04/06/2021 11:46 View: 2951

Truyện ma: Tà ám (Tập 7)

Sau khi trò chuyện nhà bà Tài, nội cũng sốt ruột nhà mới mất con chó không còn ai giữ nhà nữa mới xin phép về sớm. Ra đến sân, mắt tôi cứ dán vào cái miếu nhỏ, bởi nó có cái con chó bằng đá bị cụt đầu, nó làm tôi vừa ám ảnh, vừa " ngứa mắt " nhất định có cơ hội tôi sẽ gỡ & ném bỏ nó.

ta am 7, truyen ma co that

Bà Tài ra cài then cổng, thì thào với nội cái gì đó mà tôi nghe không rõ, chắc khi nãy ở trong nhà có ông Tài nên bà không tiện nói, và bà hứa sẽ đi gọi hồn cô Bớt sớm nhất để hỏi sự tình.

Vừa đi được một đoạn, tôi đá phải vật gì đó như cái bát tô lớn, đau điếng, tôi ôm chân khóc om sòm lên, thì thấy cổng nhà ông Đạt trưởng xóm bật điện. Tay ông cầm cái đèn pin & cái đòn gánh lăm lăm bước ra.

- Bà B đấy ư ? Có chuyện gì thế ?

- Thằng B nó đá phải hòn đá hay cái gì đó. - Nội trả lời.

Ông Đạt rọi đèn pin, thấy ngay cái bát hương nằm chỏng chơ, bị vỡ mất một góc từ trước, may sao tôi không đá trúng chỗ ấy . Bát hương to & nhìn rất đặc biệt, chỉ có Đình, Chùa mới hay dùng loại này. Nghe có tiếng động dưới rãnh, ông lia đèn pin xuống tiếp thì ông thét rống lên. Tiếng thét của ông cỡ phải tít xóm bên cũng nghe tiếng. Đến tận bây giờ, in sâu vào tâm trí tôi mỗi lần nhớ lại là hình ảnh chú Nhuận nằm dưới rãnh, người mềm oặt như không có xương, miệng há hốc & hai mắt lồi luôn ra cả ngoài. Khi người ta đưa chú lên, đúng là chú bị gãy hết xương. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh người chết kì dị như vậy, tôi la lên :

- Con Trăn đấy, là con trăn nó cuốn chú ấy đấy.

- Con trăn nào ??? - mọi người nháo nhác hỏi.

- Con trăn nhà bà Lụa ấy.

Nội lấy tay định bịt miệng ngăn tôi lại nhưng không kịp. Ngay lúc ấy tôi cũng chưa hiểu hành động của nội bởi khi nãy ngồi trong nhà bà Tài thì tôi cũng có nhắc đến rồi. Nhưng cũng vì tôi còn quá ít tuổi, lời nói của tôi chưa đủ trọng lượng nên mọi người chỉ bán tín bán nghi.

Đám tang của chú là thưa người hơn cả, bởi người ta sợ, người ta không muốn liên quan, nhà chú đang bị trùng Nhất Xa, hoặc có thể là Thiên Di chẳng rõ nữa. Chỉ có mấy người ở xóm đến còn dân làng chẳng ai đến nữa cả. Cô Lan không hề khóc, mắt cô ráo hoảnh, khô khốc có lẽ cô cũng đã lường trước được những vận đen, vận hạn nó ập đến gia đình cô. Hoặc do cô đã khóc quá nhiều cho ông Chai, bà Xuyến rồi. Khi chuẩn bị liệm thì bỗng đâu xuất hiện một người mặc bộ đồ bà ba màu nâu, trên vai khoác một cái túi vải đen, đầu quấn khăn - tôi nhận ra đấy là ai. Người đó đi thẳng từ cổng vào chỗ đặt quan, vừa đi vừa lấy cái gậy dậm mạnh xuống đất, mỗi lần dậm người đó đều nói " hắc ", khi đến nơi người đó lôi từ trong túi vải ra một lá bùa, từ từ mở ra, đặt lên hòm rồi hỏi :

- Ở mình có ai chơi tổ tôm không ?? Phiền gia chủ xin cho một bộ tổ tôm cũ.

- Xóm này không ai chơi, nhưng xóm bên có. Nhà ông Đường lúc nào cũng có người chơi. - Ai đó nói.

- Vậy phiền xin cho bộ tổ tôm cũ. Mang về đây luôn để kịp giờ, trước khi mang vào bỏ ra bốn cây bát sách.

- Bát sách là cây gì ? Hình nó như nào thầy ??

- Ôi giời, cứ chạy sang đó rồi hỏi mấy ông ấy đi. - Chả biết giọng nội tôi hay bà Tài.

Trong khi chờ đợi, người kia bắt đầu làm lễ. Tôi cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đáng ra tôi không nên đến những nơi như thế này, vì nó " lạnh " nhưng nếu để tôi ở nhà một mình trong thời gian này nội cũng chẳng an tâm nên đi đâu cũng tha tôi đi cùng. Khi các quân bài được xếp rải đều xung quanh bên trong quan thì cũng là lúc người ta đóng đinh. Người kia mới ra uống nước, gặp nội tôi, người ấy gật đầu chào - đó là bà trẻ tôi. Bà cho gọi hết con cháu nhà chú đến rồi dặn dò. :

- Giờ đếm xem con cháu bao nhiêu người, ra chợ mua từng ấy con dao nhỏ. Hai ngày nữa mới được đi chôn, khi đi mỗi người gắt một con dao nhỏ trong người. Không ai được khóc kể cả khi hạ huyệt. Khi đi một đường & khi về đường khác. Không ai được ở lại mộ một mình.

- Trước khi đưa ma, luộc một quả trứng, thắp hương xong để quả trứng ở đầu xe tang, nó "chỉ" đi hướng nào thì cứ đi hướng đó.

- Nếu gặp ngã ba hay ngã tư, cứ xoay xe tang một vòng, dừng lại hát hò đò xong mới đi tiếp.

Tôi ngồi im chăm chú lắng nghe, cứ như bà đang dặn dò tôi ấy. Rồi bỗng tôi buột miệng nói chen vào :

- Bà ơi bà, thế còn con trăn thì tính sao bà ?

Bà quay sang trợn mắt lên với tôi :

- Không phải việc của cháu.

Tôi sợ quá cụp pha xuống, từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng mặt bà. Tôi là người nhìn thấy nó đầu tiên khi nó bò qua cổng nhà và cũng biết nó đang ở chỗ nào, tôi tính " lập công" nhưng không thành. Tức tối tôi bỏ ra ngoài. Tôi hăm hở chạy sang nhà ông Đường chơi, ở đó lúc nào cũng có người đánh bài đêm ngày & có cả bọn trẻ con. Vừa bước vào nhà tôi thấy ông Đường hú lớn lên :

- Khà Khà Kà. Ù rồi, làng nghe sướng. Chì ù bòn bạch thủ chi kính tứ chi.

- Khà khà, sang tiền sang tiền. Xem nào, kính tứ chi = 12đ, cửa chì....

Tôi cắt ngang luôn :

- Cháu mới thấy con trăn to lắm.

- Mấy người kia úp bài vội, nhao nhao lên : - đâu đâu

- Tiên nhân thằng ranh con này, mãi ông mới ù được ván lớn mày định phá à. - Ông Đường chửi tôi. - Mà được, dẫn ông ra xem, không có mày chết với ông.

Tôi hí hửng dẫn mấy người ra Đình, đằng sau Đình có mấy cây " tầm bóp, tò mỏ & rau dền dại", ở gần cống có một cái hang khá lớn. Cái hang này mới xuất hiện . Tôi chỉ :

- Nó trong này này.

- Thật không ? - ai đó vẫn nghi ngờ.

- Cháu thấy nên cháu chạy luôn vào gọi còn gì.

Vậy là ông Đường đi gọi thêm người, đồng thời phân công người lấy xẻng, xà beng, người lấy xô múc nước, người lấy rơm để hun. Cuối cùng con trăn nó không chịu được phải bò ra thật, sao hôm nay nó to thế, bụng nó căng tròn như đã nuốt cả con Dê hay con Cầy luôn vậy, sáu , bảy người vật lộn với nó một lúc nó mới chịu trận. Mấy người hò nhau khiêng về nhà ông Đường xẻ thịt nấu cao luôn. Tôi nhìn con trăn thì nó cũng đang nhìn tôi, hai mắt nó đỏ ngầu, máu mắt nó chảy ra, tự nhiên mặt tôi tái mét, tim đập mạnh. Tôi lại chạy về bên đám. Tôi kể cho nội nghe tôi vừa " chỉ điểm " cho mọi người chỗ con trăn nó núp, mọi người đang mang về nhà ông Đường xẻ thịt. Bà trẻ tôi nghe thấy, mặt biến sắc :

- Chưa kịp ra Đình xin !!!!

- Bà qua bên nhà đó, nói người ta đừng làm gì con Trăn, tôi vào lễ nốt lần nữa rồi sang đó với bà - bà trẻ nói với nội.

Tức tốc, nội chạy vội sang đấy. Đen đủi thế nào, vừa ra khỏi ngõ nội bị ông Canh trọc đi xe Babetta đâm phải, nội ngã rồi lồm cồm bò dậy, miệng toàn máu & sạn, vừa định bước đi thì khụy xuống - Nội bị bong gân, nội vừa khóc vừa cố lết đi tiếp, lão Canh trọc vẫn đang nằm úp mặt ở đường, chắc lão say rượu.

Mở cổng nhà ông Đường vừa bước đến sân cũng là lúc nội nhìn thấy người ta rạch bụng con trăn, ở trong chẳng phải con Dê hay con Cầy nào mà là tận hai con Rắn đều có mào ở đầu. Hai con rắn đã chết nhưng miệng nó vẫn đang há ra, vết rạch hơi sâu & da trơn làm ông Đường trượt tay quệt vào miệng con rắn, ông đang hí hửng " chiến lợi phẩm " nên cũng chẳng để ý. Nội bất lực ngồi thụp xuống sân, chân giờ nó mới đau. Nội nhờ chú Tuấn đạp xe sang làng bên gọi cái Hải, đang có bầu con so, đi qua cứ dẫm lên chân cho nội 9 cái rồi tối về lấy lá Láng đắp sau.
Chữa bong gân bằng hèm tốt thật, chỉ vài phút nội thấy đỡ & đi về, vừa bước chân ra cổng thì cũng là lúc ông Đường lịm xuống, ngã luôn vào nồi nước sôi vì chất độc của Rắn đã ngấm, nội về kể lại sự việc cho bà trẻ, bà vội vàng hỏi cụ từ là ai, dẫn ra Đình để làm lễ. Bà khấn lâu lắm, rồi bà tung đồng xu để xin, lần thứ nhất không được bà tiếp tục khấn lại cứ vậy cho đến trời tối bà vẫn không xin đồng xu âm dương được. Bà lắc đầu :

- Xin Thành Hoàng mấy lần Ngài đều không chứng cho.

- Nó gây nghiệp rồi. Ắt có lúc nó phải trả nghiệp.

Nội rút luôn cái roi tre để cắm làm hàng rào ở bờ ao, vụt tôi tới tấp. Tôi cứ đứng im cho nội đánh, vết roi hằn sâu, tứa máu nhưng tôi không khóc, cũng chẳng chạy như mọi lần. Bà trẻ tôi phải can lại :

- Con dại, cái mang, nó còn nhỏ, biết sao được. Với lại lỗi không hẳn ở nó, nếu các Ngài tha cho thì không sao.

Vừa về tới nhà thì bà Tài đã đứng đợi ở cổng từ bao giờ.

- Ơ bà....

- Bà B đấy à, tôi vừa đi gọi hồn cái Trinh về.

- Bà vào nhà uống nước, ăn miếng trầu đã gượm nói.

- Thôi, thôi, tôi nói rồi cũng về ngay. Tôi gọi hai lần nó mới lên, rồi nó trách tôi, sao nó lại bị như vậy, khổ quá là khổ, tất cả cũng chỉ vì cái bát hương. Đáng ra người bị trời đánh thánh vật là tôi, đằng này tôi làm mà cháu tôi lại bị chết oan chết uổng.

- Vậy rốt cục nó nói gì hả bà ?

- Nó bảo của Đình thì trả cho Đình. Con trăn cũng chẳng phải nó thả.

Nhưng cái tối hôm chú Nhuận mất, mọi người không để ý đến cái bát hương, nó cũng chẳng còn ở chỗ cũ nữa. Có khi nào thằng Khiêm nhặt được rồi đem giấu ở đâu không ? Mà nó bị bệnh đao sao nó nhớ được gì ?

Luôn đêm ấy, lũ về. Dân làng hò nhau nước sông nó ngập lên tận đồng, nhiều cá lên theo quá. Thế là từ già trẻ lại cầm đèn pin, cầm vó, cầm nơm ra đồng với mong muốn kiếm được mẻ cá lớn, mặc kệ trong làng đang có hai người chết ở hai xóm. Bà trẻ ở lại nhà tôi. Nói tôi không được bước chân ra cửa. Rõ ràng, trận mưa cuối cùng xảy ra hôm ông Chai mất, mà nay đùng cái lũ về, là như nào ? Tôi còn quá non nớt để hiểu !!!

Có tiếng sét lớn vang lên, đinh tai nhức óc, sáng lòe cả bầu trời. Nhìn ra sân, tôi thấy gần như toàn bộ những người đã mất đứng đó. Tôi co rúm người lại, bà trẻ thì mang cái mõ ra gõ & tụng kinh niệm phật.

Cũng trong đêm, làng tôi tiếp tục bị đuối nước thêm hai người nữa, xác trôi tít xuống cầu trắng chỗ thầy mo Chất ngày trước, cả hai dạt vào một chỗ, khuôn mặt lộ nét sợ hãi như nhìn thấy cái gì đó ghê gớm lắm. Sau đêm ấy, cái miếu gần cầu trắng người ta không thấy xuất hiện một cặp rắn có mào nữa.

Một năm sau vào ngày giỗ ông nội, bà trẻ có lên & giải thích cho tất cả mọi người hiểu. Do đợt làm lại Đình, thấy cái bát hương đẹp quá ông Từ mới nổi lòng tham, rồi nói chú Nhuận lấy, chú Nhuận không dám cầm vì sợ mọi người nhìn mới xui cô Lan xung phong ra làm & cô Lan lấy trộm. Trong khi những việc sửa Đình, sửa Chùa con gái không được phép làm. Nhưng bà Lụa cũng nhìn thấy và đòi mỗi nhà dùng một thời gian để " hưởng lộc ". Cái kim trong bọc không thể giấu mãi được nên lại thêm vài người nữa biết & cũng vì lòng tham, không trả Đình mà nhà nào cũng muốn nó là của mình. Ai ngờ bị Thánh nổi giận & lôi đi hết từng người trong gia đình. Cô Lan bị viên bom bi nổ cảnh cáo nhưng vẫn tiếp tục, rồi chú Học bị máy tuốt lúa nuốt mất một bên chân vẫn không dừng lại.

Về phần tôi, tôi vẫn nghĩ mình chẳng có liên quan gì trong truyện này, bởi con trăn đó của nhà bà Lụa, tôi chỉ cho mọi người bắt là điều tốt mà, nhưng bà trẻ nói tôi tạo nghiệp ??? Vậy khi nào tôi mới nhận nghiệp đây..... Mãi cho tới sau này. Tôi bị thật. & Duyên Âm của tôi thực chất là trả nghiệp cho Tà ngày đó !!!!!! Nhưng thật sự, tôi vẫn chưa hiểu lí do 

End !!!!!!

---------------------

Đọc trọn bộ:  (Tập 1)         (Tập 2)        (Tập 3)        (Tập 4)               (Tập 5)               (Tập 6).             Tập 7.......... 

Đọc DUYÊN ÂM của tác giả

Bản quyền thuộc về tác giả Mai Thanh Bình
 

Ma