04/06/2021 11:43 View: 9235

Truyện ma: Nghiệp âm PHẦN 3 (Tập 1)

Vậy là chúng ta đã đi hết Phần 1 và Phần 2 của bộ truyện NGHIỆP ÂM - Tác giả Nguyễn Ngọc Quang. Khác với những bộ truyện ma mang đầy tính hư cấu và ly kỳ khác, bộ truyện Nghiệp Âm lôi cuốn người đọc bởi trong đó chứa đựng rất nhiều kiến thức tâm linh về đạo Mẫu, về nghi thức Hầu đồng, hầu bóng, về thần tích và quyền phép của rất nhiều vị Thánh Thần đang được người Việt tôn thờ. Tuy hư mà thực...

Đọc lại Phần 1 + Phần 2

nghiep am phan 3, tap 1, truyen ma, nghiep lam thay phu thuy 36

Phần 3 của Nghiệp Âm mà mọi người đang chờ đợi, tác giả sẽ mang đến điều gì bất ngờ trong thế giới tâm linh mà nhân vật chính của bộ truyện đang dấn thân vào? Chưa biết đó là gì, nhưng trước tiên hãy đọc tâm sự của tác giả về bộ truyện này - để hiểu tại sao NGHIỆP ÂM - KHÔNG TẦM THƯỜNG - KHÔNG ĐƠN GIẢN. 

Xin phép tác giả, Tamlinh.org xin đăng lại stt này: 

"Trằn trọc cả đêm không ngủ, lật hết trang sử này đến trang sử khác có liên quan tới Trần Triều. Quả thực, khi câu truyện này càng gần đi đến hồi kết thì bản thân tôi lại càng có sự háo hức. Phần vì trong giai đoạn này các nhân vật có liên quan đến lịch sử cũng như bối cảnh của Triều Trần sẽ được tái hiện một cách sinh động. Tuy nhiên, phàm là những việc có liên quan tới tiền nhân, thậm chí là nhân thần, càng phải có sự tôn nghiêm và quy tắc đàng hoàng. Bản thân tôi lo lắng  nên khi trời mới tờ mà sáng đã chuẩn bị giấy bút, soạn thảo bản tấu để trình lên tôn quan xin cho được chấp bút một cách xuôi thuận.

Tôi đến đền Trần Sơn Hải ven bờ sông Hồng, trong lòng cứ canh cánh sợ sớm quá nhà đền chưa mở cửa. May thay, trời thuận lòng người, lúc này nhà đền đã nghiêm trang đèn nến, trông cái sự uy linh mà con người ta lại càng thêm phần tôn kính. Tôi thiết trình bản tấu, bản tấu như sau: 

“Tiểu nhân họ Nguyễn, người xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm ngoại ô Thăng Long thành. Xưa nay từng nghe về sự oai phong lẫm liệt trung dũng của Trần Triều mà đem lòng cảm phục. Nay thế nước đang lên, thời đại thay đổi, con cháu Nam Việt còn nhiều điều thiếu xót trong sự thờ phụng đối với tiền nhân mà tự cảm thấy thẹn với lòng. Tiểu nhân nhìn trông phương Bắc thấy sử sách ngàn trang, con dân đất Việt xưa nay hiếm người biết được rằng Nam Việt ta dòng dõi tiên rồng bốn ngàn năm văn hiến cũng thật là oanh oanh liệt liệt. Tiểu nhân vì điều này mà trong lòng còn nhiều vướng bận, nay khẩn xin các vị tiên linh của Trần Triều, khấu lậy các vị Quân thần cho đến Trung thần ái quốc, các vị hoàng thân quốc thích, bá quan văn võ triều Trần, xin cho được sự linh ứng. Năm xưa, dưới thời vua Trần Hiến Tông, có quan Thủ đại tạng thư Hỏa chính trưởng trung phẩm, Phụng ngự, An Tiên Lộ chuyển vận sứ là Lý Tế Xuyên từng chấp bút ghi lại Việt Điện U Linh. Sau đó, có quan Tàng thư tại Quốc Tử Giám là Trần Thế Pháp cũng từng biên soạn Lĩnh Nam Chính Quái. Tất thẩy đều có đề cập đến sự linh ứng và oai nghiêm của tôn thần nơi nước non Đại Việt. Hậu họ Nguyễn tên Ngọc Quang, kẻ thường dân áo vải không muốn mai một đi những kiến thức ấy, dốc sức biên soạn Nghiệp Âm dị truyện, phàm là kể về sự ân oán âm dương, âu cũng là để nhắc con người hiểu thêm về nhân duyên thế sự, hiểu thêm về cái lẽ gọi là nhân quả đời thường. Nay đến chương truyện có muốn mạn phép nhắc đến tiền nhân. Xin được hoàng ân của Triều Trần và sự đồng thuận của chư vị tiên thánh mà cho được thuận buồm xuôi gió. Việc nhân nghĩa này phúc phần quả thật là vang vọng đi muôn nơi, con cháu đời sau nguyện giữ hương hỏa tôn thờ các vị quân vương. Phương Nam kia trời tỏ sao tường Vận đất trời tùy lúc thịnh suy Trần Triều gia vì dân dẹp loạn Đã ba lần đuổi giặc Mông Nguyên Từ Vương Hầu hay bá quan văn võ Dưới thiên tử lòng thành ắt còn son Dù mai này nghìn năm hay bốn bể Phận cháu con nguyện ghi tạc trong lòng. Tiểu nhân xin được tấu thỉnh lên chư vị, cúi đầu dập lậy chư vị cho được tòng tâm toại ý để cho con cháu đời nay biết đến cái hưng thịnh, cái hùng cứ của Đại Việt”.

***************

Vừa tấu lậy vừa run lẩy bẩy, cứ sợ rằng khi lên đài sẽ không được thuận ý. Ai ngờ đâu sau một lượt lễ bái chính ban và hai bên tả hữu, tôi liền đồng nhất tam bái gieo quẻ âm dương thì tức thì quẻ lên nhất âm nhất dương. Trong lòng mở cờ vui sướng, nghĩ bụng lần này có lẽ vạn sự sẽ được xuôi lọt, tôi bái tạ rồi lên đường ra về.

Hà Nội sau cơn mưa đêm thật quang đãng, cái tiết khí thổn thức tựa như mùa thu, hơi lạnh vui đùa bên con người ta tạo nên cảm giác sảng khoái cho thần trí. Con sông Hồng vẫn thế uốn lượn trải dài về ngàn trùng. Bao đời nay, nó vẫn nằm ở đó để chứng kiến từng giai đoạn của lịch sử, từng sự thăng trầm của các triều đại. Hy vọng rằng, tôi có đủ tâm và đủ sức để đem đến những câu chuyện mà mình biết, những câu chuyện mà bản thân cho rằng sẽ hữu ích với bạn đọc." 

Nguyễn Ngọc Quang

*****************************************************

Nghe lại Phần 1 + Phần 2

NGHIỆP ÂM - PHẦN 3

Năm ấy, Hưng Đạo Đại Vương bẩm lên Thánh Thượng rằng:

- Tâu bệ hạ, quân cần tinh chứ không cần nhiều, dù cho có trăm vạn binh mã mà không giỏi thì cũng coi như thua.

Hưng Đạo Đại Vương nói xong, bá quan văn võ trong triều ai nấy cũng đều tỏ ý nghi hoặc. Thế giặc Nguyên năm ấy mạnh như vũ bão, hiếm ai trên đời lại có thể bình tĩnh trước tin quân Nguyên xâm lược như Hưng Đạo Đại Vương. Ấy vậy mà trận Cao Lạng, quân Nguyên đại bại, cánh quân chỉ còn trên dưới trăm người, tháo chạy về châu Tư Minh. Trận Vân Đồn quân Nguyên thất thoát cả vạn thạch lương, Trương Văn Hổ phải lên thuyền bỏ chạy ra cửa biển.

Rồi cho đến trận Vạn Kiếp, quân Nguyên phải chia làm hai ngả thủy bộ rút về để bảo toàn lực lượng. Trận Bạch Đằng quân Trần dùng mưu kế bắt sống Ô Mã Nhi, quả thật là điều xưa nay khó để tin được.

Nhiều người cho rằng Hưng Đạo Đại Vương có thuật tiên thiên, đoán trước được sự thay đổi của vạn vật trong trời đất, dựa vào thiên tượng mà điều binh khiển tướng khiến cho quân Trần ẩn hiện vô cùng khó lường. Thế nhưng, cho đến mãi sau này, hiếm ai có thể biết được sự thật trừ những hậu duệ huyết thống của Trần gia. Thỉnh thoảng, mấy kẻ giang hồ đạo sĩ vẫn đồn nhau rằng “Ở đất thành Nam, có người tên Trần Hải biết được sự thật về phép tiên thiên của Hưng Đạo Đại Vương”.

___

Trích phần mở đầu của Nghiệp Âm phần 3.

Đọc tiếp: NGHIỆP ÂM 3 - TẬP 1: TẢN VIÊN SƠN THÁNH

... Ad để thông tin tác giả dưới cmt. 

Bản quyền thuộc về tác giả Nguyễn Ngọc Quang

Ma