Phát súng chí mạng và sự trả thù của hổ xám
Như đã nói ở kỳ trước, cụ cố của dòng họ Đinh ở xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa), đã không dám nổ súng giết hổ xám khổng lồ khi núp sau tảng đá. Nếu một phát súng không hạ được nó, nó tấn công lại, sẽ mất mạng. Vì thế, ông chờ cơ hội khác.
Vài hôm sau, khi đã làm xong giàn bắn trên ngọn cây, cao tới 10 mét, ông cố dắt theo một con trâu rồi vác súng hỏa mai vào rừng. Lần này ông đi một mình, không kéo theo hai người con nữa. Ông sợ, nếu ông không bắn chết được con hổ, thì nó sẽ tấn công giết hại cả nhà ông.
Một mình ông đối mặt với con hổ, có gì mình ông chịu.
Khi mặt trời vừa xuống núi, ánh vàng rọi khắp nơi, trăng lưỡi liềm đã treo lủng lẳng trên đỉnh núi Bộc Tổ Gà. Ông cố của ông Đinh Văn Trinh ôm khẩu súng hỏa mai đã nhồi đạn nằm im trên giàn bắn. Ông phủ một đống cành lá, chỉ hở khe nhỏ quan sát và thò nòng súng xuống phía con trâu.
Con cọp khổng lồ nhảy xổ từ rừng ra. Con trâu rống lên thảm thiết, tìm cách thoát thân nhưng bị sợi thừng chắc giữ lại. Con cọp quan sát tứ phía, rồi tiến đến đớp thẳng vào họng trâu.
Da loài trâu dày và dai, nhưng cú đớp mạnh khiến họng trâu đứt toác, máu phun ồng ộc. Hạ sát con trâu rồi, con hổ xám chúi đầu xé bụng, moi bộ lòng ra ăn.
Lúc nó tập trung vào ăn uống, thường không chú ý quan sát xung quanh, nên đó là lúc khai hỏa. Ngọn lửa lóe lên từ diêm sinh. Một tiếng nổ như mìn của súng hỏa mai làm chấn động núi rừng.
Con hổ xám hộc lên dữ dội. Mặt nó đỏ lòm máu.
Nó ngước nhìn lên phía phát ra tiếng nổ.
Thấy người, nó lùi lại lấy đà, rồi phi thân lên ngọn cây nhằm chụp cái giàn bắn. Tuy nhiên, giàn bắn cao quá, nên cú nhảy của nó bị hụt. Nó dùng đôi tay khỏe như thép, móng vuốt như dao vả vào thân cây roang roác, khiến cây cổ thụ rung lên bần bật.
Ông cố không hề sợ hãi, mà giương nỏ tẩm độc ngắm về phía con hổ và liên tục nhả tên. Con hổ trúng mấy mũi tên độc, đau đớn, nên nhảy phóc vào rừng, biến mất tăm.
Con hổ đi mất hút rồi, nhưng ông cố vẫn không dám xuống. Ông ngủ đến hôm sau, khi dân làng kéo vào tìm, mới dám tụt xuống. Cả đoàn người lần theo dấu máu, đi cả chục km trong rừng, nhưng không thấy xác con hổ đâu cả.
Sau lần đó, dân làng ai cũng nghĩ thợ săn họ Đinh ở vùng Thành Yên đã hạ thủ được con hổ xám dữ dằn. Quan huyện Thạch Thành đã tặng bạc cho ông.
Tuy nhiên, con hổ đó chưa chết. Phát bắn bằng súng hỏa mai chí mạng chỉ sượt mặt, làm mù một mắt con hổ. Mấy mũi tên độc găm vào người, nhưng cũng không giết được nó.
Nhưng từ bấy, không thấy hổ xám khổng lồ xuất hiện nữa.
Cả năm trời đồng bào bản Mường khắp vùng Thạch Thành không ai bị hổ ăn thịt. Trâu, bò, dê, lợn cũng không bị hổ vồ. Điều đặc biệt là không ai nghe thấy tiếng “à ưm” hay “à uồm” của loài hổ vẫn vang lên đêm đêm từ phía rừng già.
Thế nhưng, cái sự bình yên ấy chỉ kéo dài được hơn một năm. Con hổ xám khổng lồ đã lại xuất hiện. Nhiều người nhìn thấy nó lừng lững đi lại mé rừng, với màu lông xám hơn, đôi mắt đỏ hơn chứa chất đầy căm hận.
Có người còn khẳng định thấy rõ trên tai nó có thêm nhiều nốt son, chứng tỏ nó đã ăn thịt thêm rất nhiều người. Vậy là hổ xám vẫn còn sống.
Suốt mấy chục năm sau đó, xứ Mường Thạch Thành sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Chẳng năm nào mà không có mạng người vô tội bị hổ xám và bầy lũ lâu la dưới trướng hổ xám ăn thịt. Lợn, dê, trâu, bò nó giết hại không biết bao nhiêu mà kể.
Nhắc đến hổ xám, tất thảy mọi người đều sợ hãi, kính cẩn.
Ông Đinh Văn Trinh kể: “Các cụ nhà tôi kể nhiều chuyện về ông hổ này lắm. Sau khi bị ông cố bắn thương, chột một mắt, ông hổ này trốn đi nơi khác dưỡng thương.
Ông hổ biết cố tôi là thợ săn thiện xạ, sức mạnh hơn người, nên ông hổ này không dám mon men đến khu vực nhà cố tôi nữa. Nhưng ông hổ này lại đi tàn sát, giết hại người ở nơi khác, mãi trên Cẩm Thủy, Quan Hóa, thậm chí sang tận Ninh Bình, Hòa Bình để bắt người.
Nghe các cụ kể về ông hổ xám, tôi cũng không hẳn tin ngay đâu, mà có thể nghĩ nó là truyền thuyết, nên tôi đã bỏ mấy chục năm đi tìm hiểu. Hễ sang bản nọ, làng kia, là tôi đem chuyện ông hổ xám ra hỏi các cụ già.
Điều lạ là bốn bề rừng núi Thạch Thành, đến bận biên giới, vòng sang rừng Cúc Phương giáp Hòa Bình, Ninh Bình, cách bản Yên Sơn cả trăm cây số, bản làng nào cũng thấy có người bị hổ xám khổng lồ ăn thịt. Ai cũng kể về ông hổ chột mắt, vằn vện màu xám, dữ dằn kinh khủng, thù hằn với loài người. Ông hổ chỉ sợ bản làng nơi ông cố tôi sinh sống thôi, chứ không sợ nơi khác”.
Theo lời kể của các cụ già mà ông Trinh thu thập được, thì con hổ xám này rất ác. Giống hổ tật nguyền lại thường ác hơn. Nó thường phục ở những con đường mòn gần bản, nơi con người hay đi lại, rồi ào ào chụp lấy, trút mọi oán hờn lên thân thể người vô tội.
Cứ vài ngày, nó lại mò về bản vồ một người.
Ăn thịt không hết, nó cào cấu, xé nát thân thể, moi lòng xả ruột rất thương tâm. Thậm chí, ăn thịt người no rồi, gặp người nữa, nó lại tấn công giết chết, hành hạ xác chết cho bấy thịt tan xương, cho hả dạ rồi mới bỏ đi. Các cụ đồn nó làm thế là để lại dấu hiệu cho loài người biết rằng nó đang báo thù loài người.
Cha ông của ông Trinh tin rằng, hổ xám khổng lồ vẫn còn sống và đang báo thù khắp nơi. Sớm muộn gì thì thần hổ cũng sẽ tìm đến làng ông, nhà ông để sát hại.
Sau khi dân bản họp bàn, đã thống nhất rước một thầy mo giỏi nhất vùng đến làng Yên Sơn xem xét sự tình. Ông thầy mo này đã bày lễ vật, thỉnh thần rừng lên nói chuyện, và biết rằng thần hổ xám đang báo thù.
Ông thầy mo đã hướng dẫn nhân dân lập miếu thờ hổ ở nhiều nơi. Ông còn dạy dân làng những lời cúng khấn, mà tổ tiên ông Trinh vẫn chép trong sách và đến ngày rằm, mùng 1, lễ, tết, ông vẫn khấn trong miếu. Lời khấn có đoạn:
“Ông mãnh thú thiêng liêng của rừng già, xin đừng hại lương dân vô tội nữa”.
Sau khi ông thầy mo này hướng dẫn nhân dân dựng miếu, nhiều gia đình lập hương án thờ ông hổ ngang hàng với tổ tiên mình. Bản làng làm lễ long trọng, tiến cúng lễ vật cho thần hổ xám.
Thế nhưng, mối thâm thù giữa hổ với người quá lớn, nên dù người dân có thành tâm cúng bái, thi thoảng hổ xám vẫn mò về ăn thịt người.
----------------
Đọc tiếp: Thần hổ xám báo thù kỳ 4
Đọc trọn bộ: THẦN HỔ BÁO THÙ - PHẠM DƯƠNG NGỌC
Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Dương Ngọc