04/06/2021 11:38 View: 4702

Thần hổ xám báo thù (Phần 11)

 Diệt hổ khổng lồ

Sau khi bà Đinh Thị Đào (Thành Yên, Thạch Thành, Thanh Hóa) bị thần hổ ăn thịt bên suối, thì thần hổ xám tiếp tục gây họa ở xã Thành Vinh, cách xã Thành Yên vài km.

than ho bao thu, ho xam ma tranh, thanh hoa

Hai mẹ con người làng Dàm, xuất thân từ vùng Thành Yên, đi làm nương ngô ở bãi Rum, đã bị hổ xám ăn thịt. Chuyện thần hổ xám về xã Thành Vinh ăn thịt một lúc hai mẹ con khiến dân khắp vùng rúng động sợ hãi.

Khi đó, ở Thành Vinh có một cao thủ bắn súng, diệt hổ, từng giết rất nhiều hổ. Ông này vốn là cảnh vệ của cụ Lý Bá Xừ, là một ông quan làm việc cho Tây. Biết tin thần hổ xám về làng ăn thịt, ông đã đích thân vác mấy khẩu súng nạp đạn sẵn, một mình vào rừng tìm diệt hổ. Người dân đòi đi theo hỗ trợ, nhưng ông không đồng ý.

Khi mấy tiếng súng vang lên cùng lúc, người dân mới lò dò tìm vào rừng. Tại mảnh đất giáp ranh làng Đụng và làng Dàm, một con hổ khổng lồ, thân to như bò, dài tới 4 mét nằm chết thẳng cẳng giữa vũng máu. Mấy vết đạn thủng tim, toạc cổ đã hạ con hổ ngay lập tức.

Cách đó không xa, cảnh vệ của cụ Lý Bá Xừ nằm thoi thóp. Những cú tát của hổ khiến ông toạc da, nát mặt. Ông được dân bản cứu sống, nhưng sau đó vài năm thì ông cũng qua đời.

Ngay khi nghe tin hổ xám khổng lồ bị tiêu diệt ở làng Dàm, ông Đinh Văn Riệc, cùng một số trai tráng họ Đinh đã chạy một mạch đến làng Dàm. Nhìn con hổ khổng lồ, thân dài 4 mét, lông xám, ông Riệc lạnh người.

Tuy nhiên, vén mắt con hổ, thấy không bị chột, ông như quỵ xuống. Vậy là, con hổ khổng lồ bị tiêu diệt này không phải thần hổ xám. Thần hổ xám khiến cả dòng họ ông điêu đứng, tang tóc vẫn chưa bị tiêu diệt.

Vài ngày sau, một tin dữ lại ập đến với gia đình ông Đinh Văn Riệc: Thêm một người nữa bị hổ vồ. Người này không phải trong họ Đinh, nhưng lại là người nhà bên ngoại ông Riệc.

Người thiếu nữ bị hổ ăn thịt ở thôn Lệ Cẩm, xã Thành Mỹ, chỉ cách làng Yên Sơn, nơi gia đình ông Riệc sinh sống một quả núi, với 2 giờ đi bộ.

Trở lại câu chuyện thần hổ xám ăn thịt người điên cuồng ở vùng đất Thành Yên. Khi đó, bao nhiêu súng đạn không tiêu diệt được thần hổ xám, khiến tất thảy mọi người đều hoang mang.

Dù là thợ săn thiện nghệ, không ngại đối đầu với thần hổ xám, song ông Đinh Văn Riệc lo lắng cho tính mạng gia đình, nên đã quyết định rời thung lũng giữa khe đồi Vạn Sát và núi Bộc Tổ Gà, nơi tổ tiên khai hoang, lập bản, để chuyển ra ngoài sinh sống.

Chỗ ông Riệc di dời ra giờ là làng Yên Sơn 2, nơi con trai ông, là ông Đinh Văn Trinh hiện đang ở. Mặc dù đã chuyển ra ngoài, nhưng hàng đêm, thần hổ xám vẫn hằm hè, “à uồm” đe dọa sự sống của những người thân.

Thần hổ xám có biệt tài kêu giống các con vật. Có lúc nó kêu “uôm uôm” như tiếng ếch, có lúc nó tác như con nai, hoặc gáy như gà rừng. Nó tìm cách dụ các con vật đến để ăn thịt, dụ cả con người đến để quắp đi.

Nhắc đến ông Đinh Văn Riệc, các cụ già xứ Mường Thành Yên đều biết tiếng tăm ông, là thợ săn hổ tài ba. Người dân kể về ông như huyền thoại.

Ông Riệc cao tới 1,8 m, nặng 80 kg, sức khỏe vô địch. Năm 1955, ông Đinh Văn Riệc là tổ trưởng tổ lương thực của xã. Thời điểm đó, ông phụ trách việc xây dựng kho lương thực. Tuy nhiên, ông bàn giao công việc cho anh em, còn bản thân ông thì ngày ngày đặt bẫy, vác súng vào rừng săn hổ, vì hổ ngày đêm quấy phá gia đình.

Ngoài súng hỏa mai, súng kíp, ông được cấp thêm một khẩu súng hạt nẻ. Gọi là súng hạt nẻ vì khi bóp cò, cò súng mổ vào hạt nẻ, hạt nẻ sẽ nổ, đẩy viên đạn chì to bằng quả cau ra khỏi nòng

Thời kỳ đó, loại súng này có sức công phá rất mạnh, bắn một phát có thể giết hổ lớn, thậm chí giết voi chỉ bằng một phát đạn. Năm đó, ông Trinh cũng đã 23 tuổi, là công an xã, công tác ở xã Thạch Cẩm. Ông Trinh cũng sở hữu mấy khẩu súng, cùng cha ngày đêm ủ mưu diệt hổ.

Khoảng tháng 4/1955, chiều xuống, thần hổ xám gầm rú ngoài rừng, nhưng một con hổ thường lại xông vào tận nhà ông vồ con chó khoang tha đi. Ông Riệc đuổi theo bắn chết con hổ tại chỗ.

Bầy hổ không sợ, tiếp tục đến bắt lợn. Ông Riệc đặt bẫy ngay đầu cầu thang lên nhà. Ông kéo thân cây võng xuống đất làm bẫy, rồi đặt lẫy gỗ ngay đầu cầu thang. Con hổ hơn 1 tạ định mò lên nhà, vướng vào bẫy, bị tóm sống.

Đích thân ông Riệc dùng dao chọc tiết con hổ này, phanh thây, gọi cả bản đến ăn. Thịt hổ ăn chẳng ngon gì, luộc tới 4 lần nước mà vẫn không hết mùi tanh, hôi, nhưng mọi người cứ ngấu nghiến ăn vì rất thù hổ. Theo lời ông Trinh, nước luộc thịt hổ đổ ra bãi cỏ trước nhà, vài hôm sau hàng vạn con sâu lạ bò lổm ngổm từ đất lên nhìn rất hãi.

Ông Đinh Văn Trinh nhớ lại: “Ngay khi nhà tôi giết con hổ đãi cả bản cùng ăn, thì một thầy cúng đi qua, bỗng ghé nhà tôi, gọi cả tôi lẫn bố tôi lại bảo: “Nhà này có cái rây bị hổ vồ. Ông nên thờ cúng hổ cẩn thận, đừng sát hại hổ nữa, kẻo sẽ mất mạng”.

Lúc đó, gia đình tôi lo sợ, tin lời thầy cúng lắm, nhưng bố tôi thì vẫn không sợ. Hổ đã ăn thịt chị gái tôi, cùng nhiều người trong họ. Hổ ăn thịt ai, thì người đó biến thành ma trành, không siêu thoát được. Chỉ có cách giết hổ, thì những ma trành bị hổ ăn thịt mới được đầu thai”.

Vài hôm sau khi ông thầy cúng ghé qua phán vậy, thì có một thông tin kinh hoàng ập đến: Cách làng Yên Sơn buổi sáng đi bộ (ông Trinh áng chừng khoảng 15 km), sâu trong rừng già, có 3 thợ sơn tràng bị hổ ăn thịt.

Ngay lập tức, mấy bố con ông Riệc, gồm cả ông Trinh, cùng các thợ săn thiện nghệ trong bản tìm vào khu vực đó. Ngay cạnh hang đá, chỗ cây đa khổng lồ là một xưởng xẻ gỗ lim. Những súc gỗ lim đã được xẻ thành hộp, nằm vương vãi. Cạnh đó là 3 xác người đã bị mất phần giữa.

Con hổ tàn ác đã giết cả 3 người, phanh bụng, moi ruột ăn trước. Cả 3 người xấu số đều bị hổ ngoạm gẫy cổ, móc toác họng. Nhìn cảnh ấy, ai cũng kinh hãi, dựng hết tóc gáy, không đủ can đảm đối mặt với thần hổ xám. Ông Riệc yêu cầu mọi người về bản, để lại một mình ông tìm cách tiêu diệt thần hổ xám.

Mấy anh em ông Trinh khóc lóc ghê lắm, đòi cha cho ở lại cùng giết hổ, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo rằng, khi nào dân làng nghe thấy tiếng súng nổ, vài tiếng sau không thấy ông về, thì mọi người hãy vào rừng tìm ông.

Khi đó là giữa tháng. Các cụ đồn rằng, hổ ăn thịt người thường nhìn trăng. Mặc dù có thể giết nhiều người một lúc, nhưng nó lại ăn làm nhiều lần. Vào những ngày trăng tròn, tức ngày rằm, thì nó sẽ ăn phần giữa cơ thể. Đầu tháng thì nó ăn đầu người. Cuối tháng thì ăn chân.

Khi đó đang là giữa tháng, nó xé bụng, phanh ngực ăn phần nội tạng. Chắc chắn, nó sẽ quay lại ăn tiếp phần giữa thi thể 3 sơn tràng này. Ông Riệc chắp tay trước ngực, hướng mắt về phía 3 thi thể đã bốc mùi khấn vái lầm rầm, mong linh hồn 3 người xấu số phù hộ ông để tiêu diệt con hổ khổng lồ, trừ hậu họa cho dân lành.

Còn tiếp…

----------------

Đọc tiếp: Thần hổ xám báo thù kỳ 12

Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC

Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc

Ma