30 phút sau, Sửu quay lại nơi giếng làng, đi theo Sửu là một người khác, trên tay họ cầm đủ cả cuốc, xẻng, dây thừng, nước uống.
Sửu nói với thầy Lương:
- Đây là Lực, là em vợ tôi… Nó khỏe lắm, thầy bảo đem theo cuốc xẻng thì chắc phải đào bới ở đâu đó, vậy nên tôi gọi nó theo có gì phụ một tay.
Trước khi đi, thầy Lương nói với trưởng làng:
- Chuyện nước giếng bị nhiễm độc bác trưởng làng đã thông báo cho mọi người hết chưa…?
Ông Vọng đáp:
- Đã báo đến từng nhà rồi thưa thầy.
Sửu nói chen vào:
- Thầy đừng lo, khi nãy nhìn thấy con cá chuối trắng nhảy lên khỏi giếng rồi chết, dân làng ai cũng khiếp hồn. Hôm qua còn bán tín bán nghi chứ hôm nay chẳng ai dám dùng nước giếng nữa đâu.
Để chắc ăn, thầy Lương tiếp:
- Tuy đó mới chỉ là dự đoán sau khi nước giếng nhà cô Xoan làm chết đàn gà và nước giếng của làng khiến cho hai con bò nhà anh Mão cũng chết theo cách tương tự. Nhưng có vẻ như nước ở ao, ở mương vẫn chưa có dấu hiệu bị nhiễm độc bởi nếu nước có độc, chắc chắn tôm cá đã chết nổi hết rồi. Đây tạm coi như một dấu hiệu chất độc hiện tại chỉ ngấm trong mạch nước ngầm của nước giếng. Tuy nhiên, để cho an toàn, mọi người trong khoảng thời gian này vẫn chỉ nên sử dụng nước mưa.
Ông Vọng gật đầu:
- Ngày hôm qua khi thầy nói là tôi đã nhắc nhở mọi người cẩn thận rồi.
Thầy Lương ban nãy nhìn thấy trong sân đình có một tấm bạt che mưa khá lớn, nãy ông đã đem ra đây. Dải tấm bạt ra, thầy Lương nói:
- Giờ mọi người giúp tôi căng tấm bạt này che miệng giếng lại, tốt nhất nên làm vậy để cảnh báo mọi người.
Phủ bạt che kín miệng giếng xong, lúc này đã gần 9h sáng, thầy Lương đứng im lặng một lúc rồi chỉ tay ra hiệu cho mọi người:
- Hướng đông 5 dặm, cảm phiền mọi người dẫn đường.
Lực khẽ hỏi:
- Nhưng hướng này chẳng phải là đi đến bãi hoang của làng hay sao…? Mà sao biết được đi đến đâu thì đúng 5 dặm.
Thầy Lương khẽ cười:
- Cậu đừng lo điều đó, tôi tự có cách tính đường của riêng mình. Mà cậu nói bãi hoang là sao…?
Ông Vọng liền giải thích:
- À, đó là khu đất cũng thuộc làng Văn Thái, nhưng từ đời bố mẹ tôi kể lại là đất ở đó trồng cây gì cũng không lên được, không hiểu lý do vì sao. Nghĩ là đất xấu nên dân làng không canh tác ở đó nữa. Cha ông chúng tôi sau này mới mở rộng đất, dựng nhà, dựng cửa, vậy cho nên thầy thấy đó, làng tui đất rộng nhưng bà con chỉ tập trung quanh khu vực đình làng, giếng làng. Khu vực không trồng trọt được, dần dà mọi người gọi nó là bãi hoang.
Được nghe thêm một chi tiết khá lạ, đang trên đường đi, thầy Lương phải tập trung vào những sải chân, qua đó tính được quãng đường đang đi. Ông Vọng nói không sai, giống với đoạn đường đi tới cây đa đầu làng, phải nói đất làng này rất rộng, nhưng dân cư, nhà ở lại thu hẹp trong phạm vi kể từ ngôi đình thờ Thần Thành Hoàng đổ ra. Khi mới đặt chân đến đây, khó khăn lắm thầy Lương mới tìm được quán nước ngay dưới gốc đa để xin trú mưa. Thầy Lương nghĩ trong đầu:
“ Bãi Hoang, chẳng lẽ đất đai ở đó cằn cỗi đến mức không trồng được thứ gì hay sao..? “
Đi hết con đường đất, đến đoạn này thì hai bên đường cỏ mọc um tùm che kín cả lối đi. Có lẽ rất lâu rồi chẳng ai đi đến đây nên con đường cũng dần bị cỏ dại, cây dại che phủ. Sửu với Lực đi trước dùng dao phạt bớt cỏ hoang hai bên lấy lối, thầy Lương vẫn đi sau, vừa đi vừa lẩm nhẩm….. Cuối cùng thì cũng đi qua đoạn đường rậm rạp, cũng là lúc con đường đất đã đến điểm cuối cùng.
Bất chợt thầy Lương nói:
- Dừng lại, chúng ta đi được 5 dặm rồi.
“ Phạt...Roạt….Roạt…”
Những nhát dao sắc lẹm chém quang cả bụi cây trước mặt của Sửu để lộ ra phía trước mặt chính là Bãi Hoang.
Lực chạy ra rồi cười lớn:
- Đấy thấy chưa, em đã bảo là đến Bãi Hoang mà.
Trước mặt thầy Lương, cảnh vật hoàn toàn trái với suy nghĩ của ông, khi nghe đến cái tên Bãi Hoang, ông đã nghĩ nơi đây đất đai khô cằn, xám xịt, vậy cho nên bà con nông dân mới không canh tác được, vậy mà những gì ông tưởng tượng đều ngược lại. Trước mặt thầy Lương là một cánh đồng cỏ tươi tốt, những bụi bông lau cao gần bằng người trải dài bao quanh.
Thầy Lương có phần bất ngờ với nơi này, Sửu chạy lại hỏi:
- Thầy Lương, có phải chỗ thầy muốn đến là nơi này không..?
Thầy Lương gật đầu:
- Đi đúng 5 dặm thì đến nơi đây, chắc không sai được.
Sửu tiếp:
- Thế bây giờ phải đào ở đâu, thầy cứ nói…. Chúng tôi sẽ làm ngay.
Ông Vọng cũng chờ đợi xem tiếp theo thầy Lương sẽ chỉ dẫn làm gì, thầy Lương đáp:
- Hướng đông 5 dặm đã đến, nhưng phải đợi đến giờ ngọ tam khắc mới đúng thời điểm. Chưa kể hãy còn một vấn đề mà tôi đang chờ đợi.
Ông Vọng hỏi:
- Là vấn đề gì vậy thầy, có thiếu gì nữa không ạ…? Cuốc xẻng, nước uống cũng đã đem theo đủ rồi.
Thầy Lương đưa tay ra bấm độn, nhưng vẫn như những ngày trước đây, ông không thể luận ra được điều gì cả. Thầy Lương hỏi:
- Đồng cỏ tốt như này chắc bà con cũng dắt trâu bò ra đây thả phải không trưởng làng.
Lực cười rồi nói:
- Không có đâu thầy ơi, ban nãy đi vào đây thầy cũng thấy rồi, lối đi bị cây dại phủ kín, phải dùng dao phạt quang mới đi được. Hơn nữa làng chúng tôi đất rộng, xung quanh khu vực nhà dân cũng có đồng ruộng, chẳng ai hơi đâu mà dắt trâu đến tận Bãi Hoang để chăn cả. Vừa xa mà lại vừa ghê chết đi được.
Sửu quát:
- Cái thằng này, ăn nói cho cẩn thận…. Mày nói chuyện với thầy thế à…?
Lực gãi tai vội xin lỗi thầy Lương, thầy Lương cười rồi hỏi:
- Xa thì đúng, nhưng sao lại ghê…? Cậu có thể nói rõ hơn được không..?
Lực nhìn ông Vọng với anh rể không dám nói, ông Vọng đáp:
- Thực ra thì từ khi tôi lên làm trưởng làng, thấy đất đai ở đây rộng, cỏ với lau mọc tươi tốt nên tôi cũng có ý định khai khuẩn rồi bảo bà con trồng thêm ngô, mía ở đây… Mặc dù đời ông bà đã nói là làm cách nào cũng không trồng được. Tính tôi bộ đội nên ngày ấy tôi chẳng tin. Huy động được một vài hộ gia đình đồng lòng, bọn tôi có đến đây cày cuốc để gieo giống. Nhưng…..
Thầy Lương hỏi:
- Nhưng sao….?
Ông Vọng ấp úng:
- Nhưng trong ba hộ gia đình đi theo tôi, có hai vợ chồng mới cưới. Sau khi khai hoang được 3 ngày thì cả hai không đến đây nữa. Tôi có hỏi lý do thì họ nói không muốn làm….. Và 3 ngày sau, chẳng hiểu tại sao cả hai vợ chồng đều chết trong nhà không rõ lý do. Lúc chúng tôi đến nhà đóng cửa khóa trong, gọi mãi không thấy ai trả lời, sợ xảy ra chuyện gì nên tôi phá cửa lao vào. Trên giường, hai vợ chồng họ đã chết từ bao giờ, họ nằm trên giường với tư thế quằn quại, cứ như trước khi chết họ phải chịu đựng điều gì đau đớn lắm….. Còn một điều nữa, ngoài xác của hai vợ chồng đó thì trên giường còn có rất nhiều tiền.
Thầy Lương nheo mày:
- Tiền sao…? Họ giàu có lắm phải không..?
Ông Vọng lắc đầu:
- Nếu mà giàu thì họ đâu cần theo tôi đi mở đất ở chỗ này. Tôi cũng không hiểu tại sao chỉ sau vài ngày mà họ lại có nhiều tiền như vậy…? Nguyên nhân cái chết của cặp vợ chồng đó đến bây giờ vẫn còn là bí ẩn. Đã hơn 20 năm trôi qua rồi.
Sửu chen vào:
- Thế cho nên dân làng nói khu đất này có vấn đề, vậy nên chẳng ai mò ra đây cả.
Lực lúc này mới nói thêm:
- Em còn nghe thằng Hòa kể, đợt nó với con vợ nó mới yêu nhau. Vì gia đình ngăn cấm nên chúng nó mò tận ra đây để tâm sự….Ban đầu thanh vắng không có gì, nhưng một hôm hai đứa ngồi trước bụi lau tâm sự thì đột nhiên nghe thấy tiếng cười ở ngay sau lưng. Mà giọng cười ghê lắm, đợt đó chúng nó bỏ cả quần áo chạy luôn mà.
Tuy không rõ ràng, nhưng một hai mẩu chuyện về Bãi Hoang khiến cho thầy Lương biết, khu đất này chắc chắn ẩn giấu một thứ gì đó. Nhưng rốt cuộc nó là thứ gì thì phải đợi đến giờ Ngọ ba khắc mới có thể biết được…...
------------------
Đọc tiếp phần 20: Giải mã giấc mơ
Đọc trọn bộ: MIẾU HOANG - TRƯỜNG LÊ
Xem thêm: NGHIỆP ÂM KỲ TRUYỆN - Ngọc Quang
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê