Cái chết của thần hổ
Khi con hổ khổng lồ, cùng một con hổ nữa đi theo, quắp cháu gái ông Trương Văn Tiện (Cẩm Lệ, Thạch Thành, Thanh Hóa) tha đi, không ai dám ra khỏi cửa. Riêng ông Tiện dắt dao vào lưng, rồi vác súng đuổi theo. Đuổi đến bãi nước, chỗ hổ xám từng ăn thịt bà Trương Thị O, thì thấy thần hổ xám đang xé xác người cháu gái Trương Thị Sen.
Không chút sợ hãi, ông Tiện, người được gọi là “Võ Tòng diệt hổ”, xông đến ngắm bắn. Súng nổ, hổ xám khổng lồ bỏ lại xác, nhảy tót vào rừng. Tuy nhiên, con hổ đi cùng thì không bỏ trốn, mà nó xông thẳng về phía ông Tiện. Con hổ vả một phát, khẩu súng bay đi vài mét. Nó chụp xuống, đè nghiến ông Tiện xuống đất, ra sức vả, cắn.
Mặc dù cú vả của con hổ khiến cánh tay toạc da, nhưng ông Tiện vẫn chống trả quyết liệt. Con hổ há miệng đớp, một tay ông bóp họng, một tay nắm lưỡi nó kéo tuột ra. Con hổ đớp một cái, rụng luôn 3 ngón tay phải của ông Tiện.
Vật nhau một hồi, thì cả người và hổ lăn xuống khe. Khi lăn đến thân cây khổng lồ, đổ ngang dốc, lợi dụng đà lăn, ông Tiện nhanh như sóc, dùng hết sức bình sinh ấn đầu con hổ chúi vào khe cây đổ.
Con hổ bị ấn vào khe, không đứng dậy được. Ông ghì chặt thân không cho nó chui ra. Khi ông Tiện và hổ đánh nhau, dân làng kéo đến, nhưng sợ quá, trèo tót hết lên cây, không ai dám xuống.
Khi ông thông báo đã khống chế được hổ, thì mọi người mới dám tụt xuống gốc cây và đến gần.
Mọi người dùng thừng trói con hổ khổng lồ này lại. Mấy người dùng dao chọc vào cổ, nhưng da hổ dai nhoách, dao chọc không ăn thua gì. Ông Tiện dùng dao nhọn dắt bên hông xiên thẳng vào cổ hổ, khiến da cổ toạc ra, máu chảy ồng ộc. Con hổ rống lên thảm thiết, rồi tắt thở.
Khi con hổ chết, thì ông Trương Văn Tiện cũng lăn ra ngất xỉu vì kiệt sức và mất máu. Một nhóm người chặt nứa ghép thành cáng khiêng ông về. Một nhóm khiêng thi hài cô gái Trương Thị Sen về làng mai táng. Con hổ xám mới xé bụng cô gái, chưa kịp ăn, nên xác Sen vẫn còn nguyên vẹn.
Mọi người khiêng xác be bét máu của ông Tiện về làng đặt ở giữa nhà sàn. Nhìn thân thể bị xé tơi tả bởi hổ, không ai tin ông có thể sống được. Mọi người cùng xẻ thịt con hổ, tính làm ma cho ông. Tuy nhiên, ăn xong hổ, thì ông Tiện tỉnh dậy, nhăn nhó kêu đau. Vậy là ông sống được.
Thầy lang giỏi nhất trong vùng được huy động đến bó thuốc cho ông. Hàng ngày, ông nhai tằm sống để tăng cường sức khỏe. Khi ăn hết hai nong tằm, thì ông khỏe lại như thường, tiếp tục sống đến 83 tuổi. Để trả thù cho hai cô em gái, ông Tiện đã quyết tâm vào rừng giết bằng được thần hổ xám.
Ông Trương Văn Nhởn dẫn tôi đi vòng vèo quanh những quả đồi, tìm đến đồi Si, quả đồi nằm giáp rừng già rậm rạp. Ngôi mộ ông Trương Văn Tiện, “Võ Tòng diệt hổ” là nấm đất nằm trên đồi, nhìn xuống bãi nước Cồ Cáp, nơi hai người cháu gái của ông bị hổ ăn thịt, cũng là nơi ông từng đánh nhau tay không với hổ, nơi ông giết thần hổ xám khổng lồ.
Chuyện “Võ Tòng” Trương Văn Tiện tiêu diệt thần hổ xám mang màu sắc liêu trai, vừa hư vừa thực. Câu chuyện đó giống như huyền thoại mà những thợ rừng thường kể cho nhau nghe trong những đêm lửa bập bùng nơi rừng già hoang vu.
Có thể, câu chuyện được thêu dệt nhiều cho thêm phần kỳ bí, hấp dẫn, nhưng không thể không công nhận rằng, ông Trương Văn Tiện là một “Võ Tòng diệt hổ” cực kỳ tài ba. Ông đã trở thành nhân vật thần thoại trong vô số những câu chuyện miền sơn nước này.
Ông Nhởn chỉ nơi ông nội Trương Văn Tiện giết thần hổ xám
Theo lời ông Trương Văn Nhởn, thì không ai được chứng kiến tận mắt cuộc tiêu diệt thần hổ xám của ông nội ông, tức ông Trương Văn Tiện. Tuy nhiên, ngày còn nhỏ, ông nội thường kể cho ông Nhởn chuyện giết thần hổ xám.
Hồi ấy, mùa hè năm 1959, đêm 14 trăng sáng vằng vặc, sao đầy trời, nhưng rất nóng nực, chừng nửa đêm, nằm không ngủ được, ông Tiện vác súng vào rừng kiếm con thú về ăn. Xuống đến chân nhà sàn, ông lại quay lên, dắt theo con dao nhọn và cầm thêm cây lao.
Ông Tiện đi dọc đồi Si, vòng xuống thung lũng, rồi lang thang ra vũng nước Cồ Cáp xem có con nai, con hoẵng nào đến uống nước không. Mon men lại một gốc cây lim lớn, nhìn xuống vũng nước với những bụi lau lác lưa thưa, ông Tiện giật thót mình, khi thấy một cục than đỏ rực đong đưa phía sau bụi lau thưa.
Là thợ săn thiện nghệ, nên nhìn ánh mắt đỏ rực thành tia đó, ông Tiện biết ngay là hổ. Ông tiến về phía bên phải tránh vật cản là bụi lau để quan sát rõ hơn. Không phải đoán mò gì nữa, đó chính là thần hổ xám, con hổ bị chột một mắt bởi thợ săn khét tiếng xứ Thành Yên.
Thần hổ xám đã ăn thịt cả trăm người, giết chết 2 cô cháu gái yêu quý tuổi mới 17-18 của ông Tiện. Biết đó là thần hổ xám, ông Tiện khá sợ hãi, nhưng nghĩ đến mối thù, ông bình tĩnh hơn, tìm cơ hội giết thần hổ, trừ hại cho dân.
Tiếng súng nổ đinh tai, xé toạc màn đêm yên tĩnh. Tiếng hổ gầm khiến cả làng Lệ Cẩm thức giấc. Khói súng tan, nhìn về phía bụi lau, không thấy màu đỏ rực như hòn than của mắt hổ đâu nữa. Như vậy, phát đạn của ông đã trúng mắt, xuyên vào đầu thần hổ xám.
Tuy nhiên, quan sát kỹ lại, thì ông Tiện thấy khối xám xịt đang phi về phía mình với tốc độ vũ bão. Ông Tiện quăng súng, rút cây lao, nhằm thẳng về phía thần hổ khổng lồ đang đà lao tới, phóng một cú trời giáng.
Cây lao xé gió, cắm phập vào ức hổ xám khổng lồ. Thần hổ xám như một đống thịt khổng lồ, theo đà lao, cắm vào gốc cây lim già, nằm giãy đành đạch, thở hồng học, máu tuôi xối xả.
Quyết không để thần hổ xám có cơ hội nào, ông Tiện rút dao đâm thủng tim, phổi, cắt đứt họng thần hổ xám. Thần hổ xám hôi rình nằm chết thảm khốc trên vũng máu.
Ông Tiện dùng dao cắt đứt đầu hổ, quăng xuống vũng Cồ Cáp. Ông đo bằng bước chân, thấy mình hổ dài 4 bước, tức khoảng 4 mét. Đó là con hổ to chưa từng có. Nó chính xác là thần hổ xám.
Giết hổ xong, ông Tiện chạy về làng báo với mọi người. Tuy nhiên, không ai dám vào rừng lúc trời đang tối. Sáng hôm sau, phải đến 8 giờ, mọi người mới tổ chức vào vũng Cồ Cáp.
Thế nhưng, điều lạ lùng là không thấy xác thần hổ xám đâu, mà chỉ thấy vũng máu đen sì. Mọi người nhảy xuống vũng nước mò, cũng không thấy đầu thần hổ. Quanh vũng nước, có rất nhiều dấu chân hổ lớn, phải đến cả chục con. Mọi người tin rằng, bầy hổ đã tha xác thần hổ xám đi nơi khác.
Câu chuyện diệt thần hổ xám của cụ Tiện có người tin, người không, nhưng có một sự thực, là từ năm 1959 về sau, người dân khắp vùng Thạch Thành không gặp thần hổ xám nữa, và cũng không có ai bị thần hổ xám ăn thịt.
----------------
Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC
Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc