"Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" là ba việc lớn nhất cuộc đời một người đàn ông. Vì người xưa cố gắng cả đời để xây dựng một căn nhà khang trang, bề thế mà hãnh diện với những người xung quanh, là di sản để lại cho thế hệ sau.
Ngày nay dù quan niệm đã thoáng hơn nhưng ai mà không muốn "an cư lạc nghiệp" nên một ngôi nhà theo ý mình chính là điều mỗi người mong muốn. Có những người làm cả đời chỉ để xây cho mình một ngôi nhà. Có những người cố gắng cày cuốc, chắt chiu, phải phấn đấu rất nhiều mới xây cho mình một căn nhà như ý. Ngôi nhà chính là tài sản quan trọng nhất nên dù giàu hay nghèo cũng cố gắng cất cho mình một căn nhà. Cũng chính bởi vậy khi làm nhà họ thường rất duy tâm chọn hướng, chọn tuổi, chọn năm cất nhà....Bên cạnh bát trạch làm nhà họ còn quan tâm tới phong thuỷ, mọi chi tiết nhỏ nhất cũng được"thầy" xem xét, tính toán kĩ lưỡng.
Mọi người không lạ gì khi ai đó có ý định xây nhà lại phải chuẩn bị kĩ lưỡng về tiền bạc, nhân lực, tư tưởng, và quan trọng nhất là rước thầy về xem. Mỗi ngôi nhà cất xong là niềm hạnh phúc của gia chủ. Tuy nhiên có những ngôi nhà cất lên thì gia chủ lại làm ăn sa sút, thậm chí có nhà mất người, mất của, người nhà ốm yếu liên miên. Họ từng đặt ra câu hỏi tại sao đã mời thầy về xem tuổi, cắm hướng, thậm chí có nhà không được tuổi còn mướn cả tuổi làm nhà mà không tránh được hạn?
Gia đình tôi cũng từng làm nhà, sửa nhà và cũng từng nghe về các vấn đề tương tự. Lúc tôi ngồi nói chuyện với các bác thợ hồ và phát hiện ra một điều rất lý thú nhưng lại khá mơ hồ. Một bác thợ có nói với tôi rằng: làm nhà cho cô chúng tôi sướng, mặc dù việc vẫn phải hoàn thành nhưng không bị quá áp lực.
Chúng tôi đi làm cũng là cái nghề chứ không phải ăn xin của ai nhưng nhiều chủ họ ác lắm cô ạ.
Một cậu thợ trẻ tuổi bấy giờ mới nói:
- Nhà nào ác quá, ép thợ nhiều quá thế nào cũng gặp quả báo thôi. Cháu nghe người ta nói có cái bùa yểm đấy, vớ vẩn lại ăn bùa ếm thì vỡ mặt.
Cậu thanh niên vừa nói ấy cũng chỉ ngoài hai mươi tuổi.
Bác thợ hồ đáp:
- Thằng này mới ba tuổi ranh thì biết gì mà nói?
Thằng bé bĩu môi:
- Thôi đi ông già, cháu bé nhưng biết không ít chuyện đâu. Dù gì cả họ cháu cũng làm thợ hồ. Chuyện bùa ếm kia cháu chả nghe từ bé đến giờ rồi.
Tôi ngạc nhiên:
- Bùa ếm ư? Đó là thứ gì? Có nguy hiểm không chú?
Bác thợ hồ đáp:
- Nói nguy hiểm thì cũng nguy hiểm nhưng nói chẳng sao thì cũng không sao. Tôi không thờ thần lỗ ban nên tôi cũng không tìm hiểu về cái loại bùa ấy.
Tôi bấy giờ mới giật mình bởi trước nay tôi biết rất nhiều các vị thần.
Trong tư tưởng của tôi thờ phụng như vậy là điềm lành và tâm an chứ không nghĩ tới chuyện thờ thần mà hại người. Tôi hỏi:
- Vậy thần lỗ ban là gì? Chú có biết không? Trước nay cháu nghe người ta nhắc nhiều đến thước lỗ ban.
- Cháu biết nó làm gì không?
Tôi cười:
- Có phải thước lỗ ban là cây thước được sử dụng đo đạc trong xây dựng Dương Trạch (nhà cửa) và Âm Trạch (mộ phần), trên thước Lỗ Ban có chia kích thước địa lý thông thường và các cung giúp phân định các khoảng tốt hay xấu, giúp người sử dụng biết được kích thước thế nào là đẹp nên sử dụng và kích thước nào là xấu nên tránh.
Cậu thanh niên kia vỗ tay đôm đốp:
- Ấy cha, chị chủ cũng biết sao?
- Uh, nhà chị làm nhà nên chị cũng hỏi thăm nên biết một chút.
- Đúng rồi đấy chị. Nhưng thước lỗ ban là đồ dùng đo đạc của thợ mộc với thợ hồ thôi. Người phát minh ra nó là ông tổ nghề mộc và nghề xây dựng cơ chị. Là ông thần lỗ ban đấy.
Nghe thì có vẻ như cậu thanh niên này am hiểu mấy vấn đề này nên tôi gặng hỏi:
- Thế chuyện bùa ếm kia cũng là do ông tổ nghề xây dựng này nghĩ ra hả em?
Thằng bé phá lên cười: công nhận chị này vui tính.
- Vậy chị đoán đúng rồi chứ gì?
Bác thợ hồ nói:
- Thằng này không biết thì đừng có ăn nói lung tung. Mày không thờ thần cũng đừng phỉ báng nghe không? Cẩn thận nó vạ vào thân cho đấy.
- Thôi! Cháu nói nghiêm túc này. Nhà cháu có một ông làm nghề xây dựng và rất giàu có. Ông ấy mua mảnh đất xây cái nhà thờ to đùng nhưng không phải thờ các cụ mà thờ ông thần lỗ ban. Hồi ở quê cháu thấy lạ nên hay sang chơi và được bà vợ của ông kể cho nghe về thần lỗ ban.
Tôi tò mò:
- Vậy em kể cho chị nghe với, chị muốn biết về ông thần lỗ ban này.
Nó cười vui vẻ đáp:
- Có gì đâu, thì là cái ông phát minh ra thước lỗ ban mà chị nói đó. Lỗ Ban tiên sư là người đã chép lại rất nhiều các loại sách dạy về cách thức xây nhà, làm vật dụng cho nên các thợ xây sau này tôn lên làm ông tổ nghề, trong các bản sách truyền cho hậu thế ngài có chỉ dạy thêm về các bùa chú, trừ tà hay chữa bệnh chính vì lẽ đó nên gọi các bùa chú này là bùa Lỗ Ban vì vậy sau này bất cứ ai làm nghề thợ mộc hay thợ xây cũng biết đến các loại bùa chú này cho nên tự lập thành một hệ Phái Lỗ Ban. Bùa chú Lỗ Ban được người Trung Hoa lưu truyền sang Việt Nam từ rất lâu và những người thợ mộc, thợ xây cũng như các pháp sư, thầy tào cũng sử dụng loại bùa chú này.
- Mà sao ông lỗ ban này lại dạy bùa chú hại người chứ? Như thế chẳng phải làm việc ác ư?
Bác thợ hồ nói:
- Sự tích thì là như thế, còn thực hư ra sao chỉ có người trong nghề mà thờ tổ phụ mới rõ. Ngày xưa trong khi làm nhà thì những người thợ và chủ nhà thường phát sinh những mâu thuẫn vì những người thợ lúc đó có địa vị rất thấp vì vậy chủ nhà không chỉ tiếp đãi họ qua loa sơ sài mà còn cắt giảm tiền công và thậm chí còn đánh, chửi họ. Để bảo vệ cho những lợi ích của mình và trừng trị những người chủ nhà bất nhân thì trong những người thợ đó có những người học theo phép của bùa Lỗ Ban, đã sử dụng bùa Lỗ Ban để ếm căn nhà họ vừa xây dựng, khiến cho chủ nhà suy sụp, thậm chí chết tuyệt nọc cả nhà.
Tôi bấy giờ mới giật mình nhớ tới chuyện ngày tôi ở quê cũng từng nghe người ta nói tới chuyện có thứ bùa gì đó dùng yểm vào nhà nuôi nghề.
Tôi hỏi: có phải là cứ 10 căn họ phải yểm một căn không chú?
- Đúng rồi! Mà đó là truyền thuyết thôi. Những người thợ biết dùng bùa Lỗ Ban cứ 10 nhà họ phải ếm một nhà để nuôi tổ nghề. Có rất nhiều truyền thuyết trong dân gian nói về việc các người thợ ếm nhà và hậu quả xảy ra vô cùng thảm khốc cho gia chủ.
Cậu thợ xây phá lên cười:
- Chú hôm nay tinh thông lịch sử thế? Nhưng mà cái này là thật đấy, không phải là đùa đâu. Nhà cháu làm cháu biết mà.
- Vậy nhà cậu cũng phải yểm vào nhà mới xây sao? Làm vậy hại người ta thì sao?
- Thường thì người ta yểm nhẹ thôi, kiểu là trong ba năm đầu mất của hoặc gia súc gia cầm chết. Có nhiều kiểu yểm lắm. Tuy nhiên nếu bị thợ thù có khi họ yểm cho chết người luôn ấy.
Lúc nghe cậu ấy nói tôi vốn cũng tiện nghe và tìm hiểu rồi không quan tâm lắm tới câu chuyện về bùa lỗ ban. Tuy nhiên sau này một quen của tôi sau khi xây nhà xong liền bị tai nạn và thiếu chút nữa mất mạng vì cái gọi là bùa lỗ ban tôi mới thấy sợ. Tôi bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về cái thứ bùa ếm và vỡ ra rất nhiều điều bất ngờ xen lẫn sợ hãi về thế giới bùa ngải mang tên Bùa Lỗ Ban.
Gia đình ông Tuấn làm ăn buôn bán gặp thời mà trong vài năm đã giàu có lên nhanh chóng.
Năm ông Tuấn bước sang tuổi 52- tuổi đẹp để làm nhà, ông quyết định mời thầy về cắm hướng xây một ngôi nhà mới cho gia đình. Ngôi nhà kiên cố với cấu trúc, hoa văn cổ điển vừa hoàn công thì gia đình ông liên tục xảy ra sự chẳng lành.
Con Huệ hôm ấy ở nhà phụ mẹ lau dọn nhà thế nào mà bay cả người lẫn cây lau nhà từ trên lầu xuống tầng dưới. Mặt mũi nó tái mét, đau tới mức không há nổi miệng ra gọi người thân tới giúp.
Bà Miên nghe tiếng động lớn trong nhà vội vã chạy vào xem thì sa sầm mặt mũi khi thấy con gái nằm dưới đất mặt cắt không ra giọt máu. Bà nhào tới đỡ Huệ:
- Sao thế? Tại sao ngã đau thế con ơi!
Con Huệ đau quá không trả lời mẹ mà không có sức tự mình đứng dậy. Bà đỡ con gái lên miệng liên tục trách móc cô đoảng tính nên mới ngã cao như thế.
Ông Tuấn ở ngoài vườn cây cảnh cũng chạy vào nhà nhìn thấy con gái chân vẹo sang một bên lập tức gọi xe đi cấp cứu. Huệ bị gãy chân, tay bị trật khớp. Người ngợm tím bầm do lăn lộn ở cầu thang xuống đất. Duy cái đầu cô gái may mắn không bị chấn thương.
Nhà vừa xây xong thì con gái bị nhập viện nên cả nhà mất cả vui. Khi ấy họ hàng đến thăm có người đã bàn tán ra vào:
- Này, tôi đã bảo là làm nhà đen lắm đấy. Con Huệ bị thế này coi như gánh hạn cho gia đình nhà hai bác rồi. Thôi, coi như thoát nạn là may.
Huệ khó chịu lên tiếng:
- Thím nói may cái gì mà may? Cháu bị gẫy chân mà vẫn may mắn sao?
Bà thím đáp:
- Con bé này, thế là nhẹ chứ cạnh nhà thím có nhà xây xong chết cả người kia kìa. Hôm ấy thím còn ở nhà ấy chơi, đang yên đang lành trên nhà nghe cái rầm, cả nhà chạy lên thấy thằng cháu 5 tuổi nhào từ trên tầng xuống đất. Cái chỗ ấy cao cũng ba mét mấy nhưng nó vỡ sọ não nên chết.
Con Huệ rùng mình:
- Vậy cháu may mắn hơn rồi, ít ra cái đầu còn không vỡ.
Bà Miên mắng át bà thím đi:
- Thím đừng nói mấy chuyện xui xẻo nữa. Con Huệ không cẩn thận nên trượt cầu thang chứ liên quan gì làm nhà mà đen với đủi. Thím không cần về lo cơm nước cho tụi nhỏ hả?
Bà Miên nói vậy rồi đuổi khéo bà thím về bởi bà ấy khác gì cái đài phát thanh của khu vực đâu. Chuyện trong nhà hàng xóm bà ấy còn rõ hơn cả chuyện nhà bà ấy nữa.
Thím Vui biết bị bà chị đuổi khéo nhưng tính hay buôn chuyện nên vẫn quay lại tranh thủ thêm vài câu:
- Em nói rồi mà chị cứ gạt đi ấy nhé. Chuyện xây nhà cửa xong gặp hạn thì thiếu gì. Cả cái huyện này chỗ nào, nhà nào có hạn mà em đây chẳng biết. Hạn có nhưng không phải là không tránh được. Em nói rồi thấy, hai bác cứ liệu mà lo.
Ông Tuấn nghe em dâu nói xong cũng bắt đầu thấy lo lắng.
Ông bàn với vợ:
- Có khi tôi phải xem thầy xem chuyện này nó ra làm sao?
Bà Miên chau mày đáp:
- Nhưng mà nếu cái hạn làm nhà thì phải rơi vào tam tai hay kim lâu gì chứ? Ông xem nhà mình cẩn thận đi xem bao nhiêu thầy rồi, có ai nói năm nay ông phạm cái gì đâu?
Ông Tuấn chẹp miệng:
- Thì đúng là năm nay tôi được tuổi xây nhà nhưng bà xem vừa mới tân gia thì con Huệ ngã gãy cả chân thế này không lo làm sao được?
Hai ông bà ngồi bàn bạc ở sảnh bệnh viện thì thấy một ca cấp cứu. Người nhà bệnh nhân khóc lóc trách móc nhau không xem thầy gì đó. Hai ông bà liền hỏi thăm một người vừa đi cùng bọn họ ngồi ghế bên cạnh:
- Người đó sao thế? Bị tai nạn hả cậu?
Cậu thanh niên thở dài:
- Tai nạn cái gì đâu, nhà chú ấy mới xây xong cái nhà, hôm nay mời mọi người tới tân gia. Thằng con đi mua đâu được cái cây đèn phụt sáng rồi trèo lên cái mái hiên đứng cắm điện cho lũ trẻ con chơi. Nó loay hoat trên mái nhà thế nào lộn cổ xuống đất. Tự dưng tân gia mà xảy ra chuyện làm cả nhà tán loạn cả lên.
Bà Miên buồn rầu:
- Khổ thân! Sao lớn thế mà còn nghịch dại trèo lên mái nhà làm cái gì chứ?
Người thanh niên đáp:
- Như có người xui đấy bác ạ! Bố nó gàn nhưng nó có nghe đâu. Giờ xảy ra chuyện cả nhà mất cả vui.
Ông Tuấn lại thở dài:
- Công nhận làm xong nhà đen thật đấy. Nhà tôi thì con gái ngã cầu thang gãy cả chân. Haizz!
Cậu thanh niên nhìn hai vợ chồng ông Tuấn rồi nói khẽ:
- Thế ông bà có nhờ thầy chưa? Nhiều khi làm nhà động long mạch chưa kịp tạ lại bị trách đấy.
Bà Miên gật đầu: nhà tôi tạ long mạch cả rồi cậu ạ!
- Vậy thì tốt rồi chứ như nhà bố mẹ cháu khi xưa có tiền xây được nhà là sướng. Nhà cháu vô sư vô sách nên có cúng bái trấn tạ cái gì đâu. Sau phạm long mạch bị trách hoạ liên miên, nào là cháy nhà ư, người nhà ốm đau liên miên uống thuốc mãi không khỏi. Sau cùng mẹ cháu đi xem thầy được phán xây nhà bị phạm long mạch nên phải làm lễ trấn tạ hàn long mạch. Ơn trời, lễ xong cái tai nạn cũng tiêu tan.
Ông Tuấn gật gù:
- Vậy là tốt rồi. Nhà tôi thì cẩn thận lắm nên trước khi xây cũng mời thầy về xem, sau khi xây cũng mời thầy về tạ lễ chu đáo. Tôi không nghĩ nhà mình phạm long mạch.
Cậu thanh niên kia nói chuyện một lúc với hai vợ chồng ông Tuấn rồi đứng lên ra về. Bà Miên lại lo lắng:
- Đúng là có tiền làm nhà to ở cũng lo ngay ngáy ông ạ. Con Huệ mới bị ngã gãy chân tôi đã muốn rụng tim chứ như cái nhà kia chắc tôi không sống được mất.
Bà chần chừ rồi nói tiếp:
- Hay là ông đi xem thầy xem nhà mình có xảy ra chuyện gì nữa không? Biết đâu động long mạch mà lần trước tạ chưa đến nơi đến chốn.
Ông Tuấn gắt:
- Bà này hay nhỉ, thầy tôi mời là thầy giỏi nhất rồi đấy. Đến cái làng nhà ông ấy xây đình bị động long mạch lớn làm cả làng bị hoạ ông ấy còn một tay hàn long mạch trấn yên thì cái nhà của mình có là gì?
- Ừ thì tôi lo nên tôi cứ nói thế. Nếu mà lhoong có thì may mắn chứ làm sao?
Ông Tuấn nói tiếp:
- Mà bà có thấy lạ không, nhà mình không làm nhà thì cấm có ai nhắc đến mấy cái chuyện nhà cửa này kia. Giờ làm xong rồi thì nghe cả đống chuyện xui xẻo từ việc dựng nhà trổ cửa.
- Tôi cũng định nói như ông. Có khi do chúng ta mới xây xong nhà nên mới để ý chuyện này. Mà ông về hỏi lại cái chú Ba cạnh nhà thím Vui xem mấy năm trước xây nhà xong cũng gặp hạn liên miên, cả nhà điêu đứng ấy. Ông hỏi chú ấy xem đã mời thầy nào rồi thì nhà mình đi xem cho nó an tâm. Tôi biết là ông tin tưởng thầy phong thuỷ đã trấn đất nhà mình nhưng biết đâu ngoài long mạch ra chúng ta còn sai phạm gì đó thì sao? Biết sớm mà khắc phục sớm ông ạ.
Ông Tuấn đúng là người tín tâm nên về nhà liên qua nhà chú Ba hỏi han về tình hình nhà chú khi xưa.
Chú Ba đáp:
- Nhà em lúc ấy xây còn chưa xong đã gặp nạn rồi đấy bác ơi. May mà hôm ấy giàn giáo thấp nên hai ông thợ hồ không chết chứ xây cao như nhà bác thì chết người như chơi. Bác thử mời ông thầy Quỳnh lần trước nhà em mời về xem ông ấy phán sao. Ông này giỏi lắm.
Quả thực chú Ba xây nhà có tiếng trong vùng.
Tiếng ở đây không phải do chú xây nhà to đẹp mà bởi chú xây nhà mà gặp phải tai nạn liên tiếp.
Đầu tiên là vụ hai ông thợ hồ suýt chút nữa mất mạng do trượt khỏi giàn giáo. Tiếp sau đó vợ chú đi làm kế toán mà làm sai sổ sách bị đền khoản tiền lớn. Tiếp sau đó là đàn lợn mán chú nuôi chuẩn bị xuất chuồng trong đêm lăn đùng ra bệnh rồi chết. Nhà chú ấy thiệt hại rất nặng nề về tiền của.
Nhà chú xây xong thì chú đi bộ trên đường cũng bị cái xe mất lái kéo đi một khúc. May mà phúc lớn nên chú ấy toàn mạng về với vợ con.
Chú ấy cười hề hề nói chuyện với ông Tuấn:
- Năm ấy người ta cứ nói em xây nhà phạm tam tai nhưng em theo thầy kĩ lắm, mượn hẳn tuổi làm nhà đầu đuôi đấy bác ạ! Lúc đầu đi nhờ công nhận khó khăn thật vì ai cũng sợ bị hoạ lây nhà em nên có ai thèm giúp đâu. Sau bố em đứng ra đào móng cho nhà em đấy chứ.
Ông Tuấn đáp:
- Công nhận làm nhà làm cửa cũng lắm vấn đề thật đấy chú ạ! Trước đây tôi chẳng nghĩ đến đâu nhưng giờ thấy nhiều cái nó không duy tâm là không được.
Chú Ba giơ ngón tay lên gật gù:
- Chuẩn, bác nghĩ giống em đấy. Vậy nên nhà bác cứ về liên lạc với thầy Quỳnh này đi. Ông này giỏi cực kì luôn. Trước ông ấy là thầy giáo hẳn hoi chứ có phải thầy mo tầm bậy chuyên ăn dốc nói mò như một số người khác đâu. Thầy này giỏi, có tâm, lại hay làm phúc. Bác cứ tin tưởng tuyệt đối cho em.
Ông Tuấn theo lời chú Ba tìm tới nhà thầy Quỳnh.
Thầy đang ngồi chép sách. Thấy có khách thầy dừng tay nói chuyện. Ông Tuấn trình bày chuyện nhà mình cho thầy Quỳnh nghe. Thầy xem lại tuổi ông Tuấn rồi bấm tay xong gật gù:
- Nhà anh xây nhà đẹp tuổi lắm, hơn nữa đã mời thầy phong thuỷ về trấn trạch thì còn lo cái gì?
- Chẳng giấu gì thầy là con gái tôi mới bị tai nạn gãy chân xong. Tôi lo do xây nhà gặp hạn nên mới tới nhà nhờ thầy giúp.
Thầy Quỳnh gật gù:
- Vậy tôi tới nhà anh một chuyến xem sao.
Ông Tuấn đưa thầy về nhà nhưng vừa bước vào thầy lắc đầu hỏi:
- Nhà anh có thù với ai sao?
Ông Tuấn ngạc nhiên:
- Chúng tôi trước giờ không thù oán với ai cả. Sao thầy lại hỏi như vậy?
- Lạ thật! Vậy sao người ta lại ếm bùa nhà anh?
Ông Tuấn ngạc nhiên:
- Thầy nói sao? Ếm bùa ư? Nhưng ếm cái gì mới được?
- Bùa ếm lỗ ban! Anh có nghe thấy cái này hay chưa?
Ông Tuấn nhìn về ngôi nhà rồi lại quay sang nhìn thầy thắc mắc:
- Trước nay tôi chỉ nghe người ta nói dùng thước lỗ ban trổ cửa, làm nhà chứ chưa nghe bùa ếm lỗ ban bao giờ. Nó rốt cục là cái gì vậy ạ?
- Là loại bùa được thợ dùng để ếm vào ngôi nhà họ xây dựng để nuôi tổ nghề. Thông thường cứ 10 căn họ sẽ ếm một ngôi. Loại bùa này độc ác vô cùng bởi nó có thể khiến chủ nhà suy sụp, ốm đau bệnh tật, làm ăn sa sút, nặng nhất nó có thể khiến toàn bộ gia đình chủ nhà chết tuyệt nọc.
Ông Tuấn thấy sợ hãi khi nghe thầy nói. Bà Miên vợ ông Tuấn bèn hỏi:
- Vậy chứ thầy mau giúp gia đình tôi giải bùa đi.
Thầy lắc đầu:
- Rất tiếc tôi không làm được việc này, mong ông bà thông cảm.
Khuôn mặt hai ông bà Tuấn ngạc nhiên:
- Thầy nói vậy là có ý gì? Sao lại không giải được? Vậy cái nhà này phải làm sao?
- Chỉ có cách tìm ra người bỏ bùa rồi làm lễ hoá giải chứ tôi cũng hết cách.
Ông Tuấn quay lại nhìn vợ:
- Nhà mình có tới 5 tốp thợ liền thì biết đằng nào mà lần chứ?
Bà Miên:
- Ngoài cách đó ra thì còn cách gì khác để giải bùa không thầy?
- Nếu không tìm được người bỏ bùa thì chỉ có cách phá ra chứ chúng ta làm sao tìm chính xác vị trí lá bùa mà giải?
Lần này hai ông bà Tuấn Miên há miệng nhìn nhau:
- Cả đời làm lụng chỉ vì xây ngôi nhà khang trang nở mặt với dòng tộc mà thầy nói phá là phá làm sao?
Thầy đáp:
- Đấy là tôi nói như vậy thôi, ông bà tốt nhất tìm người đã ếm bùa rồi giải hoặc tìm thầy chuyên giải về bùa ếm chứ tôi không giúp được việc này.
Thầy nói chuyện một lúc rồi ra về. Thầy nói người này nếu thù oán với gia chủ sẽ ếm bùa hại nhưng nếu theo chu kì 10 căn yểm một căn nuôi tồ nghề thì cứ tìm được người nào thờ thần lỗ ban ắt có cách giải.
Bà Miên ngồi ngây người ra ghế:
- Lạ thật, nhà mình xưa nay ăn ở hiền lành, không gây thù chuốc oán với ai thì tại sao lại bị ếm bùa?
Bà chột dạ nghĩ lại chuyện xảy ra xích mích lúc xây nhà bèn lên tiếng:
- Có khi nào lần trước nhà mình làm nhà bị mất trộm đồ nên ông mắng mấy thằng thợ hồ nó tức nên mới ếm bùa nhà mình hay không?
Ông Tuấn rít điếu thuốc nhớ lại câu chuyện mấy tháng trước.
Ngày ấy nhóm thợ hồ mới chuyển đến được hơn 1 tháng, họ ăn ở, sinh hoạt ngay tại nhà ông để thuận tiện cho công việc. Ngôi nhà mới ông xây ngay cạnh ngôi nhà cũ nhưng xây rộng gấp 3 lần nhà cũ. Gia đình ông vẫn ở lại cái nhà cũ bên cạnh. Đám thợ hồ thì dựng bạt quây. Ông thương nên bảo vợ cho mượn bếp để nấu nướng.
Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói tới ngày Huệ- con gái ông kêu mất chiếc điện thoại iphone 6 plus vừa mới mua xong. Nhà vốn đông người ra vào nên khả năng tìm đồ đã mất là rất khó. Ông Tuấn bảo Huệ: con biết nhà ta xây nhà người ra kẻ vào đông như cái chợ, đồ giá trị phải mang theo bên người chứ sao lại hớ hênh để ngay trên bàn thì chả mất. Thôi, của đi thay người, con nghĩ thế cho đỡ đau đầu.
Con Huệ không chịu:
- Cái gì mà của đi thay người chứ? Bình thường con vẫn để thì không sao. Chắc chắn chỉ có mấy người thợ mới đến làm cái trò tắt mắt này. Con nhất định phải tìm cho ra.
Nói rồi Huệ chạy sang chỗ đám thợ đang nghỉ ngơi chống nạnh hỏi lớn:
- Tôi mới mất chiếc điện thoại iphone. Chắc chắn chỉ mấy người lấy của tôi.
Mấy bác thợ hồ ngạc nhiên:
- Cô Huệ, chúng tôi trước nay chưa hề lấy trộm của ai. Phận làm thuê đi tới đâu phải trông cho chủ nhà còn lấy tiếng mà làm ăn. Cô nói thế oan cho chúng tôi lắm.
Huệ đáp:
- Mấy bác không lấy nhưng mấy thằng ranh mới đến chưa chắc là không lấy. Cái điện thoại giá trị bằng mấy tháng lương của mấy người, đánh chết tôi cũng không tin là trộm vào nhà chứ không phải mấy người.
Một cậu thanh niên mới đến đứng dậy:
- Chị chủ, tụi em không lấy điện thoại của chị. Chị kiểm tra lại xem có bỏ quên ở đâu rồi không?
Huệ trợn mắt quát:
- Tao để ở trên bàn. Điện thoại để đâu tao còn không biết sao mà mày cần nhắc. Sáng nay 9h tao còn gọi cho bên cửa hàng vật liệu. Gọi xong tao để đó rồi xuống bếp, lúc quay lên liền không thấy.
Bác thợ hồ trung tuổi bấy giờ đứng lên:
- Mọi người sáng nay có ai lên nhà của ông bà chủ hay không?
Tất thảy lắc đầu, không ai nhận là đã lên nhà. Huệ tức lắm bèn nói tiếp:
- Chẳng thằng trộm nào lấy xong lại nhận mình lấy cả. Sáng nay có ai rời khỏi đây không?
Bác thợ đáp: không ai đi đâu cô Huệ ạ! Chúng tôi tất cả đều ở đây.
Huệ bước qua nhìn từng người rồi đáp:
- Được, vậy tôi kiểm tra camera.
Bác thợ vui vẻ:
- May quá, nếu nhà có camera thì cô hãy kiểm tra sẽ biết chính xác xem ai lấy điện thoại của cô rồi minh oan cho chúng tôi.
Bà Miên bấy giờ gọi con gái vào nhà nói chuyện:
- Con nhắc tới camera mẹ mới nhớ, hôm qua có cái cậu thanh niên trẻ kia hỏi mẹ camera nhà mình.
Mắt Huệ sáng lên:
- Thật hả mẹ? Nó hỏi gì?
Mẹ lúc ấy chuẩn bị nấu cơm, nó cũng vào bếp bắc nồi nên mẹ nói chuyện với nó về nhà cửa, quê quán. Tự nhiên nó bảo:
- Nhà cô cẩn thận nhỉ, lắp cả camera xuống bếp, chỗ nào cũng thấy camera
- Đâu có, lắp chủ yếu cái lối đi bên hông này vì ông nhà cô thích chơi cây cảnh, ông ấy sợ mất trộm.
- Cháu thấy trước cửa cũng có, sau nhà cũng có luôn.
Bà Miên cười đáp:
- Ôi trời, đợt này lắp xong phải bảo họ chỉnh lại. Cháu xem camera lắp gì cao tít trên kia, nhìn toàn ra sân với vườn. Có cái cửa ra vào nhìn lại chẳng được. Cô lắm lúc bảo: này trộm nó vào nhà nó chả cười cho nhưng ông Tuấn nói nhà có camera thế này bọn trộm nó cũng sợ chứ đứa nào dám bén mảng tới.
Con Huệ nhíu mày:
- Tự nhiên hỏi camera là có vấn đề, chắc chắn nó thăm dò mẹ rồi lẻn lên nhà tính trộm cắp đây mà.
Camera nhà ông Tuấn quả nhiên có vài cái, tuy nhiên ông chỉ quan tâm trông cái vườn cây cảnh chứ không lắp camera trong nhà. Giả sử người nào đó đi theo lối nhà vệ sinh lẻn lên nhà thì toàn vào góc khuất không soi tới. Chính vì vậy Huệ kiểm tra camera nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Nó vừa nói sẽ kiểm tra camera chỉ là đánh đòn tâm lý cho mấy người thợ hồ kia lộ ra sơ hở mà thôi.
Ông Tuấn thấy hai mẹ con đang bàn luận về việc mất cắp mới tiện miệng:
- Mất thì cũng mất rồi, con đừng chua ngoa quá. Người ta không lấy mà cứ đổi bậy rồi rách việc lắm đấy.
- Bố! Thế bố không tiếc hả? Chiếc điện thoại con mua bao nhiêu tiền, mất thì không lẽ không tìm. Mà con có đối tượng tình nghi rồi. Chính là cái thằng chiều qua hỏi dò mẹ về camera nhà mình. Nếu nó không có ý định chó cần hỏi dò kĩ lưỡng thế không?
Huệ nói rồi đứng bật dậy bước ra phía mấy người thợ hồ đang làm, chỉ thẳng tay về thằng Quý mà nói lớn:
- Thằng này, chắc chắn mày lấy điện thoại của tao.
--------------------------
Đọc trọn bộ BÙA LỖ BAN - HẠN LÀM NHÀ - HÀ DƯƠNG
Bản quyền thuộc về tác giả Hà Dương