04/06/2021 11:35 View: 9444

Kinh dị: Nghiệp làm thầy Phù Thuỷ (Phần 2)

Đến đây tôi xin phép được gọi tên của cô hàng nước cho dễ bề thuật lại câu chuyện.

Mẹ và tôi cứ thế chìm đắm trong câu chuyện ma mị của cô Trà, chính bản thân hai mẹ con cũng đang tò mò cực độ về những diễn biến tiếp theo.

nghiep lam thay phu thuy, phan 2, truyen ma

Ánh mắt đỏ rực dưới gốc đa

Dường như nắm bắt được tâm lý của hai người đối diện, cô Trà nhanh chóng kể tiếp.

- Đó là một ngày mà mọi thứ quái dị xảy ra trong cái làng nhỏ bé này lên tới đỉnh điểm, cô con gái diệu của bác trưởng thôn nửa đêm canh ba mò ra gốc đa đầu làng ngồi rên rỉ.

Ông Lục, người xóm giữa, ông này có thói quen đi câu đêm, mà những người có cái thú vui này thì còn sợ gì ma quỷ, nhiều lúc nhắc tới chuyện ma trêu quỷ hờn ông Lục chỉ cười rồi gạt đi và cho đó là mấy điều nhảm nhí. Hôm nay, chẳng khác gì mọi khi, ông Lục sang ao làng Tượng để buông cần.

Ông Lục rảo bước tới đoạn gốc đa đầu làng thì bỗng chân ông nặng như chì, từ phía gốc đa hắt ra ánh mắt đỏ rực đang nhìn về phía ông. Ông thất kinh, miệng ú ớ chẳng nói được lời nào. Bấy lâu nay ông vốn chẳng tin vào thứ ma quỷ, cho tới ngày hôm nay, trong tình huống tiến thoái lưỡng nan này, có nói là không tin thì cũng chẳng thể nào mà đành lòng cho được. Ông Lục cố gắng lết những bước chạy nặng trịch quay ngược về trong làng, phần thì ông la hét um xùm cả một vùng quê tĩnh mịch vốn đã chìm vào màn đêm thăm thẳm.

Thấy tiếng kêu la thất thanh, người này kháo người kia kéo nhau ra ngoài xem sự tình thế nào. Người ta thấy cái dáng vẻ còm nhom của ông Lục đang ba chân bốn cẳng tiến về phía đám đông. Thở không ra hơi, ông Lục cố rằn vài câu lí nhí, gốc đa.. gốc đa... gốc đa có ma. Người làng nhìn nhau, chẳng ai dám nói với ai nửa lời, Vẻ mặt của mấy mươi người lúc bây giờ đều hiện rõ sự ngờ vực. A Tuân, người nổi tiếng gan dạ trong làng đề nghị dẫn đầu một vài thanh niên trai tráng ra xem sự tình.

Vẻ mặt cô Trà lúc này vẫn tỏ rõ sự kinh hãi, có lẽ ngày hôm đó cô cũng là người chứng kiến phần nào sự việc xảy ra. Cô ấp úng,

- Ấy thế..ấy thế mà cũng chả ăn thua, mấy người thanh niên chưa đi tới gốc đa thì đã nghe tiếng cười khanh khách vọng lại như từ âm ti địa ngục. Trong cái khói sương mờ đục dưới ánh trăng vành vạnh, họ thấy dáng dấp của một cô gái đang ngồi gục dưới gốc đa, hai tay buông thõng.

A Tuân đánh tiếng để mọi người tiến lại gần hơn, nhưng khung khảnh quái dị trước mắt đang khiến cho những con người tưởng chừng như gan hùm dạ hổ cũng phải chùn chân. Trong cái lúc tình thế được coi là "âm thịnh dương suy" đó, ngay cả một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể làm con người ta hồn bay phách lạc.

Có kẻ đã toan tính quay đầu bỏ chạy. Nhưng chưa kịp quay người lại thì có bàn tay sần sùi thô ráp đặt lên vai của kẻ đứng ngoài cùng.

Tên này kinh hãi, người run lẩy bẩy, ánh mắt từ từ quay lại phía sau...

Đôi bàn tay thô kệch ấy vô tình khiến cho gã thanh niên trở nên hoảng loạn, giữa tiết trời đông lạnh đến thấu xương thấu thịt mà mồ hôi trên người gã đổ ra như tắm, khuôn mặt tái nhợt đi vì sợ. Ánh mắt hắn từ từ bắt trọn được hình thù phía sau mình. Lúc này, ba hồn bảy vía của gã thanh niên như vừa trở về từ cõi âm ty tào địa.

Nhưng người này là ai, sao vẻ mặt của ông ta bình tĩnh một cách lạ thường như vậy. A Tuân nghe thấy có động liền quay lại phía sau, vốn tính tình cũng hay lân la đầu thôn cuối xóm nên a cũng chẳng còn lạ gì người đàn ông kỳ bí kia, đó là thầy Hữu. A Tuân toan lên tiếng thì thầy Hữu ra dấu để mọi người giữ yên lặng.

Tiếp đó, thầy Hữu từ trong tay nải đã đeo sẵn trên vai lấy ra một chiếc chuông đồng. Đoạn vừa lắc chuông thầy Hữu vừa từ từ tiến lại phía gốc đa, cảnh vật lúc này tựa hồ như tào phủ. Phía sau, mấy người thanh niên vừa kinh sợ vừa tò mò muốn biết thầy Hữu định làm gì. Thoạt khung cảnh phía trước như dần thay đổi, cô gái từ từ đứng dậy, đầu nghẹo hẳn sang một bên.

Tiếng cười khanh khách khi nãy hình như đã dừng hẳn...

Thay vào đó là những tiếng thầm thì khi được khi mất. Tuy vậy, nếu tập trung nghe một cách kỹ càng thì người ta vẫn có thể phần nào lập lờ nghe được ba tiếng “đừng lại đây”. Về phần thầy Hữu, lúc này ông đã mặt đối mặt với cô gái kia, miệng ông liên tục lẩm bẩm thứ tiếng gì đó rất kỳ lạ.

Không gian yên ắng dần bị phá tan bằng từng đợt gió rít liên hồi, a Tuân và mấy người thanh niên đều nghe rõ mồn một tiếng vó ngựa vọng lại từ phía đồi cát, hình như nó đang tiến về phía này. Lúc đó, một giọng nói đàn ông vang lên dõng dạc, hình như đó là tiếng của thầy Hữu, người đàn ông tuổi đã lục tuần mà giọng nói vẫn đanh thép như vậy thì quả thật là điều phi thường.

-  Ngạ quỷ phương nào sao dám đến đây gây nghiệp, còn không mau trả thân xác lại cho nữ này.

Thì ra, đó không phải là một hồn ma bóng quế hiện về dương gian như mấy thanh niên đoán già đoán non. Bởi vậy, họ mới có chút dũng khí để tiến lại gần hơn hòng quan sát sự tình.

Tiếp đó thầy Hữu lại lấy ra một thứ trông như cây kỳ lệnh, ông chỉ thẳng về phía cô gái quát lớn hơn

- Ác nghiệp chưa thấy quyền ta nên còn chưa sợ phỏng ?

Lúc này mới cô gái bỗng quỳ rạp xuống, hai tay ngoặt ra phía sau lưng như có người trói lại. Thoạt nhìn lờ mờ như có bóng ai đó đứng ngay phía sau cô ta. Thầy Hữu gằn giọng hỏi:

- Đã biết ta là ai rồi thì mau nói, bằng không ta cho binh dẫn xuống địa phủ để tào quan hỏi tội.

Bấy giờ từ phía cô gái mới phát ra giọng nói hục hặc như của đàn ông,

- Ta là Mã Chính, người huyện Thiểm Tây, xưa từng sang đây đánh đồn binh của nhà Lê từ thời Thanh Cao Tông tức Càn Long Đế. Ngự tại gốc đa này đã nhiều năm, cô gái này vốn hợp mạng hợp số với ta, ta muốn đưa cô ấy về làm thê thiếp.

Thầy Hữu lúc đó lấy ra một đạo bùa vứt xuống đất

vừa chạm đất thì đạo bùa đột nhiên bốc lửa cháy phừng phừng.

Thầy Hữu tiếp lời,

- Nam Bắc vốn đã phân chia rõ ràng từ lâu, thời Hậu Lê và Càn Long Đế cũng đã đi qua hơn 200 năm, hà cớ chi người còn lưu lạc chốn nhân gian này. Đã thế còn muốn tác hại tới dân nước Nam.Lúc này ánh mắt của cô gái đó, đúng hơn là ánh mắt của vong linh trong thể xác cô gái đang hướng thẳng về phía thầy Hữu mà rằng,

- Kẻ phàm tục như người đừng có xen vào luôn hồi nhân thế, cha của cô gái này xưa kia định dọn gốc đa nơi ta ngự để cất dựng nhà cửa, nay con gái hắn phải trả giá là điều đúng thôi.

Nghe đến đây, a Tuân nhận ra ngay đó là câu chuyện của 10 năm về trước khi bác trưởng thôn cho người hạ gốc đa để xây nhà văn hóa. Ngày đó bằng cách nào cũng không thể đốn được cây đa đó xuống nên người ta đành di dười địa điểm xây dựng nhà văn hóa sang bên cạnh. Nếu đúng như vậy thì cô gái kia chẳng ai khác chính là Huệ, cô con gái đầu lòng của bác trưởng thôn.

Thầy Hữu phần cũng biết tên này đã thành tinh, nếu như hắn là tướng quân mà tử trận tại đây thì ắt hẳn xung quanh hắn cũng chẳng ít ma quỷ là binh tốt của y. Nếu như trừ khử y đi thì liệu có chắc những tên quỷ lâu la khác có để yên cho cái thôn nhỏ bé này không. Ấy vậy, thầy mới thử ý định thương lượng với y, chờ dịp có cơ hội sẽ bắt cả mẻ lưới lớn, trừ họa cho dân.

- Nếu ngươi chịu trả lại thân xác cho cô gái này, ta sẽ cho người dựng am thờ ngươi ở dưới gốc đa này, phần lại cho ngươi thêm hình nhân để hầu hạ khi cần, bằng không đừng trách ta vô tình.

Vừa dứt lời, thầy Hữu vứt thêm một lá bùa nữa xuống đất. Là bùa lần này vừa gặp đất cũng phát hỏa ngay, nhưng là ngọn lửa màu xanh khác lạ, quả thật là ảo bí vô cùng.

Cô gái bỗng chốc đổ gục ra phía sau, mấy người thanh niên vẫn ú ớ chưa hiểu rõ sự tình thì trong gió có tiếng nói vọng về:

“Nếu ngày mai không dựng xong am cho ta thì ta sẽ còn quay lại, mấy thứ bùa chú của ngươi chẳng đủ để làm hại ta đâu”. Thầy Hữu lập tức đỡ cô gái dậy và lên tiếng nhờ a Tuân cùng mấy người đưa cô trở về làng, phần ông vẫn cố nán lại gốc đa làm gì đó mà chẳng ai có thể biết...

Sau này, chính thầy Hữu đã kể lại cho tôi. Lúc ấy, thầy Hữu quả thật là đã quá khinh địch, quỷ vong kia đã tu luyện thành tinh. 200 năm là quãng thời gian không hề ngắn nếu không muốn nói là quá đủ để một vong trở thành ngạ quỷ. Hóa ra ban đầu hắn chịu trói dưới binh của thầy cũng là để thăm dò bản lãnh của thầy Hữu tới đâu mà thôi.

------------------------------

Xem tiếp phần 3: Lập đàn giải nghiệp

Đọc trọn bộ truyện: NGHIỆP LÀM THẦY PHÙ THUỶ

Quang Nguyễn

Tamlinh.org

Ma