọi thứ bên trong chiếc quan tài.

Xem được một lúc, Nhị Bá đầu chắp tay ra vẻ đăm chiêu, miệng lẩm bẩm: “Oan khí nặng lắm!” Sau đó lại nói: “Phải làm phép thôi, nếu không, cả nhà sẽ gặp họa đấy!”

Ông chủ Hà kinh hãi: “Gặp họa?”

Nhị Bá đầu nói: “Đương nhiên rồi! Sau khi chết, ai có oan khí, hồn không thể bay lên thiên đường, cũng chẳng thể xuống địa phủ được, lạc giữa nhân gian không thể đầu thai làm người, chỉ có thể biến thành cô hồn dã quỷ, vất vưởng muôn nơi. Chiếc quan tài trở thành chốn nghỉ ngơi duy nhất, mà quỷ lại rất sợ ánh sáng, ông mở quan tài ra như vậy đã làm tổn hao mất nhiều âm khí của nó, vì thế cả nhà ông sẽ phải trả giá cho chuyện này.”

Ông chủ Hà sửng sốt, nói: “Nó là con gái tôi mà, lẽ nào nó lại muốn làm hại cha mẹ nó?”

Nhị Bá đầu nhếch miệng cười: “Sống ở dương gian nó chịu oán hờn đến vậy, sau khi chết làm quỷ càng thấy lạnh lẽo, thê lương. Kiếp này ông là cha nó, kiếp sau nó là mẹ ông đấy! Một khi đã bước vào quỷ đạo, người ta càng trở nên tàn độc, lục thân chẳng nhận. Lẽ nào, ông chủ Hà chưa nghe nói, có người dời mộ tổ tuỳ tiện, làm hỏng bố cục phong thủy, gây ra thảm cảnh cả nhà cùng chết sạch hay sao?”

Ông chủ Hà sợ vã mồ hôi.

“Vâng, tôi có nghe.” Nói đến đây, ông chủ Hà nhìn chiếc quan tài, run run nói tiếp. “Thưa thầy, chúng ta tạm thời quay về phòng khách rồi hẵng chuyện tiếp được không?”

Nhị Bá đầu đưa mắt ra hiệu cho Trương Tự Triêm, rồi đi theo ông chủ Hà ra ngoài.

Trương Tự Triêm giúp mấy tên gia đinh nâng nắp quan tài, từ từ đậy lại. Nhân cơ hội đó, nhờ tấm ván quan tài che chắn, Trương Tự Triêm nhanh tay nhón lấy vài sợi tóc, vo viên lại, giấu vào trong tay áo.

NGHỊCH LỬA CHẾT CHÁY

Từng nghiên cứu bộ môn sinh học về cơ thể người, Trương Tự Triêm biết sau khi chết, xương hộp sọ sẽ bị xốp do mất can xi, lâu dần sẽ khiến tóc rụng, lấy trộm vài sợi đem về xem xét kỹ càng sẽ biết ngay chuyện gì xảy ra.

Sau khi về đến Đường khẩu, Trương Tự Triêm tỉ mỉ nghiên cứu sợi tóc thì phát hiện ở chỗ cách chân tóc chừng một thước có vết nối, nó được dính lại nhờ một loại thuốc nước, nếu không nhìn thật kỹ, không thể phát hiện ra được.

Đến đây thì rõ rồi, có kẻ đang nhúng tay vào!

Tổ Gia chợt thấy sự việc không hề đơn giản. Ông đến phủ Giả Tứ gia, đem chuyện này nói cho ông ta hay.

Giả Tứ gia vừa nghe cũng giật mình: “Có kẻ giở trò ư?”

Tổ Gia hỏi: “Tứ gia nghĩ kỹ lại xem, có thấy chỗ nào bất thường không?”

Giả Tứ gia cúi đầu ngẫm nghĩ, sau đó nói: “Không có! Ông chủ Hà là dân buôn, mặc dù gian xảo nhưng việc gì cũng thận trọng lắm, chưa bao giờ đối địch lại với dân trong nghề. Có lần xảy ra xích mích với bọn Hắc đạo, ông ta còn mang cả đống bạc đến nhờ tôi gỡ cho. Cho nên, vụ này, tôi đảm bảo không phải ông ta tự làm, huống chi làm gì có người bố nào lại đem thi thể con gái mình ra mà dàn cục kia chứ!”

Tổ Gia trầm ngâm nghĩ, mãi lâu mới lên tiếng: “Vậy thì chuyện lớn rồi. Kẻ dàn cục này đã biết trước ông chủ Hà sẽ làm lễ hợp âm hôn, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, có thể tìm được mộ của con gái ông ta, chui vào quan tài ngồi nối tóc, rồi sau đó trả lại hiện trường như thể chưa từng động đến. Cao thủ đấy!”

Giả Tứ gia liền hỏi: “Việc này, làm được không?”

Tổ Gia nói: “Người bình thường không làm được, phải là một kẻ rất có kinh nghiệm. Thứ nhất, nhân lực phải hợp lý, hẳn là hắn thường xuyên chơi Trát phi, thuộc lòng cấu tạo của một chiếc quan tài và vị trí từng cái đinh; thứ hai, phải có dụng cụ hợp lý, không được làm hỏng bề mặt quan tài, không được để lại dấu vết; thứ ba, sau khi đặt quan tài trở về chỗ cũ, phải làm sao cho lớp đất trên mặt và tấm bia trở về nguyên dạng, đòi hỏi cực kỳ tỉ mỉ, khéo léo, trước tiên phải chuẩn bị sẵn vầng cỏ và đất khô, chưa kể cho dù đã làm được hết những việc này, nếu không có năm, sáu ngày trời nắng to gió lớn thì khó tránh sẽ để lại dấu vết.”

Sau khi nghe xong, Giả Tứ gia nói: “Việc này một người không thể làm được, chắc chắn là phải có một lũ đấy.”

Tổ Gia nói: “Đúng thế! Nếu thời gian gấp gáp, ít nhất cũng phải có mấy chục tên ra tay, tất cả bọn chúng đều đi giày cỏ, không để lại bất kỳ một dấu vết gì tại hiện trường.”

Giả Tứ gia nói: “Bọn chúng gớm mặt đấy. Vùng Giang Hoài, kẻ làm mưa làm gió được như thế chỉ có Tổ Gia, Trương Kế Nghiêu của Thiên Thánh Đạo và Mai Huyền Tử của Mai Hoa Hội, lẽ nào là… ”

Tổ Gia lẩm bẩm: “Trương Kế Nghiêu… Mai Huyền Tử…”

Giả Tứ gia nói: “Gần đây, lão Mai chơi khá trội, xem ra lão đang toan tính thay đổi lịch sử Giang Hoài. Có điều, vẫn có lỗ hổng, đối phương đã ra tay, sao lại nhả cho chúng ta món hời đến thế?”

Tổ Gia trầm ngâm giây lát rồi nói: “Đây mới là mấu chốt của vấn đề! Trước đây, cũng từng có chuyện các Đường khẩu tin tức không thông, gây ra tình trạng một nhà nhắm được mục tiêu và đang dàn cục thì nhà khác không biết tình hình lại chạy đến giải tai ương. Nhưng, một khi hai bên đã nói rõ với nhau, một bên sẽ lập tức dừng tay, cùng lắm đến lúc cuối chia chút bạc là xong. Nhưng lần này lại không thấy ai đến bảo mình dừng tay…”

Hai người đang bàn bạc, đột nhiên Tam Bá đầu bước vào, ghé sát tai Tổ Gia thì thầm. Tổ Gia nghe xong, mày cau chặt lại.

Trông thấy sắc mặt bất thường của ông, Giả Tứ gia liền hỏi: “Sao thế?”

Tổ Gia không đáp, lại hỏi Tam Bá đầu: “Chắc không?”

Tam Bá đầu nói nhỏ: “Tuyệt đối chính xác!”

Tổ Gia vẫn lặng thinh, mặt đanh lại.

Giả Tứ gia càng sốt ruột, vội hỏi: “Tổ Gia, xảy ra chuyện gì vậy?”

Tổ Gia nhìn Giả Tứ gia một cái, nói: “Trương Kế Nghiêu chết rồi.”

Giả Tứ gia nghe xong, suýt chút nữa bật cả người dậy: “Chết rồi? Sao chết?”

Tổ Gia nói: “Bây giờ vẫn chưa rõ. Bọn họ nói với bên ngoài là ’Vũ hoá thành tiên’, còn tai mắt của ta lại bắn tin, hắn chết cháy trong lò bát quái do chính mình làm ra.”

Cái lò bát quái này cũng từng làm náo động cả vùng Giang Hoài. Khi trước, Trương Kế Nghiêu luôn miệng rêu rao về ngày tận thế, lão tự coi mình là Đấng Cứu Thế, ra sức phát triển tín đồ, lại còn cho những tín đồ trung thành của mình vào trong lò bát quái để cùng tu luyện.

Cái lò to tướng ấy rộng tám thước, cao hơn năm trượng, được thiết kế theo hình bát quái: Càn, Khôn, Khảm, Ly, Chấn, Đoài, Tốn, Cấn, xây tựa núi bằng những viên gạch to màu lam, ở giữa đặt một cái bàu lò (lòng bếp), đáy bếp được làm bằng những thanh sắt to. Cả cái lò chỉ có một cửa vào, không có cửa ra, sau khi người đi vào, cửa lò được khóa lại, sau đó củi được chất vào bàu lò to tướng ở phần dưới lò, đổ dầu lên, lửa sẽ cháy bùng bùng.

Thường vào mùa đông, Trương Kế Nghiêu dẫn theo đám đệ tử vào trong lò tu luyện. Mùa xuân thì bà con bận cày bừa cấy hái, mùa hè bận làm lụng chẳng ngơi tay, mùa thu đến lại lo thu hoạch, chỉ có mùa đông là được thảnh thơi hơn cả, những người ưa sự náo nhiệt cũng không ít, rất tiện cho chúng tạo thanh thế. Khi tuyết bay rợp trời, phủ trắng xóa khắp miền sơn cước, Trương Kế Nghiêu bái tế thiên thần địa quỷ xong, liền dẫn đám đệ tử chui vào cái lò bát quái ấy, lửa rừng rực cháy, khói mù mịt, nghi ngút bốc lên trời, quyện lẫn cùng tuyết trắng, cuồn cuộn trong sắc trời u ám.

Lửa cháy liên tục đúng bảy bảy bốn chín ngày, sau bốn chín ngày, mở cửa lò xuất quan, Trương Kế Nghiêu và đám đệ tử toàn thân bóng nhẫy bước ra, miệng kêu là đã tu luyện đến cảnh giới Kim Cương bất hoại. Sau đó, hơn hai mươi đệ tử “Kim Cương” ấy được ông ta phái đến các thành phố lớn như Thiên Tân, Bắc Bình, Bảo Định làm một nhà truyền giáo phụng sự con dân ở đó.

Giả Tứ gia nói: “Trương Kế Nghiêu thường chỉ vào lò bát quái vào mùa đông, giờ đang mùa hè, sao lão phải gấp đến vậy chứ? Liệu có phải Trương Kế Nghiêu đang dàn cục, xong vài ba hôm lại hiện về trong hình hài bằng da bằng thịt, chắc chỉ là diễn náo kịch giống như thần tiên hạ phàm của lão Mai vậy thôi?”

Tổ Gia không nói gì, đăm chiêu suy nghĩ. Nếu Trương Kế Nghiêu quả thật đã chết, sự việc sẽ thành ra nghiêm trọng đây, vừa mấy ngày trước lão còn đến Đường khẩu, vậy mà giờ thành người thiên cổ rồi?! Còn nếu chỉ vờ chết thì mục đích thực sự của lão là gì? Có khi nào lão và Mai Huyền Tử bắt tay nhau cùng dàn cục hay không?

Mãi sau, Tổ Gia nói: “Cứ quan sát một thời gian nữa rồi tính tiếp, xem xem phản ứng của Thiên Thánh Đạo thế nào đã. Nếu chỉ là giả chết, Thiên Thánh Đạo sẽ không xảy ra đại loạn, mọi việc vẫn nằm trong tay của Trương Kế Nghiêu; còn chết thật thì Thiên Thánh Đạo hỗn loạn ngay.”

Mấy ngày trôi qua, tai mắt được gài trong Thiên Thánh Đạo của Tổ Gia đưa tin chính xác, Trương Kế Nghiêu chết thật, thi thể cháy khét. Nghe nói, Trương Kế Nghiêu cũng muốn bắt chước Mai Huyền Tử thành tiên, dựng lên một truyền thuyết thần bí về mình, trội hơn hẳn lão ta, nên cũng dựng hiện trường giả cho vụ “Vũ hoá thành tiên”, kết quả là chui vào trong lò bát quái rồi không thấy chui ra nữa. Cuối cùng, trong ống khói bay ra toàn những lông ngan, lông vịt, đệ tử bâu quanh lò thi nhau quỳ lạy, chúc tụng giáo chủ đã mọc cánh thành tiên.

Đại đồ đệ Tả Vịnh Thiền của Trương Kế Nghiêu lấy cớ Trương Kế Nghiêu hóa tiên, vội vàng đưa lão đi chôn.

Tổ Gia thầm nghĩ, lần này chắc chắn Thiên Thánh Đạo sẽ đại loạn. Đường chủ chết, người ngoài không rõ chân tướng, đám đệ tử “Kim Cương” lòng dạ sáng như gương kia lẽ nào lại không làm phản?

----------------------------------

Quyển 1: (Tập 1)         (Tập 2)               (Tập 3)              (Tập 4)                (Tập 5)                    (Tập 6)              (Tập 7)

Quyển 2: (Tập 8)                (Tập 9)                  (Tập 10)                      (Tập 11)                      (Tập 12)                 (Tập 13)                      (Tập 14)

Quyển 3: 

Bản quyền thuộc về tác giả Dịch Chi

Ma