Chị Đỗ làm nghiêm nét mặt rồi cất tiếng hỏi:
- Các bác đã bao giờ nghe tên bùa lỗ ban chưa?
Hai ông bà Tuấn nhìn nhau vẻ kinh ngạc khiến chị chủ quán càng thêm phấn khích.
- Chắc hai bác chưa nghe tên cái bùa này đúng không nào? Ngày trước chúng tôi cũng chẳng ai biết nhưng sau khi xảy ra chuyện nhà ông Thông thì cả làng này đều kể vanh vách câu chuyện bùa lỗ ban và thầy Lành.
Ông Tuấn gật gù:
- Quả nhiên sự lạ không nơi đâu là không có. Vậy thầy Lành ấy đã giải bùa ấy thế nào? Chị kể cho chúng tôi nghe với
Chị Đỗ tay vẫn không ngưng làm bún cho khách, miệng vẫn leo lẻo kể chuyện không ngừng nghỉ.
Câu chuyện bắt đầu từ gia đình ông Thông, thời xưa gia đình cũng thuộc dạng giàu sang phú quý.
Ông xuất thân từ phú ông địa chủ nên có của ăn của để, nhà có hai người ở. Ngày ấy khu này toàn xây nhà vách đất với tường trình sỏi mà nhà ông Thông xây nhà gạch mái ngói to nhất cái xóm này. Ai ai cũng phải thán phục.
Nhà xây xong thì biến cố lại xảy ra liên tục khiến người ta thấy sợ cái mảnh đất ấy. Mở đầu chính là cái chết đầy bí ẩn và ghê rợn của con trai ông Thông.
Cậu Phong con trai lớn của ông được ăn học đàng hoàng và cũng là người rất tài giỏi. Chính cậu ấy đã về thiết kế ngôi nhà cho gia đình. Ngôi nhà thiết kế xoay theo 3 hướng, hướng nào cũng có cửa lớn ra ngoài. Cậu Phong này sống trong căn phòng ở phía sau.
Một ngày kia cậu và vợ lục đục cãi nhau. Cô vợ vì không chịu nhịn nên ôm con bỏ về nhà ngoại. Cậu Phong sau đó nhốt mình ở lì trong phòng không chịu ra ngoài. Ông Thông gọi cậu ăn cơm thì cậu nói cả nhà cứ ăn trước, nếu đói cậu tự ăn sau vì phòng cậu đi sang bếp có vài bước chân. Ông nghĩ con cái cãi nhau buồn không muôn ăn nhưng không can thiệp tới nữa mà đi chơi với bạn 2 ngày.
Lúc trở về nhà, mọi người cũng không nhắc đến cậu Phong nên ông cũng không hỏi. Cứ như thế cho đến vài ngày phòng cậu Phong kia không hề mở ra, xung quanh nhà lại thi thoảng bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu.
Ba bốn ngày liền không thấy con trai ra ăn cơm, ông Thông thấy lạ mới gọi cửa nhưng cậu Phong không trả lời. Cửa phòng cậu lại bị khoá trong. Ông đẩy cửa mãi không được bèn kêu người làm phá cửa vào trong.
Cánh cửa vừa mở ra thì cái mùi hôi thối khó chịu xộc ra bên ngoài khiến ai nấy đều phải bịt mũi. Ông Thông lo chuyện không hay lao vào trong thấy con trai nằm gục trên bàn làm việc với 1 bức vẽ còn đang dở dang.
Mọi người vào kiểm tra và phát hiện cậu Phong kia đã chết từ khi nào. Thân thể cậu đang bắt đầu phân huỷ, thối rữa nên bốc mùi nồng nặc.
Cái chết đột ngột, không rõ lý do của cậu Phong bấy giờ bị người ta đồn đoán linh tinh với những câu chuyện quái dị. Có người cũng nói tới việc cậu Phong bị trúng ngải bởi vì cậu ấy chết quá bất ngờ và chắc chắn cậu ấy không tự tử.
Đám tang của Phong diễn ra được một tuần lễ thì bà Thông, mẹ cậu cũng lên cơn đau tim rồi đột ngột qua đời. Một tuần lễ trôi qua nhưng nhà ông Thông phải đưa tang 2 lần.
Sự tang thương và ghê rợn bao trùm khắp căn nhà khang trang mới xây xong.
Đám tang của vợ xong ông Thông trở lên suy sụp. Nhiều người khuyên ông Thông mời thầy về kiểm tra xem có phải do ông làm nhà phạm giờ, phạm ngày hay bị đứt long mạch mà bị trách phạt hay không nhưng ông nhất quyết không nghe. Các con của ông Thông thấy bố cương quyết nên không dám nói nhiều mà mấy anh em rủ nhau đi xem.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là họ đi xem ba thầy liền nhưng các thầy lại không thấy sự bất thường về gia đình họ.
Sau khi làm lễ 100 ngày cho vợ, ông Thông giống như bị điên, cả ngày ông cứ nói năng lảm nhảm khiến các con lo sợ. Nhiều đêm ông cắp túi đồ đi ra mộ của cậu Phong ngồi khóc tức tưởi.
Cô con gái út của ông tên Yến lo lắng nên đi tận Yên Bái mời thầy mo về cúng trừ ma. Thầy mo bấy giờ làm lễ rất lớn, đồ lễ cúng nhiều tới nỗi gia đình ông phải thay nhau mang phát cho hàng xóm.
Lúc thầy mo làm lễ cúng xong thì ông Thông bình thường trở lại. Tuy nhiên thầy mo về thì ông Thông lại bắt đầu nói chuyện điên khùng.
Đỉnh điểm là ban đêm ông đi ra sân rồi đứng đọc tên từng người con trong nhà.
Ông còn nhắc tới giờ mà họ sẽ bị quỷ sứ tới bắt đi.
Chuyện ấy có người ở nhà ông Thông chứng kiến từ đầu tới cuối, họ kể với cậu Thuỷ, con trai thứ 2 của ông Thông nghe mọi chuyện. Cậu con trai sợ hãi bàn với gia đình mời thầy chùa về làm lễ dâng sao giải hạn, giải nghiệp chướng. Tuy nhiên cô con gái út lại phản đối và nghi ngờ ông Thông có dấu hiệu bị tâm thần. Cô Yến đưa ông tới bệnh viện và theo pháp đồ điều trị của doctor. Đáng tiếc bệnh tình của ông càng ngày càng nặng chứ không hề thuyện giảm.
Hai anh em bàn nhau:
- Giờ tình hình của bố rất đáng lo. Từ trước cái chết của anh Phong và mẹ thì bố hoàn toàn bình thường. Em có nghĩ rằng chuyện này có liên quan tới tâm linh hay bùa bả gì không?
Yến gạt phắt đi:
- Xem thầy thì chúng ta cũng đã đi xem rồi. Mời thầy về làm lễ chúng ta cũng làm rồi. Giờ bác sỹ kết luận bố bị tâm thần. Nguyên nhân bác sỹ cũng giải thích do bố bị sốc quá nặng do đột ngột mất đi hai người thân.
Thuỷ không yên tâm:
- Nhưng sau khi anh Phong mất nhà mình xảy ra rất nhiều điều lạ lùng. Anh thấy người ta đồn đoán nhiều về bùa ngải. Mẹ mất do bệnh tim thì anh không nói tới nhưng anh Phong tại sao chết? Em không thấy lạ sao? Một người đàn ông bản lãnh và tài giỏi như anh ấy tại sao lại chết không có nguyên nhân như thế?
Yên suy nghĩ một hồi rồi lý giải:
- Thì anh ấy bị bệnh mà chúng ta không biết. Hơn nữa chuyện xảy ra sau khi anh ấy và chị dâu tranh cãi.
Yến dừng lại rồi hỏi gấp:
- Khoan đã, không phải anh nghĩ chị dâu chơi ngải anh Phong đấy chứ?
Thuỷ thở dài:
- Không dám chắc nhưng anh chưa có lý giải nào cho chuyện này. Thứ nhất, anh Phong không có tình cảm ngoài luồng, thứ 2 anh Phong không có thù oán với ai.
- Không thể nào, đánh chết em cũng không tin chị dâu làm chuyện tày đình ấy. Mà em cũng khẳng định chắc chắn anh ấy không phải bị bùa ngải gì cả.
Cuộc tranh luận của hai anh em không có hồi kết. Ai cũng có biện luận và suy nghĩ riêng của mình. Thuỷ thì luôn nghĩ gia đình mình xảy ra nhiều chuyện như vậy chắc chắn liên quan tới cái mà thiên hạ đang đồn thổi là bùa ngải. Yến thì dứt khoát không tin vào cái thứ phản khoa học ấy mà nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp.
Ông Thông ở viện vài tháng thì tình hình đỡ hơn nên được các con đón về nhà. Từ khi về ban ngày ông vẫn tỉnh táo, bình thường nhưng đêm thì hay nói nhảm một mình. Thuỷ cố lắng tai nghe xem bố nói nhảm gì thì hết sức ngạc nhiên khi thấy câu chuyện dường như ông đang nói cũng với mẹ và anh Phong đã mất. Thuỷ đứng lặng người, cậu bị ám ảnh bởi cái thứ vô hình đang tồn tại trong nhà và bí mật nhờ thầy xem lại nhưng thầy nói không thể soi ra.
Bốn năm sau, gia đình ông Thông làm lễ bốc mộ cho vợ và con trai.
Điều đáng ngạc nhiên là ngôi mộ của bà Thông kia xác không hề phân huỷ. Đám thợ bốc mộ lúc lật ván thiên lên thấy cả thi thể của bà Thông trương phềnh còn nguyên hình hài nằm sấp trong ván. Bọn họ phải lấp lại và không dám sang áo cho bà ngay lúc đó.
Thầy được đón tới làm lễ cúng tạ ngôi mộ. Khi làm lễ xong thầy dùng linh phù chôn xuống một góc mộ và khuyên người nhà đưa vong hồn bà lên chùa để nghe kinh Phật cho siêu thoát.
Ai cũng nói bị dính trùng tang, nhưng tới bốn năm liền nhà ông Thông cũng không mất thêm một người nào khác ngoài hai mẹ con cậu Phong thì thật là kỳ lạ.
Sau khi gia đình làm lễ dẫn vong lên chùa thì ông Thông lại phát điên. Ông luôn mồm gọi tên vợ và con trai đã mất, thậm chí ông còn không nhớ được tên cậu Thuỷ và cô Yến. Cái ông nhớ chỉ có tên vợ và tên con trai đã mất bốn năm trước.
Cô Yến tính đưa ông lên viện tâm thần một lần nữa nhưng cứ nói đến đi viện thì cơn đau đầu ập đến, không thể chịu đựng nổi, cô ấy ôm lấy đầu rồi ngã vật ra đất.
Người giúp việc tưởng Yến bị trúng gió mới chạy ra đỡ lên nhưng mặt cô ấy đã tím tái, mắt trợn trắng dã vô cùng đáng sợ. Họ cấp tốc gọi xe cấp cứu nhưng không kịp, bởi cô Yến đã mất ngay sau khi ngã vật ra sân.
Trong bốn năm liền gia đình ông Thông mất đi liên tiếp ba người.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây chính là những cái chết kia đều đột ngột, không ai kịp trăn trối một lời nào
Ông Thông khi nghe tin con gái chết thì đau đớn quá, ông bò từng bước chậm chạp gọi tên con trong tuyệt vọng. Lúc này, ông tỉnh táo đến lạ, chiếc xe đưa thi thể cô Yến về nhà là ông lao ra ôm chầm lấy, không ngừng gọi con tỉnh lại.
Đám tang diễn ra nhanh chóng. Gia đình ông Thông bấy giờ chỉ còn lại hai bố con cậu Thuỷ. Vợ con của cậu Phong đã chuyển về ngoại sống kể từ khi xảy ra xô xát. Đám tang của chồng và mẹ chồng cô ấy chỉ đưa con về chịu tang rồi lại đưa con sang nhà ngoại chứ nhất quyết không ở lại nhà chồng.
Căn nhà rộng lớn mà trống trải, phòng thờ nhà ông Thông trong vài năm ngắn ngủi lại có thêm tới 3 bát hương thờ cúng. Điều đáng tiếc nhất chính là cái chết của hai người con ông Thông.
Sau khi gia đình ông Thông mất đi 3 người thân liên tiếp thì người làm cũng xin nghỉ. Bọn họ kể rằng thường xuyên nghe thấy tiếng động lạ trong ngôi nhà kia. Có đêm họ còn thấy cửa nhà tự nhiên mở ra mặc dù không hề có người. Nhiều sự việc trùng hợp khiến họ cảm thấy sợ hãi nên từ từ xin nghỉ việc.
Cậu Thuỷ phải khó khăn lắm mới thuê được một người tới giúp việc cho gia đình. Người này chịu tới làm nhưng chỉ dòn nhà theo giờ chứ nhất quyết không ở lại đêm. Cậu Thuỷ đồng ý vì muốn nhà có người lo cơm nước cho bố trong khi cậu đi làm không có nhà.
Ông Thông thì cả ngày cứ thẫn thờ. Lúc trước suốt ngày ông gọi tên cậu Phong với vợ thì khi con gái mất ông lại gọi tên cô Yến. Bà giúp việc kể chuyện nhiều lúc ông cứ đi ra góc vườn rồi gọi tên con.
Đúng 100 ngày con gái, ông Thông ra vườn dùng dây thừng treo cổ lên cây nhãn mà tự tử. Lúc người ta đi tìm thì chỉ thấy xác ông treo lơ lửng ở đó tự bao giờ
--------------------------
Đọc trọn bộ BÙA LỖ BAN - HẠN LÀM NHÀ - HÀ DƯƠNG
Bản quyền thuộc về tác giả Hà Dương