04/06/2021 11:51 View: 2033

Truyện ma: Cụ kỵ tổ tiên gánh cho một mạng (Tập 7)

Đất nhà ông ngoại em thì như em kể trước là cái ao, nghe nói lúc san đất để xây nhà thì phát hiện có một tổ rắn, trong vẫn còn trứng hẳn hoi, nhưng mà không thấy con rắn nào cả, thế là ông em cứ phá tổ nó đi để xây nhà thôi.

cu ky to tien ganh cho 1 mang tap 7

Về sau nhà xây xong thì bà ngoại em đẻ bác cả, là cái bác tên Thành Chương mà em kể đấy.

Tại vì trước kia ông ngoại bị bệnh lạ nên lúc đẻ cũng lo sẽ di truyền sang con, nhưng may là không người con nào của ông bà bị như thế nữa.

À, ông ngoại em họ Tô, đặt tên đệm cho con thì phân ra trai đệm Thành, nữ đệm Thị, ngày xưa không dùng thành phố như bây giờ, đặt thành thị cho nó giàu.

Chuyện con rắn thì không còn ai nhớ đến cả

Vì nhà ông em sống trên đất ấy rất là ô kê, cho tới khi bà ngoại me mất đi cùng với cái thai trong bụng. Mãi sau này cũng chẳng ai biết bà em hôm đấy bị làm sao, ngã thế nào, mà đi thì rõ là nhanh.

Mẹ em kể là tím tái như chết ngạt vậy ạ.

Quê em đó giờ vẫn ít nhiều mê tín, nghe bảo bà ngoại mất vậy là độc lắm, cả mẹ cả con bất đắc kỳ tử, lúc đem từ viện về là chiều tối nên phải đưa ra đồng chôn luôn, không được cho vào nhà nữa. Họ hàng lúc bấy giờ cũng sợ mấy chuyện trùng tang linh tinh, mà nhà ông ngoại thì đông con, chỗ em có cái tục nhà nào đông thì đưa bớt con sang nhà người khác nuôi cho nó nhẹ nhõm ấy. Nói vậy chứ đ*o ai nuôi hộ đâu, đói bỏ xừ ra lại còn bày đặt nhận con nuôi.

Mẹ em với các chú các bác không phải đi ở nhà ông bà nuôi, chỉ là nhận trên danh nghĩa thôi.

Ông bà nuôi thì em vẫn qua lại tới bây giờ, nhà bên đấy bình thường thôi, trước hai ông bà cùng làm thoát li, có ba người con mà một người con bên đấy về sau được ăn lộc.

Hồi năm 2007-08 gì đó có rộ lên phong trào tìm mộ liệt sĩ, con của ông bà nuôi em cũng mở cái gọi là trung tâm gọi vong liệt sĩ. Mẹ em kể là cái cô tên Tươi ấy chết ba lần, đến lúc sống lại xong là bắt đầu thấy ma, ai mà ở làng Đình Cố là sẽ biết tiếng cô Tươi.

Hồi cổ nổi lên cả làng sợ hết hồn.

Lần đầu cổ chết là năm 12 tuổi, hôm ấy trời mưa cổ đi đồng về xong trượt chân ngã xuống mương, lâu lâu có người nhìn thấy vớt lên xong hồi sức cấp cứu tại chỗ mà hình như ngạt nước chết rồi. Thế là đem về giả nhà ông bà nuôi em, lúc đấy đặt xác cổ ở sân, trùm tạm cái chăn con công lên vì chưa kịp chuẩn bị gì hết.

Lúc mọi người vừa khóc vừa lay gọi thì cô vùng dậy ho sặc sụa, làm cho cả nhà sợ chạy tán loạn. Chắc là cổ chưa chết hẳn, xong được sơ cứu cũng bớt ngạt rồi, với người nhà chắc lay mạnh quá nữa.

Lần hai thì là khoảng hơn một năm sau, cổ ốm nặng, sốt 42 43 độ gì đó, xong co giật kèm xuất huyết, đem ra viện nửa ngày thì bệnh viện trả về vì nguy kịch rồi. Về đến nhà rút bình oxi ra là đi đấy, mọi người lại lấy chăn con công che mặt cho cổ, cũng không đột ngột như lần trước nên người nhà kéo đến đông đủ hơn, vòng trong vòng ngoài đau buồn các thứ.

Nằm như thế một lúc tự nhiên cô ho, mũi miệng ộc ra đầy máu, tại sốt xuất huyết nên dù bảo là chết mà người cổ vẫn ấm ấm, chưa lạnh ngắt ngay được, ho xong thì cô nằm thở, rồi tới chiều tối thì hạ sốt, còn dậy ăn được cháo và uống sữa nữa. Chắc là thuốc giờ mới ngấm nên cổ sống lại thôi, không chết nữa thì họ hàng lại kéo nhau về.

Nghĩ cổ chắc qua hạn này phải sống dai lắm đây này.

Thế mà lần chết thứ ba của cổ lại cách có khoảng bốn tháng sau thôi, lần này thì chẳng bị làm sao cả, cổ đi học về kêu đau đầu nên không muốn ăn cơm, lên giường ngủ một giấc tới chiều bà nuôi vào gọi không dậy, động vào người thì chân tay đã lạnh ngắt rồi. Thế là lần này họ hàng nghe tin lại kéo đến, ai cũng chắc mẩm cổ chết thiệt, đến tối thì tiếng khóc bắt đầu râm ran lên, mẹ em lúc đấy đã ăn con nuôi nhà bển nên cũng sang giúp đám, vào giường xem thấy người ta đắp cái chăn con công lên mặt cổ, xung quanh buông màn các thứ, người ngồi khóc quanh giường.

Mẹ em vừa đi ra ngồi uống nước ngoài sân, được lúc thì trong nhà có tiếng hét rõ to, mấy người bên trong hớt hải chạy ra, bảo là sống rồi, cái Tươi sống lại rồi, như ma làm ấy. Mẹ em nghe xong sợ lắm, chỉ dám đứng ngoài sân nhòm vào, trong nhà lố nhố người, thấp thoáng sau màn thấy có bóng đen ngồi dậy, mẹ em đoán là cô Tươi đang ngồi đấy.

Lúc cổ chết thì chỉ có họ hàng tới thôi, mà lúc cổ tỉnh lại cái, cả làng kéo nhau đến xem chật ních cả nhà cả sân. Cô Tươi sống lại lần này thì khác hẳn, cổ kể là lúc trưa nằm ngủ thấy người nặng, đầu căng tức, trống ngực nổi thình thình, kiểu như bị bóng đè, cả người chìm xuống không động cựa được, rồi có người ngồi cạnh cổ nói chuyện, cổ nghe rõ người đó nói, kể nhiều chuyện lắm, mà toàn chuyện ngày mai ngày mốt thôi, cổ nghe một hồi mà chẳng hiểu mô tê gì.

Xong người ấy bảo cô phải theo hầu ngài, vì mấy chuyện đó là thiên cơ bất khả lộ

Nghe được thì tức là cô được ngài chọn làm người hầu hay gì đó đại loại là có căn cơ đấy. Đúng lúc người đấy dắt cô đi thì bà nuôi đánh động vào người cô, đáng ra là cô chết rồi đấy nhưng vì bị động nên hồn vía lại nhập vào xác, xong mới từ từ tỉnh lại được.

Cô Tươi được ăn lộc là thật hay giả thì em không biết, cả làng cũng không biết, nhưng chuyện về sau thì nhiều người chứng thực được. Sau khi cô tỉnh lại mấy ngày, trên đường cô có gặp một bác người làng, tự nhiên cô dừng lại, nhìn vào mặt bác ta, nói vanh vách:

- Bảy ngày nữa bác chết, liệu mà thu xếp việc nhà, chiều mai quan đến đưa bác đi.

Nói xong thì cô Tươi bị ông bác kia dí cho chạy về tận cửa nhà, ông bà nuôi mà không ra can thì ổng đấm cô chết, nghe ổng kể thì ông bà nuôi cũng mắng cô là gở mồm các thứ, người ta đương khỏe thế rủa người ta chết vân vân. Bảy ngày sau thì thấy cáo phó dán cổng nhà ông ấy thật.

Hỏi ra thì mới biết là sau cái hôm gặp cô Tươi, ổng đi Hải Dương ăn cỗ cưới, khoảng 12h trưa chạy xe máy về, chắc cũng say nên đến đoạn Quán Toan thì húc vào đít xe tải phía trước, vào viện hôn mê mấy ngày đến hôm nay thì mất.

Không dừng lại ở đó, cô Tươi và bà nuôi đi thăm gái đẻ là một người em con chú con bác bên nội, cổ nhìn đứa trẻ xong bảo là rất giống người ngồi bên đầu giường, mà đĩ mẹ nó, làm gì có ai ngồi ở đầu giường bao giờ. 

Em không biết ở chỗ bác có kiêng ngồi đầu giường không chứ chỗ em người ta không cho ngồi đầu giường ấy.

Đang bế thì nó khóc thét lên, không dỗ được mới trả lại cho mẹ nó, mẹ nó cũng không dỗ được, cô Tươi cười bảo, cụ về chơi với chắt ạ, chị để em bế cháu cho, chị ra thắp cho cụ nén hương đi.

Nhiều người nhà có con mọn hay quấy khóc cũng thường thắp hương như thế

Không phải là không có căn cứ đâu bác, mẹ nó lên gian thờ thắp hương xong là đứa bé cũng nín khóc, bà nuôi có hỏi cô Tươi là vừa rồi sao lại biết cụ về, cổ kêu cụ ngồi ngay đây làm sao lại không biết. Về sau cô Tươi bảo trong nhà có thờ bà cô tổ bên chồng, chắc hợp chắt nên cụ trêu tí, làm gì căng.

Chuyện cô Tươi còn nhiều lắm, nhiều chuyện cô không dám nói ra hết, chỉ thỉnh thoảng buột miệng nói thôi, cô bảo là hôm bị dắt đi ấy là người ta sang tai lai lời cho, mà toàn chuyện sống chết nên không tùy tiện báo trước hết mọi người được. Cô cũng thấy người âm rõ như người trần này này, mà lúc nào cô cũng hoan hỉ, không có động chạm gì đến họ cả, thì bởi vong dễ tủi thân với phật ý lắm.

Tính ra cô được ăn lộc quan trên sớm lắm, cô kém tuổi mẹ em luôn, năm đấy cô mới mười lăm tuổi, nhưng ngay tới ông già bà cả trong làng gặp cô cũng một điều lạy cô, hai điều cô ạ. Cứ bảo mê tín nhưng mà bác phải nghe cô nói, cô phán chuẩn luôn ngày giờ cụ em mất thì bác hiểu là thiêng thế nào rồi đấy.

Thì như em kể là bà ngoại em mất trước cụ sáu năm đúng không, khoảng nửa năm sau khi bà ngoại mất thì mẹ em ăn con nuôi với nhà cô Tươi, lúc đấy mẹ em mười hai tuổi, cô là mười một, lúc cô được ăn lộc là mười lăm tuổi, tức là bốn năm sau. Nửa tháng trước khi cụ em mất, cô có nói với nhà mẹ em là:

- Sang tuần là cụ nhà chị cấm khẩu rồi, chị về nói với người nhà bên đấy 10h sáng ngày 17 cụ đi, chuẩn bị cơm nước cho cụ ăn sớm để quan đến đón cụ nhé.

Thực ra mẹ em bảo là cụ ông cấm khẩu từ trước rồi, chỉ biết nằm đấy người ta đút gì ăn nấy thôi, mấy ngày gần đi thì cụ ăn tốt lắm, nhìn có vẻ khỏe ra nữa. Mẹ em bảo có truyền đạt lại cho ông chú lời của cô Tươi, ông cũng ầm ừ cho qua thôi chứ không quan tâm lắm, nên 10h sáng cụ mất hay không thì không biết, nhưng đến giờ cơm của cụ vào trưa ngày 17 thì cụ không nuốt được nữa, chả biết chết từ lúc nào.

Mẹ em bảo cụ ông như vậy tính ra là chết đói ấy bác

Em nói có ông trẻ chống lưng chứ cụ vậy cũng dừa lắm, sống giàu nứt đố đổ vách, của ăn không hết mà cuối đời lại chết đói chết khát. Chẳng biết có phải do cụ chết đói nên cụ oán, hay là do làm ăn mất vệ sinh, mà cái hôm giỗ đầu cụ nguyên nửa làng đi ăn cỗ ở đằng ngoại em bị tào tháo đuổi, có người còn phải đi trạm xá truyền nước nữa.

Người trong nhà cũng bị hết, có bác còn bảo là cụ ăn không được nên cụ đạp đổ đấy.

Tạm gác chuyện cô Tươi đấy, em kể nốt chuyện cái mảnh đất của ông ngoại em, tại mà làm sao lần trước em nói đời cha ăn mặn đời con khát nước, là bởi do ông ngoại lúc xây cái nhà lên thì phá đi cái tổ rắn, đập hết trứng rắn bên trong, nên đến đời con của ông phải gánh hậu quả.

Bác Thành Chương là con trai cả của ông ngoại em, trước bác có vào Đắc Lắc làm ăn, nhưng sau khi lấy vợ thì chuyển về sống cùng ông tại cái nhà ấy luôn, bác gái có bầu ngay nhưng mấy lần đều bị sảy mất nên đến khi mẹ em đi lấy chồng là khoảng sáu năm sau mà hai bác vẫn chưa có con.

Bác gái sảy nhiều đến sốt cả ruột luôn, thai đầu đến tháng thứ năm thì tự nhiên chết lưu, phải ra viện để nạo ra vì thai cũng lớn rồi không uống thuốc tự đào thải được, lần hai có là sau đấy tám tháng, bác gái bị rong máu cá suốt từ tuần thứ năm, bác không đi đâu được, chỉ nằm một chỗ trên giường, được khoảng hai tháng thì một hôm bác đang ngủ thấy bụng đau quặn lên, dậy thì giường đã đầy máu, hai bác vội đưa nhau ra viện cấp cứu, cái thai cũng theo ra luôn.

Sau vụ đó bác gái có thai thêm hai lần, nhưng đều phải đi nạo gấp vì biến chứng nguy hiểm, băng huyết và chửa ngoài dạ con. Hai bác đều khỏe mạnh, bác gái cũng rất nhạy, thả là có nhưng lần nào cũng hỏng, thành ra bác gái cũng ám ảnh, mấy năm liền không dám bầu bí gì nữa.

Khoảng một năm sau, nói chung là cũng chạy chữa thăm khám nhiều nơi rồi, cam kết ổn định rồi thì bác gái mới lại có bầu tiếp, lần này thì giữ được, nhưng đến lúc đẻ ra thì lại bị giống như ông ngoại em ngày xưa, tức là bị bệnh mà người như con chạch ấy, da mỏng nhìn được cả mạch máu ở trong luôn.

Chắc là bị di truyền từ ông ngoại em.

Có điều lần này không được may mắn như vậy, ảnh sống được đâu có bốn tháng là mất, tại nhiễm trùng nặng ấy bác.

Mẹ em kể là từ lúc đẻ ra ảnh chưa từng khóc một tiếng nào, chỉ nằm thở thôi cũng quá sức rồi, mà mẹ em cũng không được bế vì da ảnh dễ bị lột lắm, động vào sợ ảnh đau.

Quá trình vượt qua cú sốc của hai bác rất lâu dài và căng thẳng, nhưng vì cũng không còn trẻ nữa nên là vẫn phải cố để đẻ tiếp. 

Em không rõ là lúc đó do áp lực hay có yếu tố tâm linh nào ảnh hưởng, mà trong lúc bác gái mang thai đến tháng thứ năm, bác trai lại tự sát, như em nói là bác treo cổ trên gian thờ. Nghe bác gái kể là bác trai bị u uất sau khi anh con trước mất, bác ấy nghĩ nhiều lắm, kiểu thương vợ thương con, mà không biết làm gì để giúp ấy, xong hôm trước hai bác có ra viện phụ sản khám, bác sĩ bảo thai không phát triển, kiểu có thể chết lưu bất cứ lúc nào ấy, nên là bác gái phải ở lại viện, bác trai chăm một tuần xong về để mẹ vợ lên thay.

Vừa về thì xảy ra chuyện như thế.

Mẹ em kể là lúc ông ngoại phát hiện ra bác trai, ông ngoại còn tưởng cái dây là con rắn, xong mấy người đưa bác xuống nhìn thấy chỗ dây nó xiết vào cổ hằn lên như cái vảy rắn ấy, mẹ e ám ảnh từ đó tới giờ luôn. Không ai dám nói cho bác gái biết chuyện, nhưng mà lâu không thấy bác trai tới viện thăm nên bác gái cũng nghi nghi, giấu được đến tuần thứ ba ba thì bác gái biết, sốc tới mức sinh non luôn.

Mọi người cứ bảo là nhờ bác phù hộ nên anh con trai mới sống được, nhưng các bác có nhớ cái anh mà em kể là bị bà thánh vật nhập, vừa mất vì tai nạn bốn năm trước ấy, anh ấy chính là con của bác Thành Chương.

Sau khi anh ấy mất, cô Tươi mới bảo với mẹ em: 

Anh ấy thực ra là con ranh con lộn

Kiểu như ma mãnh nó ám xong nó làm cho người mẹ cứ chửa là sảy, nếu đẻ ra thì cũng chết non, thực ra trước giờ vẫn là một đứa đấy thôi, nhưng nó cứ vòng đi vòng lại không siêu thoát.

Anh ấy có thể sống được tới tuổi ấy rồi mới mất, chắc cũng là nhờ bác trai đi theo gánh cho suốt một thời gian dài, cũng không ai nghĩ là anh sẽ mất như thế luôn, tai nạn rất nhẹ, ảnh đang đi dưới lòng đường mà chỉ có phi lên vỉa hè thôi lại bị trượt bánh, ngã đập đầu xuống đường.

Ảnh đứng dậy bình thường, không trầy xước chỗ nào, chỉ bị choáng nhẹ một lúc, vẫn nói chuyện vui vẻ các thứ, nhưng khoảng tiếng sau là ngất rồi đi luôn, nghe bảo là bị xuất huyết não. Đáng nhẽ bác em còn gánh được nữa, nếu như nhà bác không quyết định cải mộ.

Chuyện cải mộ thế nào thì để em kể các bác nghe sau, giờ em phải đi tắm để lấy quần áo cho mẹ em còn giặt máy giặt đã nhé

----------------------

Xem tiếp tập 8:  Cụ kỵ tổ tiên gánh cho một mạng 

Tống Ngọc

Ma