Khoảng 3 ngày sau, bà Tâm cấm con trai không được ra khỏi nhà, phần vì lo cho sự an nguy của Quân, phần vì sợ con trai sẽ đi tìm vợ rồi chuốc lấy tai họa nên bà Tâm đòi sống đòi chết để giữ con trai ở trong nhà.
Bà Tâm kể hết cho Quân nghe mọi chuyện, kể cả việc bà thuê thầy về trục vong. Quân nghe xong trách mẹ:
- Mẹ cả đời nhân từ nhưng cuối cùng lại chọn cách độc ác như thế là sao hả mẹ..?
Bà Tâm sợ hãi đáp:
- Tại tay thầy bói đó cũng không nói cách trục vong như thế nào, chỉ đến khi tiến hành thì mẹ mới biết. Từ đó đến nay mẹ không tìm thấy lão ta nữa. Mẹ bị lừa mất rồi..
Giờ có trách mẹ cũng không giải quyết được gì, hơn nữa nếu đặt mình vào vị trí của mẹ Quân nghĩ mình cũng sẽ làm như vậy. Bà Tâm cũng chỉ một lòng lo cho cháu, cho con dâu mà thôi. Quân thở dài nói:
- Vậy sao mẹ không đến chùa nhờ sư thầy giúp đỡ, bạch thầy uyên bác, hiểu sâu lý lẽ, con nghĩ thầy sẽ giúp được.
Bà Tâm trả lời:
- Những ngày đó con đi vắng, với lại mọi chuyện quá cấp bách, mẹ sợ để lâu sẽ không kịp nên cũng không nghĩ đến lên nương nhờ cửa chùa. Giờ thì đã quá muộn rồi.
Quân an ủi mẹ:
- Chưa muộn đâu mẹ, hay giờ con với mẹ đi đến chùa một chuyến, kể hết mọi việc cho sư trụ trì nghe, nhờ sư thầy chỉ lối…..Con con đã mất, con cũng không thể để mất vợ nữa mẹ ạ.
Bà Tâm nhìn con trai gay gắt:
- Đến nước này rồi mà con vẫn còn thương nó à..? Nó là đứa gây ra tất cả chuyện này, con mà con ở gần nó thì ngay cả con cũng không sống được đâu. Con thương mẹ, thương gia đình ta có mỗi con là người nối dõi mà nghe lời mẹ, đừng lại gần nó nữa.
Quân nói:
- Mẹ ơi, tuổi trẻ ai cũng có sai lầm mà mẹ. Ban đầu nghe chuyện con cũng có chút giận nhưng mẹ thấy đó, mất đi đứa con, Nhi cũng đau khổ lắm rồi. Con biết tội mà Nhi gây ra không nhỏ nhưng ông trời có đức hiếu sinh, chúng ta là con người chẳng lẽ lại dồn Nhi vào con đường chết. Mẹ nghe con đi, chúng ta đến chùa nhờ sư thầy chỉ bảo, biết đâu còn có cách nào đó…. Chỉ một lần này thôi mà mẹ, nếu không còn cách con xin nghe theo lời mẹ.
Bà Tâm gào rú gọi tên chồng:
- Ông ơi, ông sống khôn thác thiêng về đây mà xem này, nhà ta vô phúc, vô phúc thật rồi… Trời ơi là trời, cả đời tôi không làm việc thất đức với ai, tại sao lại chịu đày đọa, khốn khổ, khốn nạn như thế này.
Từ hôm mất đi đứa cháu, bà Tâm như thay đổi thành một con người khác
Bà như điên dại mỗi khi nhắc tới Nhi, bà căm thù cô con dâu tột độ. Bà cho rằng chính Nhi đã đem tai họa đến ngôi nhà này, bà không muốn nhìn thấy mặt cô con dâu nữa. Nhưng trớ trêu thay, con trai bà lại yêu sống, yêu chết người phụ nữ độc ác từng vứt bỏ con cái đó. Không còn cách nào bà đành phải nghe theo lời Quân, ngay sáng ngày hôm đó Quân lái xe chở mẹ đến chùa Bồ Đề. Sau khi báo với chú tiểu để xin gặp thầy trụ trì, hai mẹ con bà Tâm được dẫn đến gặp vị cao tăng nọ.
Vẫn như mọi lần, sư thầy trụ trì như biết trước được sự xuất hiện của hai mẹ con bà Tâm, vừa ngồi xuống bàn đá sư thầy đã nói:
- Nhìn sắc mặt của hai vị không được tốt, hai bên thái dương có chỗ bị thâm đen, chẳng hay gia đình ta vừa gặp phải chuyện buồn liên quan đến tang gia..?
Bà Tâm cúi lạy sư thầy rồi đáp:
- Dạ bẩm thầy, không giấu gì thầy đúng là trong gia đình con vừa có người qua đời, đáng thương thay cháu nó chỉ còn hơn một tháng nữa là chào đời, nhưng chưa kịp thấy ánh mặt trời thì đã vội ra đi. Con dâu của con bị sảy thai, chỉ có thể cứu được một trong hai..
Sư thầy chắp tay nhắm mắt niệm:
- A di đà phật, nhà chùa nghe thí chủ nói mà đau từng khúc ruột. Vậy chẳng hay hôm nay hai vị tìm đến đây có việc gì muốn nhà chùa giúp. Cứ nói ra nhà chùa sẽ tận tâm hết mình.
Bà Tâm bật khóc, bà đau đớn kể lại toàn bộ sự việc cho sư trụ trì nghe, ngoài việc mong muốn nhà chùa giúp đỡ trong việc cầu siêu cho linh hồn đứa bé được sớm siêu thoát ra thì bà Tâm còn hỏi có cách nào giúp cô con dâu tránh khỏi tai kiếp này hay không..?
Vị cao tăng nghe xong câu chuyện, nhìn kỹ vào khuôn mặt của Quân và bà Tâm, dường như ông phát hiện ra một điều gì đó, một thứ chướng khí khá quen thuộc. Đôi mắt khẽ nhíu lại, sư trụ trì bàng hoàng nhận ra những người đến đây gặp ông đều có liên quan đến một đứa trẻ. Đứa trẻ đó chính là xác hài nhi mà cậu thanh niên tên Duy đã đem đến đây hơn nửa năm về trước.
Nửa năm qua, chưa hôm nào sư trụ trì quên được sự việc ấy.
Ông canh cánh trong lòng bởi không biết quyết định của ông để Duy đem xác hài nhi đi là đúng hay sai. Bởi vong thai đó không phải vong thai bình thường, nếu không cẩn thận nó sẽ gây ra tội nghiệt khác không thể cứu chữa. Ngôi chùa như một sợi dây liên kết vô hình những con người này với nhau, chỉ tiếc rằng cái duyên chưa đủ lớn để nhà chùa có thể hóa giải. Vị cao tăng nhắm mắt, ông khẽ thở dài:
- A di đà phật, đúng là nghiệt duyên, nghiệt duyên…. Cuối cùng thì cơ duyên của tất cả mọi người cũng không thể cứu rỗi được sai lầm trong quá khứ. Đáng tiếc cho người mẹ đó đã không biết nhận lấy những cơ hội mà trời ban cho, để rồi giờ đây vong thai báo thù, nhân duyên tiền kiếp đã biến thành hận thù trăm năm. Đáng tiếc thay, đáng tiếc thay….A di đà phật.
Bà Tâm cùng con trai nghe sư thầy nói xong mà bỡ ngỡ, bà Tâm hỏi sư thầy:
- Hình như thầy biết chuyện gì phải không ạ..?
Vị cao tăng khẽ gật đầu, ông nói tiếp:
- Để ta kể cho hai vị nghe một câu chuyện, câu chuyện về một nhóm gồm 3 cậu thanh niên đã đến cửa chùa cách đây hơn nửa năm về trước. Có lẽ nghe xong hai vị sẽ hiểu ra được điều gì đó, nhà chùa vô văng, mong hai vị tha thứ vì đã không giúp được sớm hơn. A di đà phật.
Dưới gốc cây Bồ Đề, sư thầy trụ trì bắt đầu kể lại từng chi tiết trong sự việc cách đây nửa năm, lần đầu tiên ông gặp Duy cũng là dưới gốc Bồ Đề này cho đến hành trình tìm lại xác hài nhi bị chôn vùi dưới lòng đất, hay cả việc hài nhi bị một thanh kim loại đâm xuyên qua cơ thể, tất cả, tất cả được sư thầy kể lại….Hai mẹ con bà Tâm nghe đến đâu mà như nhìn thấy hình ảnh đang hiện ra trước mắt, bà Tâm không kìm nổi hai dòng lệ lăn xuống gò má, cả Quân cũng quặn thắt tim khi nghe lại mọi chuyện.
Đúng là nghiệt duyên, đã có lần Nhi kể với Quân có một khoảng thời gian làm việc tại Hải Dương trước khi ra Hà Nội. Thì ra đó cũng chính là lúc vợ anh vùi sâu đứa con đứt ruột đẻ ra của mình xuống hố sâu lòng đất âm u, đen tối. Chẳng trách khi Quân hỏi rõ hơn về việc Nhi làm ở Hải Dương thì cô đánh trống lảng sang chuyện khác. Quân rớm nước mắt, anh khẽ nói:
- Nhi ơi, tại sao em lại làm như vậy…..?
Bà Tâm chỉ biết cúi đầu, bà lặng người đi bởi mới đây chính bà cũng đã góp phần trong buổi trục vong đánh đập hài nhi đó. Lỗi cũng do bà một phần, nghiệp chướng của một gia đình, lỗi không phải của riêng ai. Lúc này bà Tâm như tỉnh ngộ, bà nói:
- Bẩm thầy, con thật không xứng đáng được ngồi đây nghe thầy chỉ dạy, nhưng con mong thầy cho gia đình con một lối thoát, có cách nào để cứu vãn sai lầm này không thầy..?
Vị cao tăng khẽ cúi đầu, ông đáp:
- A di đà phật, ông trời có đức hiếu sinh, phật pháp vô biên, hải lượng hà sa luôn lấy nhân nghĩa làm đầu. Nói ra đến đây nhà chùa cũng thấy có một phần trách nhiệm, cứu vãn hay không lúc này do tâm của con người quyết định. Nhà chùa xin được đi cùng hai vị đến ngôi nhà đó, gặp cô gái ấy biết đâu sẽ giúp đỡ được chút gì đó. Thiện tai, thiện tai.
Quân mừng rỡ cúi lạy sư thầy, Quân nói:
- Con đội ơn thầy, nếu được như thế thì còn gì bằng. Gia đình chúng con nguyện báo đáp ân tình của nhà chùa.
Vị cao tăng khẽ giải thích:
- Việc này nhà chùa làm cũng là cứu lấy một sinh linh, hóa giải hận thù, oán nghiệt của một vong linh khốn khổ. Nhưng chỉ sợ tất cả mọi chuyện đã muộn, ngay bây giờ nhà chùa sẽ lập tức đi cùng hai vị. A di đà phật…
Hai mẹ con bà Tâm cúi đầu cảm ơn, việc sư thầy đi cùng đến nhà hai vợ chồng Quân khiến cho bà Tâm thấy bớt đi lo lắng phần nào. Quân nói đúng, chuyện đáng tiếc không ai mong muốn xảy ra, không thể nào để sai lầm nối tiếp sai lầm được nữa. Cuộc trò chuyện cùng vị cao tăng dưới gốc cây Bồ Đề thanh tịnh đã giúp cho bà Tâm bình ổn trở lại, bà nhận ra được nhiều lý lẽ qua lời nói của sư thầy.
Lúc này đây, bà Tâm thực lòng mong sư thầy trụ trì sẽ cứu giúp cho con dâu bà thoát khỏi tai kiếp, nghiệp chướng mà mình đã gây ra cũng như cứu rỗi được vong linh của cậu bé đáng thương, đầy bất hạnh.
--------------------
Xem thêm phần 61: Người mẹ mất tích
ĐỌC TRỌN BỘ NGHIỆP BÁO HÀI NHI - TRƯỜNG LÊ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê