Kết cục của Tiên Nhân Thủ
Sống trên đời, con người ai chẳng phải dấn bước, giống như việc tôi gia nhập Đường khẩu vậy, đúng hay sai, sau khi bước vào rồi mới biết. Tôi biết Tổ Gia luôn dốc lòng, dốc sức lo cho vận mệnh của Đường khẩu, định nói vài ba câu chia sẻ với nỗi lo trong lòng Tổ Gia thì đột nhiên có tiếng gõ cửa gấp gáp bên ngoài vọng vào.
Một lát sau, quản gia dẫn một người chạy vào, người đó vừa bước tới cửa đã kêu lên: “Tổ Gia, có chuyện rồi! Có chuyện rồi!”
Tôi vừa nhìn thì nhận ra đó là Tặc Miêu1, thủ hạ của Nhị Bá đầu. Khi đó cậu bé mới hơn 10 tuổi, nó vừa là chân sai vặt, vừa là đứa canh cổng cho Nhị Bá đầu. Vì thằng bé di chuyển nhanh thoăn thoắt, giỏi leo cây, trèo tường, nên mọi người gọi nó là Tặc Miêu.
Tổ Gia tỏ thái độ khó chịu trước bộ dạng hốt hoảng của nó, ông sầm mặt lại: “Làm sao mà cuống quýt lên thế! Cứ từ từ mà nói!”
Tặc Miêu thở hổn hển nói: “Tổ Gia, mau đi xem, Nhị gia và Thất gia đánh nhau rồi!”
Tôi giật mình, nghĩ bụng: Làm gì có chuyện, Thất gia do chính Nhị gia tiến cử cơ mà, vừa mới ngồi chưa ấm chỗ, đã dám làm phản rồi sao?
Tổ Gia nhìn chòng chọc vào mặt Tặc Miêu: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
Tặc Miêu run lẩy bẩy thưa: “Nhị gia đang uống rượu với Thất gia, đột nhiên Thất gia như thể bị điên, ông ấy hất tung chiếc bàn lên, nhe răng đòi cắn Nhị gia. May sao Nhị gia nhanh như chớp, vớ ngay lấy chiếc ghế băng, nện ông ấy ngã lăn ra đất, mấy gia đinh xông đến trói gô ông ấy vào gốc cây rồi!”
Tổ Gia đứng dậy: “Đi, đi xem thế nào.”
Chúng tôi vội đi theo Tổ Gia đến nhà Nhị Bá đầu. Trong sân đèn đuốc sáng trưng, các anh em khác cũng đến cả, đang ồn ào huyên náo ở trong.
Tôi thấy Tiên Nhân Thủ đang bị trói vào gốc cây du trong sân. Anh ta giãy giụa như lên cơn điên, cặp mắt vằn lên tia máu, con ngươi như sắp nổ tung, ánh mắt sắc lạnh lóe ra, trông có vẻ sợ hãi xen lẫn giận dữ đưa mắt nhìn đám đông. Tuy miệng bị nhét vải, nhưng tôi vẫn nghe được tiếng gầm gừ, anh ta đang cố sức nhai nắm giẻ ấy, nước dãi sùi ra hai bên mép, rớt thành từng bãi dưới đất.
Nhị Bá đầu tay vẫn lăm lăm chiếc gậy đứng trong sân, tôi lẳng lặng đi đến, hỏi: “Nhị gia, xảy ra chuyện gì vậy?”
Nhị Bá đầu tức tối nói: “Mẹ nó, giả điên giả dại, định giết ta?” Sau đó đi đến trước mặt Tiên Nhân Thủ, giơ chiếc gậy lên, quát to: “Nói, ai bảo mày làm?”
Lúc này, Tiên Nhân Thủ càng cáu kỉnh không chịu yên, miệng vẫn phát ra những tiếng lùng bùng. Anh ta ra sức giãy giụa, khiến cả cái cây cũng rung theo. Nhị Bá đầu liền đập cho ông ta một gậy: “Tao cho mày giả vờ này. Tao cho mày giả vờ này!”
Tiên Nhân Thủ càng điên cuồng, kêu gào ầm ĩ toan nhảy bổ về phía trước, nhưng sợi dây thừng trên người thít chặt anh ta lại đến rớm máu, Nhị Bá đầu lại giơ gậy lên định đánh tiếp.
“Dừng tay!”
Nhị Bá đầu vừa nghe thấy tiếng Tổ Gia, lập tức rụt tay lại.
Tổ Gia bước đến trước mặt Tiên Nhân Thủ, anh ta ngoẹo đầu nhìn Tổ Gia, ánh mắt ngơ ngẩn nhìn theo bước chân ông, đầu lúc ngoẹo sang trái, lúc lại vẹo sang phải.
Tổ Gia nhìn một lát, rồi nói với Nhị Bá đầu: “Ngươi đến đây.”
Hai người đi đến góc tường. Tổ Gia hỏi Nhị Bá đầu: “Thất Bá đầu mới bị chó cắn phải không?”
Nhị Bá đầu không hiểu ý Tổ Gia, hỏi: “Chó ư?”
Tổ Gia nói: “Nhìn là biết ngay bị mắc bệnh dại! Ngươi cầm gậy đánh làm gì chứ!”
Nhị Bá đầu lúc này mới sực tỉnh, vỗ đầu nói: “Ồ, thảo nào tên tiểu tử này không muốn sống nữa, ngay cả con cũng dám đánh… Nhưng nó không hề bị chó cắn, việc giết chó mổ lợn là việc bên chỗ Đại Bá đầu làm, chúng con đâu động đến được.”
Những lời Nhị Bá đầu nói đều là thật. Mỗi Bá đầu đều được phân công công việc riêng, Đường khẩu muốn dàn cục Trát phi thường phải dùng đến tiết lợn, gà, chó, bàng quang lợn... những thứ này đều là do Đại Bá đầu đảm nhiệm. Đương nhiên, mỗi khi Đường khẩu có mâu thuẫn, xung đột với bên ngoài mà cần phải giết người, hoặc khi cần phải xử kẻ tội đồ nào đó trong nội bộ, càng phải do ông ấy làm, không biết đôi tay ông ấy đã vấy máu của bao nhiêu loài, cả động vật lẫn con người rồi.
Tôi đã tận mắt chứng kiến toàn bộ cảnh ông ấy mổ lợn. Cảnh tượng đó ám ảnh tôi trong suốt khoảng thời gian dài sau đó, khiến tôi không dám ăn thịt lợn, cứ nghĩ đến lại thấy buồn nôn.
Đầu tiên, ông ta sai mấy tên tay chân ghì ngược con lợn xuống đất, người cầm tai, kẻ nắm đuôi khiến nó kêu eng éc. Sau đó lấy dây thừng trói lại, buộc hai chân trước với nhau, hai chân sau với nhau, con lợn vẫn tiếp tục rống lên. Lúc này, Đại Bá đầu sẽ cầm một cái gậy, đập mạnh vào đầu con lợn. Thông thường chỉ cần ba gậy, nó sẽ không còn kêu được nữa. Sau khi con lợn lịm đi, vài người nhấc nó lên cối, kề cái chậu vào bên dưới cổ con lợn, Đại Bá đầu với lấy con dao nhọn đã mài sắc, chọc một nhát vào cổ, đây gọi là chọc tiết lợn. Chỉ cần một nhát dao, cổ con lợn bị đâm thủng một lỗ rất to, tiết lợn vẫn còn nóng hổi chảy ào ào xuống cái chậu bên dưới. Một con lợn to thường được hơn nửa chậu tiết, cùng với tiết chảy ra, tiếng kêu của con lợn nhỏ dần, cuối cùng im bặt.
Sau khi chọc tiết xong, họ bắt đầu mổ bụng. Đại Bá đầu sẽ lật con lợn nằm chổng chân lên trời, ông ta rạch một đường trên bụng từ trên xuống dưới. Lúc này, một hơi nóng tanh tanh tỏa ra, xộc lên mũi khiến mọi người đều cảm thấy buồn nôn.
Mổ bụng xong, họ bắt đầu móc lục phủ ngũ tạng ra, đặc biệt là phải bảo quản tốt bàng quang, để sau này khi cần bày Trát phi sẽ phải dùng đến.
Lần đầu tiên trông thấy cảnh này, chân tôi như nhũn ra, mọi người xung quanh hồ hởi đứng xem, chẳng biết có phải bọn họ bị tê liệt cảm xúc hết rồi hay không nữa. Tam Bá đầu còn lấy luôn đề tài này làm một bài vè rất nuột: “Hà vị nhân sinh tứ đại hồng? Tể trư đao, sát trư bồn, đại cô nương đích khố sát, hỏa thiêu vân.” Ban đầu nghe, tôi chẳng có phản ứng gì, về sau nhờ có bọn tay chân giảng giải nên cuối cùng tôi cũng đã hiểu: “Tể trư đao” tức dao mổ lợn. “Sát trư bồn” nghĩa là chậu đựng tiết lợn thì không cần phải nói, cả hai đều dính đầy máu đỏ tươi. “Hỏa thiêu vân” nghĩa là có thể thiêu đỏ rực một nửa bầu trời, cũng là màu đỏ, duy chỉ có câu “Đại cô nương đích khố sát” nghĩa là chiếc quần chẽn của đại cô nương là tôi chưa hiểu, đến khi bọn tay chân nói về kỳ kinh nguyệt của phụ nữ tôi mới chợt hiểu ra. Đúng là bọn bịp bợm không đáng sợ, chỉ sợ bọn bịp bợm có văn hóa!
Tôi tò mò hỏi những tên chân tay khác xem có phải Đại Bá đầu sinh ra đã hung ác như vậy không thì được biết rằng ông ta chỉ như vậy sau cái chết của vợ. Tôi hỏi tại sao vợ ông ấy chết, bọn kia nói bị lợn cắn chết.
Thì ra, mấy năm trước, Đại Bá đầu đã lấy một nữ A Bảo trong Đường khẩu, người phụ nữ ấy cũng rất đanh đá, giỏi thuật Trát phi. Vì Đường khẩu thường phải dùng đến tiết lợn và bàng quang lợn, nên Tổ Gia mới sai người nuôi mười mấy con lợn trong một mảnh vườn ở một nơi hẻo lánh, khi cần đến sẽ dùng làm đạo cụ.
Một lần, vợ của Đại Bá đầu dẫn theo một tên tay chân đến chọn lợn, đột nhiên bà ta bị lên cơn động kinh, lao đầu vào trong chuồng lợn, toàn thân co giật. Cùng lúc đó mười mấy con lợn cùng xông đến, cùng ngoạm, cùng cắn xé bà ta. Tên tay chân vội vàng cầm gậy đánh, nhưng chẳng ăn thua. Đàn lợn đó như bị dại, chúng ngoạm chặt không chịu thả. Chẳng mấy chốc đã cắn nát người bà ta, tên kia sợ đến tè cả ra quần, chỉ biết chạy thẳng về báo tin, khi mọi người chạy đến nơi thì chỉ còn lại mấy khúc xương. Mặc dù lợn là loài động vật ăn tạp, nhưng việc lợn ăn thịt người thì chưa thấy bao giờ. Bọn đệ tử tay chân đều nghĩ rằng đó là báo ứng. Vì hai vợ chồng Đại Bá đầu thường cùng nhau dàn cục, hay phải giết lợn, trên người đầy sát khí, bọn lợn nhận biết được liền cắn xé bà ta.
Trong lúc tức giận, Đại Bá đầu đã giết chết hết mười mấy con lợn. Từ đó, ông ấy bắt đầu trở thành một kẻ hiếu sát, cứ cách mấy ngày mà không giết con gì trong người lại cảm thấy bứt rứt khó chịu. Có lẽ những người hay sát sinh có sát khí thật. Một lần, chúng tôi cùng nhau ra ngoài làm việc, đi qua đoạn đường núi, gặp phải một con rắn to, mọi người đuổi thế nào nó cũng không nhúc nhích. Khi Đại Bá đầu từ phía sau chạy lên, ông ấy còn chưa chạy đến nơi mà con rắn đã trườn đi mất.
Khi Đại Bá đầu giết chó, thường mọi người không dám đến xem, vì loài chó nhanh nhẹn hơn lợn. Đầu tiên phải dùng xích xích nó lại, sau đó Đại Bá đầu xách gậy đi đến. Lúc này con chó sẽ kêu như điên như dại, trông rất dữ dằn, có con còn cắn lại, nhưng cuối cùng vẫn bị Đại Bá đầu đánh cho ngã vật xuống. Thực ra giết chó vẫn còn một cách nữa, đó là có thể trói nó bằng dây chão rồi kéo, xiết chặt cho đến chết. Nhưng Đại Bá đầu thấy làm như vậy không khoái, ông ta thích mùi của máu, chỉ có đập vỡ sọ con vật mới đem lại khoái cảm cho ông ta.
Giết gà càng khỏi phải nói, ông ta hay lấy dao chặt đứt đầu gà. Con gà mất đầu rồi thân vẫn chạy được mấy chục mét, chạy đến đâu tiết phun ra đến đó, cuối cùng giãy giãy mấy cái rồi nằm im.
Ban ngày nhìn những cảnh tượng đẫm máu này, đêm xuống tôi thường gặp ác mộng. Trong cuốn kinh Nhân quả Tam thế có một câu: “Kim sinh đoản mệnh vi hà nhân, Tiền thế tể sát chúng sinh linh2.” Chúng sinh trong sáu cõi3 đều có linh hồn cảm ứng, con người khi đối điện với cái chết thường hay sợ hãi, loài động vật cũng vậy. Ánh mắt của chúng trước khi chết ấy, cứ ám ảnh trong tâm trí tôi, mỗi khi nhớ đến tôi lại vô cùng sợ hãi. Sau này cứ nhìn thấy một miếng thịt là tôi hình dung ngay đến thi thể chúng, không sao nuốt nổi thứ gì.
Khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Đại Bá đầu bị xử tử hình, cho dù Chính phủ không phán ông ta tội tử hình thì ông ấy cũng sẽ bị ông trời xử tội chết. Năm 1950, tự nhiên ông ấy lại bị mắc một căn bệnh về da liễu rất kỳ lạ. Da dẻ nứt nẻ thành từng mảng, trông như vảy cá, rất ngứa, cứ động vào gãi là loét ra, rồi rỉ ra một thứ nước màu vàng, tanh nồng, lâu dần toàn thân bị lở loét. Tổ Gia đã mời những thầy lang giỏi nhất vùng đến mà vẫn không sao chữa khỏi được.
Thường ngày, Tổ Gia vẫn nhắc nhở Đại Bá đầu khi giết chó phải cẩn thận, đừng để bị cắn. Vì vậy, hôm nay trông thấy tình trạng của Tiên Nhân Thủ, ý nghĩ đầu tiên trong đầu Tổ Gia nghĩ ngay đến bệnh chó dại.
Tổ Gia lạnh lùng nói: “Có chuyện gì cũng phải bình tĩnh, đừng có động một cái là đòi đánh đấm, chém giết, huống hồ lại là anh em một nhà.”
Nhị Bá đầu cười cười: “Con cứ ngỡ nó đang giở thần giở quỷ.”
Tổ Gia nói: “Ta thấy ngươi quen thói giở thần giở quỷ rồi thì có, việc gì cũng nghĩ theo hướng đó được. Ngươi nghĩ kỹ lại xem, gần đây Tiên Nhân Thủ có gặp phải chuyện gì bất thường không?”
Nhị Bá đầu ngẫm nghĩ một lúc lâu: “Bất thường ư? Chẳng có chuyện gì cả. Ồ!...” Nhị Bá đầu chợt kêu lên một tiếng rất to, như thể đã nghĩ ra điều gì đó rồi nói: “Mới đây khi dàn cục ‘Dơi gõ cửa’, hắn ta đã bị dơi cắn.”
Ai cũng biết về vụ Dơi gõ cửa là tuyệt phẩm gần đây mà Tổ Gia đắc ý nhất. Đó là cuộc đấu đá của hai nhà có mối tư thù không đội trời chung. Chúng tôi đứng ở giữa dàn cục kép (song diện cục).
VỤ DÀN CỤC KÉP ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ TƯỚNG SỐ
Nhà họ Trương và nhà họ Lý đều là những nhà giàu có ở Lâm Trấn, nghe nói hai nhà này có mối thù cha truyền con nối kéo dài suốt ba đời. Gần đây mâu thuẫn lại càng kịch liệt hơn. Nguyên nhân là do khi Trương Nhị Cẩu – ông chủ nhà họ Trương di dời mộ ông nội vào dịp Thanh Minh, đã phát hiện ra có một vật trong ngôi mộ nhà mình. Đó chính là một tảng đá áp đầu.
Đá áp đầu chính là tảng đá đặt ở tài đầu của chiếc quan tài. Tài đầu chính là vị trí nơi đầu người quá cố hướng về. Người xưa khi chôn cất rất chú trọng đến hướng đặt quan tài và xem xem phía trên nó liệu có thứ gì hay không. Nếu khi chôn cất không cẩn thận mà để kẻ khác chơi xấu đặt đá áp đầu ở vị trí tài đầu thì nhà này coi như xong đời, ba đời liên tiếp sẽ gặp hết vận đen này đến vận đen khác, cho đến tận ngày đá áp đầu được đào lên.
Muốn đặt đá áp đầu lên quan tài, cần phải có nhiều người cùng làm, vì khi chôn cất, người thân, họ hàng đều có mặt ở đó. Thông thường họ sẽ tiến hành làm lễ hiếu trước, sau đó hạ quan tài xuống huyệt, tồi tất cả người thân, họ hàng đều phải đi vòng quanh huyệt, vừa đi vừa cầm nắm đất vứt lên quan tài. Việc này gọi là lấp mộ, biểu thị rằng con cháu của người đã khuất đều là người hiếu thuận, đợi sau khi lấp mộ xong, đám cu li đứng xung quanh mới vung cuốc xẻng xúc đất lấp kín huyệt. Cho nên nếu muốn đặt đá áp đầu, tất phải mua chuộc hết bọn cu li này để chúng ném một hòn đá hoa cương lên trên đầu quan tài nhân lúc người ta không để ý, sau đó lấp kín ngay lại. Vậy là coi như xong.
Sau khi Trương Nhị Cẩu phát hiện ra hòn đá áp đầu này, hắn chửi um lên, cho rằng việc này chắc chắn do nhà họ Lý làm vì cha hắn từng hại nhà họ Lý. Ấy là vào năm Dân quốc thứ 22, khi nhà họ Lý sửa lại nhà, cha Nhị Cẩu đã chớp ngay cơ hội này mua chuộc một tên thợ xây, dùng thủ đoạn Lỗ Ban Môn hòng làm cho nhà họ Lý phải khuynh gia bại sản.
Nhà ở khi đó phần lớn là kiểu nhà tứ hợp viện, chủ nhà ở trong căn nhà to nhất, cao nhất. Nhà được đặt theo thế tọa Bắc hướng Nam tức mặt chính nhìn theo hướng Nam. Kiến trúc nhà ở của người dân khi đó khác với thời bây giờ, đều có dạng nhà mái gần như bằng, độ dốc mái không lớn, bốn xung quanh mái có xây một gờ bao quanh và hai máng thoát nước.
Lỗ Ban Môn có rất nhiều thủ pháp, trong đó có cách dùng một khúc gỗ tạc thành một chiếc xe ngựa nhỏ. Trên bụng con ngựa có đục một lỗ nhỏ. Khi xây nhà, nhân lúc chủ nhà không chú ý, chiếc xe ngựa nhỏ được đặt vào trong lòng máng nước trên mái. Làm như vậy mỗi khi trời mưa, nước sẽ chảy qua chiếc xe ngựa nhỏ. Do không khí đối lưu, xoáy nước trên bụng con ngựa sẽ phát ra tiếng kêu u u. Âm thanh này rất nhỏ, nếu không phải người trong nghề, sẽ không thể nghe thấy được. Cách làm này ngụ ý Tiền tài hao tiết tiết cùng tận, công danh lợi lộc theo nước trôi. Đây là một bố cục cực xấu trong phong thủy. Thông thường, nếu không có thù sâu oán nặng sẽ không cần dùng đến chiêu độc địa này.
Vậy hai nhà này có mối thâm thù gì đây? Chuyện thế này, cha của Trương Nhị Cẩu vốn là cử nhân thời Mãn Thanh, họ Trương, tên Hạc, tự là Trung Cẩn. Trước khi Trương Trung Cẩn thi đậu cử nhân trong kỳ thi hương, ông ta và công tử Lý Văn Tài nhà họ Lý là anh em thân thiết, chơi với nhau từ nhỏ, cùng học một trường, cùng thi đậu tú tài. Về sau, họ cùng phải lòng một cô nương, nhưng cả hai đều không muốn vượt qua ranh giới mỏng manh này. Anh em đã chơi với nhau từ tấm bé, một khi việc này vỡ ra thì chẳng thể làm anh em được nữa. Giữa những người đàn ông, cái gì cũng có thể chia sẻ được, ngoại trừ vợ.
Cô nương đó là đại tiểu thư nhà họ Triệu. Nàng thông hiểu cầm kỳ thi họa, thường ngày chưa bao giờ bước chân ra khỏi cửa. Ngày nọ, có một thầy đồ của thư viện Nhạc Lộc đến vùng này giảng kinh Phật. Khi khai đàn giảng pháp, cô nương nhà họ Triệu theo mẹ đi nghe, vừa hay Trương Trọng Cẩn và Lý Văn Tài cũng đến. Hai người này đều nhắm trúng tiểu thư họ Triệu.
Nhưng người xưa thích tỏ ra mình là kẻ nho nhã, cao thượng, đặc biệt là đám văn nhân nhiều chữ, từ lúc mở miệng ra nói cho đến khi khép miệng lại đều toàn những thứ nào nhân nghĩa, nào đạo đức. Trở về nhà sau buổi hôm đó, mỗi chàng đều trau chuốt ngôn từ, cho ra một bài thơ hết lời ngợi ca Triệu cô nương. Sau đó, cả hai đều bắt đầu đeo mặt nạ, giả thanh cao. Trương Trung Cẩn ít tuổi hơn nói: “Huynh đài tướng mạo tựa Phan An, trọng tình như Liễu Lang, nếu cô nương này được sánh đôi với huynh thì đúng là mối lương duyên trời ban, chuyện tình của hai người chắc chắn sẽ là một giai thoại tài tử giai nhân lan truyền khắp vùng.”
Lý Văn Tài bèn đáp lễ: “Đâu có, đâu có, hiền huynh học nhiều hiểu rộng, tài trí hơn người. Nếu có thể kết duyên với Triệu cô nương, phải nói là trai tài gái sắc đấy.” Sau đó hai bọn cúi rạp người chào nhau rất đỗi nhún nhường, nhưng kỳ thực trong lòng đều rủa thầm: “Sao mày không chết đi?”
Sau đó, cả hai nhà Trương, Lý đều nhờ người mai mối, hơn nữa còn mang cả Bát tự đi xem. Người xưa thường hay xem Bát tự trước khi kết thông gia với nhau, nếu Bát tự không hợp thì hai người có yêu nhau đến chết đi sống lại cũng không được lấy nhau. Vừa hay, Bát tự của Trương Trung Cẩn và Lý Văn Tài đều hợp với Bát tự của cô nương này, khiến nhà họ Triệu không biết chọn lựa thế nào.
Vì thế, Trương Trung Cẩn và Lý Văn Tài bắt đầu ngấm ngầm tranh giành nhau, ít qua lại với nhau hơn, có gặp nhau cũng chỉ nhếch mép xã giao cho phải phép. Đúng vào lúc quan trọng này, kỳ thi hương bắt đầu, cả hai cùng tham gia cuộc thi, kết quả Trương Trung Cẩn thi đậu cử nhân, Lý Văn Tài bị rớt. Hai người vốn đang ngang sức ngang tài, không phân cao thấp, giờ đây sự hơn thua đã rõ mười mươi. Cuối cùng, Trương Trung Cẩn lấy được Triệu tiểu thư như ý nguyện, Lý Văn Tài đành phải từ bỏ trong tiếc nuối.
Nhưng bức tường ngăn cách giữa hai người sừng sững mọc lên. Từ đó hai người lạnh nhạt hẳn với nhau, ngay cả chút sĩ diện cũng không còn nữa.
Lý Văn Tài thích xem tướng số, thường ngày rảnh rỗi không có việc gì làm là lại tìm vài thầy xem tướng số mà lải nhải hỏi này hỏi nọ. Sau khi xảy ra chuyện này, anh ta còn mời cả một vị đạo sĩ đến nhà, xem liệu có cách nào phá được mối lương duyên kia không. Ai ngờ người được mời lại là một tay đạo sĩ giả mạo, thân phận thực sự chính là một A Bảo của phái Giang Tướng.
Tay đạo sĩ đó nói: “Hây dà! Người ta đã đi lấy chồng rồi, còn phá cái gì nữa chứ?”
Lý Văn Tài nói: “Tôi không thể để cho chúng sống yên ổn được.”
Đạo sĩ kia nói: “Ta không muốn dính dáng việc này.”
Lý Văn Tài đập nén bạc xuống mặt bàn nói: “Chỉ cần có thể phá được việc kết thân này, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.”
Tay đạo sĩ kia nói: “Ta biết nói thế nào đây. Dù có đập mười ngôi miếu, cũng không phá vỡ mối lương duyên này. Nhưng xem ra lần này ta có không muốn vào địa ngục cũng không được rồi.” Lời này rõ ràng là một sự đồng ý, xem ra ngân lượng còn có sức sát thương hơn cả địa ngục.
Tay đạo sĩ kia bảo Lý Văn Tài đưa cho hắn Bát tự ngày sinh của cô nương họ Triệu. Vì trước đây từng trao đổi Bát tự cho nhau, nên Lý Văn Tài có Bát tự của Triệu tiểu thư này. Sau khi trải Bát tự ra xem, thoạt nhìn, tay đạo sĩ đã cười: “Thiếu gia không phải lo, Bát tự này Quan tinh, Sát tinh4 hỗn tạp, người có Bát tự này rất dễ lăng nhăng dù đã có chồng. Chỉ cần bần đạo làm phép thuật, đảm bảo nàng ta sẽ chạy đến bên cậu. Chỉ cần cậu không ghét bỏ nàng ta là tàn phòng thì cậu sẽ có được thôi.”
Tàn phòng là một thuật ngữ trong bói toán đoán mệnh, chỉ đám con gái hư hỏng, không giữ trinh tiết. Bởi vậy, thời xưa nếu một người đàn ông lấy về một người vợ như vậy thì đó là nỗi nhục nhã lớn nhất trong đời. Trong xã hội phong kiến Tam tòng Tứ đức này, nam giới chỉ biết yêu cầu nữ giới giữ gìn trinh tiết, nhưng lại chưa bao giờ xét lại thói đàng điếm phóng đãng của bản thân.
Lý Văn Tài cười đểu giả: “Tàn phòng ta chỉ chơi chứ không rước.”
Tay đạo sĩ ngớ người ra một lúc, trong lòng thầm nghĩ: “Hắn còn là con người nữa không?”
Vì thế, tay đạo sĩ giở thuật Trát phi, bện lấy hai hình nộm bằng rơm, cho chúng mặc bộ quần áo được cắt bằng giấy đỏ, sau lưng lần lượt viết tên của Trương Trung Cẩn và Triệu Nguyệt Nga. Lại lấy thân cây cao lương dựng thành một mô hình lầu gác, đặt một hình nộm nhỏ ở trong căn lầu còn một hình nộm đứng ở ngoài, ở giữa lấy một cành cây hạnh nhân ngăn cách. Sau đó, tay đạo sĩ lại bện một hình nộm khác, viết tên Lý Văn Tài lên, để hình nộm này giẫm lên trên cành hạnh nhân, vẫy tay về phía hình nộm Triệu Nguyệt Nga đang đứng lên lầu.
Lý Văn Tài nhìn thấy thế, hắn mừng thầm nhưng vẫn hỏi: “Đạo trưởng, mấy thứ đồ chơi này liệu có hiệu nghiệm không vậy? Trông buồn cười thế!”
Tay đạo sĩ nghe vậy liền tỏ vẻ nghiêm túc nói: “Đây chỉ là một phần thôi. Quan trọng là ở câu thần chú, ta sẽ chỉ cho cậu. Cứ đến giờ Tý mỗi ngày, cậu phải đứng trước căn lầu gác đọc thầm. Trong vòng 49 ngày, ta đảm bảo đưa được Triệu Nguyệt Nga đến trước cửa nhà.”
Lý Văn Tài vội vàng cúi đầu, nghe rõ câu thần chú mà tay đạo sĩ kia đọc, hắn cố gắng ghi nhớ như in trong đầu.
Sau khi xong xuôi mọi thứ, tay đạo sĩ chuẩn bị rời đi. Lý Văn Tài nói: “Cảm ơn đạo trưởng! Nếu việc này mà thành, Lý Văn Tài ta nhất định sẽ hậu tạ.”
Tay đạo sĩ nghe thấy thế tức điên lên. Sau khi việc thành ư? Hắn ta quá gian xảo. Đến một đồng cũng chẳng chịu trả trước, rõ là muốn ăn không rồi còn gì. Hơn nữa, làm gì chuyện thành được kia chứ. Đó vốn chỉ là trò Trát phi do hắn bày ra. Tay đạo sĩ nén giận, cười nói: “Ta với thiếu gia đây là bạn vong niên, sao lại nói đến chuyện của thế tục này? Bần đạo chỉ mong sau khi thiếu gia có được Triệu cô nương thì hãy đối xử tốt với nàng ta.”
Lý Văn Tài cười nói: “Đạo trưởng thật có tấm lòng từ bi!”
Tay tạo sĩ chán nản bỏ đi. Nhưng đã là A Bảo đâu có thể dễ dàng bị xỏ mũi. Làm sao hắn có thể nuốt trôi được nỗi cay cú này? Vì thế, chưa đến hai ngày, hắn đã đi đến nhà họ Trương, sau đó khóc lóc kể lể về việc nhà họ Lý đã ép mình làm phép thế này thế kia, trong lòng tự thấy mình đã làm cái việc trái với lương tâm, khiến hắn day dứt ăn không ngon ngủ không yên, bởi vậy mới đến đây tạ lỗi xin được tha thứ.
Hai vợ chồng Trương Trung Cẩn nghe thấy thế đều ngẩn người ra, hỏi: “Có thật vậy không?”
Đạo sĩ nói: “Cậu đến căn phòng phía đông nhà hắn, căn lầu gác và hình nộm đều ở đó, nếu hắn cho cậu vào thì chứng tỏ ta nói láo, nếu hắn không cho cậu vào thì chứng tỏ đúng là có chuyện đó thật.”
Trương Trung Cẩn thấy có lý, nhưng mình và Lý Văn Tài đang căng như vậy, không thể bước vào cổng nhà hắn được. Tay đạo sĩ thấy Trương Trung Cẩn chần chừ do dự, liền nói: “Bần đạo có một kế.”
Trương Trung Cẩn hỏi: “Kế gì?”
Đạo sĩ nói: “Tương kế tựu kế.”
Ngày hôm sau, Trương Trung Cẩn bèn viết một bức thư, sai người mang đến cho Lý Văn Tài. Lý Văn Tài mở ra xem thì thấy đó là thư mời hắn đi uống rượu, trong thư đại khái nói rằng: “Tiểu đệ gần đây cảm thấy trong lòng bất an, vốn nghĩ lấy được cô nương họ Triệu sẽ được hưởng niềm vui thú gia đình. Tiếc rằng nàng ta hờ hững, chẳng để tâm đến cương thường luân lý, hay nghĩ đến những thứ mới lạ…”
Lý Văn Tài mừng rỡ, xem ra pháp thuật của vị đạo sĩ đã có tác dụng, hắn cũng muốn rõ thực hư liền đến nơi hẹn. Hai người tìm một quán rượu, gọi vài món. Sau vài chén rượu vào bụng, nước mắt Trương Trung Cẩn lăn ra: “Nhân huynh à! Tiểu đệ rất buồn. Nghĩ lại huynh đệ chúng ta ngày xưa, cùng ngâm thơ đối đáp, thổ lộ tâm tình, vui biết nhường nào. Chỉ vì một con tiện nhân, khiến chúng ta trở mặt thành người xa lạ. Liệu có đáng không?”
Lý Văn Tài mừng như mở cờ trong bụng, hắn cắn đầu lưỡi thật đau hòng nặn cho ra hai giọt nước mắt: “Hiền đệ ơi! Sao lại nói thế? Sau khi trải qua sóng gió, tình nghĩa huynh đệ vẫn còn, gặp nhau cười nói thì mọi oán thù cũng hết, tình huynh đệ chúng ta lại như xưa. Mặc dù tôi cũng đem lòng yêu mến Triệu cô nương, nhưng hiền đệ đã nhanh chân đến trước. Nói thật lòng, mới đầu trong lòng ta rất khó chịu, nhưng về sau nghĩ lại, chỉ cần hiền đệ hạnh phúc, ngu huynh ta lẽ nào không thấy vui?”
Trương Trung Cẩn nghe xong, úp mặt xuống bàn, lấy tay che mặt mà khóc rống lên, kỳ thực hắn lén lút bôi rượu vào mắt, nếu không thì không thể khóc nổi.
Hai người đối ẩm với nhau cả buổi sáng, Trương Trung Cẩn say khướt nói: “Nhân huynh! Từ khi tiểu đệ thành thân đến nay, chưa từng đến nhà huynh chơi. Đệ nhớ đến những ngày hai huynh đệ ta ở cùng với nhau. Nhớ khi xưa, hai chúng ta cùng uống rượu mỗi buổi chiều tà, cùng thức đêm đọc Kinh Thi, buồn ngủ lại nằm vật ra giường, cùng đắp chung tấm chăn. Thật vui biết bao!”
Lý Văn Tài nói: “Hiền đệ! Đi nào! Tối nay đệ đến chỗ huynh. Chúng ta cùng đối ẩm dưới trăng như thuở trước, say thì ngủ.”
Thế là, hai người ngật ngưỡng đi về nhà họ Lý. Vừa bước vào nhà, tên gia đinh nhà họ Lý giật mình vì thấy hai người này uống say đến nỗi mặt đỏ phừng phừng. Nhưng hắn nào biết, đầu óc của hai người vẫn cực kỳ tỉnh táo.
Sau khi bước vào cửa lớn, Trương Trung Cẩn liêu xiêu loạng choạng lao thẳng về phía căn phòng ở phía đông: “Thưa bá mẫu! Trương Hạc đến thăm người đây.”
Lý Văn Tài một tay giữ anh ta lại nói: “Hiền đệ! Đệ nhầm rồi, nhầm rồi! Bá mẫu ở nhà trên.”
Trương Trung Cẩn giả bộ đã lơ mơ không nhận ra đường nữa, chỉ vào căn phòng ở phía đông nói: “Đây chẳng phải chính đường sao?” Nói rồi chúi đầu đi về hướng đó.
Lý Văn Tài vội chạy theo mấy bước kéo giật lại: “Hiền đệ! Đệ say rồi, đệ say rồi!”
Trương Trung Cẩn cười nói: “Đệ không say. Đệ phải tới vấn an bá mẫu. Nào, chúng ta cùng đi!” Nói đoạn, liền lôi Lý Văn Tài đi, suýt nữa thì đẩy bật cánh cửa ra.
Lý Văn Tài gườm mắt nhìn tên gia đinh như đang nói: “Khốn kiếp! Còn đứng đực mặt ra đấy à?” Tên gia đinh vội vàng chạy đến, cùng Lý Văn Tài khênh Trương Trung Cẩn lên nhà trên.
Lúc này cha mẹ Lý Văn Tài nghe thấy tiếng ồn ào, lật đật từ trong phòng bước ra, cười nói: “Trung Cẩn đến đấy à? Mau vào nhà đi, mau vào nhà đi!”
Trương Trung Cẩn ngửa cổ cười, cười đến nỗi khiến cho người trong nhà cảm thấy sởn tóc gáy. Sau đó, anh ta ôm lấy Lý Văn Tài, ghé sát tai Lý Văn Tài nói khẽ: “Đệ và Triệu cô nương sẽ chẳng được lâu dài đâu, nếu nhân huynh không ghét bỏ, tiểu đệ xin nhường huynh.” Cơ mặt Lý Văn Tài giật giật: “Hiền đệ! Đệ say quá rồi.”
Trương Trung Cẩn cười nói: “Không! Lần này về nhà đệ sẽ viết thư. Huynh hãy đợi đệ.” Nói xong liền đẩy Lý Văn Tài ra, lao thẳng ra khỏi cổng. Lý Văn Tài ngỡ ngàng đứng như trời trồng.
Trương Trung Cẩn về đến nhà, tay đạo sĩ kia vẫn đang ngồi đợi, hỏi Trương Trung Cẩn: “Thế nào?”
Trương Trung Cẩn khoát tay, lấy một nắm bạc trong ống tay ra: “Đạo trưởng! Xin người dùng phép thuật, không làm cho nhà nó gia bại nhân vong, ta thề không làm người.”
Triệu Nguyệt Nga từ trong nhà đi ra nói: “Không cần thiết làm vậy. Mình sống cuộc sống của mình, gia đình hòa thuận vạn sự yên vui. Đừng tin vào những chuyện này là được rồi!”
Trương Trung Cẩn nói: “Không được!”
Tay đạo sĩ nhìn nắm bạc trên bàn, thầm nghĩ lần này phải thương lượng giá cả trước, không để như trước kia, cứ lật đật làm cuối cùng đến một cắc bạc cũng chẳng được. Vì thế hắn ta bình tĩnh nói: “Trương thiếu gia muốn giết bần đạo ư? Người xuất gia từ bi độ lượng. Chính vì ta bị lương tâm cắn rứt, nên mới đem chuyện này nói lại với thiếu gia. Bây giờ thiếu gia lại bảo ta làm thế, lương tâm ta làm sao mà yên được?”
Trương Trung Cẩn nói: “Lấy ác trị ác, không phải là làm việc xấu. Lẽ nào đạo trưởng thấy kẻ ác làm điều ác mà bỏ mặc làm ngơ sao?”
Đạo sĩ ngần ngừ: “Việc này...?”
Trương Trung Cẩn lại đi vào nhà lấy mấy thỏi bạc ra, để tất trước mặt: “Trăm sự nhờ đạo trưởng.” Tay đạo sĩ kia nhìn thấy cả nắm bạc thật chứ chẳng phải nói suông. Vì thế hắn lại bắt đầu bày Trát phi, vẽ bùa niệm chú, bố cục phong thủy xong, trong lòng cảm thấy có chút day dứt, nhưng cuối cùng vẫn cầm bạc chuồn mất.
Ngày hôm sau, vào lúc chiều tà, tay đạo sĩ kia lại lặng lẽ đến nhà Lý Văn Tài. Kỳ thực Lý Văn Tài đang muốn tìm hắn ta, đạo sĩ nhanh miệng hỏi: “Có hiệu nghiệm không?” Lý Văn Tài cười nói: “Phép thuật của thầy thật cao thâm, mới có mấy ngày mà đã thấy có kết quả rồi. Thầy có phải tốn sức không?”
Hắn lim dim mắt: “Ôi! Tổn thọ rồi.”
Lý Văn Tài thấy thế, liền nhét mấy thỏi bạc vào tay đạo sĩ, tay đạo sĩ lại làm ra vẻ lương tâm cắn rứt, dằn vặt. Ra khỏi nhà họ Lý, hắn thấy đã lừa được kha khá của cả hai nhà, liền biến mất, bặt vô âm tín từ đó.
Nhưng Trương Trọng Cẩn và Lý Văn Tài đều tưởng đây là phép thuật thật sự, cứ nghĩ ông thầy kia không muốn dính dáng gì đến chuyện hồng trần nữa, nên đã ẩn cư.
Về sau sự thật cho thấy tình cảm giữa Trương Trung Cẩn và Triệu Nguyệt Nga vẫn rất tốt đẹp, Lý Văn Tài cũng không biết rốt cuộc có vấn đề gì, cố đợi vài năm mà vẫn chẳng thể lòng thòng gì được với Triệu Nguyệt Nga.
Một lần Trương Trung Cẩn uống rượu với đám bạn. Sau khi uống say, hắn đã lỡ lời, khơi lại chuyện cũ. Kết quả người nói vô tâm, người nghe lại hữu ý. Trên bàn rượu, vừa hay có một người qua lại rất thân thiết với Lý Văn Tài, hắn liền đem chuyện này đi kể. Lý Văn Tài mới bừng tỉnh: “Chẳng trách phép thuật mất linh.”
Từ đó hai người lại bắt đầu viết thư chửi rủa nhau! Mối thù hận giữa hai nhà càng sâu sắc, cả hai đều thề không làm người nếu không chọi chết người kia.
Về sau, bố của Trương Nhị Cẩu tham gia cách mạng. Khi Viên Thế Khải ra lệnh bắt những người tham gia cách mạng, nhà họ Lý đứng ra tố giác đầu tiên, khiến cha của Nhị Cẩu bị bắt, và xử tội chết, chờ ngày xử trảm. Nhị Cẩu phải khuynh gia bại sản mới tìm được một người chết thay, lén cứu cha thoát khỏi đại lao. Từ đó cha của Nhị Cẩu phải trốn đến tận Tân Cương, phải giấu tên đổi họ.
Mặc dù cha của Nhị Cẩu ở mãi Tân Cương xa xôi, nhưng vẫn nung nấu ý định báo thù, thường xuyên ngầm liên lạc với Nhị Cẩu, chỉ cần có cơ hội, nhất định sẽ báo thù. Đến năm Dân quốc thứ 22, nhà họ Lý sửa lại nhà, cha của Nhị Cẩu mời một cao thủ giỏi Lỗ Ban Môn, dàn cục Lưu thủy mộc mã5, mua chuộc tên thợ xây ngầm giở trò với nhà họ Lý.
Nhưng tên thợ xây này lại có tật giật mình. Khi hắn đặt chiếc xe ngựa nhỏ vào máng nước, tay chân luống cuống vụng thế nào để người ta phát hiện. Hắn bị người nhà họ Lý đánh đập, truy hỏi, ngã từ trên nóc nhà xuống đất gãy chân, sau đó bị dọa sẽ lôi đến cửa quan nên sợ quá khai tuốt tuột. Nhà họ Trương biết việc bị bại lộ, cũng chuẩn bị sẵn sàng liều chết một phen, chầu chực đối mặt với một trận huyết chiến sắp xảy ra. Nhưng cuối cùng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhà họ Lý im ắng một cách khác thường.
Cứ như vậy cho đến mấy năm sau, cha của Nhị Cẩu nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 82. Ngày đưa ma, con của Lý Văn Tài là Lý Khởi Minh cũng chạy đến nhà họ Trương viếng. Việc này đúng là quá bất ngờ, Lý Khởi Minh nằm bò lên trước linh cữu của lão Trương mà khóc mà than: “Trương lão gia ơi! Bắt đầu từ lão gia với gia phụ, hai nhà chúng ta đã đấu đá nhau đến ba đời rồi. Mấy chục năm nay, hai nhà đã bày hết mưu sâu đến kế hiểm, khiến nhà tan cửa nát, liên lụy người thân, như thế đã quá khổ rồi. Người ta vẫn nói oan gia nên hóa giải không nên kết, nay lão gia cưỡi hạc về trời, xin vong hồn người trên trời có thiêng, hãy để cho hai nhà chấm dứt hận thù! Khởi Minh xin dập đầu trước lão gia. Mong lão gia trên trời có thiêng, phù hộ cho con cháu cùng chung sống hòa thuận. Mãi mãi không đấu đá với nhau nữa.” Dứt lời, hắn dập đầu côm cốp lạy tạ.
Những lời này khiến những người có mặt ở đó đều phải rớt nước mắt. Đấu đá bao năm nay cũng nên chấm dứt. Nhị Cẩu vô cùng cảm động, mời Lý Khởi Minh vào nhà, cả hai cùng ngậm ngùi xót xa.
Khi đưa ma, Lý Khởi Minh dẫn cả đám con cháu quỳ lết bên cạnh, giúp một tay. Về sau, khi Nhị Cẩu dời mộ cho cha, mới phát hiện ra hòn đá áp đầu, nhớ lại cảnh tượng lúc chôn cất cha, mới chợt nhận ra đó là lúc nhà họ Lý giở trò. Đúng là mèo già khóc chuột giả bộ từ bi. Đầu tiên dùng sự chân thành để mê hoặc lòng người, lại còn đưa cả nhà ra làm huyên náo cố ý làm che khuất tầm nhìn, nhân lúc người ta không đề phòng thả đá áp đầu xuống.
Nhị Cẩu muốn báo thù, nhờ một tên dắt mối, tìm đến Nhị Bá đầu, kể lại chuyện nhà hắn với nhà họ Lý đã đấu đá nhau ba đời nay. Nhị Bá đầu nghe vậy mừng lắm. Sự việc này từng được ghi chép lại trong Giang Tướng công án lục, hơn nữa còn từng đàm luận với Tổ Gia. Nhị Bá liền đầu đập bàn khen ngợi vị “đạo sĩ” cao tay kia đã dàn cục kép vô cùng cao siêu. Bắt được con gà béo Nhị Cẩu mê tín đến mức ngấm sâu vào tận xương tủy, thật quá dễ để cho Nhị Bá đầu tung chiêu! Nhị Bá đầu liền báo tin này cho Tổ Gia. Tổ Gia nghe xong liền nói: “Cũng phải dàn cục kép.”
Nhị Bá đầu đi theo Tổ Gia lâu như vậy nên rất hiểu Tổ Gia. Ông là người cầu toàn, đã dàn cục thì phải thật cao siêu, thật hoàn hảo mới hài lòng. Ông muốn những sự tích chói lọi về mình được viết trong sử sách của phái Giang Tướng.
THUỐC PHIỆN TRONG TỬ THI
Nhị Bá đầu là cao thủ thuật Trát phi, Tổ Gia rất yên tâm khi giao cho ông ta dàn cục vụ này. Hiếm khi Tổ Gia yên tâm vào một người nào đó, riêng Nhị Bá đầu vốn đã được rèn giũa, tôi luyện đến mức được Tổ Gia hoàn toàn tin cẩn. Đặc biệt là vụ “Đuổi xác” ông ta phối hợp dàn cục với Tổ Gia. Toàn bộ quá trình diễn ra sự việc có thể nói ngay cả đến Tổ Gia cũng phải một phen hú vía, thoát chết trong gang tấc. Cũng chính nhờ có lần đó, Tổ Gia mới hoàn toàn trị được Nhị Bá đầu.
Năm 1932, Hải quân Lục chiến Nhật Bản tấn công Thượng Hải, Thập cửu lộ quân6 kháng cự quyết liệt, cuộc chiến diễn ra vô cùng thảm khốc, người chết vô số.
Tổ Gia không ngờ việc này mang đến cơ hội kiếm tiền cho mình.
Sau khi Thập cửu lộ quân rút lui không lâu, một tên đặc thương đã tìm đến Tổ Gia. Đặc thương là tiếng lóng, chỉ tên buôn lậu thuốc phiện. Mặc dù sau khi Chính phủ lâm thời Nam Kinh được thành lập đã ban bố lệnh cấm hút thuốc phiện, nhưng nạn buôn bán thuốc phiện vẫn hoành hành ngang ngược. Vì buôn bán mặt hàng này thực sự hái ra tiền, thậm chí về sau, tiền của chính phủ Quốc dân bị mất giá, một viên quan cấp cao tên là Cự Giả đã tàng trữ thuốc phiện để đối phó lại với tình trạng lạm phát.
Tay đặc thương đó họ Giả, người ta gọi là Giả Tứ gia, hắn vốn có qua lại với bọn quân phiệt và băng nhóm xã hội đen, cũng là bạn cũ lâu năm của Tổ Gia.
Giả Tứ gia to nhỏ riêng với Tổ Gia rằng có một phi vụ lớn, hỏi xem ông ấy có muốn làm hay không.
Tổ Gia hỏi xem là phi vụ gì, Giả Tứ gia đáp: “Gọi hồn người chết.”
Tổ Gia sững người. Gọi hồn người chết là tập tục của một vài vùng ở Trung Nguyên, thông qua thuật chiêu hồn (gọi hồn), đưa tử thi của những người chết ở nơi đất khách quê người, đặc biệt là những người chết trên chiến trường trở về quê hương bản quán, để người đó không bị biến thành cô hồn dã quỷ, ở vùng phía tây Hồ Nam còn gọi việc này là đuổi xác, cõng xác.
Tổ Gia biết rất rõ trò mèo của việc gọi hồn này, tất cả đều là do lũ người đang sống sờ sờ dựng lên. Thông thường, đầu tiên, chúng tắm rửa sạch sẽ cho xác chết, lấy dao mổ bụng ra, móc hết lục phủ ngũ tạng bỏ đi, rồi ngâm nước thuốc, để xác chết khỏi bị thối rữa. Sau đó, một người cõng xác chết trên lưng, trùm lên xác chết và người mình một tấm áo liệm to rồi đội mũ cỏ, dán thêm một miếng bùa, giả làm xác chết. Một người khác đi đằng trước vừa lắc chuông nhiếp hồn, vừa tung tiền giấy, hai người kẻ xướng người họa, cõng xác chết đó đi thẳng về đến quê nhà mới thôi.
Nếu có quá nhiều xác chết thì chúng sẽ dùng dây thép xiên qua xương quai xanh xác chết, xâu thành chuỗi, sau đó buộc vào chiếc gậy, lục phủ ngũ tạng được bỏ đi hết, trong bụng rỗng tuếch. Như vậy sẽ không còn nặng lắm. Chỉ cần tìm hai người khỏe mạnh, mỗi người một đầu khiêng đi.
Đuổi xác là một công việc nặng nhọc, đã vậy lại phải là loại gan lỳ mới dám, người bình thường không làm được. Đặc biệt vào buổi tối, dưới ánh trăng thanh, cõng người chết trên lưng bước thấp bước cao, tấp tểnh đi trên con đường núi hun hút, tiếng gió núi ù ù, tiếng quạ kêu thê lương từng hồi, tiền vàng mã bay liệng khắp xung quanh. Dù biết rõ mười mươi sau lưng mình là một người chết, nhưng kẻ đi trước vẫn luôn cảm giác có một đôi mắt đang nhìn chằm chằm sau lưng mình.
Tổ Gia lên tiếng: “Việc này vừa mệt người lại chẳng béo bở gì, sao Tứ gia lại quan tâm đến nó vậy?”
Giả Tứ gia ghé sát tai Tổ Gia thì thầm vài câu bí mật. Tổ Gia nghe xong, sắc mặt từ từ giãn ra.
Giả Tứ gia nói tiếp: “Chỉ có cách này, quan chẳng hỏi dân chẳng màng, lũ chó mèo cũng cụp đuôi chạy mất. Bọn thủ hạ của ông giỏi trò Trát phi, có thể giả dạng thầy gọi hồn, đúng là trời giúp chúng ta.”
Tổ Gia thấy Giả Tứ gia đã có sẵn dự tính trong lòng liền hỏi: “Người phía quân đội có trông cậy được không?”
Giả Tứ gia nói: “Tôi đã từng gặp Diêu phó quan rồi, đều là chỗ thân tình qua lại đã lâu cả.”
Tổ Gia nghĩ ngợi một lát: “Được.”
Tổ Gia vạch sẵn kế hoạch rất tỉ mỉ và cẩn thận, rồi giao cho Nhị Bá đầu. Trước lúc chuẩn bị đi, Tổ Gia căn dặn: “Phải thật cẩn thận, tuyệt đối không được để xảy ra sơ xuất.”
Nhị Bá đầu vỗ ngực: “Sư phụ cứ yên tâm. Con chơi với người chán rồi, nay thử chuyển sang chơi với ma xem sao.”
Thì ra Giả Tứ gia muốn vận chuyển thuốc phiện xuống miền Nam. Ngặt vì ở thời điểm đó, mọi thứ đều bị kiểm soát quá nghiêm ngặt, lại chiến tranh loạn lạc, hắn không dám ngang nhiên chuyển hàng đi, sợ sẽ sinh biến, liền bàn bạc với một tay thư ký trưởng của Quốc dân Đảng, dùng cách gọi hồn người chết hòng giấu trên lừa dưới, trên danh nghĩa là đưa linh hồn của các chiến sĩ đã hy sinh oanh liệt trong cuộc kháng chiến ở Tùng Hộ trở về quê nhà. Nhưng thực tế là mượn những thi thể này để vận chuyển thuốc phiện. Vì tiền, người ta có thể táng tận lương tâm, con người thật đáng sợ còn hơn cả ma quỷ.
Sau khi nhận mệnh lệnh, Nhị Bá đầu dẫn theo năm tên tay chân xuất phát. Sau khi tìm được người tiếp tay, đầu tiên bọn chúng moi rỗng năm tử thi có đeo quân hàm ra, dùng giấy dầu bọc thuốc phiện lại, rồi bọc thêm một lớp da bò bên ngoài, rồi nhét vào bụng thi thể. Sau khi nhét đầy, chúng lấy chỉ khâu kín da bụng lại, thịt người phân thành từng lớp, phải khâu từng lớp từng lớp một, nếu không sẽ bị lộ ra ngoài.
Xong xuôi, chúng cõng xác chết bắt đầu lên đường, Nhị Bá đầu đi đằng trước đóng giả thầy gọi hồn, tay trái cầm chuông đồng, tay phải rải tiền vàng mã. Bọn chúng đi qua nơi nào, nơi ấy tất cả mọi người đều tránh xa.
Mới đi được một ngày đường, bọn chân tay đã bắt đầu kêu mệt. Lưng cõng một xác chết, đã vậy lại là xác chết nhét đầy thuốc phiện trong bụng, ngót nghét cũng phải bốn năm chục cân. Mùi xác chết để lâu cùng mùi nước thuốc và mùi mồ hôi rịn ra trên người sống hòa quyện vào nhau, dậy lên thứ mùi ghê tởm đến phát nôn phát mửa.
Nhị Bá đầu nóng lòng muốn lập công, quát tháo: “Đi nhanh lên, đi nhanh lên!”
Bọn tay chân sợ sệt nói: “Nhị gia! Nặng quá! Chúng con không thể đi nổi nữa.”
Nhị Bá đầu tức đến phì cả hơi mũi: “Một lũ ăn hại!”
Nhị Bá đầu luôn mồm quát tháo, chửi rủa, nhưng đám người đó càng đi càng chậm. Ông ta bắt đầu nghĩ cách: “Tao có một cách, có thể cho chúng mày được nhẹ gánh…”
Bọn tay chân ngơ ngác nhìn nhau rồi hỏi: “Nhị gia!… Cách gì vậy?”
Nhị Bá đầu mỉm cười, nói ra cách làm.
Nghe xong, chúng nhìn nhau: “Cách đó quả thật rất hay, nhưng ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, Tổ Gia truy hỏi…”
Nhị Bá đầu quát to: “Xảy ra chuyện gì, tao khắc gánh chịu.”
Thế là chúng cứ theo kế hoạch mà làm, hai ngày sau thảnh thơi đi tới đích. Sau khi Nhị Bá đầu giao thuốc phiện cho kẻ đón hàng xong, liền đến nhà trọ, Tổ Gia và Giả Tứ gia đã đợi ở đó từ lâu.
“Không có chuyện gì chứ?” Tổ Gia hỏi.
Nhị Bá đầu đáp: “Tất thảy đều thuận lợi.”
Tổ Gia đưa mắt nhìn Giả Tứ gia, ông ta cười rất hài lòng. Tổ Gia cũng cười phụ họa theo.
Ngày hôm sau, lúc nhận thân nhân, người nhà người chết và Diêu phó quan cũng đều có mặt. Nhị Bá đầu khoác chiếc áo choàng của bọn đạo sĩ, dẫn theo mấy tên chân tay, đứng vây quanh quan tài mấy vòng, vừa ném vàng mã vừa lầm rầm khấn. Cuối cùng, chúng nhét tiền đồng vào miệng của người chết. Nghe nói làm như vậy để xua đuổi bọn ma quỷ bắt nạt linh hồn người đã chết trên đường xuống suối vàng. Sau khi mọi việc được thu xếp xong, Nhị Bá đầu nói: “Đến nhận mặt người thân đi.”
Thân nhân những người đã khuất kìm nén nỗi đau thương mất mát, đi vòng quanh những chiếc quan tài, ngần ngận nước mắt nhìn mặt người thân của mình lần cuối, nhưng chẳng ai ngờ rằng, người thân của họ giờ chỉ còn mỗi cái đầu.
Sau khi đi quanh những chiếc quan tài nhìn mặt người thân lần cuối xong, chúng bắt đầu tiến hành việc chôn cất. Lúc này lại xảy ra chuyện bất ngờ.
Một người mẹ già không chịu đựng nổi nỗi đau đớn trong lòng, liền lao về phía chiếc quan tài, sờ khắp thân thể đứa con mình, nắm lấy người đứa con, suýt chút nữa thì kéo tụt cả bộ áo liệm xuống, Nhị Bá đầu vội vàng kéo bà ta lại nói: “Phu nhân! Xin đừng làm vậy!”
Nhưng đã quá muộn, “cái chân” của tử thi đó bị lộ ra, nó chỉ là cái một cái chạc cây. Bà kinh ngạc kêu lên: “Chân con tôi đâu?”
Tiếng kêu của bà khiến cho tất cả những người có mặt ở đó đều giật mình kinh hãi. Đây đều là những xác chết do chính tay Diêu phó quan xác nhận, họ chỉ bị trúng vài phát đạn, còn vẫn giữ được toàn thây. Diêu phó quan vội bước đến, định kiểm tra, nhưng Tổ Gia vội vàng kéo ông ta lại, trừng mắt nhìn. Qua ánh nhìn của Tổ Gia, Diêu phó quan nhận ra như thể ông ấy có điều gì muốn nói nên đứng sững lại.
Bầu không khí ở đó như đặc quánh. Lúc này, chỉ thấy Tổ Gia lớn giọng: “Chinh chiến nơi sa trường dưới mưa bom bão đạn, mấy vị quan quân này đã xả thân vì nước, người thì mất đi đôi chân, người thì bị vỡ bụng. Trước khi nhập quan, mấy đồ đệ của tôi đã chỉnh trang lại cho họ, vì không muốn người thân phải quá đau lòng.”
Diêu phó quan trợn trừng mắt nhìn Tổ Gia: “Hừm!” Nhưng cũng không dám làm gì, vì bản thân ông ta cũng có dính líu đến việc này.
Tổ Gia nói tiếp: “Nguyên tắc khi gọi hồn mọi người đều biết rồi đấy. Nếu các vị cứ khóc lóc thảm thiết, sẽ khiến người chết không thể yên nghỉ, linh hồn sẽ bay ra khỏi các khướu trên thi thể, biến thành cô hồn dã quỷ, làm vậy sẽ uổng phí nỗi đau mọi người đã phải chịu đựng.”
Người mẹ già kia nghe thấy những lời này mới dần bình tĩnh trở lại, không khóc nữa.
Nhị Bá đầu vội vàng bảo bọn chân tay: “Chôn đi!”
Sau khi nhập thổ quan tài, Nhị Bá đầu vẽ một vòng tròn trước phần mộ, đốt từng xấp từng xấp tiền vàng mã trong cái vòng đó, miệng khấn niệm: “Lúc chào đời hai bàn tay trắng, khi lìa trần trắng hai bàn tay, kiếp trước chẳng biết chuyện kiếp này, cha sinh mẹ dưỡng uổng công ngày tháng; nay đừng nên oán trách gì nữa. Xin hãy yên nghỉ dưới suối vàng. Phát… tang…”
Đám thợ kèn bắt đầu thổi lên những giai điệu ai oán, người thân ai nấy đều nghẹn ngào khóc. Diêu phó quan không kìm nén nổi cũng chảy nước mắt. Dù gì đây cũng đều là anh em đã cùng sát cánh với ông ta trên sa trường đẫm máu trong cuộc chiến chống Nhật. Con người, cho dù có bị lòng tham vật chất làm mờ hai con mắt, nhưng trong sâu thẳm vẫn còn đôi chút ít ỏi lương tri, nên cũng không kiềm chế được mà rớt nước mắt.
Sau khi mai táng xong, Tổ Gia, Diêu phó quan, còn có cả Giả Tứ gia cùng trở về quán trọ.
“Nhị Bá đầu!” Tổ Gia gọi Nhị Bá đầu vào, “Chuyện là sao?”
Nhị Bá đầu đưa mắt nhìn Diêu phó quan và Giả Tứ gia, rồi cúi đầu, một lúc lâu sau mới phát ra một tiếng: “Hừ.”
“Nói!” Tổ Gia quát, tiếng quát ầm vang cả căn phòng.
Nhị Bá đầu vội vàng khai hết đầu đuôi.
Việc gọi hồn người chết có quy tắc của nó, tử thi được gọi hồn, khi đưa về đến quê nhà, đầu tiên không cho người thân gặp, phải đợi khi thầy đuổi xác làm phép xong. Sau khi thi thể được chỉnh trang lại đâu vào đấy và cho vào quan tài xong thì người nhà mới được đến nhận người thân. Hơn nữa, người thân tuyệt đối không được có chuyện khóc lóc, càng không được phép chạm vào tử thi. Nếu không sẽ khiến oan hồn bị đánh động, thoát ra qua lỗ khướu, chỉ sau khi được chôn cất xong xuôi thì mới được khóc. Nhị Bá đầu đã nắm lấy quy tắc này, dám cả gan chặt lấy mỗi đầu của người chết, vứt hết thân thể người chết đi, sau đó làm mấy cái gùi đeo sau lưng, bỏ hết thuốc phiện vào trong gùi, để cái đầu phủ lên trên, rồi lại chùm áo liệm táng lên như cũ, bắt chước dáng đi cứng đơ của người chết mà đi tiếp. Như vậy sẽ làm giảm nhiều gánh nặng cho bọn chân tay, cả bọn sẽ đi nhanh hơn nhiều.
Khi đến nơi, Nhị Bá đầu sai bọn chân tay làm năm cái cọc bằng gỗ ngay trong đêm đó, rồi choàng những chiếc áo liệm mới tinh lên những chiếc cọc, nhét đầy bông vào, tạo thành hình người, chỗ tay áo và ống quần dùng cành cây chống thành khung y như tay chân người, cuối cùng chúng dùng loại dây thép cứng cắm phần đầu lên trên đỉnh chiếc cọc gỗ, chỗ nối ở cổ thì dùng vải quấn quanh liền với áo liệm, hoàn hảo không chê vào đâu được. Đúng là áo tiên không thấy vết chỉ khâu. Hơn nữa, người thân chỉ cần nhìn thấy mặt người chết là được, không ai được kiểm tra thân thể của người chết. Đây chính là nguyên tắc của tục đuổi xác.
Sau khi nghe hết câu chuyện, Tổ Gia lạnh lùng: “Ngươi tự xử hay để ta giúp?”
Nhị Bá đầu nhìn Tổ Gia, rồi lại nhìn khuôn mặt không chút biến sắc của Diêu phó quan và Giả Tứ gia, ông ta khẽ nói: “Để con tự làm!”
Vừa dứt lời, ông ta đặt ngón tay út trái của mình lên mép bàn, tay phải giơ dao lên. Phập! Không một chút do dự chặt đứt ngay ngón tay út của mình. Máu chảy ra rớt xuống nền nhà, Nhị Bá đầu đau đến nỗi mồ hôi vã ra trên trán, nhưng không hề kêu một tiếng nào.
Từ đó, Nhị Bá đầu chỉ còn chín ngón tay. Tổ Gia buộc phải làm vậy cũng bởi không còn cách nào khác. Một là để dễ ăn nói với Giả Tứ gia và Diêu phó quan. Hai là muốn cắt ngay lá gan của Nhị Bá đầu. Nếu không về sau khó mà khiến hắn ta phục tùng mệnh lệnh.
Bao nhiêu năm sau, khi nhắc lại việc này, Tổ Gia vẫn còn cảm thấy sợ hãi. Nếu chiêu trò lần đó của Nhị Bá đầu bị lật tẩy, chắc chắn sẽ khiến bọn Quốc dân Đảng nổi cơn thịnh nộ, lúc đó thì Tổ Gia, Diêu phó quan, Giả Tứ gia, còn cả Nhị Bá đầu và đám chân tay kia đều sẽ chết chắc.
ÂM HÔN (CƯỚI MA)
Cả ngày Nhị Bá đầu chỉ ngồi nghiên cứu thuật Trát phi, thỉnh thoảng lại đến bàn luận với Tổ Gia. Về điểm này, Tổ Gia rất thích ông ta. Có lần, khi mọi người cùng uống rượu với nhau, Tổ Gia còn khen ngợi Nhị Bá đầu trước mặt những người khác. Nhị Bá đầu luôn làm bạn với xác chết, tiền vàng mã, hương khói và chu sa, đến nỗi chúng tôi thường ngửi thấy mùi tử khí phát ra từ trên người ông ta, dường như không thể gột sạch được. Vì thế khi tới kỹ viện, các cô gái thường không thích đến gần ông ta.
Nhị Bá đầu chuyên chơi Trát phi, có một lần lại “trát” trúng mình. Nói đến việc này, đúng là vô cùng kỳ lạ…
Năm Dân Quốc thứ 25, con gái của một ông chủ cửa hàng bán vải qua đời vì tình. Cô đem lòng yêu một cậu thanh niên có tư tưởng tiến bộ vào hồi ấy. Đó là một chàng thanh niên trí thức hàng ngày thường phát truyền đơn và diễn thuyết trên phố. Ông chủ quầy vải sợ người này sẽ gây ra tai họa, lại nghèo rớt mồng tơi, cho nên kiên quyết không đồng ý cuộc hôn nhân này.
Cô gái van nài cầu xin cha, nhưng ông bố nhất quyết không đồng ý. Cô gái bèn bàn với chàng trai, muốn chàng trai đích thân đến thưa chuyện với cha mình. Nếu vẫn không được thì hai người sẽ cùng quỳ xuống cầu xin, quỳ cho đến khi nào cha cô đồng ý mới thôi. Nhưng chàng trai tính cách quật cường, bướng bỉnh nói: “Hai đầu gối người đàn ông có dát vàng, chỉ lạy trời lạy đất, lạy cha lạy mẹ, chứ không quỳ trước người khác.”
Cô gái khóc sướt mướt nói: “Sau này, cha cũng sẽ là cha vợ anh mà.”
Chàng trai nói: “Bây giờ vẫn chưa phải, ông ấy khinh thường anh, coi khinh tình yêu trong sáng của chúng mình. Ông ấy thuộc giai cấp tư sản mại bản.”
Cô gái nói: “Vậy chúng mình cùng trốn đi. Đến một nơi thật xa, đến nơi chân trời góc biển, nơi không ai có thể tìm thấy chúng mình nữa.”
Chàng trai nói: “Sao phải đi? Đại trượng phu làm việc gì cũng quang minh chính đại. Việc không đàng hoàng như vậy, làm sao có thể làm được?”
Cô gái nói: “Các người muốn ép tôi phải chết sao?”
Chàng trai nói: “Nếu em chết, anh cũng sẽ chết theo ngay, sống không thể thành vợ thành chồng, thì sẽ chết để được ở bên nhau.”
Khi nói những lời này, chàng trai không ngờ rằng cô gái sẽ làm vậy thật. Tối hôm đó, cô gái để lại một bức thư tuyệt mệnh, rồi nửa đêm gieo mình xuống giếng tự vẫn. Khi thi thể được vớt lên thì toàn bộ khuôn mặt đã phù nước.
Ông chủ quầy vải đau đớn khóc ngất đi. Thương con gái, ông quyết định sẽ cử hành tang lễ thật lớn cho con. Mọi người xung quanh xì xào bàn tán: “Người chết trẻ thế này không nên làm tang lớn. Tốt nhất nên hợp âm hôn, làm như vậy cũng coi như tạ lỗi với đứa con gái đã chết.”
Thời đó, việc hợp âm hôn rất phổ biến. Nghĩa là nếu người còn trẻ chưa lấy vợ lấy chồng mà bị chết, họ sẽ rất cô đơn, không có người bầu bạn dưới cõi âm, sẽ trở thành cô hồn dã quỷ. Vì thế, cần phải tìm một người cũng bị chết trẻ, đem hợp táng hai người, như vậy người chết mới có thể yên nghỉ nơi suối vàng. Đương nhiên, cơ hội để hợp táng được không phải lúc nào cũng có. Có người phải đợi đến mấy năm sau mới có một người khác giới có tuổi tác tương đồng chết trẻ.
Nhị Bá đầu đánh hơi được tin này, biết rằng đây là cơ hội hái ra tiền, liền xin ý kiến của Tổ Gia. Sau khi đã phân tích kỹ càng, Tổ Gia đã cho phép Nhị Bá đầu cầm đầu vụ này.
Thế là người mối lái bắt đầu lân la tới chỗ ông chủ quầy vải, xui rằng có một vị đạo trưởng có thể gọi hồn. Cô con gái bị chết oan nên hồn còn lang thang vất vưởng ở cõi trần, cần phải làm phép gọi hồn, để linh hồn được yên nghỉ, làm lễ hợp âm hôn mới được viên mãn.
Ông chủ quầy vải luôn cắn rứt, áy náy trong lòng, nên đã làm theo ngay. Đây thực chất chỉ là một chiêu, chứ nếu trực tiếp đến gõ cửa xin làm lễ hợp âm hôn, tất người ta sẽ sinh nghi ngay. Nhị Bá đầu xuất hiện với thân phận là một vị đạo trưởng sẽ khiến người ta tin tưởng.
Nhị Bá đầu nói với ông chủ quầy vải: “Trước khi ta xuất gia, gia cảnh cũng khá giả, nhà còn có một tiểu đệ, về sau bị bệnh mà chết khi mới 18 tuổi, tiểu đệ phải chịu cảnh cô độc dưới mộ phần đã mấy năm nay, nếu lão không chê, có thể làm lễ hợp âm hôn.”
Ông chủ quầy vải trông thấy tia hy vọng, liền hỏi Nhị Bá đầu: “Nhà đạo trưởng còn có những ai nữa? Ý phụ mẫu thế nào?”
Nhị Bá đầu nói: “Phụ mẫu đều lần lượt qua đời vì nỗi u uất trong lòng. Nay nhà chỉ còn một mình ta, nên ta mới rũ bỏ bụi trần, quyên góp toàn bộ gia sản xuất gia, một lòng thụ đạo.”
Ông chủ quầy thấy cũng môn đăng hộ đối, bèn nói: “Có cơ duyên với đạo trưởng, đúng là đã cứu vớt lão đây.”
Sự thật, Nhị Bá đầu chẳng lấy đâu ra tiểu đệ nào cả. Ông ta sai đám chân tay đến vùng núi hoang vắng tìm lấy một ngôi mộ vô chủ đã lâu không có người thăm nom, cúng bái, rồi đào người ta lên đem về. Cũng không biết đó là mộ phần của nam hay nữ, già hay trẻ, chúng đổi một chiếc quan tài khác, rồi khênh đến nhà của ông chủ quầy vải. Đúng là phường lừa đảo, đem cả thây ma xác quỷ ra làm trò bịp bợm.
Thường thì các đạo sĩ đều không dám nhận làm đạo tràng cho người chết bất đắc kỳ tử thế này. Đặc biệt là làm đạo tràng cho một cô gái đã chết vào giữa đêm hôm khuya khoắt. Nghe nói họ thường biến thành ác quỷ, nhưng đám A Bảo thì có sợ gì chứ.
Vào cái đêm làm lễ hợp âm hôn, Nhị Bá đầu đem theo mười mấy tên tay chân đến cúng bái hành lễ. Trong sân đặt một chiếc quan tài lớn màu đỏ, bên trong đặt tất cả những thứ gọi là di cốt của “em trai” ông ta. Thi thể cô gái được choàng áo liệm đặt nằm trên một tấm gỗ, đợi sau khi làm lễ xong sẽ được liệm táng cùng nhau.
Nhị Bá đầu đốt hương, cầm lá bùa đã được làm sẵn dán lên người cô gái. Sau đó lúc lắc người đi đi lại lại, tóc tai bù xù cả lên, miệng lầm rầm niệm chú.
Đúng lúc ánh trăng trên bầu trời chiếu thẳng xuống, đột nhiên một bóng đen nhảy vù một cái từ dưới sân lên cây. Mọi người đều giật mình, thoạt trông thì thấy đó là một con mèo hoang không biết từ đâu chạy tới, trèo lên tận ngọn, nằm bò trên một cành cây, đôi mắt xanh lè nhìn xuống dưới.
Nhị Bá đầu vẫn tiếp tục làm lễ. Lúc này, con chó mà cô gái nuôi khi còn sống, nhảy ra khỏi chuồng, lặng lẽ đi tới dưới gầm giường đặt xác cô gái, nó đứng lại rồi nằm xuống.
Nhị Bá đầu từng bàn luận với Tổ Gia về cuốn Trát phi mật bản, trong đó có một câu: “Vân già nguyệt, miêu cẩu thi tâm đồng nhất tuyến, thi tất trá.” Nghĩa là, khi các A Bảo làm lễ cúng, cần phải hết sức chú ý tình huống này. Đó là khi mây che kín mặt trăng, nếu lúc này mà tim của mèo, chó và người chết nằm cùng trên một đường thẳng, thì sẽ xảy ra hiện tượng xác chết vùng dậy. Xác chết vùng dậy tức là thi thể đột nhiên sống lại, nhảy dựng lên, đuổi theo và nhe răng cắn xé như một ác quỷ. Điều này vô cùng đáng sợ.
Việc làm phép vẫn đang được tiến hành, một tên tay chân đi vòng quanh thi thể bỗng phát hiện ra con chó dưới gầm giường, một dự cảm không lành xâm chiếm khắp người. Hắn nhìn lên con mèo trên ngọn cây, đôi mắt xanh lè, u ám dõi theo mọi việc đang diễn ra bên dưới, ba trái tim dường như đang nằm trên đúng một đường thẳng. Anh ta vừa vỗ vào vai Nhị Bá đầu thì thấy một đám mây đen bay đến, ánh trăng lập tức bị chìm khuất sau tầng mây.
Nhị Bá đầu còn chưa kịp phản ứng gì, xác cô gái đã bật dậy, đôi mắt mở trừng trừng, miệng há ra, nhảy bổ về phía Nhị Bá đầu. Nhị Bá đầu còn đang ngơ ngác bỗng giật mình, sợ đến nỗi quẳng cả thanh kiếm gỗ đào mà chạy. Xác chết kia như thể nhận ra được kẻ xấu cứ kêu lên “A a…”, hai tay duỗi thẳng ngang ngực đuổi theo Nhị Bá đầu.
Mấy tên chân tay vội vàng cầm gậy đuổi theo phía sau, đánh thật mạnh vào sau lưng xác cô gái, bị đánh liên tiếp mấy gậy, xác cô gái phát ra một tiếng “khự”. Thân người duỗi thẳng rồi đổ sang một bên, khí dương tiêu tan hết thì chết hẳn, nhưng chết không nhắm mắt, ánh mắt vẫn trân trân nhìn Nhị Bá đầu.
Sau khi Tổ Gia biết việc này, liền bảo Nhị Bá đầu: “Đừng làm vụ này nữa! Ông trời nổi giận rồi! Chúng ta chỉ đấu được với con người, chứ không đấu lại ma quỷ!”
Y học thời đó vẫn chưa phát triển như bây giờ. Người ta đều không biết rằng có trường hợp con người chỉ là chết lâm sàng, đến một lúc nào đó có thể tỉnh lại. Vì vậy nên Tổ Gia nghĩ rằng đó là do ông trời nổi giận.
Sau khi xảy ra chuyện, bọn chân tay khiêng quan tài chứa thi thể vô chủ kia về, ông chủ quầy vải cũng không yêu cầu hợp táng nữa, chỉ chôn cất một mình cô gái.
Tổ Gia ra lệnh cho bọn chân tay khiêng cả chiếc quan tài đó ra sau núi, đào một cái hố khác rồi chôn xuống, đốt rất nhiều tiền vàng mã, còn mang cả thủ lợn, rượu… đặt tế lễ trước mộ. Khi Tổ Gia cùng các anh em vái vái lạy lạy, gió lạnh nổi lên từng cơn, vàng mã và tàn tro bị cuốn tung lên từng hồi…
DƠI HÚT MÁU
Một lần dàn cục khác, Nhị Bá đầu vẫn là người được Tổ Gia lựa chọn.
Nhưng Nhị Bá đầu không đích thân dàn cục vụ này, ông đã nhường vụ làm ăn này cho Tiên Nhân Thủ, vì Tiên Nhân Thủ vừa mới được cất nhắc làm Thất Bá đầu, quan mới nhậm chức thường hăng hái. Ông ta muốn qua vụ này sẽ giúp cho Tiên Nhân Thủ có được chỗ đứng trong Đường khẩu.
Tiên Nhân Thủ đương nhiên hiểu rõ ý tốt này của Nhị Bá đầu. Anh ta và Nhị Bá đầu đã cùng nhau phân tích rất kỹ vụ này. Trương Nhị Cẩu muốn báo thù, muốn cả nhà họ Lý phải chết, nhưng nhà họ Trương đã lụn bại, lấy đâu ra nhiều tiền của. Tổ Gia đã nói: “Nếu có thể dàn cục kép, vừa hốt hết tiền của nhà Nhị Cẩu, lại gặt hái được bạc của nhà họ Lý đó mới là thủ đoạn dàn cục cao siêu, giống như vị đạo sĩ tiền bối đã thực hiện năm xưa.”
Sự việc về sau đã chứng minh Tiên Nhân Thủ là một kẻ hội đủ ba “đức tính”: hung ác, gian trá, độc địa. Lần dàn cục này, hắn đã khởi động thủ đoạn xuất sát (giết). Đúng hơn là tuyệt sát, nghĩa là giết sạch.
Sau khi nhận lệnh, Tiên Nhân Thủ bắt đầu dàn cục. Đầu tiên hắn dựng chuyện Quỷ gõ cửa, nhằm gây bầu không khí sợ hãi, chết chóc, để hù dọa người nhà họ Lý. Thủ đoạn dàn cục này rất thâm độc, đều là những tuyệt kỹ Trát phi do đích thân Nhị Bá đầu truyền thụ. Đạo cụ cần dùng đến lần này chính là loài lươn.
Máu lươn có vị tanh nồng thu hút lũ dơi ở cách xa cả mấy dặm. Ban đêm, nếu bôi máu lươn lên cánh cổng của nhà nào thì lũ dơi ở quanh đó sẽ ngửi thấy và bay đến ngay lập tức, chúng cứ vỗ cánh phành phạch chạm vào cổng, người trong nhà sẽ tưởng có người gõ cửa, liền khoác áo, xách đèn ra mở cửa. Ánh đèn sẽ khiến lũ dơi vốn thích bóng đêm và sợ nhất là ánh sáng bay vụt đi hết. Người trong nhà mở cửa không thấy có gì sẽ nghĩ mình nghe lầm, liền quay vào nhà, vừa định ngủ tiếp thì lại nghe thấy tiếng gõ cửa như vậy, lại dậy, lại ra mở cổng xem và vẫn chẳng thấy gì. Cứ lặp đi lặp lại như vậy vài lần sẽ khiến tinh thần những người sống trong nhà hoang mang, sợ hãi. Đợi khi trời sáng đi ra xem thì sẽ chẳng thấy gì nữa, bởi khi trời tờ mờ sáng lũ dơi đã bay đi hết. Thứ duy nhất mà họ có thể nhìn thấy được chính là vết tay lớn dính đầy máu trên cổng, giống như một bàn tay ma quỷ đến gõ cửa nhà mình vậy. Thực ra tất cả đều là do người dàn cục đã cố ý vẽ lên cửa hình bàn tay và bôi máu lươn lên.
Để chắc chắn không xảy ra sơ xuất nào, đích thân Tiên Nhân Thủ xách máu lươn và dẫn theo hai tên tay chân đi làm. Chúng lần sờ trong đêm tối cuối cùng cũng đến được trước cổng nhà họ Lý. Khi chiếc xô nhỏ đựng máu lươn vừa được mở ra, một mùi tanh đã xộc lên mũi, Tiên Nhân Thủ tự tay cầm chiếc bàn chải bằng lông nhúng vào máu lươn rồi bôi lên cửa. Thời gian chưa đến nửa nén nhang chúng đã bôi xong.
Trên đường về nhà, bọn chúng cảm thấy vô cùng phấn khích, nhưng vừa đi được nửa đường thì cảm giác như có một vệt đen đang bám theo, lượn vòng quanh trên đầu. Vừa định ngẩng đầu lên nhìn thì những bóng đen ấy bổ nhào xuống, chúng chợt nhận ra: Dơi hút máu người. Cả lũ chân tay khua khoắng, vội vàng co cẳng chạy một mạch, rồi chui tọt vào một lò rèn mới thoát nạn.
Kỳ thực, răng của loài dơi rất nhỏ, có cắn được vào da thịt cũng chỉ là vết cắn rất bé, chẳng thể hút cạn được máu trên người như trong truyền thuyết. Chúng hút máu rất chậm chạp, chỉ có những người ta đang ngủ say hoặc bị say rượu, xui xẻo lắm mới bị hút mất một ít máu. Hơn nữa khi thấy đau, người sẽ tỉnh lại ngay, lúc đó lũ dơi cũng chẳng thể tiếp tục hút máu được nữa. Sở dĩ bọn Tiên Nhân Thủ ôm đầu, co cẳng lủi nhanh còn vì thấy lũ dơi này quá hôi hám, lại giống như lũ âm hồn nên muốn tránh xa.
Sau khi về Đường khẩu, Tiên Nhân Thủ phát hiện trên trán bị sứt một miếng da, anh ta cố nhớ lại mà không hiểu tại sao lũ dơi lại bu vào mình, trước lúc dàn cục rõ ràng anh ta đã rất cẩn thận rồi, sau khi dàn cục xong cũng vứt hết đạo cụ. Sao có thể bị lũ dơi bám theo được?
Sau đó, hai tên đi theo nhắc: “Có khi lúc bôi máu lươn lên cổng, do căng thẳng đến nỗi toát cả mồ hôi, sau lại thuận tay quệt mồ hôi trên trán, chắc lúc đó sơ ý để dính máu lươn lên trán rồi cũng nên. Cộng thêm mùi máu lươn tanh nồng ám lên quần áo nên mới dụ lũ dơi bám theo.”
Tiên Nhân Thủ cười: “Không sao! Chỉ là vết xước ngoài da, không đáng kể gì.”
Vụ dàn cục có sự “nhúng tay” của lũ dơi lần này phát huy tác dụng, khiến người nhà họ Lý rất sợ hãi, vốn tư tưởng mê tín đã ăn sâu trong máu nên sau khi bị hù dọa, nhà họ Lý bắt đầu “tìm thầy bốc thuốc” khắp nơi. Lúc này, người phụ trách bắn tin dẫn mối chính là Lục Bá đầu Phong Tử Thủ. Anh ta nói với nhà họ Lý rằng ở Lâm Trấn có một cao nhân, đạo pháp cao thâm, chuyên hóa giải những thứ tà môn này, có thể mời ông ta đến xem cho. Thế là Tiên Nhân Thủ xuất đầu lộ diện.
Lý Khởi Minh kể lại cho Tiên Nhân Thủ nghe toàn bộ sự việc, còn in lại vết tay quỷ đầy máu trên cánh cửa đưa cho Tiên Nhân Thủ xem. Tiên Nhân Thủ phải cố nhịn cười, giả vờ lắc lắc chuông đồng, đi quanh sân nhà họ Lý, sau đó trịnh trọng nói: “Nhà này có ma đấy.”
Lý Khởi Minh nghe thấy thế sợ rúm người: “Xin hỏi đại sư, nó từ đâu đến?”
Tiên Nhân Thủ nói, cái này phải để ta xem chân nhang, Lý Khởi Minh vội vàng tìm chiếc lư hương, Tiên Nhân Thủ châm một bó nhang, rồi cắm vào chiếc lư hương. Sau một tuần nhang, bó nhang cháy hết tạo thành hình một cái miệng tròn, ở giữa thấp, xung quanh cao, Tiên Nhân Thủ trầm ngâm một lúc rồi nói: “Lý tiên sinh, ta xin hỏi một câu khí không phải. Tiên sinh đã từng làm một việc thất đức nào chưa?”
Lý Khởi Minh rùng mình: “Sao đại sư lại nói thế?”
Tiên Nhân Thủ nhìn hắn nói: “Bó nhang này cháy ở giữa thì thấp, xung quanh cao, trông giống như chụp lên lư hương vậy. Điều này chứng tỏ chắc chắn tiên sinh đã gây ra tội ác tày trời. Đó là đè nén hương hỏa nhà ai đó, hoặc đè lên mộ nhà ai đó…” Nói xong, mắt nhìn chòng chọc vào Lý Khởi Minh.
Mồ hôi vã ra trên trán Lý Khởi Minh, hắn líu lưỡi: “Đại sư… quả là lợi hại… Tôi… tôi đành nói thật hết với ngài…”
Giống như Trương Nhị Cẩu, Lý Khởi Minh cũng kể hết từ đầu đến cuối chuyện hai nhà Trương – Lý ngầm đấu đá nhau mấy đời nay. Tiên Nhân Thủ nghe mà lòng thấy hả hê khoái chí, hắn thầm nghĩ: “Đúng là hai thằng ngu!”
Cuối cùng, Lý Khởi Minh hỏi xem Tiên Nhân Thủ có cách nào để hóa giải không.
Tiên Nhân Thủ vuốt bộ râu giả nói: “Dùng tiền chuộc mạng! Tiên sinh đã dùng đá áp đầu đè lên mộ tổ nhà người ta bao nhiêu năm, đến nỗi người chết không thể siêu thoát, biến thành cô hồn dã quỷ, còn người sống liên tục gặp vận xui xẻo, tai họa triền miên. Đúng là tội tày trời! Vừa rồi chẳng phải tiên sinh đã nói gần đây nhà người ta đào mộ lên phát hiện ra hòn đá áp đầu, một khi đá áp đầu bị lấy đi, cô hồn của Trương Trung Cẩn chui được ra ngoài, tất sẽ đến đòi mạng.”
Lý Khởi Minh nghe thấy thế sợ xanh mặt: “Xin đại sư cứu giúp!”
Tiên Nhân Thủ nói: “Dùng tiền đổi mạng, một phần số tiền này sẽ dùng để đưa cho nhà họ Trương sửa mộ tổ, một phần để xây từ đường. Còn một phần, ta dùng để làm lễ giải hạn cho tiên sinh. Ông xây từ đường, ta đuổi ma quỷ, cùng phối hợp mời cô hồn đang vất vưởng trên cõi trần của Trương Trung Cẩn quay về.”
Lý Khởi Minh ngơ ngác hỏi: “Xây từ đường cho lão ta ư? Tội ác mà lão gây ra cũng không ít. Ai sẽ trừng phạt lão ta đây?”
Tiên Nhân Thủ bỗng im bặt, nhìn chằm chằm vào sau lưng Lý Khởi Minh, đưa tay lên miệng “suỵt”, tỏ ý ra hiệu bảo Lý Khởi Minh im mồm lại.
Lý Khởi Minh sững người: “Chuyện gì thế?”
Tiên Nhân Thủ nhìn thẳng mặt hắn nói: “Ông ta đang đứng sau tiên sinh.”
Lý Khởi Minh nghe thấy sợ hãi thiếu chút nữa thì nhảy dựng lên, vội vàng quay người lại: “Ở đâu? Đại sư đừng có dọa tôi.”
Tiên Nhân Thủ nói tiếp: “Tiên sinh không thể nhìn thấy ông ta, chỉ tôi mới nhìn thấy được. Đừng có nói xấu ông ta nữa! Đôi mắt của ông ta vằn lên khi nhìn tiên sinh đấy.”
Đột nhiên, Tiên Nhân Thủ rút ra một chiếc túi vải màu vàng ở thắt lưng, kêu lớn: “Yêu nghiệt! Thái thượng lão quân mau mau nghe lệnh. Con ma to gan kia ban ngày ban mặt dám lên đây hại người, ta đây sẽ cho ngươi biết thế nào là lễ độ.”
Sau đó liền phi thân nhảy lên trên bàn, một tay giơ lên mở cái túi vải ra, lập tức bên trong có ánh lửa phát ra, sau đó hắn ta túm chắc lấy miệng túi, dùng sợi dây màu đỏ buộc lại, rồi nhảy từ trên bàn xuống, nói: “Không phải sợ, tạm thời ta đã nhốt được lão ta trong này rồi.”
Lời nói còn chưa dứt thì bỗng nhiên chiếc túi vải lùng nhùng động đậy, Tiên Nhân Thủ ra sức giữ chắc cái túi vải nhưng không được. Dường như có thứ gì đó bên trong vừa phóng vụt ra khỏi cái túi, Tiên Nhân Thủ hô to: “Chạy mất rồi, chạy mất rồi!”
Lý Khởi Minh được một phen hú vía trước cảnh tượng đang diễn ra trước mặt, không biết là thật hay giả. Nhưng sự việc lại thường như vậy, thật quá lại hóa thành giả. Thực ra, bó nhang đó đã được sắp đặt sẵn từ trước. Những que nhang ở giữa được làm từ loại trầm hương thượng hạng cháy rất nhanh và ổn định, còn những que xung quanh thì được trộn lẫn với đất, đương nhiên chúng sẽ cháy chậm hơn, cho nên tạo thành miệng tròn. Còn chiếc túi vải hàng yêu kia bên trong đã được bôi sẵn một lớp thuốc phát sáng do Tứ Bá đầu chế ra. Khi mở miệng túi, không khí ùa vào sẽ lập tức phát sáng, còn cái màn có “nhân vật” trong chiếc túi vải mà Tiên Nhân Thủ đang cầm trong tay cứ giãy giụa rồi thoát ra ngoài kia thực chất chỉ là một mánh khóe. Những người làm ảo thuật đều biết trò này. Thủ thuật thường dùng nhất là lấy một chiếc khăn tay bện lại giống như hình con chuột rồi để trong lòng bàn tay, ngón tay cái làm động tác cử động lên xuống, bốn ngón còn lại chuyển động liên tục, người chồm lên nhảy xuống, trông rất sống động. Nếu không vì Tiên Nhân Thủ chơi trò này rất điêu luyện, thì người ta đã không gọi hắn ta là Tiên Nhân Thủ.
Lý Khởi Minh lại bắt chước thói gian giảo của cha là Lý Văn Tài năm xưa, chưa thấy có kết quả thì không trả tiền, không thấy gà sẽ không thả diều hâu. Lúc này con ngươi của hắn cứ đảo đi đảo lại trông rất giảo hoạt, quỷ quyệt, xem chừng hắn vẫn còn có chút nghi ngờ những việc vừa diễn ra trước mắt. Đối với tình huống này, Tiên Nhân Thủ và Nhị Bá đầu đã chuẩn bị sẵn đối sách. Hắn ta lập tức khởi động bước thứ hai. Lần này, hắn sẽ cho tên Lý Khởi Minh biết thế nào là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.
Tiên Nhân Thủ nói: “Lý tiên sinh cứ cân nhắc, số tiền phải bỏ ra để giải hạn lần này cũng không phải nhỏ. Nhưng chuyện can hệ đến tính mệnh, cẩn thận không thừa, bỉ nhân phải nhắc nhở tiên sinh rằng những ngày gần đây phải hết sức chú ý đến sự an toàn của người thân, cẩn thận kẻo bị ma quỷ tới đòi mạng. Ta đưa trước cho mấy lá bùa, tiên sinh và người nhà cứ đeo lên người, tạm thời có thể tránh được họa, nhưng đây không phải là kế sách lâu dài!” Nói xong, hắn đưa cho Lý Khởi Minh năm lá bùa.
Lý Khởi Minh cảm ơn rối rít nhưng vẫn không chịu thò ra một đồng. Tiên Nhân Thủ không hề tỏ ra nôn nóng, trong lòng đã có tính toán trước và trò hay sắp diễn ra.
Vì đã được tên chân trong dẫn mối cung cấp hết thông tin từ trước, Tiên Nhân Thủ biết rõ nhà họ Lý có bao nhiêu người, nên hắn đã không làm đủ số bùa để phát hết cho cả nhà, như vậy chắc chắn bọn người hầu sẽ chẳng đến lượt. Lúc này nếu đột nhiên xảy ra chuyện với một tên người hầu nào đó thì rõ ràng chuyện này đúng là có thật rồi.
THIẾT CHÚ SÁT NHÂN
Tiên Nhân Thủ bắt đầu xuất sát. Theo thông lệ, khi Đường khẩu cần trừ khử người nào đó thì đều do Đại Bá đầu đảm nhiệm. Nhưng Tiên Nhân Thủ nóng lòng muốn lập công, muốn thể hiện bản thân mình nên hắn xin Tổ Gia cho phép tự mình ra tay.
Đầu tiên, Tiên Nhân Thủ phân tích rõ sự việc này cho Tổ Gia nghe. Lần xuất sát này khác với những lần trước. Đó là phải giết một cách bí hiểm, ly kỳ và hoàn hảo, phải làm sao để người ta tin rằng thực sự có ác quỷ về đòi mạng, phải dựng lên một kỳ án nghìn đời vẫn không thể phá được. Hắn đã làm thế nào? Bắn chết người chắc chắn là không được rồi, vì sẽ để lại vết đạn. Dùng dao đâm ư? Sẽ để lại vết dao. Dùng dây thừng siết cổ cho đến chết sẽ để lại vết lằn. Nếu hạ độc thì chỉ cần dùng kim châm bạc sẽ điều tra ra ngay. Mà người này phải chết một cách “thanh thản”, không có bất kỳ một vết thương hay dấu vết bị hạ độc nào kia.
Tổ Gia hỏi: “Làm thế nào?”
Tiên Nhân Thủ đáp: “Thiết chú.”
Phương pháp này không nhắc đến thì thôi, chứ nhắc đến ngay cả Tổ Gia cũng phải rùng mình. Thiết chú chính là dùng một dùi sắt dài chừng 30 cm, to chừng ngón tay út, một đầu được mài nhọn hoắt, rồi nung đỏ cả que sắt đó lên, dùng kìm kẹp que sắt đã được nung đỏ, đâm vào trong người qua hậu môn, que sắt sẽ đâm thẳng vào trong bụng qua trực tràng, xiên thủng vùng bụng dưới, tiếp đến đâm xuyên qua chín khúc ruột, rồi đâm tới dạ dày, cho đến khi toàn bộ que sắt được xiên vào nằm gọn trong người qua hậu môn.
Phương pháp giết người này xuất hiện lần đầu vào thời nhà Tống. Thời đó, Bao Công đã phá được vụ án này. Thủ pháp này quả thực vô cùng kín đáo, có thể phủi tay sạch sẽ. Thử nghĩ xem, nếu cứ dùng que sắt nguội mà đâm vào, chắc chắn sẽ bị chảy máu, cả phân và nước tiểu đều sẽ lòi ra, hơn nữa sẽ rất khó đâm vào trong. Còn que sắt đã được nung đỏ nóng đến hơn 700 độ C thì lại khác. Sau khi được đâm vào người, đi đến đâu nó sẽ đốt cháy đường đi đến đó, máu sẽ không thể chảy ra được.
Thời xưa người ta chưa biết tới kỹ thuật mổ khám nghiệm tử thi như ngày nay, nên quan lại thời đó dù có giỏi đến đâu cũng khó mà phát giác ra điều bí ẩn trong đó. Vào thời Tống, một gian phụ đã dùng chiêu cực hiểm này để mưu sát chồng, nhưng trong lúc thực hiện, vì quá căng thẳng, lo lắng nên đã không đâm que sắt vào sâu hẳn trong người, khiến hậu môn không co khít lại được. Chỉ sau vài ngày, Bao Thanh Thiên đại nhân đã tìm ra manh mối. Hơn nữa, nay đang lúc thời cuộc rối ren loạn lạc, ai buồn hao tổn tâm sức đi truy xét cái chết của một tên người hầu.
Đương nhiên, muốn dùng thủ pháp Thiết chú mà giết người thì cần phải đánh thuốc mê người đó, hoặc người đó phải bị say khướt đến nỗi không biết trời đất gì nữa, nếu không cứ thế mà đâm que sắt vào hậu môn anh ta, đau quá anh ta sẽ cắn đứt lưỡi mà chết.
Việc này suy cho cùng không phải do một mình Tiên Nhân Thủ làm. Tổ Gia sợ hắn tay chân lóng ngóng, đã phái cả mấy cao thủ giỏi võ công của Đường khẩu đi cùng, nửa đêm lẻn vào nhà họ Lý, sau khi thổi mê hồn hương, lấy chăn quấn một tên người hầu lại rồi khiêng đi. Nhân lúc anh ta còn đang hôn mê, hai tên tay chân sẽ cạy lỗ hậu môn ra, còn Tiên Nhân Thủ sẽ tự mình đâm que sắt đã được nung đỏ vào trong, sau đó lại đem cái xác chết này về nhà họ Lý. Kết cục, một người vô tội đã chết một cách âm thầm lặng lẽ.
Ngày hôm sau, mặt trời đã lên cao, sau khi cả nhà họ Lý thức giấc mới tá hỏa lên. Vừa tìm người, vừa đi báo quan, bên Cục Quân thống cử vài tên lính đến, chúng loay hoay nửa ngày trời cũng chẳng phát hiện được gì, cuối cùng đưa ra kết luận người này chết vì “bệnh đau tim”. Nhưng Lý Khởi Minh lại không nghĩ như vậy, sắc mặt của tên người hầu nhợt nhạt, toàn thân không bị thương tổn gì. Hắn bất giác nghĩ đến chuyện oan hồn đòi mạng mà Tiên Nhân Thủ đã nói, nên lập tức sai người đi mời Tiên Nhân Thủ đến. Vậy là mọi thứ đều diễn ra theo đúng kế hoạch, Lý Khởi Minh phải dốc sạch tiền của vừa để làm lễ giải hạn, vừa để xây từ đường cho nhà họ Trương.
Lần này, Trương Nhị Cẩu trong lòng hả hê vui sướng lắm, nhưng hắn đâu ngờ được rằng đây là niềm vui sướng cuối cùng trong cuộc đời hắn. Tiên Nhân Thủ cũng sẽ hạ độc thủ hắn. Tại sao lại phải làm như vậy? Bởi dàn cục kép kiểu này rất dễ bị lộ cục, tức một khi hai nhà làm hòa với nhau, hoặc giả Nhị Cẩu say rượu như cha hắn năm xưa, để lộ ra mọi chuyện thì coi như xôi hỏng bỏng không, vậy nên, Tiên Nhân Thủ cũng phải bịt miệng cả hắn ta nữa. Vốn định tạo ra một vụ hỏa hoạn để thiêu chết cả nhà là xong, nhưng Tổ Gia không đồng ý, cuối cùng Nhị Bá đầu nói: “Không cần giết người, cho nó bị câm thôi. Câm rồi sẽ không hé răng được nữa.”
Tiên Nhân Thủ nói: “Không nói được, nhưng hắn có thể viết.”
Nhị Bá đầu nói: “Vậy thì làm cho hắn bị ngớ ngẩn vậy.”
Tổ Gia suy tính một hồi, nói: “Tha cho bọn trẻ con. Đừng làm hại chúng!”
Khi từ đường nhà Nhị Cẩu được hoàn thành, cả nhà ai nấy đều vui mừng mở tiệc thiết đãi Tiên Nhân Thủ. Tiên Nhân Thủ mang theo “tiêu dao tán” được Tứ Bá đầu bí mật điều chế từ nhựa cây trúc đào và chất độc của loài cá nóc đến bữa tiệc. Đây là loại kịch độc gây tổn thương não, sau khi ăn phải, độc tính đi qua miệng và đường tiêu hóa, đầu tiên sẽ khiến người ta ngất lịm. Trong một ngày người sẽ lờ đờ lả đi mấy lần, người bình thường sẽ cho rằng đó là do bị kiệt sức mới vậy. Chẳng đến nửa tháng, độc tính phát tác, đại não và tiểu não cùng bị teo đi, khiến người đó trở nên ngớ ngẩn.
Thấy người nhà Nhị Cẩu bị ngớ ngẩn, nhà họ Lý hỏi Tiên Nhân Thủ rằng đó có phải là báo ứng không? Tiên Nhân Thủ nói: “Đương nhiên rồi, tiên sinh mang tiền của ra để đổi lại tính mạng, còn bọn họ đã không làm vậy. Họ gây chuyện thị phi cho nhà tiên sinh, kẻ nào gây ra tội nghiệp thì kẻ đó sẽ phải tự gánh chịu sự trừng phạt của ông trời.” Lúc này, người nhà họ Lý đều thở phào nhẹ nhõm, vì trước đó phải bỏ biết bao nhiêu tiền của ra xây từ đường cho kẻ thù, trong lòng oán hận. Nay thấy nhà họ Trương gia cảnh lụn bại, người thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mối hận thù trong lòng này mới tiêu tan.
Tiên Nhân Thủ đã nhờ vào Trát phi mà dẹp bỏ ân oán của hai nhà, kiếm được bộn tiền về cho Đường khẩu. Cuộc đấu đá ngầm và cuộc đọ độc kế của hai nhà kéo dài suốt ba đời cuối cùng đã chấm dứt bởi tay A Bảo. Tiên Nhân Thủ vốn nhờ vào vụ này mà ngồi vững chắc ở vị trí Thất Bá đầu, nhưng người tính không bằng trời tính. Quả đúng như lời hắn ta nói “trời phạt”. Hắn ta lên cơn điên, mấy hôm sau thì chết. Mặc dù Tổ Gia đoán là hắn bị bệnh dại, nhưng lại không tìm được căn nguyên của căn bệnh này.
Cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, tôi có đọc được trong cuốn sách Sinh học của con, mới biết rằng loài dơi cũng mang trong người virus gây bệnh dại, nhưng xác suất rất thấp, chỉ 0,5%. Vậy mà xác suất nhỏ nhoi này đã rơi vào đúng Tiên Nhân Thủ, đã là ý trời thì khó có thể tránh được.
Lần dàn cục này vô cùng hoàn mỹ, nhưng hậu quả cũng thật bi đát. Sau khi xong việc, Tổ Gia cũng không tổ chức ăn mừng như mọi lần, ông nhốt mình trong phòng rất lâu. Không ai biết ông đang nghĩ gì. Ông đang sám hối ư? Hay đang nghĩ phải làm thế nào để truyền lại cho anh em trong Đường khẩu đạo nghĩa lớn lao của tôn chỉ “Thay trời hành đạo” của mình? Bao nhiêu năm nay, ông chưa từng giết người vô tội, nhưng lần này ông đã phá lệ. Do thiếu tiền ư? Mặc dù hai năm nay công việc làm ăn của Đường khẩu không thực sự tốt, nhưng Tổ Gia cai quản Mộc Tử Liên hơn 20 năm, dày công vạch kế hoạch, tìm cơ hội xuất chiêu, tính cả lớn nhỏ cũng đến cả nghìn vụ dàn cục. Tứ đại Đường khẩu Đông Tây Nam Bắc chắc cũng có tích lũy riêng, chỉ cần bớt ăn bớt tiêu, dăm ba năm nữa cũng chẳng thành vấn đề.
Những việc sau đó càng khiến các Bá đầu không sao hiểu được, thậm chí bọn chân tay còn tỏ ra oán trách ông. Đó chính là lần tổ chức Đại đường hội vừa rồi, Tổ Gia đã mang rất nhiều vàng bạc của Đường khẩu tặng không, biếu không cho các Đường khẩu khác. Các vị Bá đầu không hiểu vì sao Tổ Gia lại đem bao nhiêu tiền của xương máu của anh em đi cứu tế, khiến các anh em khó khăn thiếu thốn. Chỉ phát cho họ ít bạc gọi là có không được hay sao?
Tổ Gia nói: “Trước đây, khi gia nhập Đường khẩu, các ngươi đều đã phát lời thề. Tại sao đến lúc quan trọng lại quên sạch? Mặc dù không cùng chung một Đường khẩu, nhưng mọi người đều thuộc Hồng Môn, đều là truyền nhân của phái Giang Tướng, đều là anh em một nhà.”
Những lời này khiến mọi người im lặng. Tổ Gia nói không sai, khi uống rượu tiết gà, mọi người đều hừng hực khí thế hô to: “Từ nay nguyện kết làm anh em trong thiên hạ, bốn biển đều mang họ Hồng, cắt máu ăn thề, các anh em cùng chung sức chung lòng.” Những ngày tháng xưa hào hùng, mọi người cùng tụ hội chung một lời thề, cùng dìu dắt, giúp đỡ lẫn nhau.
Những lời này của Tổ Gia mặc dù đều là sự thật, nhưng tác phong làm bất cứ việc gì cũng luôn để lại đường lui cho mình khiến người ta cảm thấy có điều gì đó bất thường ở ông. Móc sạch hầu bao của Đường khẩu đi cứu tế cho các Đường khẩu khác, ông không sợ anh em, thuộc hạ của mình phải thất vọng hay sao?
Kẻ tầm thường rốt cuộc vẫn chỉ là kẻ tầm thường, không có tầm nhìn xa trông rộng được như Tổ Gia. Những việc sau này đã chứng minh Tổ Gia muốn chơi một ván cờ lớn, ông muốn trở thành Đại Sư bá vang danh thiên hạ, hơn nữa còn là một Đại Sư bá duy nhất. Đây mới là chân tướng của vấn đề.
Mấy chục năm nay, Tổ Gia đã sớm nhìn ra căn bệnh trầm kha của phái Giang Tướng: Tứ đại Đường khẩu mạnh ai nấy làm. Mặc dù mỗi năm đều có họp Đại đường hội một lần, trong cuộc họp cũng đạt được một vài thỏa hiệp, nhưng toàn bộ phái Giang Tướng không có nổi một người lãnh đạo thống nhất và khả năng chấp hành mạnh mẽ. Đó chính là nguyên nhân khiến nó không thể làm nên được việc lớn.
Giờ đang là thời điểm phong ba bão táp, lòng người dao động, là lúc Tổ Gia cần phải mua chuộc, thu phục nhân tâm, ông muốn thâu tóm toàn bộ phái Giang Tướng về tay mình. Tất nhiên không thể để mất bất kỳ một A Bảo nào. Đạp lên đống bạc trắng lóa và đi trên vũng máu tươi của những oan hồn. Tổ Gia muốn bước lên đỉnh cao nhất của phái Giang Tướng.
----------------------------------
Quyển 1: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5) (Tập 6) (Tập 7)
Quyển 2: (Tập 8) (Tập 9) (Tập 10) (Tập 11) (Tập 12) (Tập 13) (Tập 14)
Quyển 3:
Bản quyền thuộc về tác giả Dịch Chi