04/06/2021 11:39 View: 2929

Truyện ma: Nghiệp chướng (Tập 33)

Bẵng đi cũng đã 2 năm kể từ ngày ông Hải xây ngôi nhà mới, công việc vẫn thuận lợi. Đến năm 1977 là bà Hoài đã mở thêm được 2 tiệm vải trên huyện và 1 tiệm ở trên tỉnh.

nghiep chuong tap 33, truyen ma nghiep chuong truong le

Xưởng may cũng mở rộng sản xuất, nếu như hai năm trước xưởng may chỉ có 15 người thì nay số lượng ấy đã tăng lên là 100 người. Có tiền, có quan hệ bà Hoài mua thêm đất mở rộng kinh doanh.

Có vẻ như càng ngày mọi chuyện càng thuận lợi, chính vì vậy ông Hải lại càng tin rằng việc vợ chồng ông làm theo lời thầy Lã đem một nửa viên gạch vàng đi làm việc thiện thì nay gia đình ông càng ngày càng vượng. Cậu con trai cả cũng đã 5 tuổi, cậu thứ 2 cũng đã hơn 2 tuổi, cô Điệp vẫn đang giúp bà Hoài quản lý rất tốt chuyện làm ăn. Duy nhất chỉ có một điều, hai năm sau cô Điệp vẫn chưa lấy chồng và bà Hoài lại sinh thêm một cô con gái.

Mọi chuyện có gì đó cứ như một chu kỳ quay vòng, hai năm trước bà Hoài sinh cậu thứ hai, sinh xong ngay lập tức gia đình cực thịnh. Chuyện làm ăn lên như diều gặp gió, những đơn hàng từ Trung Quốc được những người của Bạch Hạc Gia giới thiệu đến với bà Hoài nhiều vô số kể.

Trong nước những tiệm vải cũng ngày càng làm ăn khấm khá.

Bà Hoài hạ sinh cô con gái cũng gần trùng với thời điểm mà ông Hải bán hai viên gạch vàng hai năm về trước, vợ chồng bà Hoài mừng lắm bởi ai cũng nghĩ sau đây họ sẽ tiếp tục giàu có hơn nữa. Kẻ ăn người ở trong nhà lúc này đã có. Sinh xong bà Hoài lại ở cữ, nhưng lần này mẹ bà Hoài không phải lên trông con nữa. Làm ăn được, ông Hải cũng không quên gia đình vợ, ông thúc giục vợ trợ giúp cho anh chị em trong nhà, ông cũng xây nhà mới cho bố mẹ vợ. Bà Hoài thì từ ngày xây nhà, có người ở cũng ít liên lạc với bố mẹ dưới quê hơn. Ngay cả khi ông Hải nói thu xếp về quê thăm mọi người bà Hoài cũng tìm cớ thoái thác.

Trưa hôm ấy sau khi cái Tươi dọn cơm lên cho ông chủ ( ông Hải ) ăn, ăn xong ông Hải nói với vợ:

- Mình ở nhà, tôi đến xưởng may.

Bà Hoài đột nhiên nói:

- Này, tôi đang tính cho cái Điệp lên trên tỉnh trông coi tiệm vải mới mở trên đấy, ông xem có được không..?

Ông Hải quay lại đáp:

- Sao lại chuyển cô Điệp lên đấy, chuyện làm ăn chính vẫn là ở dưới này. Điệp nó quản lý mọi việc rất tốt bà lại chửa đẻ, giờ chuyển cô ấy lên tỉnh tôi lo sao xuể được. Không được đâu, bà tìm người khác đi.

Sau câu hỏi dò thấy chồng có phản ứng như vậy bà Hoài không nói gì thêm nhưng đôi mắt sắc lẹm của bà nhìn theo sau lưng ông Hải khiến cho cái Tươi giúp việc phải giật mình, nó nói ấp úng:

- Bà chủ, tôi dọn được chưa ạ..?

Bà Hoài giật mình đáp:

- Ừ em dọn đi, mà này người cùng quê với nhau không cần phải xưng hô như thế đâu. Cứ gọi chị xưng em là được..

Tươi ngại ngùng trả lời:

- Dạ như vậy có được không ạ…?

Bà Hoài cười, có lẽ là người cùng làng nên bà Hoài nói chuyện có phần thiện cảm hơn:

- Xét về tuổi tác thì chúng ta cách nhau cả hai chục tuổi có hơn nhưng vai vế thì cũng chỉ là chị em thôi, bởi mẹ Tươi với mẹ chị cũng ngang tuổi nhau mà. Có điều Tươi sinh muộn, gọi chị em thôi, bà chủ với xưng cháu nghe nó không hay. Mà Tươi ở nhà này cũng được 2 năm rồi nhỉ, có điều gì vất vả cứ nói với chị nhé.

Tươi gãi đầu cười cười:

- Dạ vâng, bà...à nhầm chị cho phép thì em mới dám xưng hô như vậy. Em ở đây cái gì cũng tốt, anh chị cũng rất quý em, không có gì khó khăn cả ạ. Em chỉ xin chị cho em được ở đây giúp anh chị dài dài để em kiếm tiền nuôi bố mẹ. Nhà em giờ chỉ còn em là lao động chính, mấy người anh trai của em nghiện thuốc phiện kẻ chết, người sống cũng thân tàn ma dại…. Chị thương em, thương cảnh cùng làng cho em được hầu hạ anh chị, đừng đuổi em ạ.

Vừa nói Tươi vừa rấn nước mắt, bà Hoài khẽ gọi Tươi lại rồi nói nhỏ:

- Chị có việc này muốn nhờ Tươi, gần đây chị thấy chồng chị đi sớm về muộn. Mà chị mới sinh xong không ra ngoài được, Tươi giúp chị theo dõi chồng chị được không..? Mà chuyện này chỉ có chị với Tươi biết với nhau thôi, Tươi mà làm tốt, mỗi tháng chị sẽ cho thêm tiền gửi về cho bố mẹ.

Tươi nghe xong thì run rẩy đáp:

- Em, em sợ...sợ lắm… Lỡ đâu ông chủ mà biết thì em chết.

Bà Hoài cố ngọt nhạt:

- Đừng lo, chuyện này dễ lắm…. Ngày mai Tươi cứ đi đến tiệm vải của cô Điệp, Tươi giả bộ mang đồ ăn cho chồng chị. Mà Tươi có biết cô Điệp không nhỉ..?

Tươi gật đầu:

- Dạ có, em có gặp mấy lần… Chị Điệp xinh lắm nhé, gặp lần nào cũng cho em đồ ăn.

Bà Hoài nghe đến đây cau mày, đổi giọng lập tức bà Hoài quát:

- Nhà này để cho mày đói hay sao mà phải ăn đồ của người ta cho. Như thế là mày đang đi bôi xấu vào mặt người nhà này đấy.

Tươi giật mình vội vàng quỳ xuống chắp tay lạy:

- Bà chủ, bà chủ tha cho em…. Em lỡ lời, em không có ý xấu gì cả, bà chủ cứ đánh, cứ mắng em thế nào cũng được nhưng đừng đuổi em. Bà chủ sai gì em cũng xin làm, em xin bà chủ.

Đến đây thì bà Hoài khẽ cười rồi kêu Tươi đứng dậy, bà Hoài nói:

- Đừng quỳ thế, chị không đuổi em đâu. Đấy, chị chỉ cần em làm như chị bảo thôi. Nhưng mà không được nói ra ngoài với ai. ngoan thì chị sẽ thưởng. Giờ em dọn dẹp đi, chị ngủ một chút… Em để mắt tới bọn trẻ nhé.

Tươi bị một phen sợ hết hồn, từ ngày mẹ bà Hoài dẫn Tươi đến đây giúp việc cho nhà bà Hoài cũng đã được gần 2 năm. Ở cái tuổi của Tươi dưới quê người ta đã lấy chồng sinh con, có người còn sinh cả 2-3 con rồi nhưng Tươi vẫn phải lai lưng đi ở đợ bởi hoàn cảnh quá nghèo. Nhà có tất cả 7 anh em thì 6 người anh là con trai, đi lính cũng đã chết mất 3 người, 3 người còn lại nghiện ngập khiến cho gia đình Tươi đến cái bát mẻ cũng không còn, cứ lên cơn nghiện ba người anh của Tươi lại về nhà đòi tiền, không có tiền họ đập sạch, phá sạch….

Mới năm ngoái một người anh của Tươi cũng từ biệt cõi đời.

Cả nhà giờ này chỉ trông vào một mình Tươi, bố mẹ già yếu, cũng may mắn làm sao đẻ được 6 người con trai ông bà đã cao tuổi vẫn cố nặn ra được một cô con gái. Giờ đây cô con gái ấy đang phải gồng gánh trên vai cả gia đình. Tươi biết thân, biết phận nên ở nhà bà Hoài giúp việc cho vợ chồng bà Hoài không việc gì Tươi không làm. Tươi làm quần quật cả ngày lẫn đêm, vất vả nhưng đổi lại Tươi được ăn ngon, mặc ấm, tháng nào cũng có tiền để gửi về quê nuôi bố mẹ. Ông Hải cũng là người tốt nên không đối xử tệ bạc với ai bao giờ.

Nhưng Tươi lại rất sợ bà Hoài, mỗi lần nhìn ánh mắt bà Hoài lườm chồng là Tươi thấy lạnh cóng cả người. Sợ nhưng Tươi không bao giờ dám nói, chủ sai gì Tươi đều làm xong xuôi hết cả. Tươi đủ lớn để hiểu rằng bà Hoài đang ghen với cô Điệp, bà Hoài nghi ngờ ông chủ với cô Điệp có gì khuất tất bởi vì mấy hôm trước có mấy người hàng xóm sang đây thăm, trong lúc rót nước mời khách Tươi có nghe thấy mấy bà hàng xóm nói về ông chủ với cô Điệp. Họ nói toàn những điều không hay Tươi nghe thấy hết, họ bảo ông Hải ngủ với cô Điệp ở trong tiệm vải, cả hai đóng kín cửa không động tĩnh gì bao lâu sau mới ra.

Bà Hoài cũng đã thuê người theo dõi nhưng không phát hiện được gì, hôm nay bà Hoài muốn Tươi làm việc ấy chính là vì bà Hoài ghen lắm rồi. Bản thân Tươi rất quý ông chủ, ông Hải luôn biết trước biết sau, quan tâm mọi người trong nhà, tuy miệng bà Hoài nói sẽ cho thêm tiền nhưng chưa bao giờ làm thế, chỉ có ông Hải là vẫn hay cho tươi vài đồng hay mỗi khi thấy Tươi làm việc cực quá ông Hải cũng giấu vợ cho Tươi tiền bởi hoàn cảnh của Tươi ông Hải và cô Điệp đều biết, đó chính là lý do vì sao gặp Tươi cô Điệp hay mua đồ ăn cho Tươi.

Cô Điệp sợ Tươi đói, mua đồ ăn cho Tươi để Tươi dành dụm tiền lo cho bố mẹ. Tươi thấy cả hai đều rất tốt, Tươi ghét mấy bà hàng xóm lắm nhưng do bà Hoài hay nói chuyện với họ nên Tươi không dám cãi. Trong nhà này nếu phật lòng bà Hoài thì Tươi chỉ còn nước cuốn gói về quê. Cách duy nhất chính là làm theo lệnh của bà Hoài để được ở lại.

Đêm hôm đó, khi mà ông Hải đang nằm trong buồng thì đột nhiên ông Hải nghe thấy ở phía trước nhà như có ai đang nói thì thầm, mà không phải là một người, càng lúc những tiếng rì rầm càng nhiều. Mà quái lạ, sao đêm hôm rồi ai lại tụ tập đứng trước nhà ông nói chuyện râm ran như thế, họ bàn tán cái gì vào lúc 2h sáng thế này. Trùm chăn kín lại để không phải nghe nhưng lại càng nghe rõ hơn, ông Hải thấy chột dạ, có chút bất an. Mở cửa buồng đi ra ngoài, ông Hải cố gắng đi nhè nhẹ tránh gây tiếng động. Quả đúng là càng đến gần ngoài cửa chính nhìn ra cổng thì tiếng rầm rì nói chuyện ngày càng rõ hơn.

“ Nhà này...nhà này này….”

“ Đúng rồi, không...nhầm đâu…”

“ Chính là nhà này... Có nên vào hỏi không nhỉ..”

Cứ thế những người đó bàn tán với nhau không chịu ngừng, mà quái lạ, tại sao bên ngoài cổng đông người đứng nói chuyện như thế mà chó không sủa, con chó ngày trước đã chết năm ngoái, có lẽ con chó đã quá già để có thể sống cùng vợ chồng ông Hải. Cái chết của nó đến rất nhanh, mặc dù sáng ngày hôm trước nó vẫn còn quấn lấy chân ông Hải, nhưng sáng hôm sau Tươi quét sân sau và phát hiện con chó đã chết cứng ở trong vườn.

Nhưng sau đó ông Hải đã mua thêm hai con chó tây loại rất dữ tợn. Ngoài những người trong nhà ai mà bén mảng đến là cả hai con đều chực lao ra cắn đầy dữ tợn. Được cái chó tây rất nghe lời chủ, chỉ cần quát là chúng thôi sủa ngay. Vậy mà sao đêm nay mặc cho những người bên ngoài đứng nói chuyện hai con chó im lặng không kêu lên dù chỉ là một tiếng cực nhỏ.

Tiếng rì rầm vẫn thế phát ra, ông Hải bực mình mở toang cửa chính, bước ra lan can ông nhìn về phía cổng quát lớn:

- Ai đấy, đêm hôm không về nhà ngủ cứ đứng trước cửa nhà người ta nói chuyện gì đấy. Không đi nhanh tôi thả chó ra bây giờ.

Ngoài cổng chẳng có ai, hai con chó đang nằm trong sân nghe thấy tiếng chủ thì ngóc đầu lên nhìn rồi vẫy vẫy đuôi mừng. Ông Hải lúc này sợ tái mặt khi mà trước cổng chẳng có gì cả, ánh đèn từ hai cái bóng điện màu vàng đặt trên trụ cổng soi sáng đủ để ông Hải biết làm gì có ai đang nói chuyện. Cảm thấy không ổn, có gì đó gai gai người khi mà trong màn đêm lạnh hơi sương mọi thứ im lìm một cách đáng sợ, mặc cho cách đây mấy giây ông Hải vẫn còn nghe thấy tiếng rì rầm.

Quay trở vào nhà khép cửa lại, thì mọi chuyện lại tiếp tục:

Nhà này đấy….Không sai đâu..”

“ Đúng rồi….chính là nhà này…”

“ Thế có vào...hỏi không nhỉ….”

Lần này ông Hải không thể nhầm được, chắc chắn tiếng nói đang phát ra từ phía bên ngoài cổng. Nhưng không mở toang cánh cửa ra nữa, ông Hải he hé một chút rồi nhìn ra bên ngoài cổng. Có người, ông hải đếm:

- 1...2..3…...4…...5...6…...7….

Không phải là hai ba người mà đang có rất nhiều người đứng trước cổng nhà ông, người nào người nấy nhìn đều rất nghèo khổ, họ ăn mặc những bộ quần áo rách rưới, có cả người già trẻ con. Khi mà ông Hải đang hé mắt nhìn qua khe cửa thì đột nhiên một người phụ nữ đang bế đứa trẻ con trong tay quay ngoắt lại, cô ta đưa ánh mắt nhìn về khe cửa hẹp nơi ông Hải đang đứng, cô ta chỉ ngón tay gầy guộc xanh xao của mình về phía khe cửa rồi nhoẻn miệng nhìn ông Hải cười. Ông Hải toan đóng cửa lại vì sợ, nhưng điều khiến ông kinh hãi hơn đó chính là đứa bé mà cô ta đang bế trên tay, cái đầu của nó bỗng rơi xuống đất rồi lăn lông lốc về phía mép cổng.

Ông Hải ú ớ không phát ra thành tiếng, ông đóng sập cửa lại, bên ngoài vẫn còn đó những tiếng rì rầm đầy đáng sợ:

“ Nhà này phải không..”

“ Đúng rồi...chính là nhà này…”

“ Vừa nãy tôi thấy ông ta đó….. Ông ta đang ở sau cánh cửa kia kìa..”

- Cứu…..cứu….tôi….với…..- Ông Hải cố gắng kêu cứu trong nỗi sợ hãi đang bao trùm nhưng xung quanh chẳng có ai cả.

“ Loẹt...quẹt….loẹt...quẹt…”

Tiếng dép như bị ai đó lê đi đang ngày một tiến gần hơn đến chỗ ông Hải, ai đó phải chăng là những người đang đứng ngoài cổng kia đã vào được bên trong nhà. Tại sao hai con chó không sủa, ông Hải toát mồ hôi lạnh:

- Cứu...cứu….tôi.

--------------------------------

Đọc tiếp phần 34: Tiếng sét kinh hồn

Đọc trọn bộ: NGHIỆP CHƯỚNG - TRƯỜNG LÊ

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê

Ma