04/06/2021 11:38 View: 10061

Thần hổ xám báo thù (Phần 1)

Từ nhiều năm nay, người Mường ở huyện Thạch Thành (phía Tây tỉnh Thanh Hóa), ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thần rừng, thần núi, thì họ còn cúng… Ông Hổ.

than ho xam bao thu p1, truyen ma co that, ho xam thanh hoa

Dòng họ của ông chủ tịch xã Thành Yên bị hổ ăn thịt nhiều người, có mối thâm thù với họ hàng nhà hổ, nhưng vẫn phải thờ hổ trong miếu, những mong loài hổ sẽ tha mạng cho con cháu. Câu chuyện hổ ăn thịt người, báo thù người tới mức kinh thiên động địa sẽ được chúng tôi đăng tải chi tiết.

Oai linh hổ xám

Là phóng viên đi khá nhiều nơi, đến nhiều miền rừng sâu núi thẳm, song tôi cũng phải ngạc nhiên hết sức khi khắp vùng Thạch Thành, vùng đất không xa lắm, lại nhiều rừng rú đến vậy. Từ đường mòn Hồ Chí Minh như dải lụa quanh co qua những miền rừng, rẽ vào xứ Mường, với những xã Thành Yên, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Lâm… chẳng xa lắm. Đường xá cũng đến tận thôn, tận bản, ở những chỗ sâu nhất, xa nhất. Những nếp nhà sàn ở tận chân núi lẫn trong rừng già. Rừng tràn đến tận trụ sở UBND xã Thành Yên. Cạnh trụ sở xã có cây gạo, là nơi nhiều người bị hổ ăn thịt.

Đứng ngay gốc cây gạo ngàn năm khổng lồ, ước chừng 7-8 người ôm mới xuể, chỉ đi bộ vài phút đã đặt chân vào rừng. Những dãy núi bao quanh xã đều um tùm rậm rạp, toàn cây cổ thụ, gỗ quý. Tôi đã từng vào tận ngã ba biên giới, đến tận đỉnh U Bò của khu bảo tồn Phù Bắc Yên, rồi lạc giữa đại ngàn pơ-mu ở Văn Bàn, Sapa, những nơi thậm xa xôi, hiểm trở, song chẳng thấy ở đâu mà rừng còn rậm rạp như ở vùng đất này. Những nơi xa xôi, hiểm trở ấy mà người ta còn tha được gỗ ra, đằng này, rừng ngay trước mắt, đường xá thuận tiện thế mà người Mường nơi đây không vào rừng kiếm chác?

Đem chuyện này thắc mắc với chủ tịch UBND xã Thành Yên, ông Trương Văn Gương bảo:

- “Người Mường ở đây ngoài việc tôn trọng thần rừng, thần núi, thì sợ thần hổ lắm, không dám vào rừng lấy que củi, chứ đừng nói chuyện vào đó chặt phá rừng. Rừng là chốn hổ thần ở, nên không ai dám kinh động. Chỉ có mấy kẻ thợ săn, bất chấp tính mạng mới dám mò vào rừng. Nhưng những người vào rừng ăn cắp của rừng, đều chẳng ra sao, không nghèo đói thì cũng gặp tai họa. Ấy là do thần hổ trừng phạt. Dòng họ nhà tôi có mối thâm thù với hổ, nhưng cũng sợ lắm, phải thờ hổ, kẻo hổ ăn thịt lúc nào chẳng biết”.

Với các lãnh đạo chính quyền địa phương, khi được nhà báo hỏi về rừng, về động vật, thường nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Thế nhưng, ông Gương lại bày tỏ quan điểm coi hổ là kẻ thù truyền kiếp. Cũng dễ cảm thông với cảm xúc của ông, bởi đã có nhiều người trong dòng họ ngoại nhà ông bị hổ ăn thịt.

Câu chuyện hổ trả thù dòng họ này như thế nào, chúng tôi sẽ nói ở kỳ sau. Điều chúng tôi nhận thấy sau những ngày lang thang ở vùng miền Tây xứ Thanh này, đó là những câu chuyện kinh dị về hổ thần đã ám ảnh cuộc sống của người dân bao năm nay, đến mức họ chẳng dám đặt chân vào rừng, hoặc có đi vào thì cũng rón rén lắm.

Ông Đinh Văn Trinh, 81 tuổi, ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, thầy cúng và cũng là người trong dòng họ có mối thâm thù với hổ dẫn tôi lần mò dọc con sông Vó Ấm để đi tìm ngôi miếu mà dòng họ ông cùng dân làng lập ra thờ thần rừng, thần núi và đặc biệt là thần hổ. Con đường vào núi quanh co qua những thửa ruộng trập trùng, những nương sắn, nương mía ngút ngàn. Cứ đi một đoạn suối ông lại dừng chân nhấc bẫy bắt nòng nọc. Nòng nọc ở đây được gọi là con bâu bâu, to bằng ngón tay. Nó là con của loài cóc núi, to bằng chiếc bát, nặng cỡ 2-3 lạng. Loài cóc núi này đẻ trứng dưới suối, sinh ra nòng nọc.

Người Mường nơi đây ăn nòng nọc không phải vì đói, mà vì nó là… đặc sản. Bâu bâu bóc ruột nấu măng chua thì ngọt phải biết. Ông Trinh đan những cái sọt, thả những cành lá khoắn (một loại lá rừng có vị hơi chua), hoặc lá sắn nướng, vào sọt, buộc dây rừng rồi quăng xuống suối dụ nòng nọc đến ăn rồi trú ngụ trong sọt. Ngày nào cũng thế, trên đường vào ngôi miếu thắp hương, quét dọn, ông cũng đi dọc con suối Vó Ấm nhấc những cái bẫy này để bắt nòng nọc về bán hoặc ăn. Vừa nhấc bẫy, lội dọc suối Vó Ấm, ông vừa kể những câu chuyện kinh hãi về hổ.

Truyền thuyết người Mường kể rằng....

Người Mường đến định cư ở vùng Thạch Thành này đã mấy trăm năm. Khi đó, vùng đất này chỉ có rừng già, khỉ vượn và là lãnh địa của cọp. Ông Trinh đặt câu hỏi rằng, phải chăng người Mường nơi đây đã xâm phạm đến lãnh địa tôn nghiêm của cọp, nên cọp mới báo thù mà giết hại nhiều người đến vậy? Chỉ biết rằng, từ xưa đến nay, một số họ tộc người Mường ở vùng đất này vẫn thờ một con cọp, mà trong suy nghĩ của họ, nó là con cọp đã thành tinh.

than ho bao thu, ong dinh van trinh, than ho xam thanh hoa

Ông Đinh Văn Trinh

Nhiều gia đình xưa kia còn kinh sợ đến nỗi đặt hương án để thờ con hổ đó với niềm tin rằng, hễ thờ nó, nó sẽ không làm hại, thậm chí còn phù hộ cho làm ăn, cày cấy được phát đạt, dễ dàng. Các cụ kể lại, xưa kia, mỗi năm 4 lần, đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, các bản làng người Mường đều phải sắm trâu, bò, hoặc ít nhất cũng phải là dê, lợn, đem vào rừng cúng tế. Họ dựng ban thờ bằng tre, cắt tiết mổ gà, bày cả xôi thịt, rượu ngon cúng bái lâu lắm. Ông Trinh là người đang sống ở thế giới hiện đại, từng làm cán bộ, giao du rộng khắp, song cũng tin vào “cọp thần”.

Ông bảo, con cọp thành tinh ở cánh rừng Thạch Thành là loài “thiên lý nhĩ”, tức là nó có thể nghe được ngàn dặm, nên cúng tế ở đâu nó cũng biết để tìm đến thưởng thức đồ dâng. Cũng vì sợ “thiên lý nhĩ” của con cọp thành tinh này, mà chẳng ai dám mạo phạm, nói xấu hổ thần, vì nó xong, hổ thần ắt xuất hiện ăn thịt! Thầy cúng làm xong phận sự, thì lễ vật là trâu, bò, dê, lợn sẽ được cột vào gốc cây, rồi mọi người kéo về làng. Chiều xuống, cả làng cửa đóng then cài, đèn đuốc tắt hết. Từ cánh rừng nơi bày lễ cúng bái, tiếng “à ừm” vang lên từ cánh rừng hoang thẳm, tĩnh mịch, khiến tất thảy đều hãi sởn da gà. Tiếng trâu, bò rống thảm thiết rồi tắt lịm sau một cú đớp rung chuyển núi rừng.

Sớm hôm sau, dân bản kéo vào rừng, chỉ thấy còn cặp sừng trâu, bò, hoặc vài mẩu xương lợn. Hổ thành tinh đã về thưởng thức lễ vật. Năm nào dân bản cúng bái đầy đủ, thì không có ai mất mạng, còn không cúng thần hổ, thì mạng người phải thế. Thậm chí, người dân còn đồn rằng, năm nào không cúng hổ thần, mùa màng sẽ thất bát, lúa trồng chẳng thành hạt, cây cối chẳng chịu trổ hoa.

Ông Trinh kể rằng, trong đại ngàn Thành Yên có vô số hổ, nhưng con hổ thành tinh, hay còn gọi là hổ thần, là chúa tể của loài hổ. Nó là vị chỉ huy tối cao, là thủ lĩnh, gây ra những vụ tàn sát người ghê gớm. Ông không được tận mắt con hổ khổng lồ này, nhưng theo bố ông và các cụ kể lại, thì nó to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi hổ đồng loại. Thân nó dài khoảng 4 mét, mình to như con trâu, nó có bộ da vằn nhưng màu xám hơn, chứ không vàng như hổ bình thường. Hai mắt hổ thần đỏ lòm như cục than nóng rẫy lúc ban đêm, vuốt dài và sắc như dao chọc tiết lợn.

Con hổ này vả một cái, nửa thân cây cổ thụ toác ra, nên nếu con người trúng cú tát của nó, chỉ có nước rơi đầu mất mạng. Tiếng kêu của nó trầm, đục, sâu, lại vọng cả trăm dặm, khiến ai nghe thấy cũng bủn rủn tay chân, mất hết sinh lực. Cũng theo lời kể của các cụ, thì đôi tai của nó rất to, lúc nào cũng vểnh lên để lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó. Đặc biệt, trong lỗ tai ấy có hơn 100 vết đỏ như nốt ruồi son, chứng tỏ nó đã ăn thịt hơn 100 người.

Truyền thuyết của người Mường kể rằng, loài hổ hễ ăn thịt một người, thì trên tai sẽ có một vết đỏ. Mỗi vết đỏ tượng trưng cho một linh hồn. Những linh hồn bị con hổ ăn thịt sẽ đi theo nó, chịu sự sai khiến của nó. Khi trên tai loài hổ đã có 100 vết đỏ, thì con hổ đó đã thành tinh. Khi nó đã thành tinh, thì màu lông vàng sặc sỡ đặc trưng của loài hổ sẽ biến thành màu xám xịt, nhìn rất hung dữ, ghê rợn. Đó cũng chính là lúc nó trở thành chúa các loài hổ trong rừng. Điều đặc biệt là hổ thành tinh có thể sống vài trăm tuổi. Nó ăn hết con trâu một lúc, nhưng cũng có thể ẩn trong hang đá vài năm không cần ăn.

Phục kích giết hổ thần

Không biết từ đời nào, nhưng cha ông họ tộc nhà ông Trinh truyền lại rằng, tổ tiên có mối thâm thù với con hổ xám thành tinh trong rừng Thạch Thành. Ông cố 4 đời trước là một thợ săn thiện xạ. Ngày bé, ông nội thường kể lại những chuyến đi săn, giết vô số hổ của cụ. Người Mường có tục gọi tên theo tên con, có con thì gọi theo cháu, có chắt thì gọi theo tên chắt đích tôn.

Tên cụ thay đổi xoành xoạch, nên đến giờ ông Trinh chẳng còn nhớ được tên cụ nữa. Chỉ biết rằng, ngoài tội giết hàng chục hổ, thì cụ đã bắn trọng thương con hổ xám, chính là hổ thành tinh, chúa của bầy hổ trong rừng Thạch Thành.

Ngày đó, con hổ này ăn thịt không biết bao nhiêu người mà kể. Thậm chí, nó còn cả gan ăn thịt cả người nhà của quan huyện quản lý vùng Thạch Thành. Quan huyện ức con hổ này lắm, nên trao giải thưởng rất cao cho ai giết được con hổ, vừa để báo thù cho quan, vừa giữ tính mạng cho con dân của ngài. Rất nhiều thợ săn ở các vùng kéo đến. Quan Pháp có ham thú săn bắn cũng kéo đến Thạch Thành trổ tài, những mong hạ sát được con hổ, vang danh thiên hạ. Tuy nhiên, cả trăm thợ săn vào rừng đều thất bại. May chăng chỉ giết được vài con hổ nhỏ. Nhiều thợ săn thậm chí mất mạng khi giáp mặt hổ thành tinh.

Biết bị săn bắt, con hổ thành tinh này càng lồng lộn tức giận, phá phách cuộc sống xứ Mường, giết hại trâu, bò nhiều vô kể. Nó điên cuồng đến mức cứ cắn cổ trâu bò đến chết rồi bỏ đi, không thèm ăn. Ngay như gia đình nhà ông Đinh Văn Nhật (hiện 89 tuổi, vẫn đang sống ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên), sau này tai bay vạ gió, cũng bị con hổ thành tinh xông vào đàn bò, cắn chết một lúc 20 con, xác chồng chất, máu me đen xỉn cả một cánh rừng.

Chuyện con hổ cắn chết 20 con bò trong đàn bò 100 con của bố ông Nhật cùng một lúc là có thật, được ông Nhật và dân làng xác nhận, chứ không phải chuyện huyền thoại, huyễn hoặc. Không chỉ phá phách cuộc sống, giết hại trâu bò, mà nó càng điên cuồng cắn giết người. Trong hoàn cảnh đó, ông cố 4 đời trước của ông Trinh, dù rất tôn trọng con hổ, nhưng đã không chịu nổi sự tàn ác của nó, mà cùng hai người con vác súng hỏa mai, nỏ, bẫy vào rừng quyết giết con hổ thành tinh này.

Làng Bưng khi đó ở sát núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà, có mấy gia đình sinh sống. Nhà nào cũng lâm vào cảnh khốn khó vì bị hổ bắt sạch vật nuôi, quấy phá không kiếm ăn được. Nhà nào cũng ru rú trong nhà. Giữa núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà có một cái khe. Cứ chiều xuống, con hổ thành tinh thường cùng bầy đàn của nó từ rừng già ra, đi theo khe núi, rồi lần mò đến các bản làng bắt người, bắt vật nuôi. Ông cố nhà ông Trinh thường đặt bẫy hoặc phục kích ở khe núi này, bắt được cả chục con hổ, nhưng toàn là hổ thường. Riêng hổ thành tinh, ông mới chỉ được nghe tiếng gầm, chứ chưa bao giờ được giáp mặt mãnh thú.

Lần ấy, con hổ thành tinh này thường xuyên xuất hiện ở khu vực làng Bưng, nên ngay buổi chiều đầu tiên ông cố đã giáp mặt nó. Hôm ấy, ông cùng 2 người con trai bế một con dê vào rừng. Ông cột con dê vào gốc cây, ngay lối mòn, nơi chi chít dấu chân hổ vừa mới đi từ lúc sáng sớm. Hai người con trai cầm nỏ, hông đeo dao găm, ông cố đeo khẩu súng hỏa mai vào rừng. Họ chọn một tảng đá to và núp sau tảng đá đó, chờ con hổ đến ăn mồi.

Mặt trời vừa lặn khỏi đỉnh núi, tiếng khỉ hót, gà rừng gáy bỗng im bặt. Cả cánh rừng chìm trong không khí thâm u, tĩnh mịch. Là thợ săn thiệt nghệ, hiểu rõ tập tính loài hổ, nên ông biết rằng, khi cả cánh rừng đang náo nhiệt bởi tiếng kêu hót của các loài, mà bỗng im bặt, thì hổ đã xuất hiện. Oai linh của loài vật này khiến các loài phải kinh sợ, khiếp đảm, mà im re. Con hổ xuất hiện thật.

Trong đời săn bắn, giết hổ của ông cố, ông chưa từng sợ hãi một con hổ nào khi đối mặt, thế nhưng, ông đã dựng tóc gáy khi nhìn thấy con hổ này. Mặt ông cắt không còn giọt máu nào. Con hổ có màu lông xám xịt, to lớn, dữ dằn. Nó há miệng ngáp một cái, mà miệng rộng tưởng như đến ngót một mét. Thân nó to lớn bằng con bò, mà dài bằng cả cây sào. Mùi hôi từ cái ngáp của nó xộc ra, khiến cha con ông cố ở cách 20 mét, núp sau tảng đá mà như muốn ói. Nó bình thản tiến đến chỗ con dê, đớp một cái con dê mất hút trong miệng. Chỉ còn lại cái chân dê còn dính với dây thừng.

Ngày đó, mới có súng hỏa mai. Để nổ súng, phải châm lửa đốt và bắn từng viên một. Nếu bắn một phát, không trúng đầu, mà trúng phần mềm, thì con hổ không chết được. Khi bị thương, nó xông lên thì ba bố con ông cố chỉ có nước tan xác. Chờ cho con hổ bỏ đi, ông cố và hai người con trở về làng.

Hôm sau, khi đã làm xong giàn bắn trên ngọn cây, cao tới 10 mét, ông cố dắt theo một con trâu rồi vác súng hỏa mai vào rừng. Lần này ông đi một mình, không kéo theo hai người con nữa. Ông sợ, nếu ông không bắn chết được con hổ, thì nó sẽ tấn công giết hại cả nhà ông. Một mình ông đối mặt với con hổ, có gì mình ông chịu.

Khi mặt trời vừa xuống núi, ánh vàng rọi khắp nơi, thì trăng lưỡi liềm đã treo lủng lẳng trên đỉnh núi Bộc Tổ Gà. Ông cố của ông Đinh Văn Trinh ôm khẩu súng hỏa mai đã nhồi đạn nằm im trên giàn bắn. Ông phủ một đống cành lá, chỉ hở khe nhỏ quan sát và thò nòng súng xuống phía con trâu. Con cọp khổng lồ nhảy xổ từ rừng ra. Con trâu rống lên thảm thiết, tìm cách thoát thân nhưng bị sợi thừng chắc giữ lại. Con cọp quan sát tứ phía, rồi tiến đến đớp thẳng vào họng trâu.

Da loài trâu dày và dai, nhưng cú đớp mạnh khiến họng trâu đứt toác, máu phun ồng ộc. Hạ sát con trâu rồi, con hổ xám chúi đầu xé bụng, moi bộ lòng ra ăn. Lúc nó tập trung vào ăn uống, thường không chú ý quan sát xung quanh, nên đó là lúc khai hỏa. Ngọn lửa lóe lên từ diêm sinh. Một tiếng nổ như mìn làm chấn động núi rừng. Con hổ xám hộc lên dữ dội. Mặt nó đỏ lòm máu. Nó ngước nhìn lên phía phát ra tiếng nổ. Thấy người, nó lùi lại lấy đà, rồi phi thân lên ngọn cây nhằm chụp cái giàn bắn. Tuy nhiên, giàn bắn cao quá, nên cú nhảy của nó bị hụt. Nó dùng đôi tay khỏe như thép, móng vuốt như dao vả vào thân cây roang roác, khiến cây cổ thụ rung lên bần bật.

Ông cố không hề sợ hãi, mà giương nỏ tẩm độc ngắm về phía con hổ và liên tục nhả tên. Con hổ trúng mấy mũi tên độc, đau đớn, nên nhảy phóc vào rừng, biến mất tăm. Con hổ đi mất hút rồi, nhưng ông cố vẫn không dám xuống. Ông ngủ đến hôm sau, khi dân làng kéo vào tìm, mới dám tụt xuống. Cả đoàn người lần theo dấu máu, đi cả chục km trong rừng, nhưng không thấy xác con hổ đâu cả.

Sau lần đó, dân làng ai cũng nghĩ thợ săn họ Đinh ở vùng Thành Yên đã hạ thủ được con hổ xám dữ dằn. Quan huyện Thạch Thành đã tặng bạc cho ông. Tuy nhiên, thực tế, con hổ đó chưa chết. Phát bắn bằng súng hỏa mai chí mạng chỉ sượt mặt, làm mù một mắt con hổ. Mấy mũi tên độc găm vào người, nhưng cũng không giết được nó.

Sau vụ bị bắn chột mắt, con hổ xám càng hung tợn hơn, giết hại không biết bao nhiêu lương dân vô tội ở xứ Mường Thạch Thành. Rất nhiều người trong họ mạc nhà ông Đinh Văn Trinh đã bị con hổ này ăn thịt, trong đó có 2 người gần gũi nhất với ông chính là chị gái và bố đẻ của ông.

(Giải thích cho chú thích: Hổ ăn thịt con gái, thì người con gái sẽ biến thành Ma trành, đi theo phục vụ hổ. Đêm trăng, hổ thần biến thành người, thì ma trành cũng hiện thân để phục vụ thần hổ - chuyện Ma trành xứ Mường như vậy)

----------------

Đọc tiếp: Thần hổ báo thù kỳ 2

Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC

Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc

Ma