Sửu lạnh cóng hết cả người, vì đứa bé úp mặt vào gốc cây nên không biết được nó là con nhà ai, nhưng khi nãy trong đình, Sửu nghe thấy có mấy điệu cười khác nhau, nhưng giờ ra đến đây thì chỉ có một đứa bé gái.
Sửu soi đèn pin vào người nó rồi run run hỏi :
-- Này….này….cháu...là con cái...nhà ai...đấy…? Nửa...nửa đêm...còn ra...đây làm...gì…?
Mặc cho ánh đèn pin soi phía sau lưng, đứa bé gái vẫn úp mặt vào gốc cây, Sửu nói xong thì nó lại cười :
-- Hi...hi...hi….Thấy….rồi...nhé….Hi...hi...hi…
Nuốt nước bọt, đêm khuya thanh vắng, đứng ngay cái giếng hôm qua mới có người chết đuối, giờ lại xuất hiện một đứa bé gái chơi trốn tìm dưới gốc cây lộc vừng, hỏi nó không đáp mà chỉ cười. Sửu thấy không ổn, mà đúng là mọi thứ đã không ổn từ lúc bóng đèn trong đình làng chập choạng rồi vụt tắt rồi mới đúng. Sửu lùi dần dần lại từng bước một, Sửu vừa lùi vừa nhìn vào đứa bé gái, nó vẫn đứng im úp mặt vào gốc cây không hề di chuyển. Vô tình Sửu bước hụt, tay cầm đèn pin hẫng lên cao khiến cho ánh đèn soi thẳng lên cành lá um tùm của cây lộc vừng.
Và rồi, Sửu hét toáng lên xong quay lưng, ba chân bốn cẳng bỏ chạy trối chết. Khi ánh đèn pin soi lên cây lộc vừng, Sửu nhìn thấy đang ngồi vắt vẻo trên cành cây, núp núp sau những tán lá phải có đến 3 đứa trẻ con không mặc quần áo, nước da tái nhợt, dưới ánh sáng của đèn pin, những cặp mắt của chúng đỏ lòm đang nhìn chăm chăm vào Sửu.
-- Ma….ma…..cứu….tôi...với…Hộc….hộc...hộc…
Quá sợ hãi, Sửu vừa chạy vừa kêu cứu, Sửu chạy đến tuột cả dép nhưng không dám quay lại nhặt, bởi Sửu càng chạy thì tiếng cười khúc khích của bọn trẻ con lại như đang ở ngay phía sau lưng của Sửu :
“ Hi...hi...hi…..đứng….lại….hi...hi.hii”
“ He..he….he...tìm...thấy...rồi...nhé….”
Sửu toát mồ hôi lạnh, ướt hết cả cái áo mặc dù nửa đêm trời se lạnh chứ không hề nóng bức. Quãng đường từ đình ra giếng giờ đây cảm tưởng Sửu chạy mãi không hết, đến lúc này Sửu mới nhớ ra lời thầy Lương dặn là dù có chuyện gì cũng không được rời khỏi khuôn viên đình làng, chập tối, thầy Lương còn dặn thêm đình làng là nơi thờ cúng cả trăm năm nay, dù làng đang gặp nhiều chuyện nhưng trong đình vẫn là nơi linh thiêng, ma quỷ không dám bén mảng lại gần. Bây giờ chỉ cần chạy được vào đến trong đình là Sửu thoát được nỗi ám ảnh khủng khiếp này, ít nhất là Sửu nghĩ vậy.
Nhưng không, ma quỷ thì ai cũng đã được nghe nhiều, nhưng đâu ai biết hình dáng của chúng ra sao. Ngay khi nhìn thấy cổng đình, chỉ còn vài bước chân nữa thôi là Sửu có thể chạy được vào trong sân thì đột nhiên Sửu đứng khựng lại. Vừa có gì đó bám chặt lấy hai bàn chân của Sửu, nhìn xuống dưới Sửu không dám hét lên bởi cái thứ nặng trịch đang bám lấy Sửu chính là hai đứa trẻ con, chẳng biết chúng đã bám từ bao giờ, nhưng lúc này chúng đang nằm nhoài dưới mặt đất, hai tay túm chặt lấy chân Sửu. Chúng nhìn Sửu bằng ánh mắt đỏ lòm rồi nhe cái miệng trắng ởn ra cười man dại :
“ He he he….He...he he…”
“ Bắt..được...rồi...nè…..He..he...he….”
Sửu rất khỏe, nhưng giờ đây toàn bộ cơ thể không nhúc nhích được, chân như đeo chì nặng trĩu, Sửu nhớ mình có đeo lá bùa ngũ sắc, mà theo thầy Lương nói chỉ cần đeo tấm bùa đó, ma quỷ sẽ không quấy rầy được Sửu, nhưng không, lúc này nhìn lại, cổ tay Sửu không có lá bùa nào cả. Có lẽ khi nãy uống rượu say rồi nằm lăn ra ngủ, lá bùa đã vô tình rơi ra mà Sửu không hề hay biết.
Bọn trẻ ma kia từ từ leo lên người Sửu, chúng trườn bên này, rồi vắt sang bên nọ, Sửu muốn kêu cứu nhưng không thể nói, cổ họng cứ như đang bị bóp chặt, đến hơi thở cũng mỗi lúc một khó hơn, hai đứa trẻ ma bò lên đến vai của Sửu thì ngồi mỗi đứa một bên, vung vẩy đôi bàn chân nhợt nhạt, chúng cười đùa rồi mỗi đứa một bên bóp chặt lấy phần cổ của Sửu rồi siết mạnh, Sửu bắt đầu thấy đau và khó thở, nhưng lại không thể lên tiếng. Thứ mà Sửu nghe được lúc ấy chỉ là tiếng cười văng vẳng hai bên tai.
“ Hi….hi...hi…”
“ He...he...he…”
Ánh mắt Sửu dần mờ đi, mặt tím tái lại vì không thở nổi, trong khi trợn ngược mắt, chảy nước dãi, Sửu nhìn thấy đứa bé gái đứng ở hốc cây lộc vừng khi nãy đang ở trước mặt mình, mái tóc của nó xõa kín khuôn mặt. Nó đang đưa tay lên đặt tay của nó vào bụng của Sửu…….Nhưng rồi Sửu cứ thế lịm đi cho đến khi mất hẳn ý thức, tiếng cười, giọng nói không còn nữa, điều cuối cùng mà Sửu cảm nhận được chính là cảm giác như cơ thể nhẹ tênh như đang bay lơ lửng trên không trung…….
[........]
-- Thằng cha này ngủ say thế, này, dậy, dậy đi….
Một người trong đội thợ ngày hôm qua vừa lay người Sửu vừa gọi, Nhưng Sửu vẫn nằm im không có biểu hiện gì là sẽ tỉnh. Ông Vọng thấy vậy hỏi :
-- Vẫn chưa gọi dậy được à..?
Lực mới tiến lại hiên đình, ngay chỗ Sửu nằm, cầm chai rượu đã cạn sạch đưa lên mũi ngửi ngửi, Lực nói :
-- Ông này hôm qua chắc uống rượu say nên ngủ giờ gọi còn không chịu dậy.
Dự cảm có chuyện không lành, thầy Lương ngồi xuống nhìn kỹ gương mặt của Sửu, Sửu vẫn đang thở, nhưng có điều hơi thở không đều, thầy Lương khẽ cau mày khi nhìn thấy lá bùa ngũ sắc chiều tối ngày hôm qua đưa cho Sửu đang nằm bên ngoài mép chiếu. Nhận ra điều gì đó bất ổn, nhưng không để mọi người lo, thầy Lương nói :
-- Cậu ta say rượu rồi, thôi giờ mọi người chuyển máy bơm ra bên ngoài giếng rồi đặt ống dẫn nước vào trong bể này. Cũng may bể chứa đã khô, mọi người làm việc nhớ cẩn thận, đeo găng tay, mặc áo mưa để tránh bị nước giếng bắn vào người. Khi nào mọi thứ đã xong xuôi mới được bơm nước.
Lực cùng những người khác vâng dạ rồi chuyển đồ từ trong đình ra ngoài giếng, còn lại thầy Lương, ông Vọng và Sửu…...Ông Vọng cũng định đi thì thấy thầy Lương hạ tay nảy xuống rồi lấy ra một bộ đồ nghề châm cứu, chọn lấy một cây kim mảnh, thầy Lương day day vào phần trán của Sửu rồi châm cây kim vào chính giữa ấn đường.
Khẽ xoay nhẹ cây kim 3 vòng, tiếp đó thầy Lương rút kim ra, từ ấn đường của Sửu nơi vị trí vừa bị kim đâm vào liền chảy ra một giọt máu đen xì, chưa dừng lại ở đó, thầy Lương tiếp tục nặn máu đen từ ấn đường ra cho đến khi máu đó chuyển thành màu đỏ thầy Lương mới dừng tay lại.
Lau máu chảy ra, thầy Lương khẽ gật đầu, thấy vậy ông Vọng vội hỏi :
-- Có...có chuyện gì vậy thưa thầy…?
Thầy Lương đáp :
-- Đêm qua chắc hẳn đã xảy ra chuyện gì đó, cậu ta không phải say rượu mà ngủ đâu. Nhìn kỹ khuôn mặt cậu ta, tôi thấy ấn đường có một vệt đen như sợi chỉ kéo dài tới tận đỉnh đầu. Không hiểu tại sao cậu ta lại bị tà ám khiến cho chướng khí xâm nhập vào cơ thể. Tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng nếu không trục tà khí ra khỏi cơ thể thì phải 2 ngày nữa cậu ta mới có thể tỉnh lại, sau đó cơ thể sẽ mệt mỏi, có thể dẫn đến ốm đau, bệnh tật. Nhưng đừng lo, tôi đã giúp cậu ấy xong rồi, sẽ tỉnh lại ngay thôi. Máu đen tôi vừa lấy ra từ ấn đường của cậu Sửu chính là tà khí xâm nhập vào cơ thể. Sẽ tỉnh lại ngay thôi….
Ông Vọng lo lắng hỏi tiếp :
-- Chẳng phải thầy đã cho cậu ấy lá bùa rồi cơ mà…?
Thầy Lương nói :
-- Bác trưởng làng nhìn kìa, lá bùa nằm ngoài mép chiếu. Đêm qua cậu ta không giữ bùa trong người. Còn nữa, lòng bàn chân của cậu ta lấm bẩn, là loại đất đường, ở đây chỉ có 1 chiếc dép, nếu tôi đoán không nhầm, đêm qua cậu Sửu này đã đi ra khỏi đình. Cậu ta không nghe lời dặn, và đã gặp phải điều gì đó. Nhưng may mà vẫn giữ được tính mạng.
Vừa lúc đó thì Sửu dần dần mở mắt, nhìn thấy thầy Lương và ông Vọng, Sửu ngồi bật dậy, nhưng đầu óc vẫn còn choáng váng, Sửu ú ớ :
-- Thầy Lương….Bác trưởng làng…? Tôi vẫn...còn...sống…?
Thầy Lương mỉm cười :
-- Yên tâm, cậu vẫn còn sống….
Sửu giật mình nhớ lại toàn bộ truyện đêm qua, vừa lúc đó có một người đi vào trong gọi ông Vọng ra xem mọi thứ chuẩn bị đã được chưa để còn bật máy bơm. Sửu hoang mang định kể luôn mọi chuyện với thầy Lương, nhưng bị thầy ngăn lại :
-- Đừng vội, mọi chuyện để sau, trước mắt chúng ta phải tập trung làm cho xong công việc hôm nay đã.
Bước ra ngoài giếng, máy bơm, đường ống dẫn, tất cả đều đã lắp đặt xong xuôi, bây giờ chỉ cần khởi động là bắt đầu bơm nước từ giếng vào cái bể chứa ở giữa sân đình. Trước khi chuẩn bị bơm, Lực thắc mắc :
-- Thầy Lương này, liệu bể chứa có đủ để chứa lượng nước giếng hay không…? Mặc dù chúng ta xây một cái bể khá lớn, nhưng tôi e là….
Thầy Lương mỉm cười :
-- Đừng lo, sẽ ổn thôi….Giếng này không quá sâu, chỉ khoảng 4 trượng. Nhưng do giếng chưa bao giờ cạn nước, lại là giếng làng, được coi là nơi linh thiêng nên chưa ai từng nghĩ đến việc sẽ xuống đáy giếng, hay đo độ sâu của giếng. Điều này tôi đã hỏi bác trưởng làng rồi. Và tôi cũng đã đo đạc chính xác độ sâu của giếng. Căn cứ vào mực nước trong giếng hiện nay thì bể chứa có thể chứa được toàn bộ lượng nước trong giếng.
Ông Vọng bất ngờ hỏi :
-- Thầy đã đo độ sâu của giếng từ lúc nào vậy…? Và đo bằng cách nào..?
Thầy Lương cười rồi trả lời :
-- Ban đầu tôi cũng nghĩ giếng sẽ rất sâu, việc đo đạc cũng rất đơn giản, tôi dùng một cuộn dây mảnh chuyên dụng, trên dây đã có đánh dấu từng trượng. Khi đo giếng tôi chỉ cần cột một hòn đá vào dây sau đó thả xuống giếng. Khi nào đá chạm đáy giếng, dây không thả được nữa sẽ nổi lên mặt nước. Căn cứ vào vạch đo trên dây tôi biết được giếng này sâu bao nhiêu. Từ đó tính toán việc xây bể chứa sao cho phù hợp.
Nghe đến đây thì ông Vọng cũng như Sửu với Lực phải cảm thấy nể phục thầy Lương thêm bội phần. Mọi việc thầy Lương làm đều có tính toán cẩn thận, chi li, tỉ mỉ chứ không phải làm bừa, làm bãi. Mọi thứ đều đã yên tâm, trước khi bơm nước, thầy Lương dặn dò mọi người :
-- Sau khi giếng cạn nước, mọi người lập tức ra về. Tôi với bác trưởng làng sẽ ở lại, việc hóa giải bùa yểm trấn giữ long mạch rất nguy hiểm, mọi người ở đây không tránh khỏi ảnh hưởng, nếu không may xảy ra chuyện gì sẽ khiến tôi phân tâm không thể tiếp tục được.
Dĩ nhiên tất cả đều đồng ý, nếu không phải vì làng thì chẳng ai muốn bén mảng ra đây cả. Tiếng máy bơm được khởi động, mọi người hồi hộp chờ đợi, và rồi, nước từ trong giếng bắt đầu theo đường ổng chảy vào bể chứa trong sân đình…..Ông Vọng khẽ nở một nụ cười, gương mặt vẫn lộ ra những nét đầy lo lắng, nhưng ông đã chuẩn bị tinh thần. Ông đưa mắt ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, ông nhìn vào ngôi đình gắn bó từ thuở nhỏ, ông nhìn giếng nước, nhìn cây lộc vừng đã bắt đầu xuất hiện một vài chiếc lá héo úa, ông nhìn cánh đồng, ông phóng ta tầm mắt nhìn về hướng con đường với hai bên là những rặng tre xanh mướt dẫn về ngôi nhà của ông….bởi chỉ một khoảng thời gian nữa thôi, có thể sau đây ông không còn được nhìn thấy những thứ đó nữa.
Và ông nhớ đến cậu con trai đi làm ăn xa của mình…….Nước mắt ông khẽ rơi xuống nghẹn ngào.
------------------
Đọc tiếp Phần 39: Thiên kiếp
Đọc trọn bộ: MIẾU HOANG - TRƯỜNG LÊ
Xem thêm: Hoa yêu - Phú Dương
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê