04/06/2021 11:37 View: 5992

Truyện ma: Cô Hường (Tập 10)

Sáng tinh mơ ngày thứ 8, nhà em sai 2 chú trong xóm đi đón cụ Tự, ra tới nhà cụ thì người nhà bảo cụ xuất hành từ lúc hơn 5h rồi, cụ đi tắt qua đường đồng, hai người lục tục quay xe vòng đuổi theo.

co huong p10, truyen ma co that, kinh di, quy am

Làng em với làng cụ Tự cách nhau chừng 8km

Nếu đi tắt đường đồng thì chỉ còn 5km thôi, vì đường nhỏ lại gồ ghế nên ít khi người ta đi xe đạp theo lối này. Hai ông chú đạp đuổi chừng 1km thì thấy một cụ già mặc áo nâu, vai khoác tay nải, đầu đội mũ lá chống gậy khoan thai đi phía trước, chú út nhà em từng gặp cụ nên nhận ra và gọi to:

- Thưa cụ, anh em chúng con đến đón cụ về làng.

Vừa tích cực guồng xe vừa gọi luôn mấy lần như thế, vậy mà cụ già ngay phía trước như không hề hay biết cứ nhàn tản bước đi. Hai chú gọi chán cụ chả thưa trong bụng nghĩ thầm:

- Hay cụ bị nặng tai, thôi kệ, cụ đi bộ, mình đạp xe, chỉ độ mấy cái chớp mắt nữa là mình bắt kịp.

Cụ cứ khoan thai tiến bước, hai ông chú em gù lưng chổng tĩ phóng xe vù vù, thế mà suốt quãng đường còn lại về tới tận gốc đa đầu làng em, lúc nào hai thanh niên hùng hục sức trâu cũng ở sau cụ một quãng dăm chục mét không tài nào đuổi kịp. Cho đến tận bây giờ, thi thoảng chú cháu ngồi với nhau, hễ nhắc chuyện cụ Tự thì hai ông kia vẫn lè lưỡi lắc đầu:

- Sao mà kỳ lạ thế không biết ???

Lúc cụ Tự đến nhà ông em nội thân chinh dẫn các bậc cao niên trong xóm (toàn là anh chị em nhà ông) ra đón cụ từ đầu ngõ, ông thứ 3 nhà em trước làm Chánh án tống giam cụ Tự cũng tham gia, dù ông có hơi ngượng ngập, ngại ngùng.

Cụ Tự lúc này bệnh tình đã vơi đi quá nửa, thần sắc khá hơn mấy ngày trước nhiều, duy có đôi mắt là vẫn nguyên một kiểu, cứ lờ đờ hấp háy thi thoảng lại bắn ra 1 tia nhìn như điện xẹt, cảm giác ánh mắt ấy chạm vào ai thì từ tâm can cho đến những điều xương tủy người đó sẽ phơi bày lồ lộ.

Cứu tinh đã đến, cả họ nhà em tay bắt mặt mừng, các bà các thím xôn xao, xôn xao.

Ngay sau tuần trà sáng sớm, trai tráng xóm giữa được huy động đi chặt tre đóng cọc thành một hình tròn to gần như nuốt trọn cái sân trước nhà ông chú em. Hồi ấy đa phần là sân đất nên việc đóng cọc diễn ra khá nhanh gọn, cọc tre đóng lưng chừng, còn thừa khoảng 3 chục phân lồi lên trên.

Đóng cọc xong thì cụ phát cho nắm phù ngũ sắc đi dán vào từng cái cọc một, không sót cái nào. Sau cụ bắt mọi người khiêng đến một chiếc bàn to, đặt giữa vòng tròn, trên bàn cụ yêu cầu có 3 đĩa gạo, 3 đĩa muối, hai cây chuối to bằng bắp chân để hai bên, một cái bát hương, một cành tre cắm lọ cạnh bát hương.

Đồ cúng lễ thì có 1 con gà luộc, một cái thủ lợn, một đĩa xôi.

Đằng sau chiếc bàn tế cụ treo cây phướn to tướng màu sắc kỳ dị, xanh xanh, đỏ đỏ, tim tím với toàn chữ như cái âu cái xoong úp ngược to bằng quả trứng. Sau này em mới biết đây là chữ Phạn.

Ở giữa cái phướn ấy là 1 hình người ba đầu sáu tay, có mặt dữ, mặt hiền, mặt nghiêm, sáu tay mỗi tay cầm 1 loại binh khí. Người ấy mặc mỗi cái quần xà lỏn, da dẻ trắng ngần, chân dẫm lên 2 bánh xe đang bốc lửa, đầu thì đội mũ chu sa trông rất sống động. Giờ em vẫn chưa biết hình vị ấy là ai.

Bên phải chiếc bàn cụ treo một hình vẽ ông thần mặc giáp trụ, mặt đỏ phừng phừng, mắt xếch ngược, mồm có răng nanh hẳn hoi, tay cầm cây đao to, vô cùng dữ tợn, điều đặc biệt là ông thần này chỉ có mỗi 1 chân. Về sau em mới hay đó là thánh Độc cước.

Bên trái cụ treo hình một ông cũng dị hình dị dạng, mắt xếch lồi, râu ria lởm chởm, đội mũ quan, mặc quan bào, đi hài đen, tay cầm thanh kiếm bạc giơ ngang sườn, tay cầm quạt giấy khép trước ngực, nhìn cũng hết cả hồn. Lớn lên tìm hiểu em mới rõ đấy là Chung Quỳ Thiên Sư, vị thần tiên trừ ma diệt quỷ trong truyền thuyết đạo Giáo.

Dân làng thấy nhà ông em mời thầy phù thủy về tru ma diệt quỷ thì kéo đến ùn ùn, cái ngõ nhỏ xóm ông em bình thường vắng người qua lại, nay chật ních chen nhau lúc nhúc như giòi. Người ta vây kín mít quanh đàn tràng, dưới sân hết chỗ đứng thì họ trèo lên tường, lên cây mấy nhà hàng xóm xung quanh ngỏng cổ hóng. Có dễ đến cả ngàn người chứ chả ít, không gian ồn ào huyên náo một góc làng.

Dân mình lạ kỳ, từ khi cô Hường hóa quỷ gây họa khắp làng, ngay giữa ban ngày ban mặt hiếm có người nào dám thò mặt đến xóm này, trừ trường hợp bắt buộc. Thế mà hôm nay kéo đến kìn kìn, chỉ vì họ chưa bao giờ được chứng kiến thầy phù thủy bắt ma, đám đàn ông còn chỉ trỏ cười hô hố khoe mấy bộ nhai đen xỉn lẫn vàng khè.

Đúng 12 giờ trưa, cụ Tự áo mão chỉnh tề, tay chuông tay kiếm bước lên đàn

Cụ thắp 7 nén nhang cầm trên tay ngửa mặt lên trời lầm rầm khấn khứa, xong cụ quay người vái đủ tứ phương rồi trịnh trọng cắm mớ hương ấy vào lư để trên bàn và chắp hai tay vái thêm 3 lần nữa. Sau đấy cụ tay múa kiếm, tay lắc chuông hết chỉ Đông lại chỉ Tây, vừa chầm chậm di chuyển vừa lầm rầm cái gì đó trong miệng, cứ mỗi lần chỉ kiếm về một hướng là cụ lại lắc chuông ting-tong, tingtong.

Chán múa thì cụ lại ngồi phệt xuống cái bồ đoàn bằng cói đặt trước đàn, cụ bỏ cả chuông lẫn kiếm xuống rồi cầm dùi gõ mõ lốc ca lốc cốc và thì thầm, lẩm bẩm, xì xụt như mấy bà vãi trong chùa. Ngồi mỏi cụ lại đứng dậy cầm mấy lá phù dí vào lửa nến rồi vẩy vẩy xung quanh, tất nhiên miệng vẫn niệm chú.

Cứ làm đi làm lại mấy vòng kiếm, mõ với phù như thế thì cụ dừng lại ngửa mặt lên trời, hai tay giơ ngang, lòng bàn tay xòe ngửa rồi từ từ chắp lại, cứ như thế cụ vái luôn 7 nhát. Vái xong cụ đổ 3 đĩa muối và 3 đĩa gạo vào 1 cái mâm đồng, trộn đều với nhau rồi ném tung tóe khắp nơi. Hết gạo hết muối cụ lại chắp tay vái tứ phía rồi mở miệng nói đúng 2 từ: Xong rồi!

Đám đông hiếu kỳ “Ồ” lên rõ to, từ khi thầy áo máo chỉnh tề lên đàn, tới khi kết thúc chỉ chừng non 1 giờ đồng hồ, múa vài nhát kiếm, gõ mấy tiếng chuông, thế mà đã “xong rồi”. Xem ra ma cô Hường với cái lũ quan ôn quỷ sứ cũng chả có gì làm ghê gớm lắm, mới làm phép có tí đã bắt trọn cả đàn.

Từ trên cây thị nhà bên có tiếng đàn ông ồm ồm:

- Ồi dồi …. tưởng bắt ma khó thế nào … chứ dễ như cúng ông công ông táo thế này thì mỗi ngày tôi chẳng bắt cả thúng.

Nói dứt mồm là một tiếng “huỵch”, gã đó nhảy từ chạc 3 cây thị xuống phủi đít ra về. Dân làng được thể cười ầm lên, họ chỉ trỏ cụ Tự và chế nhạo, dè bỉu, cứ như là ông em mướn nhầm người vậy, vừa cười vừa nói họ lục tục ra về.

Trong vòng tròn, cụ Tự cứ điềm nhiên thu dọn đồ nghề bày ra trên đàn, mặc kệ ngàn lời đàm tiếu của đám đông, mấy ông chú bà thím nhà em cũng thất vọng ra mặt, tưởng bắt ma hấp dẫn thế nào chứ. Ông nội em thấy mọi người về hết thì sai các thím thu dọn đồ lễ rồi sắp cơm để đại gia đình cùng cụ Tự ăn trưa, chừng một lúc sau bốn phía lại quay về với sự tĩnh lặng như bao ngày.

Cơm nước xong thì cũng ngót 2h chiều, mấy bà thím nhà em tưởng bắt ma xong rồi mới lục tục gánh mạ, gánh phân tính đi cấy tiếp, các ông chú thì muốn về vác cày vác bừa ra đồng. Ông nội em thấy thế quát:

- Từ giờ đến hết đêm nay, tao cấm đứa nào bước ra khỏi cái ngõ này, việc đã xong đâu mà chúng mày bỏ đi như thế hả.

Nghe ông nội em mắng mọi người mới ớ ra

Thế là lại quây vào trong nhà, cụ Tự ngồi tràng kỷ vừa uống trà xỉa răng, vừa lừ đừ đôi mắt hấp háy nhỏ nhẹ dặn dò đám hậu sinh trong xóm.
Chiều tối hôm ấy trời mưa phùn lâm thâm, hoa xoan tim tím rụng rơi lả tả xuống khắp tế đàn, cái tiết tháng Giêng năm nào chẳng thế, cứ là u ám mông lung.

Bên trong vòng tròn cọc tre, cụ Tự đang dùng cái bút lông nhúng vào cái ang chất lỏng sền sệt màu đỏ tươi bốc mùi hôi hám, hăng hắc ngoáy ngoáy những hình thù kỳ cục nửa giống chữ Nho nửa giống giun xuống 4 góc Đông – Tây – Nam – Bắc đàn tràng.

Thực tình gọi cái ý là “bút lông” thì hơi cưỡng ý, vì nó vốn là chiếc chổi đót dùng để quét vôi nhà ông em. Còn cái chất lỏng sền sệt màu đỏ ấy, chính là máu của con chó mực nhà bà Nhu vừa bị cắt tiết ban nãy trộn với phân gà trong chuồng. Cụ Tự vẽ mấy lá phù loằng ngoằng, đốt lên rồi trộn lẫn cùng phân gà, máu chó để ra cái thứ “mực” đặc chủng này.

Trên đàn giờ không còn xôi gà, thủ lợn nữa mà là đủ thứ hầm bà lằng: cờ tam giác, kiếm sắt đen sì, một bình hồ lô ố vàng mở nắp, một chiếc túi gấm to cỡ 2 bàn tay đầy chữ Hán bên ngoài, 1 chiếc chuông bạc có chữ mạ vàng và tất nhiên không thể thiếu mớ phù chú đủ loại, từ ngũ sắc đến trắng trơn, cái dài cái ngắn đủ cả …

Cụ bảo mấy ông chú em vào nhà bê hết mấy hình nhân, hình thú kết bằng cỏ năn ra đàn. Hình thú thì cụ bắt để rải rác trong vòng tròn cọc tre, hai hình người mặt đen thì cụ bẻ gập cái chân, bắt quỳ cạnh đàn, riêng hình nhân hai mẹ con cô Hường thì cụ phiền dựng 1 cái cột cao, buộc dây vào cổ rồi treo lên gần chỗ đặt bồ đoàn cụ ngồi. Sau rốt cụ bảo mấy bà thắp nến gắn lên tất cả những chiếc cọc tre đóng thành hình tròn trước đó.

Bài trí xong xuôi cụ xuống nhà dùng cơm tối với đại gia đình ông em, lúc ăn cơm nét mặt cụ khá nghiêm trang tư lự, như đang cân nhắc điều gì, cả bữa cụ chẳng nói 1 câu, chỉ lẳng lặng ăn 2 bát cơm rồi lên tràng kỷ ngồi uống nước. Cụ nhờ ông em đuổi hết con cháu trong nhà ra ngoài, đóng cửa lại rồi hai người to nhỏ thầm thì với nhau rất lâu, chả biết cụ nói gì với ông em mà sau khi mở cửa ra thì mặt mũi ông em cũng vô cùng khẩn trương và trầm trọng.

Đúng 9h tối, cụ Tự mặc áo dài có hình bát quái âm dương trước bụng

Chít một lá bùa trắng vòng quanh trán, đầu trần xõa tóc, nét mặt nghiêm cẩn, đi chân đất từ nhà ông nội em bước lên tế đàn đặt trong sân nhà cô Hường. Lúc này trời tối đen như mực, mưa phùn lất phất bay, ban thờ cô Hường trong nhà lập lòe ánh đèn dầu, dưới sân tế đàn cũng lập lòe vài ánh nến, ngoài ra còn có một ngọn chủ đăng rất to đốt bằng dầu thơm cháy sáng lung linh, xung quanh nến gắn trên các cọc tre cũng bập bùng chiếu sáng.

Từ già cho chí trẻ trong xóm nhà em tập trung hết trong nhà bà Nhu, mở hai cửa sổ ra hóng lên sân nhà cô Hường.

Cụ Tự lên nhang đèn xong thì hai tay nâng thanh kiếm sắt đen sì có khắc hình 7 ngôi sao phỏng theo Bắc đẩu thất tinh lên ngang người chầm chậm đi quanh đàn, vừa đi cụ vừa xì xầm niệm chú, đi hết một vòng thì cụ quay về đàn lấy cây cờ đen dắt vào đai lưng rồi nhón tay với chiếc hồ lô hớp 1 ngụm. Sau đấy cụ phun lên 2 hình nhân đang treo lòng thòng cách chỗ cụ ngồi chừng 2 sải tay

Cụ đốt mấy lá bùa huơ huơ trước mắt rồi xếp bằng trên bồ đoàn xì xầm trì chú tiếp, thi thoảng lại thấy cụ lắc cái chuông bạc ting-tong. Không khí lúc này vô cùng nặng nề, nhà em giờ thì ai cũng biết đây mới là lúc cụ pháp sư trổ tài bắt ma, mọi người mắt thì dán về phía đàn tràng nhưng không ai dám hé răng nửa lời.

Cụ Tự cứ ngồi xếp bằng niệm chú, lăc chuông như thế cho đến khoảng đầu giờ Tý thì tự dưng chó mèo, gà lợn xóm nhà ông em thay nhau sủa, kêu, gào thét nhặng xị từ đầu ngõ tiến vào. Ai nấy kinh hồn táng đởm vì biết là cô Hường dẫn quan ôn, quỷ sứ về, mọi người hè nhau đóng chặt 2 cửa sổ rồi nằm im không cả dám thở mạnh, chỉ có vài ông đàn ông là còn dám hé mắt nhìn qua khe cửa hóng lên trên.

Chỉ trong giây lát, tiếng móng guốc gõ cồm cộp, tiếng lưỡi cày loẹt xoẹt

Tiếng thở phì phò, tiếng trẻ con khóc oe óe đã tiến đến trước sân nhà ông chú em (nhà bố cô Hường). Đang khi huyên náo như vậy thế mà tự dưng im bặt, cứ như là đám quan ôn, lệ quỷ ấy chợt sững lại vì phát hiện ra có người ngồi giữa cái đàn tràng giữa sân.

Cụ Tự vẫn ngồi yên trên bồ đoàn, tiếng niệm chú của cụ bắt đầu to hơn một chút so với lúc đầu. Nến trên đàn, ngọn chủ đăng, nến gắn tại các cọc bất ngờ như được bơm thêm oxy, tự dưng ngọn lửa phồng to lên 2-3 lần, giữa lúc ấy từ trên ngọn cây sấu phát ra tiếng cười the thé chói tai:

Hé hé hé … chúng mày dám mời pháp sư về … bắt tao ư … ư hư … hé hé hé ….

Rồi cái bóng trắng lượn xuống mờ mờ ảo ảo lướt quanh bên ngoài tế đàn, vừa lướt đi nó vừa ru con eo éo:

- Ả à ời … ả à ơi …

Cụ Tự vẫn điềm tĩnh như không, tiếng niệm chú lại càng lớn hơn, trên bồ đoàn vẫn một dáng ngồi nghiêm cẩn, vững chãi như núi. Bóng trắng kia thấy cụ không suy suyển tinh thần, nó mới lồng lên xỉa xói bằng cái giọng âm u quỷ quái:

… Mày … là ai? … mày … dám lập đàn … bắt tao … cút ngay … tao bóp chết tươi bây giờ …. Hú u uu uuuu …

Người ngồi trên bồ đoàn vẫn không hề suy suyển, chú ngữ vẫn lầm rầm tuôn ra càng lúc càng nhanh.

----------------------

Đọc tiếp PHẦN 11

Đọc trọn bộ: TRUYỆN MA CÓ THẬT: CÔ HƯỜNG 

Bạn nào là tác giả bộ truyện này thì nhắn để ad thêm tên & bản quyền vào nhé

Ma