Long là người đầu tiên chui qua cái lỗ ấy, mọi người từ từ cùng nhau cũng nối đuôi theo. Ở đây cũng khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên mà Long để ý thấy cái lỗ chỗ hàng rào này, và cũng là lần đầu tiên hắn đi lên mảnh rừng phía sau trường học.
Trời tối mịt, những chiếc đèn trên tay các thầy cô chiếu lên le lói, trước mặt mọi người là rậm rạp, chằng chịt đầy những cây gai, dây leo cản đường. Vất vả lắm mới chui được qua cái bụi gai ấy và đến một bãi thoáng đãng hơn. Chỗ này khá bằng phẳng, những tán cây trên đầu bao phủ rậm rì, tạo cho người ta cái cảm giác rờn rợn
- “Quang ơi....Quang ơiiii......Quang...”
Mọi người chắp loa lên miệng đồng thanh gọi, tiếng gọi vang vọng cả một vùng núi đồi trong cái khung cảnh xẩm tối thanh vắng. Ông Sơn và anh Tráng lục lọi, cầm theo cái que dài, kiểm tra từng gốc cây, bụi cỏ xem có bóng dáng của thằng nhỏ đâu không. Khu đất này cơ man là những gốc cây to, những hốc đá lớn vả cả những bụi cỏ rậm rạp.
Mấy cô con gái thì xúm xít lại với nhau, líu ríu kiểm tra từng cái đoạn ngóc ngách. Long tay cầm đèn pin, hắn lia lia quanh một hồi rồi lại cất tiếng gọi trong vô vọng... không có câu trả lời, cũng không có dấu hiệu gì cho thấy thằng bé Quang đang ở đây. Mọi người đang bắt đầu nản chí, thí từ phía trường có tiếng người nhốn nháo, ánh đèn pin từ dưới trường lia lên
- “Các thầy ơi, có kết quả gì chưa?”
Là tiếng của anh Lử
- “Chưa, chưa thấy thằng bé đâu cả, nhưng chắc chắn nó ở đâu đó trên này, người nhà thằng bé đến chưa?” Ông Sơn nói vọng xuống
Ở phía dưới, có bốn năm cái ánh đèn kéo nhau chui lên , đâu đó có tiếng người phụ nữ kêu thất thanh một hồi bằng tiếng Kinh rồi lại pha cả tiếng Thái
- “Quang ... ơi... con ơi... nó đâu rồi?? Nó bị ma dấu ở đâu...? Sao lại bị ma giấu”
Là mẹ thằng bé Quang, anh Lử dẫn theo nhóm người chui qua hàng rào rồi cũng tiến lên trên núi, cả nhóm 5 người gồm bố mẹ và người nhà thằng bé. Long chạy tới cúi đầu xin lỗi bố mẹ thằng nhỏ rồi thuật lại câu chuyện chiều nay cho họ nghe, bố mẹ nó nghe xong thì lo lắng cho con nhưng cũng không có gì trách cứ các thầy cô cả.
Đoàn người lại chia nhau ra tìm kiếm khắp cả núi rừng, tiếng gọi, tiếng hô, tiếng sục xạo của mọi người làm cho chim chóc bị đánh động kêu lên ráo riết loạn cả lên. Cả một mảng núi đồi cứ thế ồn ào cả lên mọi người ai nấy đều mệt mỏi và dần dần cảm thấy vô vọng, một thằng bé bằng da bằng thịt bỗng chốc bốc hơi đi đằng nào.
- “Liệu nó có rơi xuống giếng không?”
Bố thằng nhỏ mất bình tĩnh lay lay vai ông Sơn
- “Không đâu, không có dấu vết gì thằng nhỏ rơi xuống giếng, chúng tôi cũng đã kiểm tra rồi, mũ và cặp nó để dưới kia cái chỗ thông lên trên đồi, tôi cảm giác nó chỉ có ở quanh quẩn đâu đây thôi” ông Sơn mướt mải mồ hôi, căng thẳng đáp
Mọi người lại tiếp tục tìm kiếm, được một hồi sau đã là gần 8 giờ tối, đúng lúc mọi người đang cảm thấy kiệt sức và bất lực thì một người trong đoàn người nhà thằng bé Quang lên tiếng
- “Nghĩ ra rồi, tôi có biết một ông thầy Pháp người kinh, ông ấy ở trong căn nhà cách đây không xa, vụ này có lẽ phải tìm ông ấy tới giúp đỡ mới được”
Cả đoàn người như chợt có một tia hi vọng loé lên, người kia nói xong thì vội vàng xuống núi rồi chạy đi tìm ông thầy, mọi người ở lại thì chia nhau tiếp tục tìm kiếm ,tiếng gọi “Quang ơi... Quang ơi” cứ thế vang lên thảm thiết, vô vọng... gần một tiếng sau ai nấy mệt lả, cả đoàn đang ngồi nghỉ dưới chân các gốc cây thì có tiếng gọi vọng lên làm ai nấy lộ lên nét mừng rỡ
- “Thầy đến rồi... thầy đến rồi này”....
Một người đàn ông tóc trắng muối tiêu, vai đeo cái tay nải, tay kia xách theo con gà trống to và dắt theo một con chó đen,ông ta đứng dưới chỗ nhà vệ sinh nhìn lên. Anh chàng người nhà thằng bé thuật lại câu chuyện một hồi, ông thầy pháp hơi cau mày rồi chỉ nói vỏn vẹn một câu
- “Yên tâm”
Ông liếc nhìn qua một vòng ngọn đồi, mắt ông sáng quắc đảo đi đảo lại, rồi dừng lại ở cái giếng một lúc. Ông lắc lắc đầu, rồi ngồi xuống giờ đồ nghề trong cái tay nải ra. Ông lấy ra một cái bát, một con dao , cắt cổ con gà trống, máu gà chảy ra tòng tọc, con gà dãy dãy mấy cái rồi chết thẳng cẳng. Thế rồi ông lấy máu gà, chấm cái bút lông, vẽ lên một lá bùa màu vàng nho nhỏ, những kí tự ngoằn ngoèo mà người ta không hiểu rõ. Vẽ xong ông đưa lá bùa lên trước mặt mà châm lửa, ánh lửa vàng vàng xanh xanh lập loè, cháy lên, ông nhanh tay rút lấy ba nén hương, châm cho hương cháy từ ngọn lửa trên tay và tiến lại vứt nốt cái tàn của lá bùa xuống giếng nước.
Một cơn gió mạnh thổi từ dưới giếng lên, tàn lửa bay ngược trở lại. Ông thầy một tay kết ấn, một tay cầm ba nén hương khua lên một hồi, miệng lẩm bẩm những câu chú ngữ gì đó , nói xong ông cắm 3 que hương ở góc thành giếng và quay người đi. Đến chỗ cái lỗ hàng rào, ông vạch lối, tay cầm theo bát máu gà và một sợi lông đuôi gà rồi huýt sáo một tiếng. Con chó mực đang lè lưỡi quan sát thì chạy lại phía sau ông, ông thầy vừa vạch đường, vừa lấy lông đuôi gà chấm vào bát tiết , ông ta vẩy vung vãi tiết gà khắp nơi trên đường đi, bụi cây ,ngọn cỏ xung quanh. Mọi người thấy cảnh đó thì tò mò lắm, ông đi một mạch lên chỗ đoàn người đang soi, mọi người chào ông thầy ,rồi nhìn ông bằng ánh mắt dò xét, mẹ thằng nhỏ thì chạy lại nắm tay ông mà khóc nức nở
- “Thầy ơi, thầy giúp nhà con với, thằng bé nó bị ma dấu mất rồi”
Ông hỏi thằng bé tên gì, sinh năm bao nhiêu?
- “Vi .. Vi văn Quang, sinh năm 1980”
Bố thằng bé nhanh nhảu chạy lại
Ông thầy khẽ gật đầu, thế rồi ông rút ra một nén hương nữa châm lên rồi cắm xuống dưới đất, bát tiết gà được ông hất tứ tung, ông chấm một chút máu vào ngón tay rồi bôi tròn tròn trên trán con chó mực xong ngồi lẩm bẩm nói gì đó với nó. Con chó mắt ánh lên, nó sủa gâu một tiếng rồi quay đầu chạy sâu vào bên trong đồi, ông thầy chạy theo, mọi người cũng xách đèn đuốc mà bám theo náo loạn.
Con chó chạy vòng vòng luồn lách qua mấy bụi cây, tảng đá rồi dừng lại trước một cái vách đồi có những tảng đá to và những cái cây rậm rạp che phủ, nếu không nhìn kĩ thì sẽ không phát hiện được đây là một cái hốc khá lớn. Con chó đứng ngoài sủa lên inh ỏi, đoàn người chạy theo đến đó thở hồng hộc, ở vị trí này nhìn xuống thì đã cách trường học khá xa. Ông thầy tiến lại xoa xoa đầu con chó, rồi cầm cái đèn pin, tay kia vạch lùm cây ra soi vào....
Cả chục ánh đèn soi sau ông lũ lượt chiếu vào bên trong... sau bụi cỏ và lùm cây lớn được vạch ra, môi người “Ồ” lên một tiếng ... bà mẹ thằng nhỏ hét lên
- “Con ơiii”
.... Là thằng Quang.... nó đây rồi... thằng Quang đang ngồi co ro trong cái hốc đá, 2 mắt nhắm nghiền, mồm nó đang ngậm một con ếch 2 cái đùi ếch thò lò ra khỏi miệng,nước mắt nước mũi nó chảy ra tèm lem , nó nhắm tịt mắt nhưng đang thút thít rên rỉ
Bà mẹ định lao vào, ông thầy đưa tay giữ bà ta lại, ông lầm rầm đưa tay kết ấn rồi lách người vào trong, ông vỗ cho cho thằng bé một cái vào đầu, bất chợt thằng bé mở choàng mắt ra, nó cho tay lên mồm kéo con ếch ra khỏi miệng rồi oà lên khóc gọi mẹ. Con ếch nát toét, máu me nhầy nhuột tanh tưởi, thằng bé cứ thế mà gào ầm lên, những ánh đèn chiếu vào mặt nó làm nó nhắm tịt cái mắt lại. Ông thầy kéo thằng nhỏ ra, gương mặt nó lấm lem, quần áo bẩn hết, tay chân mồm miệng thì toàn đất với cát, nó ôm chầm lấy mẹ nó và khóc lên nức nở. Đoàn người mừng rỡ reo hò và thở phào nhẹ nhõm, Long chạy lại, hắn cúi chào ông thầy và giới thiệu qua, ông thầy bảo hắn từ từ kể lại mọi chuyện một lần nữa cho ông nghe. Thế rồi ông nói :
- “Bây giờ cũng không còn sớm, thằng bé đã an toàn rồi, mọi người không nên ở đây lâu nữa. Về nhà lấy tấm bùa này đốt lên, hoà với nước, đưa cho thằng bé uống rồi đun một nồi nước xả và lá bưởi cho nó xông, xong thì nấu một bát cháo cho quả trứng gà vào cho nó húp”
Người nhà thằng bé Quang cảm ơn ông thầy rối rít, mọi người lục cục kéo nhau xuống núi, các thầy cô ai nấy mệt lả, chưa ai được ăn uống gì, Long và ông thầy là 2 người đi ra sau cùng, Long chui ra trước, ông thầy đi sau, vừa chui ra khỏi bờ rào chỗ nhà vệ sinh ông thầy nói
- “Chuyện cậu kể theo ta thấy thì không đơn giản đâu, lúc đến đây ta cũng đã có nhìn thấy, dưới cái giếng kia có 2 vong linh trú ngụ, nhưng có vẻ họ chưa làm hại ai, việc thằng bé bị dấu chỉ là bà ta doạ mà thôi. Tuy nhiên có một vấn đề khá phức tạp... là phía xa xa kia ta thấy có một luồng... quỷ khí”
- “Quỷ khí”??? Long trợn tròn mắt
Ông thầy chỉ ra hướng cái lòng trảo, đó là nơi Long từng mơ thấy vong 2 tên lính Pháp không đầu. Long nhìn theo một hồi, vẻ mặt đầy lo lắng. Ông thầy nói tiếp
- “Không phải tự nhiên mà cậu lại thấy được chuyện này, ắt hẳn phải có cơ duyên. Ta là Hải, ta vốn là người miền xuôi, vì thời kì đổi mới, bài trừ mê tín dị đoan, ta lại thích ngao du đây đó, thế rồi dần lưu lạc lên cái mảnh đất này. Nhà ta cách đây 3 quả đồi, cái nhà sàn có treo lá bùa ở trước cửa. Từ giờ có việc cứ đến tìm ta. Chuyện này ta thấy còn kéo dài và phức tạp đấy...”
Thế rồi ông chào hắn rồi quay đi, Long ngơ ngác nhìn ra phía xa xa, hắn nuốt nước bọt rồi vội vã bám theo ông chạy về trường, mọi người cảm ơn ông thầy rồi rít, người nhà thằng bé mời ông qua nhà để mà hậu tạ thì ông không sang, bố thằng bé dúi vào tay ông mấy tờ giấy bạc coi như tấm lòng cảm ơn ông đã cứu giúp. Ông Hải vui vẻ lắc đầu rồi chào tiễn biệt mọi người, ông có dặn về nhà nhớ làm theo ông nói và từ nay có việc gì thì cứ đến tìm ông, thế rồi ông quay đi. Mọi người xôn xao bàn tán về lai lịch của ông thầy này, các thầy cô không ai biết, cứ xuýt xoa sao mà thầy giỏi thế, may mà hôm nay có thầy đến không thì chẳng biết thằng bé sẽ ra sao. Anh người nhà thằng bé kia thì bảo
- “Thầy Hải ở đây lâu rồi, ông ở kín tiếng lắm, các thầy cô không biết đó thôi, có việc gì cứ tìm ông ấy, ông ấy giúp hết”
Nói rồi ai nấy gật gù, mọi người tiễn nhà thằng bé ra khỏi cổng trường rồi ai về lán của người ấy tắm rửa. Long cũng tắm rửa một hồi, thay bộ quần áo bẩn lem nhem cho sạch sẽ rồi tụ tập sang một cái phòng chung để cùng ăn cơm với các thầy cô. Bữa cơm hôm đó mọi người ăn ngon đến lạ, phần vì đói vì mệt, phần thì ai nấy bàn tán rôm rả, nói chuyện về sự việc kì quái hôm nay và ông thầy bí ẩn tài giỏi ấy.. chỉ riêng Long, hắn im lặng, hắn nghĩ đến những lời nói của thầy Hải và lặng lẽ nhìn ra phía sau nhà....
------------------
Xem tiếp TẬP 7: Kinh hồn bạt vía
Xem trọn bộ: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5) (Tập 6) (Tập 7) (Tập 8) (Tập 9) (Tập 10) (Tập 11) (Tập 12)
Bản quyền thuộc về tác giả Trung Kiên