Thợ săn mất mạng
Người bị hổ xám ăn thịt kinh dị ở ngay gốc gạo sau thiếu nữ Đinh Thị Son là ông Cổ Dứa, anh em trong họ với ông Đinh Văn Riệc, cùng tuổi với ông Riệc.
Ông Đinh Văn Trinh dẫn tôi đến nhà ông Đinh Xuân Ngân, là cháu ông Cổ Dứa. Ông Ngân sống trong ngôi nhà tềnh toàng, cách gốc gạo chừng 500 mét, thuộc bản Yên Sơn (Thành Yên, Thạch Thành, Thanh Hóa).
Nhắc đến thần hổ xám, đôi mắt lòa của ông Ngân ngấn nước, uất hận.
Ông Ngân bảo, thần hổ xám cũng chính là kẻ thù truyền kiếp của gia đình ông và của cả dòng họ Đinh ở xứ này.
Ông Ngân khẳng định, thần hổ xám không chỉ biến thành cụ già, mà còn biến cả thành rắn hổ khổng lồ để cắn chết bố đẻ của ông (?!).
Trong suy nghĩ của ông, thần hổ xám không chỉ ăn thịt người, cắn chết người, mà còn có cả phép thuật khiến gia đình ông điêu đứng, người chết bệnh, người chết trẻ, người tai biến chết, rồi bản thân ông cũng mù lòa…
Theo ông Ngân, ông Cổ Dứa là bác ruột của ông. Cái tên Cổ Dứa là gọi theo tên con, chứ tên thật của ông là Đinh Văn Vật.
Ông Vật nổi tiếng là thợ săn hổ, cùng ông Đinh Văn Riệc ngày đêm vào rừng truy lùng giết thần hổ xám khi thần hổ ăn thịt thiếu nữ Đinh Thị Son. Thế nhưng, trong một chuyến đi săn hổ, ông đã bị hổ ăn thịt thảm khốc.
Sau khi cô Son bị hổ ăn thịt, khoảng một năm sau, tháng 7 âm lịch, đúng ngày rằm, sau khi đặt bẫy ở lối mòn, ông Vật dắt dao găm, lưng đeo súng tranh thủ đi lấy nhựa trám.
Thế nhưng, đến 5 giờ chiều, thì dân làng nghe tiếng hổ gầm vang dội từ phía chân núi, chỗ cây gạo. Bình thường, khoảng 6 giờ chiều, nhập nhoạng tối, hổ mới mò về. Nhưng nó mò về sớm như vậy, chắc chắn là có sự chẳng lành.
Nghe tiếng hổ gầm, dân bản chui hết vào trong nhà, cửa đóng then cài, khua chiêng gõ trống. Các gia đình kiểm đếm, thấy các thành viên đầy đủ, chỉ thiếu ông Vật.
Ông Riệc cùng các thợ săn hú vang, song không thấy tiếng ông Vật hú lại, chỉ thấy tiếng hổ gầm lồng lộn. Mọi người tập hợp đông đủ, súng ống, giáo mác tiến về phía cây gạo. Mọi người đến nơi, thấy thần hổ xám đang ngồi liếm mép bên gốc gạo. Ai nấy đều kinh hồn bạt vía.
Ông Đinh Văn Riệc giương súng bắn một phát, con hổ chồm lên, xông đến. Ông Riệc quyết tử cầm giáo xông vào đấu hổ. Các thanh niên thấy ông Riệc liều mình, cũng xông đến ứng cứu. Hổ xám khổng lồ biết không đấu lại, liền nhảy tót vào rừng, biến mất tăm tích.
Nhìn quanh gốc gạo, một cảnh tượng đau xót hiển hiện trước mắt.
Chiếc dao găm dính máu, dính cả lông hổ nằm ngay gốc gạo. Điều đó chứng tỏ ông Đinh Văn Vật đã đánh nhau quyết liệt với hổ xám và đã đâm nó một nhát thấu thịt.
Tuy nhiên, cú đâm bằng dao găm không lấy được mạng nó. Con hổ đã cắn chết ông, phanh thây ông thành nhiều mảnh, ăn gần hết thi thể ông Vật.
Mọi người vừa lau nước mắt vừa gom nhặt thi thể ông. Người nhặt được mảnh sọ, người nhặt được mái tóc, người lấy được mẩu tay, mẩu chân, vương vãi trên một diện tích rộng. Gom hết lại, chỉ thu dọn được khoảng 20% thi thể của ông Vật. Điều đó có nghĩa 80% thi thể ông đã bị con hổ khổng lồ này xơi mất.
Dân làng gom phần thi thể còn lại của ông Vật, đựng vào chiếc chăn, treo lên thân cây, rồi cho mấy người chạy ra huyện báo cáo quan huyện.
Quan huyện Thạch Thành cùng quân lính với súng ống tua tủa kéo vào Thành Yên. Quan huyện cũng có mối thâm thù với con hổ xám, nên treo giải rất lớn cho người giết được thần hổ xám khổng lồ.
Sau khi quan huyện xác nhận ông Vật bị hổ ăn thịt, thì người thân mới được phép đưa phần thi thể ít ỏi còn lại của ông Đinh Văn Vật về làng mai táng. Ông Vật bị thần hổ xám khổng lồ ăn thịt lúc tròn 50 tuổi.
Sau khi ông Vật bị thần hổ xám ăn thịt, gia đình đi xem bói, thì thầy bói bảo rằng, thần hổ sẽ còn hãm hại nhiều người trong gia đình, nên gia đình phải thờ cúng thần hổ.
Gia đình ông Ngân cũng thờ cúng thần hổ theo lời thầy cúng, nhưng vẫn tìm cách giết thần hổ để báo thù.
Bố đẻ ông Ngân, tức em trai ông Vật, là ông Đinh Văn Nhiệm, cũng là thợ săn tài ba, giết vô số hổ. Tuy nhiên, một lần, vào rừng săn hổ, khi đuổi theo một con hổ, ông đã bị con rắn hổ chúa khổng lồ đớp vào chân. Khi ông Nhiệm lê thân về đến sân nhà, thì hộc máu mồm chết.
Ông Ngân và ông Trinh, là thế hệ con, cháu đều có mối thâm thù với thần hổ xám, vì bị thần hổ xám giết hại cha. Hai ông tiếp tục trở thành thợ săn, tìm cách phục thù.
Hai ông tuy chưa một lần được giáp mặt thần hổ xám, nhưng đã bắn chết được con hổ chúa khổng lồ, mà theo hai ông, chính nó đã cắn chết ông Nhiệm.
Ngày đó, năm 1960, ông Ngân và ông Trinh vào rừng bắn hổ, đã gặp con hổ chúa khổng lồ nằm vắt ngang đường. Hai ông cùng giương cung, bắn mấy mũi tên độc găm vào thân con hổ chúa. Trúng tên độc, hổ chúa giãy chết đành đạch.
Con hổ chúa to và dài đến nỗi, hai người nhấc lên mà không nổi! Tuy nhiên, khi mời thầy cúng đến nhà, thì thầy cúng bảo, hổ chúa là do thần hổ xám hóa thành, nên giết hổ chúa thì chỉ giết được thân xác hổ chúa, còn linh hồn hổ xám thì không giết nổi (?!).
----------------
Đọc tiếp: Thần hổ xám báo thù kỳ 10
Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC
Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc