04/06/2021 11:37 View: 2252

Truyện ma: Nghiệp báo hài nhi (Phần 21)

Những ngày tiếp theo không ai còn nghe thấy tiếng mèo kêu ở đâu nữa, sau buổi tối hôm ấy con mèo cũng không xuất hiện nữa. Vết máu mèo vương vãi khắp sân vẫn còn đó dù đã được đánh rửa. Con mèo biến mất cũng lại thành một chủ đề bàn tán mỗi khi bốn người nói chuyện trong bữa cơm, vừa gắp miếng thịt cho vào bát thì Tùng nói:

- Này, hôm qua tao để đôi giày bên ngoài, sáng nay thấy có vết chuột gặm.

nghiep bao hai nhi phan 21, truyen ma truong le

Duy cười:

- Ừ, mấy hôm nay cứ nghe thấy tiếng chuột kêu quanh khu bếp ấy. Nghĩ lại nhà này để không cũng lâu, xung quanh đây lại là vườn cây, bụi rậm, nhiều chuột là đúng. Có con mèo thì lại bẫy nó què chân. Haizzz.

Hữu tiếp lời:

- Nhưng tao thấy không có mèo cũng đỡ, chứ đêm hôm nghe nó kêu tao sợ không ngủ được. Cơ mà hôm đấy thằng Phước bẫy ác quá, nhìn cũng tội tội.

Phước lên tiếng:

- Thôi, thôi….tao biết rồi, tại tao bực nó cứ tha lôi rác rưởi về đây, cứ vứt đi nó lại tha về. Hôm đó tao cũng hơi quá đáng thật.

Hữu được đà:

- Mày có biết hôm ấy tao mà quay clip lại rồi đưa lên hội những người yêu chó mèo là mày chết trong khẩu nghiệp rồi không..? May cho mày đấy, đây là bọn tao còn hiền, chứ vào mấy nhà cẩu quyền, mèo quyền là mày sáng nhất facebook vì tội hành hạ chó mèo.

Cả bọn được phen cười rũ rượi sau phát biểu của Hữu và bộ mặt có phần lơ ngơ của Phước. Hôm nay cả 4 thằng đều không phải đến trường, ăn cơm trưa xong Duy đưa ra ý kiến:

- Này, ở đây cũng gần một tháng rồi. Nhưng cái nhà kho vẫn chưa dọn, đợt nọ bà An đến đây nói ra điều dọn cho bà ấy đấy. Chiều nay mỗi thằng một tay một chân dọn cho xong cái nhà kho đấy đi.

Tùng hỏi lại:

- Trong đó thấy có bàn ghế, rồi cả tủ, với mấy túi đồ hình như là đựng quần áo. Nhìn vẫn còn mới lắm, thế dọn như nào..? Chả nhẽ đem ra bãi rác vứt đi..?

Duy suy nghĩ một chút rồi đáp:

- Ừ tao cũng nhìn rồi, đồ vẫn còn mới, phủ bụi thôi. Bà An bảo đấy là đồ của người thuê trước khi anh bà ấy về đây ở. Mà lạ nhỉ, thuê nhà sắm đồ mà lại bỏ lại hết, hay là như này, tao thấy hàng xóm xung quanh đây toàn nhà cũng không có, mà hình như họ hơi xa cách với bọn mình. Để tao đi sang hỏi thử xem nếu họ có lấy thì mình chuyển sang cho. Vừa dọn được kho mà lại không phí phạm. Bà An cũng bảo mấy thứ trong kho đem vứt hết đi mà.

Ba thằng còn lại nhất trí luôn, cả bọn đều cho rằng ý kiến của Duy là hợp lý nhất. Một công mà hẳn đôi ba bốn việc, Hữu nhanh nhảu:

- Hay mày để tao đi hỏi cho, chúng mày ở nhà chuẩn bị sẵn sàng dọn là được.

Phước bắt thóp:

- Mày định chạy sang nhà hàng xóm có hai em học cấp 3 kiếm mối chứ gì..? Khôn như…...người ấy.

Mới hơn 12h trưa nhưng Hữu đã sốt sắng chạy ngay sang bên hàng xóm, đứng ngoài cổng thấy ngoài bể nước hai chị em nhà kia đang ngồi rửa bát, chắc nhà họ cũng mới ăn cơm xong, Hữu cất tiếng gọi:

- Cô ơi, chú ơi…...Nhà có ai không..?

Một người trong số hai cô gái quay lại đáp:

- Ai đấy, ai gọi đấy ạ..?

Cô gái đứng lên vẩy vẩy tay cho ráo nước rồi đi ra, nhưng đi được nửa đường cô nhận ra bên ngoài cổng là một trong 4 anh chàng nhà bên cạnh. Ngay lập tức cô gái quay vào, Hữu vẫn cố gọi:

- Ơ...ơ….em ơi….anh nhờ chút việc được không..?

Trong nhà có một người phụ nữ đi ra, chắc là mẹ của hai cô gái, người phụ nữ đó đứng ở giữa sân nói vọng ra:

- Cậu kia có việc gì đấy..? Không nhờ vả gì đâu, về đi.

Hữu cười toe toét:

- Dạ không, cháu chào cô….Không hẳn là nhờ đâu ạ, chẳng là bên nhà cháu trong kho có ít đồ dùng còn mới lắm, cô đi sang xem thử nếu mà dùng được thì bọn cháu bê sang cho, chứ để vứt đi nó cũng phí.

Những tưởng thiện ý đó sẽ được gia đình cô hàng xóm thấy vui lòng, nhưng Hữu không ngờ sau câu nói của mình, điều mà Hữu nhận lại là một tràng chửi vuốt mặt không kịp:

- Quân ba trợn, biến khỏi cổng nhà tao ngay… Tao không cần đồ đạc gì của chúng mày cả… Biến đi, hai con này đi vào trong nhà.

Chửi dứt mồm, người phụ nữ cùng hai đứa con đi vào nhà đóng sầm cửa lại, nhưng ngay sau đó bà ta lại đi ra, tưởng bà ấy là gì, ai dè bà ấy thả con chó đang xích ở góc cửa rồi chỉ tay hướng về phía cổng.

Con chó gầm gừ sủa lên ầm ỹ rồi lao thẳng ra ngoài cổng, nó chồm lên cánh cổng tre như muốn ăn thịt Hữu. Hữu sợ quá co chân chạy thẳng về nhà, phía nhà kho thì Duy, Phước, Tùng đang đeo găng tay, xắn quần, xắn áo chuẩn bị chuyển đồ. Thấy Hữu hớt hải chạy về, cả bọn hỏi:

- Sao, thế người ta có lấy không để biết đường còn chuyển sang.

Hữu mặt tái xanh, lắc đầu nguầy nguậy:

- Không...không...lấy đâu... Mà...mà sao cái nhà bà này dữ thế, tao chỉ gọi hỏi có lấy đồ không để cho mà bà ấy thả chó ra đuổi tao… Lại còn…. lại còn chửi tao không ra gì..? Đúng là điên mà..?

Phước ôm bụng cười lớn:

- Ha ha ha, tại cái mặt mày hãm thế nên mới bị chửi đó.

Duy hỏi :

- Thế bà ấy chửi làm sao..?

Hữu trả lời :

- Tao vừa bảo cô ơi có ít đồ còn mới cô xem dùng được thì bọn cháu bê sang cho, ai ngờ bà ấy chửi luôn, xong bảo tao không cần đồ đạc gì của chúng mày cả, cứ như là tao bị hủi ấy.

Duy lắc đầu thở dài, bởi Duy cũng đã đoán được người xung quanh sẽ chẳng ai nhận đồ đạc từ ngôi nhà này, đến nói chuyện thông thường họ còn chẳng nói. Những ngày qua Duy vẫn cố gắng tìm hiểu xem rốt cuộc ngôi nhà này có cái gì mà mọi người lại tỏ thái độ như thế. Giả dụ tất cả người dân ở đây họ đều tỏ ra như thế với nhau thì còn hiểu được, đằng này Duy thấy nhà này với nhà khác vẫn sang nhau chơi bình thường, gặp gỡ nhau họ vẫn chào. Chỉ duy nhất họ cư xử lạ với những người ở trong ngôi nhà này. Vấn đề này thì mỗi Duy là chú ý bởi sau cuộc nói chuyện với cô gái nhà bên và được đưa lời cảnh bảo nên Duy vẫn đang cố đi tìm lời giải đáp. Duy thở dài nói với các bạn:

- Thôi, không cần hỏi ai nữa, cứ dọn hết ra bãi rác.

Cả bọn chung tay vào dọn nhà kho, bên trong nào là ghế, nào là tủ nhỏ xếp chồng lên nhau. Toàn đồ dùng để lâu nên bụi tung mù mịt, tính Duy cần thận nên trước khi dọn dẹp cái gì Duy đều kiểm tra lại, từ từ từng thứ một được bê ra ngoài nào bàn, nào ghế, rồi cả những túi bóng đựng quần áo. Trong túi quần áo có cả quần áo người lớn lẫn trẻ con, mở ngăn kéo bàn ra còn có cả son phấn, nước hoa chưa dùng hết. Tùng hỏi:

- Lạ nhỉ, trước ai thuê nhà này mà lại để hết đồ dùng lại thế này. Nhìn xem này, trong này có cả những bộ quần áo trẻ con tầm 6 tuổi vẫn còn tem mác. Rồi quần áo người lớn vứt đống như giẻ lau.

Phước đáp:

- Thì người ta nhiều tiền, chắc là thuê nhà ở tạm thời thôi, sau có nhà mới họ không dùng nữa.

Mấy thằng gật gù đồng ý, nhưng Duy thấy trong ngăn kéo còn có cả một khung ảnh nhỏ để tấm hình một gia đình hai vợ chồng chụp cùng 1 đứa con trai. Nhìn cậu nhóc trong ảnh đúng là khoảng 6 tuổi. Đành rằng đồ đạc không cần nhưng ít ra những bức ảnh gia đình thế này phải mang đi chứ.

Tặc lưỡi Duy cho vào tất cả những thứ lặt vặt vào trong túi rồi đem đi vứt. Cũng mất khá nhiều thời gian bốn thằng mới chuyển được phân nửa số đồ cũ ra bãi rác. Trên đường đi những ai nhìn thấy Duy cùng nhóm bạn cũng đều né tránh.

Cả ngày vác đồ nặng nên tối đó ăn cơm xong ai về phòng nấy nghỉ ngơi luôn. Nhìn đồng hồ mới có 8h tối, chẳng hiểu sao mắt Duy díu lại, ngáp ngáp Duy ngủ thiếp đi lúc nào không hay, nhưng vừa chợp mắt thì Duy đã phải chứng kiến một sự việc lạ lùng.

“ Két….kẹt...kẹt…”

Cánh cửa phòng của Duy đang từ từ mở ra nhưng bên ngoài không hề có ai. Duy cất tiếng gọi:

- Ai đấy..?

Chẳng ai trả lời, cánh cửa mở toang, gió từ đâu thổi lùa vào bên trong phòng tạo thành những tiếng hu hu đầy gai góc. Điện ngoài hành lang cũng không bật, khung cảnh tối om. Duy ngồi dậy, bước xuống giường rồi đi ra khỏi phòng:

- Hữu ơi, Phước ơi, Tùng ơi…. Chúng mày ngủ hết rồi à…?

Đối diện phòng của Duy là phòng Hữu, lúc này cửa phòng cũng mở, nhưng bên trong phòng Hữu cũng không bật điện. Bốn bề im ắng không có lấy một tiếng động, rèm cửa sổ trong phòng Hữu bị gió thổi tung lên bởi cửa sổ không đóng, Duy thấy lành lạnh bởi dường như trong ngôi nhà này chỉ có một mình Duy mà thôi. Nhưng không phải, khi mà Duy đang đứng trước phòng Hữu thì bất ngờ đằng sau vang lên tiếng trẻ con đang cười khúc khích :

“ Hi...Hi...Hi…..Hi Hi Hi…”

“ Chơi...với….con...đi…..Con...ở….đây….này…”

--------------------

Xem thêm phần 22: Ngôi nhà gạch cuối đoạn đường đất

ĐỌC TRỌN BỘ NGẢI HÀI NHI - TRƯỜNG LÊ 

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê

 

Ma