04/06/2021 11:38 View: 3905

Thần hổ xám báo thù (Phần 8)

Sau khi thiếu nữ Đinh Thị Son, cô gái xinh đẹp của dòng họ Đinh ở xứ Mường, xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) bị thần hổ xám giết hại, thì cả xứ Mường Thành Yên sôi sục căm thù.

than ho xam bao thu ky 8, truyen ma, ho xam ma tranh thanh hoa

Dòng họ Đinh có mối thâm thù với loài hổ từ mấy đời nay, càng thêm căm hận loài ác thú này.

Thần hổ xám cũng sôi sục tìm cách trút hận, vì cụ cố dòng họ này đã bắn chột mắt thần hổ xám.

Vùi xác con gái rất sâu dưới lòng đất ngay tại nơi hổ ăn thịt con mình, ông Đinh Văn Riệc thề trước linh hồn con, sẽ quyết tâm hạ sát con hổ này, nhằm báo thù cho con. Cả dòng họ Đinh cùng vào cuộc, với vũ khí, cung tên ngày đêm vào rừng săn thần hổ xám, hạ sát bất kỳ con hổ nào từ to đến nhỏ.

Nhắc lại chuyện này, ông Trương Văn Gương, Chủ tịch xã Thành Yên, là rể của họ Đinh ở xứ Mường phóng ánh mắt vào đại ngàn hoang thẳm nói rành mạch:

“Hổ là loài động vật quý hiếm, cả thế giới tìm cách bảo vệ. Tôi là cán bộ phải làm gương, nhưng trong dòng họ tôi, dù sợ hổ, dù thờ hổ, nhưng con hổ là kẻ thù không đội trời chung của gia đình chúng tôi. Nhiều gia đình trong dòng họ tôi rước ảnh hổ về thờ vì sợ, nhưng tôi phản đối, không thờ hổ. Ai lại thờ kẻ thù của mình trong nhà”.

Cũng theo anh Gương, độ 20 năm trước, hổ vẫn về Thành Yên bắt lợn, dê, trâu bò, thậm chí bắt người. Thạch Thành là vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, rất rậm rạp, rộng lớn, hổ vẫn còn.

Các nhà khoa học về nghiên cứu khẳng định quanh cánh rừng Thành Yên vẫn còn 6 con hổ. Tuy nhiên, chúng không dám về bản nữa, mà trốn sâu trong rừng, di cư dọc các sống núi, rừng rậm sang tận Cẩm Thủy, Quan Hóa.

“Nói thật với nhà báo, cách đây độ hơn chục năm, ông Phận hàng xóm nhà tôi bắn được một con hổ, khi đó tôi chưa làm cán bộ xã, tôi đến chứng kiến, cũng hả giận lắm. Tuy nhiên, đó là chuyện xưa rồi. Dù căm thù hổ lắm, nhưng giờ hổ không làm gì được người nữa, thậm chí còn sợ con người, nên cũng kệ nó thôi”, ông Gương cho biết thêm.

Quay lại chuyện thần hổ xám, theo ông Đinh Văn Trinh, sau khi thần hổ xám ăn thịt bà Son, dòng họ Đinh sôi sục vào rừng tìm giết thần hổ. Nhiều cuộc đụng độ diễn ra, nhiều xác hổ đã bị dòng họ Đinh, dân Thành Yên phanh thây, nhưng thần hổ xám vẫn thoát thân.

Hổ xám khổng lồ bất chấp sự săn lùng, vẫn tìm về bản giết người.

Ông Đinh Văn Trinh dẫn tôi đến cây gạo khổng lồ, hiện nằm ở trung tâm xã Thành Yên. Cây gạo to đến 6-7 người ôm, không biết bao nhiêu tuổi.

Tổ tiên ông Trinh kể rằng, từ cả trăm năm trước cây gạo đã to như thế này. Điều kinh dị là quanh gốc gạo này, đã có vô số người bị hổ ăn thịt.

Ngày đó, rừng mọc ra tận chỗ gốc gạo. Gần gốc gạo có một con đường mòn, vốn là nơi sơn tràng nghỉ chân. Thần hổ xám thường phục ở con đường này để vồ người, kéo vào gốc gạo để ăn. Hồi ông Trinh còn nhỏ, độ 10 tuổi, chính mắt ông đã theo cha cùng dân bản vác súng, đốt đuốc vào gốc gạo giết hổ, khi nghe thấy tiếng hổ gầm.

Tuy nhiên, vào đến nơi, chỉ thấy bóng hổ xám khổng lồ vọt đi cùng tiếng “à ưm”. Ngay dưới gốc gạo, chỉ còn lại mái tóc người đàn ông, mấy mẩu xương, bàn tay, bàn chân. Dân làng đào hố chôn những bộ phận thi thể ấy xuống. Giờ nấm mồ vẫn còn.

Đã có cả chục người dân trong bản bị thần hổ xám xơi thịt ở gốc gạo.

Rất nhiều người nơi khác đi qua, không biết nơi đây là chốn hổ phục vồ người, nên đã mất mạng một cách thảm khốc. Xưa kia, quanh gốc gạo có một số nấm đất, là nơi vùi tạm những phần thi thể còn lại của người bị hổ vồ.

Trước đây, người dân dựng một ngôi miếu ở gốc gạo đó để thờ ma trành, thờ thần hổ, nhưng sau này Mỹ ném bom, thổi bay ngôi miếu, người dân cũng không dựng lại nữa.

Mặc dù, bây giờ cây gạo đã lọt vào trung tâm xã, hổ chẳng còn dám đến nữa, nhưng người dân nơi đây vẫn không dám đến gốc gạo, sợ bị ma trành, thần hổ hãm hại.

Bản thân ông Trinh cũng chỉ dám đưa phóng viên đến chỗ đường cái, chỉ cây gạo, chứ không dám vào tận gốc cây.

Quả thực, với người dân ở vùng đất này, thần hổ vẫn là một thứ gì đó ám ảnh khủng khiếp với cuộc sống của họ.

----------------

Đọc tiếp: Thần hổ xám báo thù kỳ 9

Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC

Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc

Ma