Vừa dắt xe đạp vào nhà, ông Hải đã nghe thấy tiếng vợ:
- Đi mất xác đâu mà mãi không thấy về, ngó qua cửa tiệm một chút thôi chứ có gì đâu mà lâu thế.
Mẹ bà Hoài nói:
- Mẹ thấy thằng Hải thời gian này vất vả, nó cũng đi đi lại lại suốt. Mày cắn cẩu nó vừa vừa thôi.
Bà Hoài cãi cả mẹ:
- Làm gì mà vất vả, mới có vậy mà mẹ đã sợ anh ấy mệt rồi. Con trước đây còn chạy đôn chạy đáo khắp nơi ấy.
Ông Hải cố tình đóng cổng mạnh để gây ra tiếng động, mẹ vợ nghe thấy vội chạy ra nói:
- Hải về rồi hả con, ăn sáng đi mẹ mua để ở bàn kia rồi.
Ông Hải tuy không vui nhưng vẫn cố cười trả lời mẹ:
- Dạ con ăn rồi mẹ, vợ con lại khó chịu gì hả mẹ..?
Biêt con rể hỏi ý, mẹ bà Hoài vội nói đỡ:
- Không có gì đâu con, đàn bà chửa đẻ xong tính khí nó thường thay đổi thất thường, con đừng để bụng, có gì mẹ sẽ bảo nó.
Ông Hải vâng dạ rồi dắt xe vào dựng ở sát bờ tường, vào đến nhà bà Hoài nhìn chồng không mấy thiện cảm, bà Hoài hỏi trống không:
- Xưởng may thế nào rồi..?
Ông Hải bực mình lắm, nếu như bình thường ông đã mắng vào mặt bà Hoài ngay lập tức, nhưng nghĩ vợ mới đẻ cũng vất vả đủ các thứ nên ông cố nhịn, ông đáp:
- Thợ vẫn làm bình thường, tôi có nói họ những chỗ cần làm gấp để giao cho người ta rồi. Còn ở tiệm vải cô Điệp vẫn buôn bán tốt, sổ sách cô ấy có ghi rõ ràng lúc nào rảnh bà đến mà xem.
Bà Hoài bảo chồng:
- Đấy, ông xem rảnh rỗi thì ra tiệm mà phụ cho cái Điệp, bình thường hai chị em làm mới hết được việc, thời gian này đang ở cữ tôi không ra ngoài được. Ông nhớ đỡ đần cho nó, nó mà mệt quá không làm ở đây nữa ông đừng có trách tôi. Tiệm vải mà không có cái Điệp là không xong đâu.
Ông Hải lắc đầu thở dài rồi đáp lại:
- Rồi, rồi…. Tôi biết rồi... Bà cứ chăm con với giữ sức khỏe cho tốt là được.
Cứ như thế tầm gần hai tháng, ông Hải thay bà Hoài lo liệu công việc ở tiệm vải cũng như đốc thúc thợ bên xưởng may. Mới đầu còn bỡ ngỡ nhưng với sự chỉ dạy tận tình của cô Điệp, dần dà ông Hải cũng nắm được hết các loại vải trong tiệm. Biết phân biệt đâu là vải thượng hạng, vải tốt, đâu là vải nhập từ bên Trung Quốc, đâu là vải của Việt Nam mình.
Ông Hải cứ đi từ sáng xong đến tối mới về, tính ra ông không về nhà lại hay bởi cứ hễ thấy mặt chồng là bà Hoài lại sinh sự. Mà chẳng riêng ông nếu như mẹ vợ không phải là mẹ đẻ của bà Hoài chắc có lẽ bà cụ cũng không chịu nổi. Sau khi sinh cậu thứ hai, tính nết bà Hoài thay đổi hẳn, khác với hai năm trước, bà Hoài nhã nhặn, e dè khi đi ra ngoài còn sợ bị hàng xóm dị nghị thì nay bà Hoài kiêu căng, có phần khinh người. Bởi bà Hoài có suy nghĩ, ngày trước tao nghèo, tao là phận gái làm dâu đến nơi đất khách quê người nên bị người ta ghét. Nay một tay bà Hoài gây dựng nên cơ ngơi này khiến dân trong làng nể phục thì bỗng nhiên bà Hoài lại thấy họ tầm thường.
Một buổi trưa, bà Hoài đang cho con bú thì trời đổ mưa rào. Sấm chớp giật đùng đùng, ngôi nhà cửa nẻo bị hất bung ra khiến cho mưa cứ tạt thẳng vào bên trong. Mẹ bà Hoài phải vất vả lắm mới chèn được cửa lại, mẹ bà Hoài nói:
- Mưa giông sao đột nhiên to thế nhỉ..? Mà nhà có mấy chỗ cũng cũ rồi xem bảo chồng sửa lại đi con ạ.
Bà Hoài vừa ôm con vừa nói:
- Chậc, con cũng bảo nhà con rồi... Nhưng hai vợ chồng bàn tính cố gắng kiếm tiền để xây nhà mới trong vòng 1-2 năm nữa. tính xây mới nên con cũng không muốn sửa.
Mẹ bà Hoài đáp:
- Ừ tính thế cũng được, mà nếu không có thì xây cái nhà nhỏ nhỏ thôi cũng được.
Bà Hoài cười nhẹ:
- Sao không có hả mẹ, còn thừa ấy chứ…. Chẳng qua là…
“ Đoàng….Đoàng….”
Tiếng sấm nổ như tiếng bom phát ra ngay phía sân sau vườn, chưa bao giờ bà Hoài nghe thấy một tiếng sấm mà khiến cả ngôi nhà rung chuyển như vậy. Kèm theo đó là những tia sét lóe lên giữa màn mưa u ám. Hai cậu con trai đang nằm nghe thấy tiếng sấm cũng giật mình tỉnh giấc, cả hai khóc ré lên. Bà Hoài vội dỗ con, còn mẹ thì ôm cậu con trai cả để nó khỏi sợ. Mẹ bà Hoài nói:
- Sợ thật đấy, sấm nổ động cả trời. Nhà gần núi thế này cũng nguy hiểm. Mà như vừa rồi sét chắc đánh vào đâu rồi hay sao ấy.
Bà Hoài bị một phen đứng tim, ban nãy đang định nói gì bây giờ bà Hoài quên sạch. Sau tiếng sấm nổ, tiếng sét giật kinh thiên động địa ấy thì trời cũng tạnh mưa. Cơn mưa rào chớp nhoáng diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn không quên dọa chết những người yếu tim. Mẹ bà Hoài mở cửa lách ra nhìn về phía vườn sau, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi ngoài việc mưa to, gió lớn khiến cho lá cây rơi lả tả xuống sân vườn. Quay vào trong mẹ bà Hoài nói:
- Cây cối trong vườn thế kia mưa gió sét dễ đánh trúng lắm, rồi còn trên rừng… Mẹ thấy hai đứa nếu tính chuyện nhà cửa thì làm sớm đi con ạ.
Bà Hoài như sực nhớ ra điều gì, bà bảo với mẹ:
- Mẹ, mẹ... Mẹ đi ra ngoài vườn chỗ cái miếu với mấy ban thờ đá xem hộ con có bị làm sao không..? Nếu cành cây mà gãy rơi xuống miếu mẹ vứt đi hộ con với.
Mẹ bà Hoài chép miệng:
- Nhà cửa thì không lo đi lo cái miếu. Đây tôi ra xem đây, ban nãy còn tưởng sét đánh trúng vào đâu chứ.
Mẹ vừa bước ra ngoài thì đằng trước cổng lại có người gọi:
- Bác Hoài ơi, bác Hoài có nhà không đấy..?
Nghe giọng là bà Hoài biết ngay ai đang gọi, chẳng ai khác đó chính là bà Tằm, chuyên gia buôn chuyện, bán chuyện trong cái xóm, à không phải gọi là trong cái làng này thì mới đúng. Bà Hoài lẩm bẩm:
- Trời mới tạnh mưa xong nó đã sang ám quẻ được rồi.
Cất giọng bà Hoài gọi to:
- Mẹ ơi, mẹ xem ai gọi cổng giúp con với.
Mẹ bà Hoài cũng đến là khổ, lại tất bật đi từ vườn vào, bà cũng không quên chửi đổng:
- Cha bố nhà mày, mẹ mày năm nay cũng sắp xuống lỗ rồi đấy mà mày gọi như con ở. Đây đây….ra đây…
Xách túi táo vào trong bà Tằm nở nụ cười thân thiện:
- Hi hi em chào chị, cháu chào bác…. Tính sang thăm chị mà mãi hôm nay em mới sang được. Chị có khỏe không chị..?
Bà Hoài cũng cười đáp lại bằng một nụ cười giả tạo không kém:
- Hì, cảm ơn cô, tôi khỏe, cháu khỏe... Nói chung nhà tôi ai cũng khỏe.
Bà Tằm đặt túi táo xuống cạnh giường rồi cười cười:
- Dạ vâng, thế thì đúng rồi... Mọi người đều khỏe là mừng rồi, nhất là bác Hải, công nhận càng ngày nhìn bác Hải càng phong độ, mà nhìn là biết khỏe rồi.
Không lạ gì cái con mẹ chuyên gia đâm chọt này nên bà Hoài thấy ngay trong câu nói vừa rồi có ẩn ý, bà Hoài hỏi lại:
- Này, cô nói thế là có ý gì…?
Mẹ bà Hoài mở cổng cho bà Tằm vào nhà xong thì cũng đi xuống bếp chuẩn bị cơm nước, bà Tằm nhìn xung quanh thấy chỉ còn có hai người mới khẽ nói:
- Ối giời ơi, chị cứ trong nhà thế này á….Mất chồng, mất chồng đến nơi rồi.
Bà Hoài cau mặt đáp:
- Này cái nhà cô kia, đừng có mà đơm chuyện. Có gì cứ nói toẹt ra nhé, sai sự thật đừng có mà trách tôi.
Bà Tằm lắc đầu cười nhạt:
- Vâng, cả làng người ta thấy chứ không riêng gì em đâu thưa chị. Ngày nào chẳng thấy cả hai hú hí với nhau trong tiệm vải, nàng còn mua đồ ăn sáng cho chàng, xong lúc ra về còn tiễn nhau ra đến bên ngoài. Chưa kể nhá, co người mua vải còn bảo lúc vào tiệm không thấy ai, gọi mấy câu mới thấy cái cô Điệp ấy đi từ buồng trong đi ra, quần áo thì xộc xệch. Nói đâu xa, lúc nãy trời mưa em đi từ ngoài đó về còn thấy cả hai đèo nhau trên xe đạp, ướt hết cả người đấy.
Bà Hoài trong lòng lúc này nổi lên cơn ghen điên cuồng, nhưng cố nuốt cục tức lại bà Hoài nói:
- Không có chuyện đó đâu, cái Điệp nó ở với tôi hai năm nay. Chẳng bao giờ nó làm thế, mà cô sang đây chỉ để nói vậy thôi hả..?
Bà Tằm khúm núm xun xoe:
- Chị tinh ý quá, em sang trước là để thăm chị còn sau em muốn hỏi vay chị mấy đồng. Nhà em dạo này khó khăn quá… Chị giúp em nhé.
Cũng muốn tống cổ con mụ lắm lời này về nên bà Hoài đồng ý lấy tiền cho mụ Tằm vay, bước ra đến cổng mụ Tằm vẫn cố nói một câu:
- Chị chị em em, không biết được đâu chị ạ... Gái Nam mồm mép nó khéo lắm, hơn nữa cứ phây phây ra thế kia đến em là đàn bà có chồng em nhìn còn thèm muốn nói gì cánh đàn ông…. Thôi em về chị nhé.
Bà Hoài giận đến tím cả mặt, hai bàn tay nắm chặt lại bà Hoài nghĩ thầm:
“ Khốn nạn thật, chẳng lẽ tiếng sấm động ban nãy là báo hiệu điềm chẳng lành xảy ra. “
--------------------------------
Đọc tiếp phần 29: Hoa văn quen thuộc
Đọc trọn bộ: NGHIỆP CHƯỚNG - TRƯỜNG LÊ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê